Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Hán văn (HT. Thích Minh Châu) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Hán văn (HT. Thích Minh Châu)

Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Hán văn

Thích Minh Châu

Chúng ta có thể nói rằng, một người Á Đông, một người dân Việt Nam không thể không có hiếu với cha mẹ. Lòng biết ơn cha mẹ đã trở thành tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của những người Đông phương; và khi lọt lòng ra chào đời, đứa con như đã thâm cảm được tất cả ân đức sâu dày của cha mẹ đã tác thành và đã thương yêu mình. Một người Việt Nam không ghi ơn và trả ơn cha mẹ không còn là một người Việt nữa, vì người ấy đã tự mình bới gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Việt Nam, tự mình phá hủy những gì cao đẹp nhất của tinh thần dân tộc.

Tinh hoa và tinh thần cao đẹp ấy của người dân Việt, không phải chính tự nhiên mà có, mà chính là nhờ ảnh hưởng của cả một nền giáo dục, một tổ chức văn hóa từ ngàn xưa để lại, xứng hợp với bản tính, với phong tục của người Á Đông, của dân tộc Việt Nam; và nhờ vậy mà truyền thống từ đời này qua đời khác vẫn được mật thiết duy trì phát triển. Trong tất cả ảnh hưởng, lớn nhất là ảnh hưởng của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục được truyền vào nước Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ I, và được đi sâu vào tầng lớp quần chúng và mãi được duy trì, qua các thời đại; cho đến ngày nay vẫn được đa số dân chúng tôn thờ quy ngưỡng. Chúng ta hãy tìm ở đây quan điểm đạo Phật đối với chữ Hiếu như thế nào, và những lời Phật dạy đã có ảnh hưởng gì đối với dân tộc Việt Nam.

Trước hết, đạo Phật nêu rõ công ơn của cha mẹ đối với con cái, công ơn sâu dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với lý tương quan tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, đức Phật đã trình bày rõ ràng luật tương quan sinh tồn của con người; và người con được sống ra ở đời được thành người là toàn nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha trải biết bao nhiêu năm tháng. Hãy kính thành dọc lên những câu Kinh thấm nhuần đạo Hiếu của người con đã nhớ đến nỗi đau khổ của người mẹ trong khi thai sản :

"Ở đời mẹ hiền chịu thai con

Mười tháng cưu mang luôn chịu khổ

Với năm dục lạc, tình không đắm

Tùy thời ăn uống cũng chung đồng

Ngày đêm canh cánh lòng thương xót

Đi đứng nằm ngồi chịu khổ đau

Đến thời mãn nguyệt sinh con dại

Đau tựa dao gươm cát ruột gan

Mê mẩn đông tây không phân biệt

Khắp thân đau đớn khó nhẫn kham..."

(Kinh Tâm Địa Quán)

Và những người dân quê trong những phút chạnh lòng nhớ tưởng đến mẹ cha, hát lên câu ca dao:

"Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Có lẽ, người dân quê mộc mạc ấy đã được nghe một vị Tổ sư nào xa xưa dạy cho câu Kinh này trong Tâm Địa Quán :

“Cha lành ơn cao như non Thái

Mẹ hiền ân sâu như biển cả

Nếu ta ở đời trong một kiếp

Nói ân mẹ hiền không thể hết".

Có người tự cho mình là văn minh dám nói rằng: “Cha mẹ không có ân gì với con cả, chỉ vì muôn thỏa mãn một chút dục tình mà chẳng may sinh con, nay nuôi nấng, chịu cực khổ vì con là phải lắm”. Nhưng đã sinh ra làm con người, ai lại khỏi có dục tình. Vì còn phải sống trong dục giới nên mới lập gia đình, mới sinh con đẻ cái, mới tác thành con người, nào có gì là vượt khỏi địa giới con người đâu? Nhưng cha mẹ một khi sinh con, không có một cha mẹ nào lại không hy sinh cho con, và vui lòng chịu cực khổ vì con. Những cha mẹ chịu chết vì con thì nhiều, những người con chịu chết vì cha mẹ hiếm lắm. Như vậy làm sao dám tính toán so lường ân cao nghĩa trọng của mẹ cha.

Hãy đọc hai đoạn Kinh sau này để thành kính nghiêng mình trước hình ảnh hai bậc ân nhân cao: “Cha mẹ đối với con, ân đức cao nặng sâu dày: ân đức sản sinh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhãng nhớ con thương con như ảnh theo hình”.

(Kinh Bổn Sự)

Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như bể rộng, không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ lành, ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói sáng, mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặng; mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ, mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám”.

(Kinh Tâm Địa Quán)

Tình tương thân tương ái giữa cha mẹ và con cái ấy sở dĩ mặn nồng và mãnh liệt, cũng nhờ đạo lý đồng thể Đại Bi của đạo Phật khai sáng một phần nào. Người mẹ trong khi ôm ấp đứa con, đã nhận chân được máu thịt của con chính là máu thịt của mình, thân xác của con chính là thân xác của mình. Vì vậy cho nên, người mẹ là người đã khổ với nỗi khổ của con, đã vui sướng với nỗi vui sướng của người con. Lòng hy sinh không bờ bến bắt nguồn từ tâm Đại Bi của các vị Bồ-tát đã nguyện trọn đời cứu độ cho chúng sinh, chung vui chịu khổ với chúng sinh, thể nhập vào thân xác của từng chúng sinh, để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh. Và Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, bà mẹ của những bà mẹ, đã được toàn thể chúng sinh tôn xưng là bậc Từ Mẫu ngàn đời của những người con xoay vần trong biển sinh tử đau khổ.

Người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là những người mẹ bất diệt trên lịch sử hùng cường của nòi giống Việt Nam. Trong lúc nước nhà điêu linh, gia đình tan nát, những bà mẹ không những tự tay phải lo sự sống cho toàn thể gia đình, mà còn trút tất cả tình thương yêu của bà mẹ cho những người con phải sống xa gia đình, xa nhà, tản mát trên trận địa để chông giữ bờ cõi nước nhà. Một người mẹ được tin con bị đạn từ trần, đã ngã nhào bất tỉnh. Viên đạn trong khi kết liễu đời sống của người con và ghi tên người con trên bảng vàng danh dự của những người chiến sĩ đất Việt cũng đã kết liễu luôn đời sống của người mẹ và ghi tên người mẹ trên bảng vàng danh dự của những bà mẹ Việt Nam. Cứ mỗi tin một người con bỏ mình trong chiến tranh cũng làm trào động bể nước mắt đau khổ của bao bà mẹ. Nếu “nước mắt của chúng sinh tràn đầy bốn bể đại dương” như lời Phật dạy, thời ba phần nước mắt ấy phải để dành riêng cho tình thương của những bà mẹ hiền. Chúng tôi đã từng thấy những bà mẹ lên chùa khẩn cầu chư Phật gia hộ cho con mình được mọi điều an lành trong khi xa vắng. Nhìn cử chỉ chí thành chí kính, nghe tiếng khấn vái thiết tha não ruột, lòng người con Phật sao khỏi cảm động bồi hồi. Trong khi mình không được ở bên con để lo miếng cơm manh áo, để kết khuy nút cho con, để kéo mền đắp cho con trong cơn mưa lạnh, để che chở cho con khỏi bị các tai nạn nguy hiểm, những bà mẹ Việt Nam lên chùa khẩn cầu các đức Phật, bà mẹ của những bà mẹ, thành kính gửi tình thương của chính tự lòng mình, nhờ chư Phật chuyển đạt lòng thương ấy đến bên người con, âu yếm che chở cho con. Những lời khẩn cầu nồng nàn chí thiết của ngàn vạn bà mẹ Việt Nam đã làm tỏa rộng làn sóng tình thương, lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Và những người con trong khi xa nhà, vắng bóng mẹ hiền, cũng cảm thấy lòng mình được sưởi ấm, lòng thương mẹ, thương nước dạt dào thêm. Chúng ta có thể nói: “Chỉ có những bà mẹ mới hiểu được tình thương của những bà mẹ. Chỉ có các vị Bồ-tát mới hiểu được tình thương của những bà mẹ Việt Nam”.

Một lần nữa, chúng ta hãy thành kinh nghe lời tán thán của đức Phật đối với những bà mẹ hiền:

"Quả đất ở đời gọi là nặng

Mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều.

Tu-di người đời gọi là cao

Mẹ hiền ân cao quá hơn nhiều.

Gió lốc ở đời gọi là mau

Nhất niệm mẹ hiền mau hơn nhiều”.

(Kinh Tâm Địa Quán)

Nếu bà mẹ là cả một tình thương bộc lộ mãnh liệt, say đắm, thời người cha Việt Nam thương con lại kín đáo, mãnh liệt, và sáng suốt hơn. Một người bạn đã đến nói với chúng tôi: “Mãi khi hơn hai mươi tuổi tôi mới biết cha tôi thương tôi”. Quen sống với đời sống bên trong, và tự nhận thiên trách của mình khác hẳn với bà mẹ, người cha chú trọng nhiều đến sự giáo dục và tác thành cho con, muốn con trở thành những người con lý tưởng của mình, nối nghiệp cho cả giòng giống tổ tiên của mình. Lòng thương can đảm và bình tĩnh ấy khiến người con nông nổi khó chịu thật, nhưng chính là cả một sức mạnh khiến các người con sống đúng với tinh thần gia tộc, xứng đáng là một người con lý tưởng cho gia đình, cho nước nhà. Một người con đến xin phép cha cho ra trận, người cha nói tự nhiên: “Ừ, thôi con đi, gắng sao cho xứng dáng nước non nhà”. Một tin đưa từ mặt trận về: “Người con đã từ trần”, người cha buông thõng một câu: “Thôi, chết vinh còn hơn sống nhục. Con mình xử sự đúng với tinh thần của gia đình, của Tổ quốc là đủ”. Rồi mặc cho vợ con khóc lóc, người cha thản nhiên châm thuốc hút. Nói rằng người cha không biết đau vì con là không hiểu một chút nào tâm trạng của người cha, đã phải nuổt giận chịu đắng, để đủ sáng suốt, đủ can đảm mà nắm cương lãnh gia đình, để đào tạo những người con lý tưởng cho đất Việt. Người cha Việt Nam thản nhiên, lãnh đạm, nhưng cương quyết ấy đã sống đúng với tinh thần Á Đông, kín đáo, trọng lý trí, trọng lý tưởng và quên mình nghĩ đến gia tộc, nghĩ đến Tổ quốc, nghĩ đến nhân loại. Chính tình thương sáng suổt và kín đáo ấy đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân tượng trưng một cách thiết thực và toàn cõi Á Đông đều thành kính tôn xưng Ngài là đấng Từ Phụ của muôn loài.

Đối với tình thương cao cả và mãnh liệt của những bậc cha mẹ như vậy, đạo Phật luôn luôn nhắc nhủ các người con phải biết ơn và nhớ ơn. Kinh Đại Tập dạy rằng: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương đã từng nói: “Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có Hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh”. Với hai lời dạy trên, đức Phật tôn trọng cha mẹ đến bậc nào, và chúng ta thấy hiếu hạnh là một trong những hạnh cần thiết nhất của người Phật tử. Chính đức Phật luôn luôn nhắc nhở công ơn của cha mẹ Ngài: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ Ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ”. (Phân Biệt Kinh) - “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ; do công đức như vậy, nên lên các tầng trời thì làm vị Thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền Ngu). Công đức hiếu hạnh thật không thể nghĩ lường và muốn thành tựu tư cách của con người trên đường đời cũng như trên đường đạo không thể không nghĩ đến hạnh báo Hiếu.

Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”. (Kinh Nhẫn Nhục) - “Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng”. (Kinh Tập Bảo Tạng).

Công đức báo hiếu đã được đức Phật luôn luôn tán thán, và đạo làm con không thể nào không nghĩ đến sự hiếu dưỡng mẹ cha, nên cách báo hiếu thiết thực chân chính, được đức Phật chỉ dạy rất nhiêu và rất tinh tường. Biết ân cha mẹ và muôn báo đáp ân đức cũng chưa đủ. Hệ trọng nhất là cần phải biết cách báo ân chân chính, thiết thực có lợi ích cho cha mẹ và cho tất cả mọi người. Thông thường ở ngoài đời, phần nhiều lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điầu thiếu thốn vê vật chất, luôn luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và xử sự thế nào cho cha mẹ khỏi phải phiền lòng, ở nơi đây, chúng ta để ra ngoài những người con chỉ biết lo tự thân sung sướng mà hắt hủi cha mẹ, ngược đãi cha mẹ, chúng ta cũng để ra ngoài những người con làm ô danh gia tộc bằng những hành vi đê tiện xấu xa, vì những người con này không còn được gọi là một người con nữa và không được gọi là một người dân Việt nữa - vì không một người Việt nào lại không có Hiếu - Chúng ta lấy cách báo ân như vậy cũng tạm gọi là chân chính; và ở đời, sống cam tâm trong cuộc đời giả tạm, đành chịu những nỗi đau khổ: Già, Đau, Sống, Chết đoanh vây, thì không gì quý bằng sự phụng dưỡng cha mẹ và sống cuộc đời thanh bạch đạo đức làm hiển danh cha mẹ. Và đức Phật cũng đã từng khuyên những người con hãy: “Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc phải trình trước cha mẹ rõ...” (Kinh Trường A Hàm).

Nhưng mục đích đạo Phật là giải thoát con người khỏi những nỗi đau khổ căn bản của cuộc đời là Sinh, Lão, Bệnh, Tử; thời đối với những người con chí thành chí hiếu, đức Phật dạy rằng bổn phận của người con là phải làm thế nào cứu độ cha mẹ thoát khỏi những nỗi khổ cội rễ của con người. Và chỉ có vậy mới thiết thực báo ân cha mẹ.

Kinh Hiếu Tử nói rằng: “Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành bỏ việc ác”. - Ở đời gọi là hiếu phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành. - “Nếu không thể cải hóa cha mẹ, phụng trì Tam Bảo; thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ, cũng gọi là bất hiếu”. Đức Phật lại dạy thêm: “Làm con phụng dưỡng cha mẹ, dùng trăm vị cam lồ dâng cúng cha mẹ, dùng thiên nhạc vi diệu làm vui lòng cha mẹ, dùng sắc phục tôn quý nhất chói sáng thân cha mẹ, hai vai tự cõng cha mẹ đi cùng khắp bốn biển, trọn đời đáp ân nuôi dưỡng cha mẹ, như vậy chưa gọi là Hiếu. Cha mẹ ngu si không kính thờ Tam Bảo, hung ngược dâm dật, ngụy biện trái đạo... người con phải hết sức cản ngăn, mới gọi là Hiếu”. (Kinh Hiếu Tử)... “Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả v.v... cha mẹ chưa tin, khuyên cha mẹ tin; cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng trưởng, cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên giữ tịnh giới; cha mẹ có lòng xan tham, khuyên làm việc huệ thí; khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ...” (Cảnh Sách).

Và đức Phật so sánh hai cách báo hiếu: “Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phúc trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian giúp cha mẹ hưởng phúc vô tận, vì cha mẹ được sinh Tịnh độ phúc thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu”. (Long Thư Tịnh Độ Văn).

Chúng ta thấy rằng, đức Phật trong khi dạy những người con khuyên cha mẹ phụng thờ Tam Bảo không phải muốn cho mọi người tôn thờ Ngài và đạo của Ngài như nhiều người lầm tưởng; chính đức Phật chỉ muốn khai sáng cho tất cả những bậc cha mẹ, noi theo con đường chân chính sáng suốt, thiết thực dắt dẫn mọi người thoát khỏi những nỗi đau khổ mà thôi. Khi những người con khuyên cha mẹ theo đạo Phật, quy y Tam Bảo là chỉ muốn cha mẹ được sống giác ngộ giải thoát. Sống giác ngộ là nhận sự thật hiển nhiên của sự vật và sống đúng với sự vật ấy, không còn mê mờ mù quáng; sông giải thoát là sông vượt ra khỏi sự trói buộc của dục vọng của sự vật, và được sống tự tại thanh tịnh. Chính chỉ có vậy mới là chân thực báo ân cha mẹ, và chỉ có vậy mới là báo ân chính; ngoài ra đều chỉ là những chữ Hiếu giả tạm. Đối với cha mẹ đã từ trần rồi, người con cần phải làm thế nào? Thông thường chú trọng trong lúc đám hiếu đám tang, kỵ giỗ, tế lễ, làm thế nào cho hương hồn được thỏa mãn và cho miệng thế gian khỏi chê trách là được. Người Việt Nam rất trọng thờ cúng tổ tiên, và không một túp lều tranh nào là không có bàn thờ ông bà. Không có gì làm người Việt Nam tổn thương và đau đớn bằng cấm chỉ không cho thờ cúng tổ tiên. Đối với dân tộc Á Đông, chết rồi không phải là mất hẳn, và các ông bà cha mẹ vẫn sống với con cháu và ủng hộ che chở cho con cháu. Những ngày kỵ giỗ không những để cho con cháu có dịp nhớ tưởng đến ông bà mà thôi, mà cũng là một dịp để nhắc nhở lại tinh thần của gia đình, của gia tộc để khuyến khích con cháu phải làm thế nào sống cho đúng tinh thần ấy. Nhưng mọi sự kính lễ hình như mất hết ý nghĩa thuần túy xưa, và đã biến thành những cử chỉ mê tín dị đoan, làm cho có làm và nhiêu khi gây ra nhiêu tai hại khác nữa.

Đạo Phật với đạo lý Luân hồi trình bày chúng ta rõ rằng là cha mẹ ông bà khi chết đi không phải là mất hẳn, mà chỉ là chuyển nghiệp thác sinh vào một trong sáu cõi phàm mà thôi; và còn ở trong các cõi phàm là còn phải sinh tử luân hồi đau khổ. Vì vậy, các người con chí hiếu và sáng suốt chỉ chú trọng làm thế nào mà chuyển đổi được trọng nghiệp của cha mẹ khỏi đọa lạc trong sáu đường, và nhất là đừng tạo nên nghiệp ác cho cha mẹ. Ví dụ như, khi cha mẹ lâm chung, mà khóc than ảo não, làm cho cha mẹ luyến tiếc không có niệm xả ly, tức là giúp cha mẹ tạo thêm nghiệp đọa lạc trong sáu đường dữ. Lại khi cúng tế mà giết hại các loài súc sinh là tăng thêm nghiệp ác cho cha mẹ và bắt buộc cha mẹ phải đọa lạc. Khi cha mẹ sắp sửa thở hơi cuối cùng, cần nhất phải làm cho cha mẹ thân tâm thanh tịnh, không có sợ hãi, không có mến tiếc cõi đời, chỉ có nhất niệm dứt bỏ tất cả dục vọng, tất cả luyến ái, luôn luôn chí thành hướng niệm chư Phật, cầu vãng sinh lên cõi Tịnh độ là một cõi không còn tham sân si, không còn sinh tử luân hồi. Cần nhất là con cháu trong nhà đứng xung quanh giường, nhất tâm niệm Phật, không khóc than, không kêu gào, chỉ giữ chí thành kính cầu nguyện cho cha mẹ được vãng sinh lên cõi Tịnh độ mà thôi. Đối với những cha mẹ vì tạo những nghiệp quá nặng không thể tự giải thoát được thời các người con có hiếu cần phải luôn luôn hướng niệm đến cha mẹ và cầu sức chú nguyện của thập phương Tăng, dùng đạo lực tu hành mà chuyến nghiệp cho cha mẹ khỏi phải đau khổ luân hồi trong sáu đường dữ. Tóm lại, đạo Phật rất chú trọng đến hai đức tính là Giác ngộ và Giải thoát cho cha mẹ, khi còn cũng như khi mất, bao giờ người con chí hiếu cũng phải nhất tâm nhất niệm chú trọng cho cha mẹ được Giải thoát và Giác ngộ.

Riêng đối với cha mẹ, người con cần phải báo hiếu như trên, nhưng đối với tự thân, người con cần phải xử sự thế nào để đền đáp ân đức sinh thành của cha mẹ? Nhận hiểu đúng với chân tinh thần đạo Phật, những người con Phật sẽ tự thấy con đường tiến thân đúng với nghĩa báo hiếu, nhất là tự mình sống đúng với lời Phật dạy và khuyên mọi người cũng sống đúng theo lời Phật dạy. Một người con cam tâm sống trong đêm tối của mê tín, mê muội, nghĩa là sống trái với tinh thần giác ngộ, tức là khiến cho toàn thể chúng sinh trong đấy có cha mẹ mình chịu ảnh hưởng ngu muội của mình, như vậy tức là bất hiếu. Một người con vui sướng trong sự dục lạc vật chất, tức là đem lửa dục vọng thiêu đốt chúng sinh, trong đấy có cha mẹ của mình; làm cho chúng sinh đau khổ nguy hại, như vậy tức là bất hiếu. Một người con làm cho chúng sinh khác đau khổ, trong đấy có cha mẹ của mình, như vậy là bất hiếu. Cử chỉ xứng hợp với tinh thần báo hiếu chân chính của người Phật tử sống đúng với lời Phật dạy và làm mọi người sống đúng với lời Phật dạy. Ở nơi đây, cần phải hiểu thêm rằng, một người không phải là Phật tử mà mọi cử chỉ đều đúng với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thời người ấy thật chính là một Phật tử chân chính và là một người con chí hiếu. Một người Phật tử mà xử sự trái với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì người ấy không phải là người Phật tử chân chính, và là một người con bất hiếu. Hiểu một cách rộng rãi và giải thoát hơn. Hiếu là gì? Nếu không phải là những hạnh nghiệp diệt trừ những sự sai khác riêng biệt giữa Phật, chúng sinh, giữa cha mẹ, giữa con cái, để thể nhập vào bản thể chung cùng rộng rãi của muôn sự muôn vật. Hiếu hạnh không còn là những chướng ngại ngăn đón sự giải thoát cá nhân hay toàn thể, không còn là những nguyên nhân ích kỷ nhỏ nhen khiến cho mọi gia đình đau khổ để gia đình mình được sung sướng, cũng không còn là những câu chấp lễ nghi phiền phức làm trở ngại những sự phát triển chân chính. Nghĩa chữ Hiếu ở nơi đây không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, gia tộc, xã hội mà mở rộng cùng khắp muôn loài muôn vật trong đại gia đình chúng sinh trong đại gia đình Phật tử.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là gương sáng của hạnh chí hiếu toàn thiện toàn mỹ, và đời Ngài chỉ là phản ánh trung thành của tâm đức đại Hiếu đại Từ.

Ngày còn làm Thái tử, nhận hiểu được con người là phải bị sự đau khổ: Sống, Đau, Già, Chết bức bách, đoanh vây. Ngài nghĩ đến Phụ vương Ngài, nghĩ đến hoàng hậu Ma Gia mẹ ngài cũng phải quay cuồng hụp lặn trong biển đau khổ ấy. Ngài hiểu rằng cha mẹ đau khổ là chúng sinh đau khổ, chúng sinh đau khổ là cha mẹ đau khổ. Lo riêng cứu độ cho cha mẹ, thời sự cứu độ ấy không được rốt ráo; lo riêng cứu độ cho chúng sinh, thời không tròn đạo Hiếu. Ngài lại hiểu thêm rằng nguyên nhân khổ đau là do mê mờ ái dục. Vì mê mờ nên không nhận chân được sự thật, vì ái dục nên say đắm trong cảnh trần lao đau khổ. Chính lòng thương chúng sinh, lòng hiếu cha mẹ thúc đẩy, Ngài từ bỏ tất cả quốc thành thê tử để tìm đạo giải thoát cho cha mẹ, cho muôn loài. Cũng chính lòng thương lòng hiếu ấy là những sức mạnh giúp Ngài trì chí chuyên tâm, tìm đạo, tu khổ hạnh, tu thiền định và thành bậc Chính giác. Thành đạo, giác ngộ được sự thật, Ngài thực hành ngay chí nguyện độ sinh, liền đi giáo hóa cứu khổ cho tất cả chúng sinh, không thể kể xiết. Rồi Ngài về thành Ca-tỳ-la-vệ, thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, lên cung trời Đao lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Ma Gia nghe. Đến khi vua cha lâm bệnh sắp từ trần, Ngài đến bên giường thuyết pháp giảng dạy khiến cho vua Tịnh Phạn khỏi phải đau khổ, buồn rầu, và thác sinh lên cõi Tịnh Cư Thiên. Khi đưa đám vua cha đức Phật cũng một tay bưng quan tài để làm gương cho những người con bất hiếu đời sau, tự thân làm lễ Trà tỳ cho vua cha. Và cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài chỉ một từ tâm vô lượng cứu độ cho toàn thể chúng sinh không một phút giây dừng nghỉ. Cứ mỗi chúng sinh được hóa độ, đức Phật lại được tán dương, quy ngưỡng và vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Gia lại được tôn kính, được danh tiếng thêm lên: Nếu ngày nay hàng vạn ức Phật tử biết cung kính, biết được tên họ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia; hàng vạn ức chúng sinh được giác ngộ giải thoát là toàn nhờ công ơn báo hiếu vẹn toàn của đức Phật, một người con chí hiếu, một bậc cha mẹ đại từ, không thể nghĩ nghi, không thể ước lường, không thể tán dương cho hết lời được.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6345471
Số người trực tuyến: