Phụ nữ và giác ngộ không phân biệt giới tính trong quan kiến Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phụ nữ và giác ngộ không phân biệt giới tính trong quan kiến Kim Cương thừa

(Bát Nhã Phật Mẫu)
Bình đẳng giới và  phong trào giải phóng phụ  nữ, xét ở một mức  độ nào đó, đã được cải thiện ở nhiều nơi trên thế  giới. Thế nhưng,  trong cộng đồng Phật Giáo vẫn tồn tại rất nhiều thành kiến và  sự nghi ngờ đối với khả  năng tu học, thành tựu, đặc biệt là  thành tựu đại giác ngộ  của người nữ. Dường như sự hiện hữu của những nữ nhân kiệt xuất trong lịch sử Phật giáo chưa đủ sức thuyết phục đa số nhân loại tin tưởng vào năng lực của người nữ có thể thực sự thành tựu giác ngộ.
 
Đạo Phật không phân biệt giới tính, giác ngộ không phân biệt giới tính, nhưng sự bám chấp bản năng cố hữu đối với tự ngã và giới tính của bản ngã đã trở thành kiên cố vọng tưởng không thể dễ dàng đổi dời. Vì thế, sự phân biệt đối xử giới tính trong ngay cả cộng đồng Phật giáo nói chung còn hết sức nặng nề. Do sự bám chấp cố hữu vào giới tính của các yếu tố văn hóa, giáo dục, xã hội cùng nhiều nguyên nhân khác, bản thân các nữ hành giả cũng có những nhận thức sai lầm và thiếu tự tin vào chính bản thân, vào chính khả năng, năng lực vốn thực sự hết sức siêu việt của mình.

Trước thực tại  ấy, với mong muốn dẹp tan khối vọng tưởng kiên cố bám chấp vào giới tính, cải đổi cái nhìn thiên lệch và những tác động tiêu cực của xã hội lên người nữ, trang bị cho họ chính kiến và nhận thức đúng đắn để tự giải phóng bản thân, một sự giải phóng chân thật xuất phát từ quan kiến thanh tịnh về chân lý vạn pháp nhằm tiến tới thành tựu đại giải thoát hoàn toàn và rốt ráo, chúng tôi xin được đề cập tới chủ đề đại giác ngộ không phân biệt giới tính, đặc biệt là trong quan kiến của Phật Giáo Kim cương thừa, để thấy được thực tế phụ nữ hoàn toàn có tiềm năng và khả năng thành tựu đại giác ngộ, cũng như giới thiệu những phương cách giúp họ đạt được điều đó. Ngoài ra, trong phạm vi hiểu biết và khả năng khiêm tốn của mình, người viết còn mong muốn được giới thiệu và đề xuất những giải pháp thực tiễn đối với mỗi cá nhân cũng như những giải pháp mang tính xã hội và cộng đồng để góp phần cải thiện, giải quyết thực tại bất bình đẳng này vì lợi ích của hết thảy nữ nhân và chúng sinh không phân biệt.
 
Trong thế giới quan của Đạo Phật, tất thảy vạn loài chúng sinh đều vốn sẵn đủ Phật tính, tất cả mọi người đều có tiềm năng và khả năng chứng đạt giác ngộ dù người đó là ai, thuộc đẳng cấp xã hội nào và dù đó là người nam hay nữ.

Ngay từ thời Đức Phật trụ thế, Ngài đã tuyên bố và ấn chứng quyền được tu tập giáo pháp giải thoát cũng như khả năng tu tập thành tựu giác ngộ tối thượng của người nữ. Sự quyết định và ấn chứng của Đức Phật chính là một bước ngoặt của lịch sử nhân loại, mang lại cho người nữ quyền được tham dự vào Tăng đoàn, quyền được đón nhận giáo lý và tu tập giáo pháp giải thoát, được khai phát trưởng dưỡng những phẩm hạnh cao quý bi- trí- dũng để chứng đạt cảnh giới giác ngộ. Có thể liệt kê một số các hàng nữ hành giả cũng có khả năng vượt bậc, chứng đắc vô sở úy như Tỳ kheo ni Maha Pajapati Gotami, bậc đại trí tuệ đệ nhất Khema, bậc thần thông đệ nhất Uppalavanna, trì luật đệ nhất là Patacara, thuyết pháp đệ nhất là Dhammadinna, tu thiền đệ nhất là Nanada, chuyên cần tinh tấn đệ nhất là Sona, thiên nhãn đệ nhất là Sakula, thắng trí tấn tốc đệ nhất là Bhaddà Kundalakesa…

Như vậy, sự ấn chứng của Đức Phật và những minh chứng thành tựu Phật quả giải thoát của chính các nữ hành giả thời Đức Phật tại thế giúp khẳng định rằng người nữ hoàn toàn không thua kém với người nam về phương diện khả năng và sự thành tựu quả vị giác ngộ tối thượng.

TRÍ TUỆ PHỤ NỮ VÀ NGUYÊN LÝ MẪU TÍNH TRONG KIM CƯƠNG THỪA

(Đức Phật Mẫu Bát Nhã)

Đến đây, một câu hỏi cần được đặt ra: tại sao trên mọi bình diện học thuyết và thực tế cuộc sống, Đạo Phật đều chủ trương không phân biệt giới tính, và với bằng ấy sự ấn chứng của Đức Phật cũng như thực tế lịch sử đã chứng minh rằng người nữ thật sự có khả năng thành tựu và chứng đạt giác ngộ không khác gì người nam, vậy mà hiện thực xã hội ngày nay lại cho thấy các nữ hành giả phần nhiều vẫn còn quá tự ti, không tin vào khả năng thành tựu Phật quả ngay trong thân nữ vốn được coi là bất tịnh và bất tài đến như để trở thành Ma Vương cũng là điều không thể? Nặng nề hơn nữa là phần đông xã hội và nửa kia của thế giới luôn áp đặt lên họ những thành kiến cố hữu, đánh giá thấp và thiếu niềm tin ở người nữ, luôn phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa Tăng và Ni, giữa nam cư sĩ và nữ cư sĩ; hoặc phủ nhận nhiều khả năng nhất định của nữ giới. Nếu được hỏi người nữ có thể chứng đạt đại giác ngộ trong thân nữ hay không, chắc chắn câu trả lời nhận được từ nhiều người sẽ là không hoặc tỏ thái độ nghi ngờ vì cho rằng về mặt lý là có thể nhưng về mặt sự thì không. Hệ quả là nữ giới bị kìm hãm sự phát triển và bị phong tỏa trên con đường tiến tới giác ngộ cứu kính.  

Nguyên nhân  thì rất nhiều, nhưng căn nguyên chính nằm ở sự nhận thức. Phàm phu chúng ta chưa có trí tuệ viên mãn như chư Phật, chư Bồ Tát, nhưng trước hết chúng ta phải có nhận thức đúng đắn khế hợp với chính pháp. Sự phân biệt giới tính sở dĩ tồn tại là do chúng ta còn bám chấp những tà kiến sai lầm. Hoặc có thể nhiều người trong chúng ta mặc dù đã quá quen thuộc với ý niệm Đạo Phật là không phân biệt giới tính và giác ngộ không phân biệt giới tính, nhưng sự hiểu biết ấy có lẽ chưa đủ sâu sắc để cải biến định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta về vấn đề phụ nữ và giác ngộ. Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về trí tuệ phụ nữ trong giáo pháp của Đạo Phật, đặc biệt là trong truyền thống Kim Cương Thừa để có được chính kiến thực sự sâu sắc có công năng đập tan vọng tưởng phân biệt giới tính.

Trong Đạo Phật, nguyên lý mẫu tính nêu biểu cho trí tuệ bản lai. Vì Phật quả là sự viên mãn của trí tuệ bản lai, nên trí tuệ còn được xem như là mẹ của hết thảy chư Phật. Trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Tâm Kinh, Đại Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật chính là biểu tượng của trí tuệ ban sơ đại toàn thiện đại viên mãn này. Trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, sự viên mãn của trí tuệ sâu xa của nguyên lý mẫu tính được gọi là “Thai tạng của chư Như Lai” hay “Mẹ của chư Phật”. Trí tuệ Bát Nhã là tính chất trí tuệ sắc bén với sự xả bỏ bản ngã. Năng lực này của trí tuệ sâu xa là suối nguồn, hay thai tạng nơi chư Phật hiển lộ, và vì thế được gọi là “Thai tạng của chư Phật”. Và trí tuệ ấy được thể hiện bằng hình tượng Bát Nhã Phật Mẫu. Do đó, trong Đạo Phật, trí tuệ phụ nữ chính là trí tuệ tính không siêu việt. Phụ nữ và phương diện nữ tính bên trong mọi chúng sinh bất kể nam hay nữ biểu trưng cho đại trí tuệ siêu việt.

Thông thường, nhiều người quan niệm rằng phụ nữ được liên hệ với tình thương, lòng nhân từ, từ bi chứ không phải trí tuệ, còn người nam mới là đại diện của trí tuệ. Và sự từ bi của người nữ thường được cho là chỉ dừng lại ở lòng tốt, nhân hậu, tử tế, thương người. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do chúng ta không hiểu về những nguyên lý mẫu tính và phụ tính bên trong mọi sinh linh. Thực tế, mỗi hữu tình đều mang trong mình hai nguồn năng lượng mẫu tính và phụ tính. Theo quan điểm Kim cương thừa, mỗi một người nam hay nữ đều sẵn đủ toàn vẹn viên mãn của mẫu tính và phụ tính. Những nguyên lý này là dòng năng lượng chảy trong cơ thể cả nam giới và nữ giới. Khía cạnh năng lượng nam tính chính là tâm đại từ bi vô lượng và năng lượng âm tính chính là đại trí tuệ toàn tri - cội nguồn của vạn pháp. Hai nguyên lý mẫu tính và phụ tính hay đại trí tuệ siêu việt và đại từ bi vô lượng là tương sinh tương hợp và bất khả phân, chính vì thế mà mọi hữu tình đều bình đẳng, vốn sẵn đủ Phật tính và đều có khả năng giác ngộ thành Phật. Nhìn từ bình diện chân lý tuyệt đối, trí tuệ và từ bi hay hai dòng năng lượng phụ tính và mẫu tính là bất khả phân, nhưng một cách tương đối, sự thể hiện ra bên ngoài dưới lăng kính nghiệp báo của chúng sinh chúng ta lại thấy chúng dường như phân chia tách biệt, có nam có nữ. Sự phân biệt giới tính chính từ đây thành lập và giải thích tại sao sự bám chấp này lại kiên cố nặng nề như vậy. Do vô minh và nghiệp lực chi phối nên chúng ta chỉ thấy khía cạnh là nam hoặc là nữ trong mỗi người mà thôi. Bên cạnh đó từ khi sinh ra chúng ta được rèn luyện một cách sai lầm trong cách nhìn nhận sai lầm của nhiều nền giáo dục, văn hóa và tôn giáo, khía cạnh nam tính trong người nữ không được coi trọng và nhìn nhận đúng mức, thậm chí bị xuyên tạc và bị gạt ra khỏi nguồn năng lượng - tiềm năng giác ngộ của chính họ. Vì thế, chúng ta không có khả năng hợp nhất viên mãn những nguồn năng lượng này. Đàn ông cố che giấu khía cạnh nữ tính nơi mình, còn phụ nữ thì lại sợ bộc lộ năng lượng nam tính trong họ. Kết quả là họ luôn cảm thấy cô đơn và thiếu thốn và cần một đối tượng bên ngoài để thỏa mãn sự cô đơn đó. Chính họ đã lãng quên suối nguồn Phật Mẫu tính và Phật Phụ tính trong chính mình. Cứ như thế, họ cứ tìm cầu những giải pháp bên ngoài và càng mãi trôi lăn trong những chướng ngại khổ đau không cùng tận. Trong hoàn cảnh như vậy, người nữ ngày càng trở nên tự ti hơn, ngày càng giới hạn mình vào những thiên kiến hạn hẹp.

Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi rằng chúng ta thực sự  là ai, tại sao chúng ta lại sân giận, ham muốn, khi sân giận ham muốn chúng ta vừa thỏa mãn lại vụt tắt ngay, rồi lại tiếp tục các sân giận, ham muốn khác, tại sao lại cứ mãi lặp đi lặp lại như thế. Ham muốn tiếp tục ham muốn, thôi thúc làm chúng ta khát khao, đau khổ và tuyệt vọng. Cái gì trong nó và cái gì ngoài nó? Đại giác ngộ thành tựu chỉ khi chúng ta có thể hợp nhất được hai dòng năng lượng Phụ tính và Mẫu tính, từ bi và trí tuệ.

VAI TRÒ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤ NỮ VÀ KHẢ NĂNG CHỨNG ĐẠT PHẬT QUẢ TRONG THÂN NỮ THEO THẾ GIỚI QUAN KIM CƯƠNG THỪA

Kim cương thừa cho ta một cái nhìn toàn diện, chi tiết, cụ thể và minh xác về những nguồn năng lượng từ bi và trí tuệ trong bản thân mỗi chúng ta, cách chúng vận hành, trôi chảy, tương tác với nhau như thế nào, làm thế nào để nhận diện được chúng, và cách thức chuyển hóa để đạt được sự cân bằng đại hợp nhất siêu việt hai nguồn năng lượng này. Chính khi đó đại giác ngộ vô thượng được thiết lập. Hết thảy chúng sinh nam nữ không chỉ bình đẳng về Phật tính và còn bình đẳng về cả khả năng chứng đạt Phật quả, nghĩa là không phải người nam có thể thành tựu dễ dàng hơn người nữ, và ngược lại, người nữ khó hoặc thậm chí là không thể viên mãn đạo quả trong hình tướng nữ nhân. Chính vì thế, trong Kim Cương Thừa, phụ nữ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, không thể thiếu và bằng nhiều cách khác nhau nêu biểu cho nguyên lý mẫu tính giác ngộ.

Người nữ được liên hệ với Đất mẹ, với vai trò nền tảng và kho tàng, suối nguồn của cuộc sống, năng lượng, về thể chất và tâm linh của tất cả chúng sinh. Kim cương thừa nhấn mạnh tới nguyên lý Mẫu tính giác ngộ thông qua những hình ảnh Phật mẫu Bát nhã, Phật mẫu Tara, biểu trưng cho cội nguồn của vạn pháp. Cho nên được gọi là mẹ của hết thảy chư Phật. Đặc trưng của nguyên lý Mẫu tính là năng lực hàm chứa, sản sinh và sáng tạo. Phật mẫu không phải là một ý chí sáng tạo ra quy luật và thế giới mà chính là bản thể của thế giới.

Trong Kim Cương thừa, tầm quan trọng và năng lực giác ngộ của người nữ được thể hiện thông qua các Thangka, Mandala, các biểu tượng và pháp khí. Hình ảnh Kim Cương Thánh Mẫu, Dakini trong tư thế vũ điệu thắng lạc hoặc an tọa trong tư thế thiền định với khế ấn đặc trưng, trang hoàng bằng những bảo man quý báu, những mảnh xương và vương miện bằng xương hoặc bằng hoa. Điều này khẳng định chắc chắn khả năng đạt được giác ngộ quả tức thân thành Phật ngay trong một đời của người nữ là điều có thể.

Trong Mật điển tán thán tầm quan trọng và khả năng thiền  định của nữ giới, như các bậc Yogini, Dakini, hay những bậc Trì Minh. Yogini nghĩa là hành giả nữ thực hành yoga, người nữ với năng lực thần thông hay Bản Tôn Thánh Mẫu. Dakini vượt trên nhận thức thông thường, đó là những “Không Hành Mẫu”, các ngài du hí tự tại trong tự tính pháp giới. Các ngài còn là bậc trì giữ trí tuệ, hiện thân của đức Phật mẫu Bát nhã, mẹ của chư Phật.

Những Dakini Trí Tuệ là những bậc đã giác ngộ như Vajra Yogini, họ cũng được miêu tả như là các Phật Mẫu Minh Phi của các bậc Hoạt Phật hay các bậc Bồ Tát. Dakini là một nguồn gốc của quy y. Bên cạnh việc quy y Tam Bảo, chúng ta cũng quy y tam Căn Bản (Guru, Yidam và Dakini – Thượng Sư, Bản Tôn và Không Hành); Dakini đại diện cho cội nguồn của các công hạnh giác ngộ bởi vì Dakini là năng lượng giác ngộ mẫu tính nêu biểu cho trí tuệ bản lai.

Dakini được gắn liền với hư không và có khả  năng sản sinh vô số tiềm năng của những công hạnh giác ngộ mà có thể chia thành bốn: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Hàng phục. Dakini cũng là những hiện thân của sự hợp nhất tính không và trí tuệ. Và sự hợp nhất này là siêu việt vô song. Đây là cảnh giới của sự tỉnh thức được kiểm soát, vững chắc và hoàn toàn tự do. Mọi người đều có khả năng và tiềm năng để chứng ngộ tự tính Dakini trí tuệ cho chính mình bất kể bạn là nam hay nữ.

Điều này có nghĩa là không có sự phân biệt giới tính, bất kể người nào cũng có phẩm chất của một Dakini trí tuệ hay năng lượng giác ngộ mẫu tính. Mặt khác lòng bi mẫn lại liên quan đến năng lượng Phụ tính và khi cả trí tuệ và lòng bi mẫn được trải rộng đến hoàn hảo, chúng ta đạt được giác ngộ và trở thành Phật. Dakini - những bản tôn hóa thần đại diện cho trí tuệ vĩ đại và nam hóa thần đại diện cho lòng đại bi.

Ngoài những biểu tượng giác ngộ trên, tầm quan trọng của người nữ còn được thể hiện thông qua việc trì giới trong Kim Cương thừa. Giới nguyện Samaya có tầm quan trọng trong Phật Giáo Kim Cương thừa, được các hành giả trì giữ nghiêm mật trên đạo lộ tu tập của mình. Có 14 đọa lạc căn bản, nếu hành giả phạm sẽ làm phá vỡ lời thệ nguyện trì giữ Samaya. Căn bản đọa thứ 14 nói rằng: Nếu miệt thị và coi thường người nữ thì có nghĩa hành giả đã phạm giới nguyện Samaya. Một khi còn những thái độ miệt thị như coi phụ nữ không có năng lực và khả năng tâm linh cũng tức là đã phạm vào giới nguyện Samaya. Nếu hành giả chỉ cần có một ý niệm không muốn giúp đỡ một người nữ cũng đã làm phá bể giới Samaya, còn trong trường hợp, nếu hành giả coi một nữ huynh đệ kim cương là kẻ thù thì đó là sự phá bể giới nguyện cao nhất.

Như vậy, ta thấy Kim Cương thừa chống lại mọi quan điểm phân biệt giới, mang lại một sự bình đẳng lớn lao cho người nữ và đặc biệt đề cao, coi trọng địa vị và tầm quan trọng của người nữ trong việc hành trì tu tập Mật giáo, bởi Kim Cương thừa dựa vào một nguyên lý vô cùng xác đáng: nguyên lý nữ tính nêu biểu cho trí tuệ tính không. Nói cách khác, người phụ nữ hiển diện một cách trực tiếp trong mục đích và lý tưởng của đạo Phật, bởi vậy miệt thị phụ nữ cũng chính là miệt thị đạo Phật. Sự miệt thị như vậy là một chướng ngại cho sự tu tập giác ngộ của cả nam và nữ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NỮ HÀNH GIẢ THÀNH TỰU GIÁC NGỘ TRONG KIM CƯƠNG THỪA?

Quay trở về với thực tế cuộc sống, rất nhiều người cho rằng phụ nữ không thể chứng đạt giác ngộ vì lý do thể chất yếu đuối, tâm sinh lý và nghiệp chướng nặng nề. Xét ở một chừng mực nào đó, sự thực là bản thân phụ nữ có rất nhiều thiếu sót và hạn chế. Về thể chất, phụ nữ không mạnh mẽ như nam giới, hơn nữa còn phải chịu ảnh hưởng tác động tiêu cực của thân thể vật lý mà điển hình là với chu kỳ hàng tháng. Ngoài ra, phụ nữ thường có thiên hướng dễ bị tình cảm chi phối nên khó kiểm soát được cảm xúc trong khi tu tập. Với thiên chức làm mẹ, phụ nữ thường hướng nội vì phải chăm sóc gia đình, con cái. Vì hầu hết thời gian, tâm trí và sức lực dành cả cho gia đình nên thật không dễ dàng để họ có thể dâng hiến trọn vẹn cho sự tu tập và giải thoát.

Bên cạnh những trở ngại đến từ bên trong, người phụ nữ còn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại đến từ phía xã hội. Do nền giáo dục dựa trên sự phân biệt giới tính mang tính cố hữu, ngay từ thuở nhỏ, thay vì được giáo dưỡng và phát triển các phương diện mẫu tính và phụ tính giác ngộ trong mình, các bé gái được dạy dỗ từ thái độ, nhận thức cho đến những hành vi ứng xử bên ngoài như đi đứng, nằm ngồi, ăn mặc, v.v… theo cách mà xã hội áp đặt cho rằng một người nữ cần phải như vậy. Không những chỉ phải đối mặt với những thành kiến ngoài xã hội, khi bước chân vào con đường thực hành giáo pháp, các nữ hành giả cũng còn phải đối mặt với rất nhiều mặc cảm phân biệt giới tính một cách có ý thức và vô thức ngay trong bản thân cộng đồng Phật giáo nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm bất lợi và trở ngại trên, người nữ cũng có những thế mạnh nhất định trong tu tập thực hành. Đó chính là tín tâm dâng hiến và sự nhẫn nhục bền bỉ. Với tín tâm thanh tịnh và đức tính nhẫn nhục, nữ hành giả hoàn toàn có thể vượt qua được những chướng ngại về thân và tâm sinh lý hướng về đại giải thoát.

Vậy, làm thế nào để nữ hành giả tu tập thành tựu giác ngộ?

Để thực hành giáo pháp Kim cương thừa, điều kiện tiên quyết là nữ hành giả phải tìm được bậc Thượng sư giác ngộ thuộc một truyền thừa không gián đoạn, bất luận ngài là nam hay nữ và nghiêm cẩn tu tập theo sự giáo huấn, hướng đạo của ngài.

Kim cương thừa có nhiều phương pháp thù thắng để chuyển hóa những năng lượng tiêu cực, chứng đạt tính toàn vẹn nguyên thủy- sự hợp nhất từ bi và  trí tuệ vĩ đại trong ta. Dưới sự dẫn dắt của một bậc Thượng Sư giác ngộ, nữ hành giả có thể tu học bốn thứ lớp Tantra: Tantra nghi quỹ, Tantra hành động, Tantra Yoga và Tantra Yoga tối thượng. Mỗi thứ lớp dành cho một đối tượng hành giả đặc biệt; và điều khác biệt giữa thứ lớp này thứ lớp kia là mức độ năng lượng ham muốn mà hành giả có đủ thiện xảo để hướng nó vào con đường tu tập.

Phật giáo Kim cương thừa đưa ra rất nhiều phương pháp thiện xảo để trưởng dưỡng và tịnh hoá tâm. Những phương pháp này bao gồm các cách tu tập, quán tưởng về bản tôn, lập đàn, những nghi lễ đặc sắc, trang hoàng rực rỡ, vũ điệu và nghệ thuật linh thiêng, pháp thực hành yoga vi tế để chuyển hoá toàn bộ sự khao khát trần tục vào trong lĩnh vực hỉ lạc và giác ngộ thức tỉnh.

Ngoài ra, một trong những mục đích chính của việc hành trì Kim cương thừa là sự hoàn hảo thanh tịnh bên trong và thế giới bên ngoài bằng cách quán tưởng vũ trụ là một cảnh giới mandala, còn tự thân là Hóa Phật Bản tôn. Bản tôn được quán tưởng tượng trưng các hiện tướng của năng lượng giác ngộ và những công hạnh giải thoát. Ví dụ, Đức Phật mẫu Tara biểu trưng cho sự giải thoát, bảo vệ những người cầu nguyện khỏi sự nguy hiểm tinh thần và vật chất với lòng bi mẫn của đức từ mẫu, trong khi nụ cười hỷ lạc và an bình của ngài biểu trưng cho sự an lạc, vượt thoát khổ đau. Đức Kim Cương Phật Mẫu Vajrayogini là đức Phật mẫu thành tựu chứng ngộ đại hợp nhất tính không và đại hỷ lạc, thể tính của ngài là không hình, không tướng, tuy nhiên ngài hóa thân thị hiện trong sắc tướng thiếu nữ trẻ trung để mang lại sự tự tin, sự tín tâm cho  người nữ giúp họ có được niềm tin vững chắc vào bản tính Phật mẫu, bản chất Phật tính và tiềm năng giác ngộ vốn có trong mình từ đó giúp khai phát, hiển lộ niềm tự hào kim cương về bản chất Phật Mẫu tính nơi mình.

Trong Kim cương thừa, cũng giống như những bậc Đại Thành tựu giả xuất hiện trong hình tướng nam nhân, có rất nhiều những Yogini vĩ đại thành tựu giác ngộ tối thượng trong thân người nữ ngay trong một đời. Các Ngài đã khai phát, chứng ngộ nguồn năng lượng Phật Mẫu tính và Phật phụ tính trong mình. Đây là những tấm gương, là những mẫu hình sống động cho nhiều thế hệ, đặc biệt đối với người nữ, những người chân thành khát ngưỡng tìm cầu giáo pháp giải thoát. Các Ngài không chỉ là những bậc thành tựu giác ngộ ngay trong một đời mà những công hạnh nhập thế của các ngài cũng vô cùng mãnh liệt và lợi ích, có những ảnh hưởng và đóng góp to lớn cho Phật Giáo Kim cương thừa. Bởi vậy công hạnh và tiểu sử của các nữ hành giả Kim cương thừa khơi dậy niềm cảm hứng, sự tôn kính, hy vọng và tín tâm bất thoái chuyển đối với người nữ rằng họ có thể tu tập giáo pháp giải thoát và thành tựu giác ngộ ngay trong một đời. Công hạnh và tiểu sử của các nữ hành giả Yogini vĩ đại trong lịch sử Kim cương thừa như Đức Yeshe Tsogyal bậc trí tuệ đa văn đệ nhất giống như ngài Ananda, Yogini Niguma nữ đại thành tựu giả đã sáng lập sáu pháp Yoga của Niguma, Gelongma Palmo ngưới sáng lập pháp thực hành Nyungnay- pháp đại thành tựu Avalokiteshvhara, Machig Labdron (1055-1152) bậc thượng thủ Truyền thừa Chod,... được ghi lai một cách minh xác trong lịch sử là những minh chứng cho chân lý rằng: sự thành tựu giác  ngộ nơi người nữ ngay trong một đời là một thực tế. Tiềm năng giác ngộ, nguồn năng lượng Phật mẫu tính và Phật phụ tính đều sẵn có nơi mỗi người nam và cả  người nữ. Bởi vậy cho dù là người nam hay người nữ, dù ở địa vị xã hội nào, nếu có tín tâm dâng hiến, sự tự tin tu trì thì đều có thể chứng đạt hợp nhất bi trí dũng, để đem suối nguồn giác ngộ lợi ích cho muôn loài chúng sinh.

GIẢI PHÁP MANG TÍNH XÃ HỘI VÀ CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI NỮ - BƯỚC CẢI CÁCH TRONG NHẬN THỨC VÀ HẠNH ĐỘNG ĐỐI VỚI NỮ HÀNH GIẢ TRUYỀN THỪA DRUKPA

 

(Chư ni tự viện Druk Amitabha Moutain trong một khoá lễ tại tự viện)

Trong giới hạn khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu về Truyền thừa Drukpa thuộc truyền thống Kim cương thừa – Đại thừa Phật giáo, dưới sự dẫn dắt của Đức Toàn Tri Tôn Quý Pháp Vương Gyalwang Drukpa với những chủ trương và hành động thực sự dựa trên căn bản của giác ngộ không phân biệt giới tính, đã và đang đem lại sự giải phóng đích thực như thế nào cho các nữ hành giả.

Truyền thừa Drukpa có lịch sử phát triển huy hoàng hơn 800 năm tới nay với những bậc hành giả chân tu, khổ hạnh, thanh tịnh và thành tựu giác ngộ ngay trong một đời. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa luôn tâm nguyện mang lại cơ hội bình đẳng trong việc thực hành giáo pháp cho những nữ hành giả và trì giữ Truyền thừa Togdenma. Đức Pháp Vương đã chia sẻ quan kiến rằng: “Giác ngộ không phân biệt giới tính, từ bi không phân biệt giới tính, trí tuệ không phân biệt giới tính. Về bản lai, chúng ta đều là Phật”, và “Tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ, đều có tiềm năng và có quyền chứng đạt Phật quả cứu kính”.

(Chư ni Truyền Thừa Drukpa rèn luyện võ thuật)

Ngài đã thực hiện rất nhiều dự án với tâm nguyện nâng cao địa vị của nữ hành giả trong cộng đồng tâm linh Truyền thừa Drukpa. Ngài đã bảo trợ nâng đỡ tự viện Druk Gawa Khiwa Abbey - một cộng đồng tâm linh cho nữ hành giả. Nơi đây, các nữ hành giả đã được trao cơ hội tu tập các pháp tu thâm diệu của Truyền thừa Drukpa, trong số đó đã có những nữ hành giả đã có những sự tiến bộ tâm linh cao cấp, được tu các pháp tu đặc biệt như Sáu Pháp Yoga của Naropa dưới sự hướng đạo trực tiếp của Đức Pháp Vương. Đức Pháp vương cũng đã trao cho nữ hành giả rất nhiều cơ hội sự bình đẳng trong sự tu tập như trong suốt Lễ hội Naropa, Đức Pháp vương đã cho phép 200 ni sư chịu trách nhiệm cử hành nghi lễ trước sự hiển diện của hơn 135 ngàn tăng ni Phật tử. Có thể nói đây là một bước đột phá trong truyền thống Phật giáo Kim cương thừa bởi lẽ thông thường các chư Tăng vẫn đảm nhận vai trò này.

(Chư Ni trong một chuyến bộ hành triều bái các thánh địa trên vùng núi Himalaya)

Một sự kiện nữa nổi bật gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2009, theo gót chân sen của Đức Pháp Phương, hơn 400 chư Ni đã tham gia chuyến bộ hành triều bái thánh địa kéo dài 400 km từ Manali đến Ladakh (Ấn Độ), băng qua những dãy núi Himalaya hùng vĩ trên độ cao từ 3.000 đến hơn 5.000 km so với mực nước biển trong thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống dưới 0 dộ C. Chuyến hành trình mặc dù đầy gian nan, khó nhọc và cam go, thánh thức đối với ngay cả chư Tăng và các nam hành giả, nhưng các sư ni đã xuất sắc hoàn thành không chỉ vì sự nghiệp tâm linh của bản thân mà còn vì lợi ích của hết thảy dân làng vùng Himalaya cũng như của chúng hữu tình vô lượng. Đây cũng là một minh chứng tuyệt vời cho khả năng, đức tính nhẫn nhục, tín tâm dâng hiến chí thành và ý chí siêu việt của các nữ hành giả.

Trong lịch sử Truyền thừa Drukpa có rất nhiều các bậc nữ hành giả Yogi thành tựu giác ngộ ngay trong một đời. Đức Pháp Vương tâm nguyện phục hồi, trì giữ Truyền thừa Togdenma của các nữ hành giả Yogini thành tựu hiện đang có nguy cơ thất truyền.

Hai nữ hành giả thành tựu giác ngộ trứ danh được rất nhiều người trên thế giới tôn kính trong Truyền thừa Drukpa hiện nay là Khandro Thrinlay Chodon và Jetsunma Tenzin Palmo. Khandro đản sinh trong một gia đình của các Đại Thành tựu giả Yogi, trứ danh với sự thành tựu các pháp tu cao cấp thanh tịnh của Truyền thừa Drukpa. Jetsunma Tenzin Palmo là một trong những người nữ Phương Tây đầu tiên được thụ giới là một Ni sư Kim cương thừa. Dưới sự hướng đạo của Thượng sư, Tenzin Palmo đã nhiều năm tu tập nghiêm cẩn và thành tựu các giáo pháp của Truyền thừa Drukpa.

Cả hai Ngài đều đang triển khai rất nhiều dự án hoằng dương giáo pháp rộng khắp trên thế giới, đặc biệt là các dự án như xây dựng Ni viện, trung tâm nhập thất, đào tạo, nâng đỡ và tạo điều kiện cho các Ni sư và nữ cư sĩ có cơ hội được tu tập giáo pháp giải thoát. Các Ngài là những tấm gương điển hình của nữ hành giả chứng ngộ trong thân người nữ, hòa nhập giáo pháp trong thế giới đương đại.


(Nữ Thượng sư Jetsumma Tenzin Palmo)

(Khandro Thrinlay Chodon)
THAY LỜI KẾT – DỰ ÁN CHÙA TÂY THIÊN – GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG NGƯỜI NỮ VÀ THIỆN HẠNH SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được đề xuất một số giải pháp và ý tưởng thông qua mô hình dự định của dự án chùa Tây Thiên (gồm ba ngôi: chùa Thượng Tây Thiên, Tây Thiên Phù Nghì và chùa Thiên Ân) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, được thiết kế và xây dựng theo truyền thống Truyền thừa Drukpa thuộc Kim cương thừa – Đại thừa Phật Giáo.

Nằm trong thung lũng lòng chảo của hệ thống núi Tam Đảo, Tây Thiên là khu địa linh với cảnh quan hết sức nên thơ, hùng vĩ. Ba ngọn núi Thạch Bàn ở giữa, hai bên tả hữu là Phù Nghĩa và Thiên Thị đều cao hơn một ngàn kilomet với những dòng suối trong xanh đổ xuống từ trên cao và uốn lượn quanh co tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ tú, diễm lệ. Tại nơi danh lam thắng cảnh tập hợp với mật độ dày đặc các di tích Phật Giáo và đình đền miếu mạo cổ này, dự án chùa Tây Thiên được quy hoạch trên quần thể của ba ngôi chùa cổ: chùa Thượng Tây Thiên, Tây Thiên Phù Nghì và Thiên Ân cổ tự. Qua những nghiên cứu khảo cổ gần đây, ba ngôi cổ tự này được xác định có niên đại ít nhất từ thời Trần thế kỷ XIII sau Công nguyên và ngoài Yên Tử, Tây Thiên chính là một trung tâm Phật giáo mang tầm quốc gia thời Trần. Đặc biệt, căn cứ vào nhiều sử liệu cho biết Đạo Phật được truyền vào nước ta từ thời vua Hùng thứ VII (Hùng Chiêu Vương) vào khoảng thế kỷ thứ II-III trước CN và nhiều nhận định cho rằng Tây Thiên chính là chiếc nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

(Lễ động thổ xây dựng chùa Tây Thiên Phù Nghì)
Theo kế hoạch, dự án chùa Tây Thiên sẽ là một quần thể kiến trúc tâm linh đặc biệt bao gồm tự viện, trung tâm nhập thất, khuôn viên cử hành các đại lễ, các nghi quỹ, cầu nguyện, tán tụng, trì chân ngôn, thiền định, vũ điệu Kim cương thừa; và có trung tâm giáo dục như giảng đường lớn nơi đào tạo Ni chúng và Phật tử học về Giáo pháp Kim cương thừa, như các môn học về âm nhạc Kim cương thừa, kiến trúc, điêu khắc, hội họa Kim cương thừa, kiến lập Mandala. Chương trình trọng điểm trong dự án chùa Tây Thiên sẽ liên quan đến việc giáo dục nội điển, giáo pháp Kim cương thừa của Truyền thừa Drukpa, đào tạo Ni chúng và Phật tử theo những căn cơ và nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài việc được cung cấp kiến thức và thực hành tu trì các giáo pháp căn bản và sâu xa của Phật Pháp, từ cách tiếp cận trực diện của Kim cương thừa đối với vạn pháp, người nữ còn hiểu được bản chất Phật tính, các nguyên lý phụ tính và mẫu tính trong chính mình, hiểu được thân vật lý, tâm sinh lý, thân vi tế, cơ chế vận hành của thân tâm, những nguồn năng lượng, quá trình phát khởi, diễn tiến, kết thúc và chu trình, quy tắc vận động của các trạng thái xúc tình phiền não, phương thức nhận diện và chuyển hóa những năng lượng tiêu cực ấy thành mật ngọt cam lồ, trí tuệ và dũng lực, v.v… Thông qua nền giáo dục nội điển này, người nữ sẽ hiểu được bản chất tại sao mình lại thực sự bình đẳng với nam nhân, không chỉ là bình đẳng trên phương diện tự tính tuyệt đối hay về mặt lý thuyết, mà còn thật sự bình đẳng trên phương diện tương đối, về khả năng, tiềm năng, năng lực, sức mạnh, trí tuệ,…Trên cơ sở đó, người nữ mới có thể thiết lập và phát triển sự tự tin vững chắc, vô tác, bất thoái chuyển ở nơi chính nội tâm mình. Mặt khác, vì nam nhân cũng là đối tượng của chương trình giáo dục này nên họ cũng sẽ được trang bị một nền tảng nhận thức đúng đắn về bản thân mình cũng như về nữ giới, giúp họ từ đó không chỉ chuyển hóa một cách có ý thức những thành kiến sai lầm và sự bám chấp, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử với nữ giới, mà còn tôn trọng, tự giác hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nữ phát triển.

Trên cơ sở được trang bị đầy đủ các giáo pháp nội điển cùng kiến thức và các kỹ năng hiện đại, các hoạt động nhập thế độ sinh cũng sẽ được tổ chức thông qua các dự án Sống Để Yêu Thương (Live To Love) do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đề khởi. Các dự án Sống Để Yêu Thương được chia thành năm nhóm chính: Giáo Dục, Y Tế, Bảo Vệ Môi Trường, Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa và Cứu trợ.

Thứ nhất, về dự án Giáo Dục, đối tượng ưu tiên đầu tiên của chúng tôi sẽ là trẻ em nghèo. Trên cơ sở không phân biệt tôn giáo và thành phần xã hội, trẻ em sẽ được dạy văn hóa, ngoại ngữ, các kỹ năng sống, giao tiếp, phương pháp học tập, đặc biệt là phát triển nhân cách, phát triển lòng từ bi và trí tuệ để trở thành một công dân tốt và có ích cho gia đình cùng xã hội. Ngoài ra, chương trình Giáo dục sẽ đặc biệt chú trọng hoằng dương chính pháp thông qua phối hợp đa dạng nhiều kênh truyền thông khác nhau như thành lập các website, phát hành các tập san định kỳ, tổ chức các diễn đàn trao đổi Phật pháp và chia sẻ, nâng cao nhận thức của nhiều thành phần xã hội và để cùng nhau giải quyết các vấn đề thực tại của cuộc sống.

(Trường học Druk Pema Karpo tại Ladakh, Ấn Độ)

Thứ hai, về lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe, các sư Ni sẽ chủ động trang bị cho người dân nhận thức chân thực về giá trị đời sống, những kỹ năng, phương pháp đặc trưng của Kim cương thừa như: lễ dài, Yoga, thiền định giữ tâm trong sáng, các phương pháp thiện xảo thanh lọc tâm thức và thể chất trong xã hội hiện đại; giới thiệu những phương pháp ăn chay thực dưỡng tự nhiên để thân tâm an lạc; chủ động hợp tác với các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc y tế và sức khỏe truyền bá nhân rộng pháp tu Kim cương thừa về tạng thư sống chết, khai thị thân trung ấm, chuyển hóa tâm thức cho những người sắp chết. Ngoài ra, kết hợp với giáo dục kiến thức và đạo đức học Phật Giáo, chương trình Y tế cũng chú trọng giúp cộng đồng giải quyết những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện đại như nghiện hút.

(Hàng trăm người được phẫu thuật mắt miễn phí hàng năm)

Thứ ba, công tác Bảo vệ Môi trường cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng có thể được thực hiện thông qua việc chủ động tạo một kênh thông tin giữa cộng đồng người dân, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc đề xuất, thông tin và xử lý các khu vực, vùng miền bị ô nhiễm môi trường, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm, hợp lí nguồn năng lượng tự nhiên như điện, nước. Tổ chức triển khai các hoạt động định kỳ như nhặt rác, dọn vệ sinh tại các nơi công cộng, các địa điểm du lịch tâm linh; triển khai dự án trồng cây gây rừng, phóng sinh...


(Hoạt động trồng cây tại Ladakh được kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận)


(Chuyến bộ hành Pad Yatra cùng Tăng đoàn được duy trì hàng năm)

(Hoạt động NGÀY CHỦ NHẬT XANH thường xuyên được tổ chức tại Miền Bắc và Miền Nam, Việt Nam)

Thứ tư, dự án Bảo tồn Di sản Văn hóa sẽ được bắt đầu bằng bảo tàng trưng bày triển lãm văn hóa Phật Giáo Kim cương thừa với những tác phẩm nghệ thuật như tranh cuộn Thangka, Mandala, các pho tượng Phật, Bồ Tát và Truyền thừa Thượng sư, tranh ảnh, băng đĩa, ấn phẩm nhằm giới thiệu và bảo tồn nền nghệ thuật Phật Giáo Kim cương thừa. Ngoài ra, tại đây sẽ lưu giữ và trưng bày các giá trị truyền thống của nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là những giá trị vật thể cũng như phi vật thể với nhiều yếu tố đặc trưng của Kim cương thừa vốn đã bắt rễ sâu xa trong tiềm thức và được thể hiện ra ngoài đời sống thường nhật của Phật tử và người dân Việt Nam. Theo đó, những nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm lịch sử sẽ được công bố và phổ biến rộng rãi.

Thứ năm, những công hạnh từ thiện cũng cần được đẩy mạnh bằng việc triển khai quyên góp, ủng hộ, cứu trợ đồng bào gặp lũ lụt, khó khăn, những học sinh nghèo, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa… Để nhân rộng được mô hình tới nhiều nhóm đối tượng đang cần được giúp đỡ, các sư ni và Phật tử sẽ chủ động tạo một kênh thông tin với chính quyền các địa phương, kết hợp với các tổ chức xã hội chuyên nghiệp, có uy tín và các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm triển khai hoạt động này một cách có hiệu quả nhất.

(Các hoạt động từ thiện)

Dù không phải là nhà hoạt động thế tục cũng như chưa đủ khả năng hoằng dương nhập thế, tuân theo những huấn từ của Đức Phật và Đức Pháp Vương, chúng tôi nguyện phát huy hết khả năng khiêm tốn của mình để phát triển Ni chúng Tây Thiên với thành tâm hy vọng sẽ có những đóng góp thiết thực vì lợi ích của nữ giới và bình đẳng hữu tình. Trên thực tế, khi kiến lập tịnh thất Tây Thiên, chúng tôi đã có tâm nguyện sẽ mở rộng cánh cửa nơi thâm sơn cô tịch này để khuyến khích và trợ giúp các sư ni trẻ tuổi trên bước đường vượt qua trở ngại, khó khăn tìm cầu ánh sáng giải thoát. Chúng tôi vui mừng nhận thấy ngày nay các ni sư trẻ tuổi đã nghiêm túc rèn luyện trong giới hạnh thanh tịnh, ngày càng tinh tấn tu tập để có thể hoằng dương Phật pháp vì lợi ích hết thảy hữu tình. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu khuyết, chúng tôi cũng đang nỗ lực cân bằng giữa yêu cầu tu tập miên mật và những hoạt động Phật sự biến bi tâm thành hành động thuộc thiện hạnh Live To Love (Sống Để Yêu Thương) cao quý của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa.

Phụ nữ có một vai trò quan trọng bởi vì thiên chức và bản tính linh hoạt của họ góp sức vào hoạt động phụng sự nhân loại. Bởi lẽ phụ nữ vốn dĩ đã là chất xúc tác tự nhiên mang lại sự thay đổi cho xã hội ngay cả khi họ không có những nỗ lực gì đặc biệt, cho nên người phụ nữ càng tích cực thì nhân loại càng được lợi ích lớn lao. Chúng tôi mong nguyện rằng dự án Tây Thiên sẽ góp một bàn tay nhỏ bé mang lại tầm ảnh hưởng tích cực, rộng lớn và dài lâu đến với cộng đồng và xã hội, và nguyện rằng chúng ta sẽ không chỉ có một số ít những nữ nhân kiệt xuất mà là vô số những bậc nữ giác ngộ đầy lòng từ bi và trí tuệ tuôn tràn về phía vô lượng khổ não chúng sinh.


(Ni sư Tôn quý Jetsunma Tenzin Palmo cùng chư Ni Tây Thiên)

Drukpa Việt Nam

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6326903
Số người trực tuyến: