1. Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp (Phần 1)
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
QUYỂN 6
PHẨM BA
PHẨM BA PHÁP
PHẦN MỘT
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Cảnh giới của các loài hữu tình thân cận với nhau, không chống trái nhau. Những loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau.
Cảnh giới của các loài hữu tình nơi đời quá khứ đã thân ái nhau, không chống trái nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém đã thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau.
Cảnh giới của các loài hữu tình nơi đời vị lai sẽ thân ái nhau, không chống trái nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém đã thân cận nhau, ảnh hưởng hỗ trợ nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau.
Các loài hữu tình ngay đời hiện tại đang thân ái nhau, không chống trái nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém đã thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau.
Thế nên Tôn giả Giải Kiều-trần-như cùng với đồng bạn của mình gồm sáu mươi người, thường nhóm họp, cùng tu phạm hạnh A-lan-nhã.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp cùng với đồng bạn của mình gồm vô lượng người, thường cùng nhóm họp, tu tập diệu hạnh Đầu-đà.
Tôn giả Xá-lợi-phất cũng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường cùng nhóm họp tu tập hạnh Đại trí tuệ.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường cùng nhóm họp đồng tu tập hạnh Đại thần thông.
Tôn giả Câu-sắc-chỉ-la cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Vô ngại giải.
Tôn giả Mãn Từ Tử cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Giảng thuyết chánh pháp.
Tôn giả Ca-đa-diễn-na cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Giải thích kinh điển.
Tôn giả Thiện Hiện cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập phạm hạnh Trụ vô tránh.
Tôn giả Hiệt-lệ-phạt-đa cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu các hạnh Tĩnh lự.
Tôn giả Ưu-ba-ly cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu hạnh Trì luật.
Tôn giả Vật Lực Sĩ Tử cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu hạnh Trải tọa cụ… cho chúng Tăng.
Tôn giả Bất Diệt cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Thiên nhãn thanh tịnh.
Tôn giả A-nan cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Ưa chuộng đa văn.
Tôn giả La-hỗ-la cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Vui thích trì giới.
Đồng tử Ca-diếp cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Giỏi biện thuyết.
Tôn giả Kiếp-tỷ-noa cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh giáo giới giáo thọ đại Bí-sô.
Tôn giả Nan-đà cùng với đồng bạn với mình có vô lượng người, thường nhóm hợp đồng tu tập hạnh Giáo giới giáo thọ Bí-sô-ni.
Tôn giả Ưu-ba-tây-na cùng với đồng bạn của mình có vô lượng người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Đầy đủ oai nghi.
Tôn giả Nghiên-mỹ-nan-đà cùng với đồng bạn của mình gồm sáu mươi người, thường nhóm họp, đồng tu tập hạnh Đoan nghiêm.
Kẻ ngu si Thiện Thọ cùng với đồng bạn của mình gồm sáu mươi người, thường nhóm họp, đồng thực hành hạnh bạo ngược, ác độc.
Vì thế, nên biết các loài hữu tình thân cận với nhau, không chống trái nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thấp kém đã thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau. Các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng cùng với các loài hữu tình có sự hiểu biết thù thắng thân cận nhau, ảnh hưởng, hỗ trợ nhau.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Như cỏ cây rừng rậm
Cũng như gió và lửa
Mỗi vật do nhóm loại
Loài hữu tình cũng vậy.
Người ngu quen với ngu
Người trí thân với trí
Bạn bè riêng nhóm loại
Nên gần người có trí.
Gần gũi người biếng nhác
Nhất định mất trí tuệ
Như phá rách phao nổi
Nhất định chìm biển sâu.
Nên phải lìa biếng nhác
Ưa ở chỗ vắng vẻ
Gần gũi người có trí
Có thể mau hết khổ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Do ba nhân, ba duyên có thể đưa đến đời sau. Ba nhân duyên đó là vô minh chưa vĩnh viễn đoạn trừ, ái chưa trừ bỏ và nghiệp chưa dứt trừ. Do những nhân duyên này nên đưa đến đời sau. Vì sao? Vì nghiệp là ruộng tốt, thức là hạt giống, ái là nước tưới, được bảo vệ do vô minh, vô trí, không thấu tỏ, không nhận biết, thức liền an trụ.
Đối với ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc, thì cõi Dục là thấp nhất. Cõi Sắc ở bậc trung. Cõi Vô sắc là hơn hết.
Thuận theo nghiệp của Dục giới, đưa đến quả dị thục, không hiện tiền, không thể nêu bày được kết quả, đây là cõi Dục. Do nghiệp nơi cõi Dục đưa đến quả Dị thục, chính thức hiện tiền nên hiện bày được kết quả, đây là cõi Dục. Nên ngay khi ấy, nghiệp là ruộng tốt, thức là hạt giống, ái là nước tưới, được bảo vệ do vô minh, vô trí, không thấu tỏ, không nhận biết, nên thức liền an trụ, đưa xuống chốn thấp kém của Dục giới.
Thuận theo nghiệp của Sắc giới, đưa đến quả dị thục, nếu nghiệp không hiện tiền thì không thể nêu bày được kết quả; đây là cõi Sắc. Do nghiệp nơi cõi Sắc, đưa đến quả dị thục, chính thức hiện tiền nên nêu bày được kết quả đây là cõi Sắc. Nên ngay khi ấy, nghiệp là ruộng tốt, thức là hạt giống, ái là nước tưới, được bảo vệ do vô minh, vô trí, không thấu tỏ, không nhận biết, thức liền an trụ, đưa đến chốn bậc trung của cõi Sắc.
Thuận theo nghiệp của cõi Vô sắc, đưa đến quả dị thục, không hiện tiền, không thể nêu bày được kết quả, đây là cõi Vô sắc. Do nghiệp của cõi Vô sắc, đưa đến quả dị thục, chính thức hiện tiền, nên có thể nêu bày được kết quả, đây là cõi Vô sắc. Nên ngay khi ấy, nghiệp là ruộng tốt, thức là hạt giống, ái là nước tưới, được bảo vệ do vô minh, vô trí, không thấu tỏ, không nhận biết, thức liền an trụ vào cõi Vô sắc tốt đẹp.
Bí-sô nên biết! Do xa lìa nên xuất ly cõi Dục. Do Vô sắc nên xuất ly cõi Sắc. Do diệt trừ hẳn nên xuất ly tất cả. Tư lự làm duyên nên phát sinh các hữu.
Bí-sô các ông nên dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật, xuất ly khỏi cõi Dục, nên dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Sắc và cõi Vô sắc.
Thế nào là các ông nên dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật quán sát, xuất ly cõi Dục? Nghĩa là lìa các pháp ác, bất thiện nơi cõi Dục, có tầm, có từ, ly sinh hỷ lạc, an trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ nhất. Dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật trong đó có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tánh của pháp này đều là vô thường, đều là khổ, như bệnh, như ung nhọt, như trúng tên độc, có phiền não, có độc hại, có sợ hãi, nghi ngờ, có hiềm oán, có thù địch, mau chóng hư hoại, nhiều các tật dịch, nhiều các tai ương, hư giả không thật, ly tán, không có ngã, không thể tin tưởng. Vậy nên các ông phải dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Dục.
Thế nào là các ông nên dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Sắc? Nghĩa là chính thức vượt qua tất cả tưởng về sắc, diệt tưởng hữu đối, không còn tư duy vào tưởng gì khác nữa. Hoàn toàn an trụ nơi hư không vô biên, xứ không vô biên. Dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật về thọ, tưởng, hành, thức, trong đó tánh của pháp này đều là vô thường, đều là khổ, như bệnh, như ung nhọt, như trúng tên độc, có phiền não, có độc hại, có sợ hãi, có nghi ngờ, có oán hận, có thù địch, nhiều các tật dịch, nhanh chóng hư hoại, nhiều các tai ương, hư giả không thật, ly tán, không có ngã, không thể tin tưởng. Thế nên các ông phải dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Sắc.
Các ông vì sao nên dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Vô sắc? Nghĩa là nhận biết đúng đắn đây là tịch tĩnh, đây là vi diệu, nghĩa là lìa kiêu mạn, dứt các thứ khát ái, diệt các A-lại-da, đoạn trừ các con đường lưu chuyển tắt, hoàn toàn không sở đắc, dứt ái, ly dục, Niết-bàn tịch diệt. Vậy nên các ông phải dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để xuất ly cõi Vô sắc. Ai làm được như vậy, nghĩa là dùng chánh tuệ quán sát đúng như thật để ra khỏi ba cõi, ngay nơi ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc càng thêm nhàm chán, từ bỏ. Càng nhàm chán, từ bỏ nên chính thức lìa dục. Chính thức lìa dục nên được giải thoát. Được giải thoát xong tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Dùng chánh tuệ quán sát
Tướng xuất ly ba cõi
Chấm dứt hết các hành
Đắc Niết-bàn tối thượng.
Đã thoát khỏi các lậu
Khéo tu tập Du-già
Ngay nơi thân tối hậu
Hàng phục hết các ma.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba nhân ba duyên làm cho các hữu tình mong cầu lợi dưỡng, sinh nhiều lỗi lầm. Ba nhân duyên đó là:
1. Tham dục làm nhân làm duyên, khiến các hữu tình mong cầu lợi dưỡng, sinh các lỗi lầm.
2. Sự đắm chấp làm nhân làm duyên, khiến các hữu tình mong cầu lợi dưỡng, sinh các lỗi lầm.
3. Thọ dụng không thấy lỗi lầm làm nhân làm duyên, khiến các hữu tình mong cầu lợi dưỡng, sinh nhiều lỗi lầm.
Bí-sô các ông không nên phát sinh ba nhân ba duyên cầu lợi dưỡng, sinh nhiều lỗi lầm này.
Bí-sô nào đầy đủ ba nhân ba duyên như đã nói này, đi đến nhà thí chủ cầu xin lợi dưỡng tốt. Hoặc giả, gặp lúc nhà đó bỗng nhiên bị sa sút, khi thấy Bí-sô đến sinh lòng buồn rầu, lo lắng, lặng thinh không cung kính chào hỏi, không đứng dậy tiếp rước, không nhắc ghế mời ngồi, không nói chuyện. Bí-sô thấy tướng ấy liền nghĩ: “Nhà thí chủ này thường cung kính tiếp đãi. Ai đã gièm siểm đến nỗi như vậy?” Do nhân duyên này làm cho Bí-sô không vui vẻ, không nhẫn nhục, lòng sân giận, độc hại phát sinh, hoặc phát sinh nghiệp ác bất thiện thuộc thân, ngữ. Do đây, bị đọa trong các nẻo ác, chịu quả báo không ưa thích.
Bí-sô nên biết! Ta quán xét các loại hữu tình khắp thế gian do lợi dưỡng quấy nhiễu tâm họ, sau khi qua đời bị đọa trong các nẻo ác, sinh nơi địa ngục, chịu quả báo không ưa thích. Ta quán sát các loại hữu tình khắp thế gian do suy tổn làm rối loạn tâm họ, sau khi qua đời bị đọa trong các nẻo ác, sinh nơi địa ngục, chịu quả báo không ưa thích. Ta quán sát các loại hữu tình khắp thế gian do lợi dưỡng và suy tổn làm rối loạn tâm, sau khi qua đời bị đọa trong các nẻo ác, sinh nơi địa ngục, chịu quả báo không ưa thích. Vì sao? Vì phàm phu ngu si bị các lợi dưỡng trước hết phá hết lớp màng mỏng của họ. Phá lớp màng mỏng xong, phá đến da. Phá da xong, phá đến thịt. Phá thịt xong lại cắt đứt gân mạch. Cắt đứt gân mạch xong lại phá xương cốt. Phá xương cốt xong, lại tổn thương tủy não, sau đó mới dừng, thế nên các ông phải học như vầy: “Ta phải tu tập như thế nào để không bị lợi dưỡng quấy nhiễu tâm? Ta phải tu tập như thế nào để không bị suy tổn quấy nhiễu tâm? Ta phải tu tập như thế nào để không bị lợi dưỡng và suy tổn quấy nhiễu tâm? Một mình ở chỗ vắng vẻ, siêng tu tập hạnh Thánh, mau chứng Niết-bàn thường lạc vô thượng.” Bí-sô các ông nên học như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Do ba loại nhân duyên
Mong cầu các lợi dưỡng
Phá vô số công đức
Và thối thất nhân thiên.
Những người có trí tuệ
Được chút ít lợi dưỡng
Tâm họ khéo an định
Bất định như núi lớn.
Thường tĩnh lự an nhiên
Quán đúng nghĩa các pháp
Tu tri kiến sâu xa
Chứng Niết-bàn thường lạc.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Sinh vào chỗ tốt đẹp trong Dục giới lược có ba loại; ở đó, tuy họ được nhiều phước lớn nhưng phải chịu luân hồi sinh tử theo các Dục, không thể xuất ly. Vì sao? Vì cõi sống tốt đẹp ấy cũng thuộc về cảnh giới hoạt động của Dục. Thế nào là ba?
1. Chỗ sinh thù thắng là cõi trời Dục trụ nơi Dục giới.
2. Chỗ sinh thù thắng là cõi trời Lạc hóa nơi Dục giới.
3. Chỗ sinh thù thắng là cõi trời Tha hóa nơi Dục giới.
Đó là ba chỗ sinh thù thắng nơi cõi Dục. Đối với người đó tuy được phước rất lớn nhưng vẫn chịu luân hồi sinh tử trong các Dục, không thể xuất ly. Vì sao? Vì chốn sinh thù thắng ấy cũng đều thuộc về cảnh giới hoạt động của Dục. Thánh đệ tử của ta, đối với ba chỗ sinh thù thắng nơi cõi Dục ấy quán sát đúng như thật có các hoạn nạn, nên đối với cõi Dục này càng sinh nhàm chán, từ bỏ. Sinh nhàm chán, từ bỏ nên có thể chính thức lìa dục. Chính thức lìa dục nên đắc giải thoát. Đắc giải thoát xong, liền tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ba thắng sinh cõi Dục
Thường nhận các dục lạc
Là Dục trụ, Lạc hóa
Tha hóa tự tại thiên.
Sinh ba chỗ như vậy
Tuy thọ hưởng phước lớn
Nhưng luân hồi sinh tử
Không thể sinh cõi trên.
Ngay trong các Dục này
Ai biết được lỗi lầm
Bỏ các nẻo trời, người
Chứng Niết-bàn vô thượng.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ở thế gian có một loại các Bí-sô ác, tạo tác ba pháp, nhưng giống như con lừa chỉ biết kêu. Ba pháp đó là: Có một loại các Bí-sô ác không cung kính, không vâng lời; không hổ, không thẹn, biếng nhác, quên chánh niệm. Một loại các Bí-sô ác như vậy, tạo tác đầy đủ ba pháp như vậy, nhưng giống như con lừa chỉ biết kêu. Nghĩa là thật có đức, nhưng đi theo chúng Tăng nói thế này: “Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa-môn Thích tử chân chánh.”
Nhưng một loại các Bí-sô ác này không có giới, định, tuệ, học tăng thượng như các Bí-sô tăng chân thật, thanh tịnh khác, mà theo tăng chúng nói thế này: “Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa-môn Thích tử chân chánh.”
Như ở thế gian có bầy lừa đi theo sau bầy bò, lớn tiếng nói: “Tôi cũng là bò đích thực, nên đoái tưởng, tiếp đãi nhau”, nhưng thân lừa đầu, tai, móng, mõm, màu lông, tiếng kêu đều khác hẳn với bò mà cứ đi theo sau, lớn tiếng bảo: “Tôi cũng là bò đích thực, nên đoái tưởng, tiếp đãi nhau.”
Một loại các Bí-sô ác như vậy, thật không có đức nhưng đi theo tăng chúng xướng lên thế này: “Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa-môn Thích tử chân chánh.”
Nhưng một loại các Bí-sô ác này nương vào xóm làng, thôn ấp để ở. Vào buổi sáng, sửa soạn y phục, đấp y, mang bình bát đi vào những nơi kia để khất thực. Không thể hộ trì, thân, ngữ, ý nghiệp, không trụ chánh niệm, không giữ gìn các căn, đi đến nhà thí chủ có tâm tịnh tín. Vì lợi dưỡng nên ngồi ở chỗ thấp thuyết pháp, cho bạch y ngồi chỗ cao nghe. Ta bảo các loại Bí-sô ác này có giảng nói điều gì đều giống như lừa chỉ biết kêu.
Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Cạo tóc, mặc áo nhuộm
Tay nắm cầm bình bát
Thật không giới, định, tuệ
Nhưng tự xưng Sa-môn.
Như lừa ở thế gian
Hình tướng khác với bò
Nhưng theo sau bầy bò
Tự xưng chính là bò.
Bí-sô ác như vậy
Thành các pháp không kính
Tuy xen chúng thanh tịnh
Nhưng không chứng Bồ-đề.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba loại học, ai ở trong đó lìa các phóng dật, ngày đêm siêng năng, dứt các sự duyên, một mình ở chỗ vắng vẻ, không tu học điên đảo thì các lậu chưa sinh, làm cho vĩnh viễn không sinh, các lậu đã sinh làm cho dứt sạch hẳn. Ba pháp đó là:
1. Giới học tăng thượng.
2. Tâm học tăng thượng
3. Tuệ học tăng thượng.
Thế nào là Giới học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô đầy đủ giới thanh tịnh, an trụ, giữ gìn giới biệt giải thoát, thực hành theo phép tắc hoàn toàn viên mãn. Đối với tội nhỏ, vi tế, thấy rất sợ hãi. Có thể học tập tất cả điều đáng học tập. Thành tựu hai nghiệp thân, ngữ thanh tịnh. Thành tựu mạng thanh tịnh. Thành tựu kiến thanh tịnh. Như vậy gọi là Giới học tăng thượng.
Tâm học tăng thượng là gì? Nghĩa là các Bí-sô có thể chính thức lìa pháp dục ác, bất thiện, có tầm, có từ, ly sinh hỷ lạc, an trụ hoàn toàn vào Tĩnh lự thứ nhất. Nói rộng ra cho đến an trụ hoàn toàn nơi Tĩnh lự thứ tư. Như vậy gọi là Tâm học tăng thượng.
Tuệ học tăng thượng là thế nào? Nghĩa là các Bí-sô nhận biết đúng như thật: Đây là Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về sự diệt trừ khổ và Thánh đế về con đường tu tập để diệt trừ khổ. Như vậy gọi là Tuệ học tăng thượng.
Ba pháp học này, ai ngay trong đó lìa các phóng dật, ngày đêm siêng năng, dứt hẳn các sự duyên, mình ở chỗ vắng vẻ, không tu học điên đảo thì các lậu sinh làm cho vĩnh viễn không sinh, các lậu đã sinh làm cho diệt trừ hẳn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Giới, tâm, tuệ ba học
Người trí nên tu tập
Tinh tấn thường an ổn
Giữ các căn nghiêm mật.
Thường ở chỗ vắng vẻ
Dứt các duyên ở đời
Siêng tu giới, tâm, tuệ
Như cứu lửa cháy đầu.
Là học Thánh học xứ
Học đạt đến tận cùng
Thoát, trốn thoát trọn vẹn
Thành tựu trí thanh tịnh.
Được giải thoát bất động
Đoạn hẳn các lậu xong
Dứt nẻo khổ sinh tử
Không còn tái sinh nữa.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba pháp học, người nào siêng tu tập, chắc chắn được kết quả, đến cứu cánh, được cam lồ chứng đắc Niết-bàn, ba pháp học đó là:
1. Giới học tăng thượng.
2. Tâm học tăng thượng.
3. Tuệ học tăng thượng.
Thế nào là Giới học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, không tôn trọng định Đẳng trì chẳng tăng thượng, không tôn trọng tuệ Bát-nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm. Vì sao? Ta nói vị đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ vào Thi-la, có thể trụ vào chỗ đã học, vị đó nhất định dứt hẳn ba kết, chứng quả Dự lưu, đắc pháp không đọa, nhất định hướng đến Bồ-đề, cùng lắm là bảy lần qua lại trong cõi trời, người, dứt các cảnh giới khổ. Như vậy gọi là Giới học tăng thượng.
Thế nào là Tâm học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, không tôn trọng tuệ Bát-nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Vì sao? Ta nói vị đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ vào Đẳng trì, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt năm kết hạ phần, chứng quả Bất hoàn, đắc pháp Bất hoàn, sẽ nhận hóa sinh vào nơi thế gian khác và sẽ Bát-niết-bàn. Như vậy gọi là Tâm học tăng thượng.
Thế nào là Tuệ học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, tôn trọng tuệ Bát-nhã làm tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ nơi Bát-nhã, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt hẳn các lậu, đắc chân vô lậu. Tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn. Hiện tại an trụ hoàn toàn. Tự chứng thông tuệ, tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là Tuệ học tăng thượng.
Ai đối với ba pháp học đã nói trên đây, siêng năng tu tập ta nói người đó nhất định không có quả nào là không chứng. Chắc chắn đạt đến cứu cánh, có thể được pháp cam lồ, chứng đắc Niết-bàn. Như vậy gọi là có ba loại học. Ai siêng năng tu tập, không có quả nào là không chứng nhất định đạt đến cứu cánh, có thể được pháp cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Siêng tu Giới tăng thượng
Trụ giới, trụ sở học
Dứt sạch hết ba kết
Quyết chứng quả Dự lưu.
Sieng tu Tâm tăng thượng
Trụ định, trụ sở học
Dứt năm kết hạ phần
Quyết chứng quả Bất hoàn.
Siêng tu Tuệ tăng thượng
Trụ tuệ, trụ sở học
Dứt hết tất cả kết
Quyết chứng quả vô sinh.
Tam học không bỏ phế
Quyết chứng quả tối thượng
Nên tôn trọng Tam học
Quyết định học pháp tánh.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba loại học, ai tu tập phần nhỏ được quả phần nhỏ. Ai tu tập viên mãn được quả viên mãn. Ba loại đó là:
1. Giới học tăng thượng.
2. Tâm học tăng thượng.
3. Tuệ học tăng thượng.
Giới học tăng thượng là sao? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, không tôn trọng định Đẳng trì chẳng tăng thượng, không tôn trọng Bát-nhã-tuệ chẳng tăng thượng, vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm, có trái phạm liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ đã chế, có thể trụ nơi Thi-la, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt sạch ba kết, chứng quả Dự lưu, đắc pháp không đọa, nhất định hướng đến Bồ-đề, cùng lắm là bảy lần qua lại trong cõi trời, người, dứt hết cảnh giới khổ. Hoặc lại có người có thể làm cho tham, sân, si cõi Dục mỏng bớt, chứng quả Nhất lai, còn trở lại thế gian này một lần nữa, sẽ dứt hết cảnh giới khổ. Như vậy gọi là Giới học tăng thượng.
Thế nào là Tâm học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, không tôn trọng tuệ Bát-nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Có trái phạm liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không phá hủy học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ định Đẳng trì, có thể trụ vào chỗ đã học. Người đó nhất định dứt hết năm kết hạ phần, chứng quả Bất hoàn, đắc pháp Bất hoàn, sẽ nhận hóa sinh nơi cõi khác, sẽ Bát-niết-bàn. Như vậy gọi là Tâm học tăng thượng.
Thế nào là Tuệ học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, tôn trọng tuệ Bát-nhã làm tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Có trái phạm, liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ nơi Bát-nhã, có thể trụ vào chỗ đã học, người đó nhất định dứt sạch các lậu, đắc nhân vô lậu. Tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn. Ngay nơi pháp hiện tại này, an trụ hoàn toàn, tự chứng thông tuệ. Có thể tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là Tuệ học tăng thượng.
Như vậy, gọi là có ba loại học. Nếu ai tu tập chút ít phần, được quả chút ít phần. Nếu ai tu tập viên mãn sẽ được quả viên mãn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Luôn trụ tôn trọng Giới
Là tu tập thiểu phần
Thường tinh tấn mạnh mẽ
Liền được quả thiểu phần.
Luôn trụ tôn trọng Định
Gọi tu tập thiểu phần
Thường tinh tấn mạnh mẽ
Cũng được quả thiểu phần.
Luôn trụ tôn trọng Tuệ
Gọi tu tập mãn phần
Thường tinh tấn mạnh mẽ
Luôn được quả viên mãn.
Tu ít và viên mãn
Đều được quả theo loại
Biết hơn kém như vậy
Nên bỏ ít tu nhiều.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba loại học. Ai tu tập đúng đắn, làm cho các hữu tình thành Hiền thánh, bậc thượng, trung, hạ sai biệt. Ba loại đó là:
1. Giới học tăng thượng.
2. Tâm học tăng thượng.
3. Tuệ học tăng thượng.
Thế nào là giới học tăng thượng? Nghĩa là các Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, không tôn trọng định Đẳng trì chẳng tăng thượng, không tôn trọng Bát-nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm. Có trái phạm giới nhỏ, liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói vị đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ có thể trụ vào Thi-la, có thể trụ vào chỗ đã học. Người đó nhất định dứt hết ba kết, chứng quả Dự lưu, đắc pháp không đọa, nhất định hướng đến Bồ-đề, cùng lắm là bảy lần qua lại trong cõi trời, người, hoặc thành bậc Gia gia, hoặc quả Nhất lai, hoặc thành bậc Nhất giác. Như vậy gọi là Giới học tăng thượng.
Thế nào là Tâm học tăng thượng? Nghĩa là Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, không tôn trọng tuệ Bát-nhã chẳng tăng thượng. Người kia đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Có trái phạm liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ nơi Đẳng trì, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt năm kết hạ phần, chứng quả Bất hoàn, đắc pháp Bất hoàn, sẽ được hóa sinh ở cảnh giới khác, rồi sẽ Bát-niết-bàn. Hoặc thành bậc Trung ban, hoặc thành bậc Sinh ban, hoặc thành bậc Hữu hành ban, hoặc bậc Vô hành ban, hoặc thành bậc Thượng lưu, hướng đến Sắc cứu cánh, hoặc thẳng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ để Bát-niết-bàn. Như vậy gọi là Tâm học tăng thượng.
Thế nào là Tuệ học tăng thượng? Nghĩa là Bí-sô tôn trọng giới Thi-la làm tăng thượng, tôn trọng định Đẳng trì làm tăng thượng, tôn trọng tuệ Bát-nhã làm tăng thượng. Người kia đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm. Có trái phạm liền từ bỏ ngay. Vì sao? Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu phạm hạnh thanh tịnh, ngay nơi các học xứ, có thể trụ vào Bát-nhã, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt hẳn các lậu, đắc chân vô lậu. Tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, ngay trong pháp hiện tại an trụ đầy đủ, tự chứng thông tuệ. Có thể tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là Tuệ học tăng thượng.
Như vậy gọi là có ba loại học, nếu tu tập đúng đắn làm cho các hữu tình thành Thánh hiền, bậc thượng, bậc trung, bậc hạ sai biệt.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Do năng lực tu tập
Thường tinh tấn mạnh mẽ
Tu bậc thượng, trung, hạ
Đạt được quả sai biệt.
Tu tinh tấn bậc hạ
Thành tựu quả bậc hạ
Tu trung đắc quả trung
Tu thượng đắc quả thượng.
Đã biết tu ba phẩm
Đạt được quả sai biệt
Nên phải xả hạ, trung
Tu học theo thượng phẩm.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các Bí-sô nào đầy đủ giới hoàn toàn, đầy đủ tuệ hoàn toàn, vị ấy ngay trong pháp luật của ta đã tu hành đầy đủ, gọi là Tối thượng sĩ.
Này các Bí-sô! Thế nào là đầy đủ Giới hoàn toàn? Nghĩa là các Bí-sô đầy đủ Thi-la, an trụ, giữ gìn giới Biệt giải thoát, tu hành mẫu mực, không giới nào là không viên mãn, thấy rất sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt. Chấp nhận học tập điều đáng học tập, thành tựu hai nghiệp thân, ngữ thanh tịnh, thành tựu mạng thanh tịnh, thành tựu kiến thanh tịnh. Như vậy gọi là Bí-sô đầy đủ Giới hoàn toàn. Đầy đủ như thế chính là Giới hoàn toàn.
Này các Bí-sô! Thế nào là đầy đủ Pháp hoàn toàn? Nghĩa là Bí-sô siêng tu bảy pháp Bồ-đề phần, an trụ hoàn toàn. Đó gọi là Bísô đầy đủ Pháp hoàn toàn. Đầy đủ như thế chính là Giới hoàn toàn, Pháp hoàn toàn.
Này các Bí-sô! Thế nào là đầy đủ Tuệ hoàn toàn? Nghĩa là các Bí-sô dứt hẳn các lậu, đắc chân vô lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn. Ngay trong hiện tại an trụ hoàn toàn, tự chứng thông tuệ, tự biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là Bí-sô đầy đủ Tuệ hoàn toàn.
Như vậy gọi là nếu có Bí-sô nào đầy đủ Giới hoàn toàn, đầy đủ
Pháp hoàn toàn, đầy đủ Tuệ hoàn toàn, vị ấy ngay trong pháp luật của ta, đã tu hành đầy đủ, gọi là Tối thượng sĩ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ai thân, ngữ, ý nghĩ
Lìa các ác, bất thiện
Gọi đủ Giới hoàn toàn
Là Bí-sô hổ thẹn.
Ai tu hành đầy đủ
Bảy pháp Bồ-đề phần
Gọi đủ Pháp hoàn toàn
Bí-sô có diệu định.
Ai nhận biết đúng đắn
Dứt trừ hết các lậu
Gọi đủ Tuệ hoàn toàn
Chân vô lậu Bí-sô.
Ai đầy đủ hoàn toàn
Uy đức khó nghĩ nghì
Ai tu hành đầy đủ
Là thông minh tối thượng.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các Bí-sô nào thành tựu ba phần, nên biết người như vậy đối với tịnh Thi-la đã được viên mãn, đối với quả vị cứu cánh đã được viên mãn, đối với việc tu phạm hạnh đã được viên mãn, đạt đến nơi tận cùng của phạm hạnh. Ba pháp đó là: Có Bí-sô nào thành tựu giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, đó gọi là Bí-sô thành tựu ba uẩn vô học. Nên biết, người này đối với tịnh Thi-la đã được viên mãn, đối với quả vị cứu cánh đã được viên mãn, đối với việc tu phạm hạnh đã được viên mãn, đạt đến nơi tận cùng của phạm hạnh. Các Bí-sô nào đối với tịnh Thi-la đã được viên mãn, đối với quả vị cứu cánh đã được viên mãn, đối với việc tu phạm hạnh đã được viên mãn, đạt đến nơi tận cùng của phạm hạnh, nên biết người này chắc chắn không thích ở xóm làng, thành ấp, phòng xá, đồ nằm; cũng không thích cùng với các chúng Bí-sô, chúng Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, Cần sách nam… đồng ở chung một trú xứ ồn ào. Nên biết người này thành tựu pháp tâm tịch tĩnh bậc nhất, riêng ở chốn vắng vẻ, nương vào pháp tứ y mà sống, lìa các cấu uế, bên trong giữ gìn chân thật, vứt bỏ chỗ mong cầu, không nhiễm theo phân biệt, không bị pháp thế gian làm cho cấu nhiễm. Ví như hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng ở thế gian đều nương vào nước mà sinh, nương vào nước mà lớn lên. Tuy từ nước sinh ra nhưng không bị nước làm ô nhiễm. Người này cũng vậy, nương vào thế gian mà sinh, nương vào thế gian mà trưởng thành, tuy ở ngay trong thế gian, nhưng không bị các pháp thế gian làm cấu nhiễm.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Thành ba phần vô học
Quả vị giới cứu cánh
Tu phạm hạnh viên mãn
Đến tận cùng phạm hạnh.
Chúng Bí-sô như vậy
Đắc Du-già tối thượng
Dứt hết cảnh giới khổ
Chứng Vô thượng an lạc.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ai mong cầu ba việc vui nên đối với tịnh giới không khuyết, không hỏng, không uế, không tạp. Đối với tịnh giới nên hướng đến chỗ cao thượng, siêng năng tinh tấn, hoàn toàn không lười bỏ. Ba pháp đó là:
1. Mong cầu việc vui của danh dự, nên đối với tịnh giới không khuyết, không hỏng, không tạp, không uế. Đối với tịnh Thi-la nên hướng thượng. Tinh tấn hoàn toàn, không lười bỏ.
2. Mong cầu việc vui của lợi dưỡng đối với tịnh giới nên không khuyết, không hỏng, không tạp, không uế. Đối với tịnh giới nên hướng thượng. Tinh tấn hoàn toàn không lười bỏ.
3. Mong cầu việc vui sinh Thiên, nên đối với tịnh giới không khuyết, không hỏng, không tạp, không uế. Đối với tịnh giới nên hướng thượng. Tinh tấn hoàn toàn không lười bỏ.
Đó gọi là mong cầu ba loại việc vui, nên đối với tịnh giới không khuyết, không hỏng, không tạp, không uế. Đối với tịnh Thi-la nên hướng thượng. Tinh tấn hoàn toàn không lười bỏ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Vì cầu ba việc vui
Người trí giữ gìn Giới
Vì đời chuộng danh dự
Ưa lợi dưỡng sinh Thiên.
Quán thắng lạc như vậy
Người trí giữ gìn Giới
Nên xa ác, gần trí
Như tránh con đường hiểm.
Tuy không tạo tội ác
Nhưng gần gũi người ác
Như dùng cỏ cát tường
Nhúng vào cá thịt hôi.
Thân chỗ không nên thân
Quen chỗ không nên quen
Như đem vật trong sạch
Quăng hầm phẩn uế sâu.
Người ưa sạch trong đời
Luôn sợ vấy nhơ nhớp
Người có trí cũng vậy
Rất sợ gần bạn ác.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Có ba loại hương thơm chỉ bay thuận chiều gió, không thể bay ngược chiều gió. Ba loại đó là:
1. Hương thơm của gốc rễ.
2. Hương thơm của cành lá.
3. Hương thơm của hoa.
Ba loại hương thơm này chỉ bay thuận theo chiều gió, không thể bay ngược chiều gió.
Bí-sô các ông nghĩ rằng, ngoài ba loại hương này ra, không còn loại hương nào bay thuận gió, bay ngược gió, hay cả thuận nghịch gió, đều bay tỏa hương thơm cùng khắp cùng khắp. Vì sao? Vì trong Phật pháp của ta, có một loại hương thơm vi diệu có thể bay tỏa thuận gió, nghịch gió, thuận nghịch gió, trên trời, trong nhân gian đều do hương thơm ngào ngạt, Hiền thánh ở thế gian đều rất tôn quý, yêu mến.
Thế nào là trong Phật pháp của ta có một loại diệu hương có thể bay thuận gió, nghịch gió, thuận nghịch gió, trên trời, trong nhân gian đều do hương thơm ngào ngạt, Hiền thánh ở thế gian đều yêu mến? Đó là hương thơm giữ giới. Hương thơm do giữ giới này có thể bay thuận gió, nghịch gió, thuận nghịch gió, trên trời, trong nhân gian đều nghe, nhận sự ngào ngạt, Hiền thánh ở thế gian đều rất trân quý, yêu mến. Như vậy gọi là trong nghịch gió, thuận nghịch gió, trên trời, trong nhân gian đều rất yêu mến.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Thế gian có các thứ
Hương của gốc, cành hoa
Không bay ngược chiều gió
Do uy lực nó yếu.
Trong Phật pháp của ta
Có một loại diệu hương
Nghịch, thuận gió đều bay
Lan tỏa khắp các nơi.
Trên trời và cõi người
Hiền thánh ở thế gian
Tất cả đều yêu mến
Đó là hương giới tịnh.
Ai đối với hương này
An trụ, không phóng dật
Sinh định, tuệ vững vàng
Dứt hẳn các cảnh khổ.
***
Tóm tắt nơi bài kệ kinh phần Bản Sự ở trước:
Đồng giới cảm hậu hữu
Cầu lợi và dục sinh
Ác thuyết giống lừa kêu
Bốn học cùng bốn giới.
- 4
Viết bình luận