Nguồn gốc lễ Vu Lan | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Trong tâm thức người Việt, ngày lễ rằm tháng Bẩy, hay còn gọi là lễ Vu Lan, là ngày xá tội vong nhân, ngày thể hiện lòng hiếu hạnh của những người con, những người còn sống với cha mẹ, tổ tiên, và rộng ra là với tất cả những người đã khuất bất kể thân, sơ vì lòng từ mẫn theo lời răn dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ nguồn cội của nghi lễ này và ý nghĩa thực sự của nó mới giúp việc thực hành thêm ý nghĩa và công đức trọn vẹn.

DSC_0162.jpg

Phát khởi lòng hiếu hạnh và thực hành tâm từ bi cứu vớt chúng sinh trong sáu cõi (trời, người, ngạ quỷ, atula, súc sinh, địa ngục) là chủ trương của Phật giáo, mà người khởi xướng không ai khác chính là đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, khi nhắc đến lễ Vu lan những người con Phật luôn nhớ đến đại hạnh hiếu thuận của Tôn giả Mục Kiền Liên.

Trong 10 vị đại đồ đệ của đức Phật Thích Ca, Tôn giả Mục Kiền Liên được tôn xưng là thần thông đệ nhất. Ngài được chính Đức Phật ấn chứng và cho phép sử dụng thần thông trong việc du hóa và hoằng pháp tế độ chúng sinh.

Sách Phật kể rằng, một ngày kia, trong lúc đang dùng thiên nhãn để nhìn vào địa ngục xem các loài quỷ thực hiện hình phạt, Tôn giả Mục Kiền Liên bỗng nhớ tới mẹ. Ngài liền đưa mắt tìm kiếm trong ngục sâu tối nhất thì thấy thân mẫu bị trói treo ngược, thân hình tiều tụy, gầy như bộ xương, mệt và đói lả. Ngài dùng thần thông đưa một bình bát đầy cơm đến dâng mẹ. Nhưng khi bà vừa định ăn thì cơm ấy biến thành than đỏ rực. Tôn giả đau xót rơi lệ, đến bạch xin với Phật để cầu thỉnh đức Thích Ca chỉ bày cho cách giải thoát mẹ. Đức Phật nói với Mục Kiền Liên rằng, tấm lòng hiếu thảo của thầy thật đáng khen, nhưng khi còn sinh tiền, mẹ của thầy không sợ nhân quả, tham sân si đều có đủ, lại còn dối gạt nhiều người. Tội ấy không thể dùng sức của một cá nhân mà cứu được, thầy hãy nương oai thần của chư tăng mà giúp mẹ. Vào ngày lễ tự tứ của chư tăng sau kỳ an cư kiết hạ, hãy thiết lễ cúng dường trai tăng và nhờ vào công hạnh của chư tăng để chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ thầy.

DSC_0025.jpg

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, và nhờ vậy, sau ngày lễ tự tứ năm đó thân mẫu ngài thoát nạn. Cảm ân Phật và thấy diệu dụng từ những lời chỉ bày của Thế Tôn, Tôn giả Mục Kiền Liên khuyết khích người thế gian hằng năm tổ chức lễ Vu lan, báo hiếu với cha mẹ và những người thân thích.

Thời điểm của lễ Vu lan

Theo như lời đức Phật chỉ dạy ngài Mục Kiền Liên, thì thời gian mà Tôn giả Mục Kiền Liên thiết lễ cúng dàng trai tăng và cầu nguyện cho thân mẫu của ngài được giải thoát nhằm vào ngày cuối của kỳ an cư, chính ngày hoặc sau ngày tự tứ của chư tăng.

DSC_0063.jpg

Như đã nói ở trên, việc coi lễ Vu lan là một phần hoặc dung hợp trong nghi thức tự tứ của chư tăng là điều không đúng. Bởi vì, lễ tự tứ có trước lễ Vu lan và là một nghi thức thuần túy hoạt động tôn giáo liên quan đến việc thực hiện, hành trì giới luật do đức Phật chế định. Tự tứ là một quy định bắt buộc trong tăng đoàn, được Phật chế định từ khi Ngài còn tại thế và được chư tăng duy trì cho đến ngày nay. Nghi thức này được thực hiện vào cuối kỳ an cư, ở đó chư tăng tự kiểm điểm những lỗi lầm mình đã phạm phải về thân, khẩu, ý trong thời gian qua hoặc những điều chưa nghiêm chỉnh thực hiện theo Phật chế, sau đó phải ra trước chúng tăng để thành khẩn tác bạch, sám hối và hứa sẽ tinh tấn sửa chữa và không tái phạm. Ngày đó, chư Phật và chúng tăng hoan hỷ, cùng sách tấn lẫn nhau tăng trưởng trên đường đạo.

DSC_0007.jpg

             Chính vì tam nghiệp (thân, khẩu, ý) được thúc liễm, trau dồi và thanh tịnh qua mùa an cư và qua nghi thức tự tứ nên công hạnh và giới đức được tăng trưởng. Đó là năng lực thù thắng để chư tăng có thể chú nguyện cứu vớt chúng sinh. Vì vậy, nếu nương nhờ vào oai đức của chư tăng để chú nguyện cho những người đã quá vàng thì không khi nào hợp thời hơn là cuối kỳ an cư và ngày chư tăng thực hiện nghi thức tự tứ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6289932
Số người trực tuyến: