1. Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp (Phần 2) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp (Phần 2)

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

QUYỂN 7

PHẨM BA

PHẨM BA PHÁP


PHẦN HAI

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở thế gian này có ba hạng con. Đó là:

1. Hạng con ngang bằng.
2. Hạng con trội hơn.
3. Hạng con kém thua.

Thế nào là hạng con ngang bằng? Nghĩa là có một hạng cha mẹ đầy đủ giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Người con cũng đầy đủ giới, sống với pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Đó là người con ngang bằng.

Thế nào là hạng con trội hơn? Nghĩa là có một hạng cha mẹ phạm giới, sống theo các pháp ác, ưa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, sống chỗ phóng dật. Nhưng người con thì trì giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Đó gọi là hạng con trội hơn.

Thế nào là hạng con thua kém? Nghĩa là có một hạng cha mẹ đầy đủ giới, sống theo pháp thiện, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không sống chỗ phóng dật. Nhưng người con thì phạm giới, sống theo các pháp ác, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, sống chỗ phóng dật.

Đó gọi là hạng con thấp kém.

Như vậy, ở thế gian này có ba hạng con.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người thông minh ở đời
Ưa thích con bằng, hơn
Không ưa thích con kém
Chỗ tổn hại gia môn.
Nên biết ba loại con
Một kém, hai là hơn Phật
Chánh giác thuyết ra
Các Hiền thánh cũng vậy.
Hai đều tin Thi-la
Thông tuệ, không keo kiệt
Như trăng tròn đêm tạnh
Ánh sáng chiếu khắp nơi.
Nên thân cận cúng dường
Được chư Phật xưng dương
Xa lìa các trần cấu
Việc làm không sợ hãi.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào tôn trọng chánh pháp, yêu mến chánh pháp, ưa thích pháp lạc, tinh thần tu hành, ưa thích thực hành pháp, Bí-sô như vậy, tùy niệm chánh pháp thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về tham, làm cho thiện căn không tham viên mãn. thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về sân, làm cho thiện căn không sân viên mãn. thường ưa thích đoạn trừ hẳn căn bất thiện về si, làm cho thiện căn không si viên mãn. Tu ba Thiện căn được viên mãn rồi, tu bốn Niệm trụ làm cho viên mãn. Tu bốn Niệm trụ được viên mãn rồi, tu bốn Chánh đoạn làm cho viên mãn. Tu bốn Chánh đoạn được viên mãn rồi, tu bốn Thần túc làm cho viên mãn. Tu bốn Thần túc được viên mãn rồi, tu tập năm Căn làm cho viên mãn. Tu tập năm Căn được viên mãn rồi, tu tập năm Lực làm cho viên mãn. Tu tập năm Lực được viên mãn rồi, tu bảy Giác chi làm cho viên mãn. Tu bảy Giác chi được viên mãn rồi, tu tám chi Thánh đạo làm cho viên mãn. Tu tám chi Thánh đạo được viên mãn rồi, minh và giải thoát đều được viên mãn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người ưa pháp trọng pháp
Thích pháp, ưa hành pháp
Thường buộc niệm nơi pháp
Tinh tấn theo chánh pháp.
Niệm pháp tu nghiệp thiện
Không niệm, hành hạnh ác
Hành pháp quyết đạt được
Vui đời này, đời khác.
Người hành pháp, hộ pháp
Như dù lớn che mưa
Hành pháp được pháp lợi
Quyết không đọa ba đường.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! thế gian lược có ba loại suy nghĩ, Bí-sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất. Ba loại đó là:

1. Suy nghĩ tương ưng theo chỗ thân cận.
2. Suy nghĩ tương ưng theo lợi dưỡng.
3. Suy nghĩ tương ưng theo ganh ghét.

Đó là lược nêu ba loại suy nghĩ, Bí-sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất. Thế nên các ông nên học như vầy: “Ta phải làm như thế nào để không khởi lên suy nghĩ tương ứng với chỗ thân cận, không khởi lên suy nghĩ tương ứng với lợi dưỡng, không khởi lên suy nghĩ tương ứng với ganh ghét.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Nương suy nghĩ đắm chấp
Lược ra có ba loại
Hữu học cầu vui lớn
Chắc chắn bị chướng ngại.
Tương ứng với thân cận
Lợi dưỡng và đối kỵ
Bỏ vui lớn, tịnh lớn
Dứt hết thật là xa.
Bỏ suy nghĩ thân cận
Lợi dưỡng và ganh ghét
Nhiếp chỉ, quán siêng tu
Mau dứt hết các khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Lược có ba loại pháp, Bí-sô hữu học chưa đắc tâm định, khi thích cầu pháp an lạc vô thượng có thể khiến bị thoái thất. Ba pháp đó là:

1. Bí-sô ưa thích thế sự, tham ái thế sự, say mê thế sự.
2. Bí-sô ưa thích nói chuyện, tham ái nói chuyện, say mê nói chuyện.
3. Bí-sô ưa thích ngủ nghỉ, tham ái ngủ nghỉ, say mê ngủ nghỉ.

Với ba pháp này, Bí-sô hữu học chưa đắc tâm, khi ưa cầu pháp an lạc vô thượng làm cho thoái thất. Thế nên các ông nên học như vầy: “Ta phải làm thế nào để không ưa thích thế sự, không yêu mến thế sự, không say đắm thế sự. Ta phải làm thế nào để không ưa thích nói chuyện, không yêu mến nói chuyện, không say đắm nói chuyện. Ta phải làm thế nào để không ưa thích ngủ nghỉ, không yêu mến ngủ nghỉ, không say đắm ngủ nghỉ.” Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi cầu quả Vô thượng
Có ba pháp làm lui
Ưa thích, đắm thế sự
Nói chuyện và ngủ nghỉ.
Các Bí-sô hữu học
Ai đủ ba pháp này
Hoàn toàn không chứng đắc
Tam-bồ-đề tối thắng.
Ai muốn cầu mau chứng
Tam Bồ-đề tối thắng
Nên ít việc nói, ngủ
Siêng năng tu Chỉ, Quán.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có ba loại pháp hiện tiền hòa hợp làm cho các thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước. Ba pháp đó là:

1. Tịnh tín, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.
2. Bố thí vật dụng, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.
3. Phước điền, hiện tiền hòa hợp, có thể khiến cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

Đó là ba pháp hiện tiền hòa hợp, làm cho thiện nam tịnh tín sinh vô lượng phước.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hiện tiền hòa hợp ba pháp
Sinh trưởng vô lượng phước
Là tịnh tín, thí vật
Và phước điền chân tịnh.
Đủ tuệ, đủ Thi-la
Khéo điều phục ba độc
Tu phạm hạnh Sa-môn
Gọi phước điền chân tịnh.
Đủ tuệ đủ tịnh tín
Cầu tài sản như pháp
Dâng cúng dường điền tốt
Nhất định được quả lớn.
Bốn oai nghi trong thân
Đối Tam bảo, Tứ đế
Tùy thuận, không khiếm khuyết
Gọi là tâm tịnh tín.
Đối với các tuệ thí
Pháp thí là hơn hết
Tâm tịnh diễn chánh pháp
Chư Phật đã khen ngợi.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Những người có trí nên đem ba loại pháp không bền đổi lấy ba loại bền. Ba loại đó là:

1. Nên dùng của cải không bền chắc đổi lấy của cải bền chắc.
2. Nên đem thân không bền chắc đổi lấy thân bền chắc.
3. Nên đem mạng không bền chắc đổi lấy mạng bền chắc.

Thế nào là đem của cải không bền đổi lấy của cải bền? Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ tịnh tín siêng năng như pháp, lao động bằng tay chân, đổ mồ hôi kiệt lực, thu được của cải châu báu, tự cung cấp cho bản thân, dâng lên cha mẹ, cung cấp cho vợ con, nô tỳ, tôi tớ, bạn bè, quyến thuộc, nhóm họp ngày đêm vui chơi, thọ lạc và gặp Sa-môn, hoặc Bà-la-môn đầy đủ giới, sống theo pháp thành tựu, siêng năng phạm hạnh, trừ bỏ kiêu mạn, phóng dật, nhu hòa nhẫn nhục, noi theo con đường chánh pháp, bỏ các đường tà, hướng đến thành Niết-bàn. Với tâm tịnh tín, hoan hỷ cung kính, đúng thời, đúng lúc đem bố thí, xa thì cầu Niết-bàn vô thượng, gần thì cầu quả vui nơi cõi trời, người vào đời sau. Đó gọi là nên đem của cải không bền chắc, đổi lấy của cải bền chắc.

Thế nào là đem thân không bền chắc, đổi thân bền chắc? Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ tịnh tín chánh kiến thành tựu, lìa sát sinh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn, lìa trộm cắp, thanh tịnh, không phạm, hoàn toàn viên mãn. Lìa tà dục, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Lìa nói dối, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Lìa uống rượu, không phóng dật, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Các loại như vậy gọi là dùng thân không bền chắc.

Thế nào là dùng mạng không bền chắc đổi mạng bền chắc? Nghĩa là các Thánh đệ tử trong chánh pháp của ta, nhận biết đúng như thật: Đây là sự thật về Khổ, đây là sự thật về Nguyên nhân của khổ, đây là sự thật về Diệt khổ đế, đây là sự thật về Con đường tu tập đưa đến diệt khổ. Đấy gọi là nên dùng mạng không bền chắc đổi mạng bền chắc.

Như vậy gọi là những người có trí nên dùng ba loại pháp không bền chắc đổi ba loại pháp bền chắc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Như người trí ở đời
Dùng hèn để mua quý
Người chánh kiến cũng vậy
Dùng không bền đổi bền.
Biết của, thân mạng này
Bất tịnh không bền chắc
Cầu thanh tịnh kiên cố
An vui thế, xuất thế.
Tài, thân mạng cõi Trời
Là thế tịnh bền chắc
Chứng Niết-bàn thường lạc
Là pháp chân tịnh, bền.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có ba loại căn, tánh của nó rất sâu xa, tận cùng sâu xa, tánh của nó rất khó thấy, khó thấy được rõ ràng. Ba loại đó là:

1. Căn chưa biết được biết.
2. Căn chưa biết.
3. Căn nhận biết đầy đủ.

Thế nào là Căn chưa biết được biết? Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta, chưa thấy biết các Thánh đế về Khổ, giờ được thấy được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn, thâu giữ tâm. Đối với Thánh đế về Nguyên nhân của khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm. Đối với Thánh đế về diệt trừ khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết nên phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm. Đối với Thánh đế về Con đường tu tập chân chánh để diệt trừ khổ chưa thấy, chưa biết, nay được thấy, được biết, phát sinh ưa muốn, siêng năng, tinh tấn thâu giữ tâm. Đây gọi là Căn chưa biết được biết.

Thế nào là Căn nhận biết? Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta nhận biết đúng như thật: Đây là Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Tập, Thánh đế về Diệt và Thánh đế về Đạo. Đó gọi là Căn nhận biết.

Thế nào gọi là Căn nhận biết đầy đủ? Nghĩa là các Thánh đệ tử trong pháp của ta các lậu đã diệt hết, đắc chân vô lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, nhận biết đúng đắn: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó gọi là Căn nhận biết đầy đủ.

Như vậy gọi là có ba loại căn, tánh của nó sâu xa, tận cùng sâu xa, tánh của nó rất khó thấy, khó thấy rõ ràng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thánh đệ tử hữu học
Trong chánh pháp của ta
Tu thuận theo chánh đạo
Gọi là căn thứ nhất.
Biết đúng Thánh đế khổ
Và khổ tập, khổ diệt
Hướng đến đường khổ diệt
Gọi là căn thứ hai.
Nên biết căn thứ ba
Các lậu đều diệt hết
Chứng đắc chân vô lậu
Tâm, tuệ đều giải thoát.
Biết ta sinh đã dứt
Và phạm hạnh đã lập
Việc đáng, đã làm xong
Không còn tái sinh nữa.
Thân tâm thường vắng lặng
Khéo thâu giữ các căn
Ngay nơi thân tối hậu
Hàng phục hết các ma.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Lược có ba hạng người, vì lợi ích nên phải thân cận. Ba hạng đó là:

1. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ kém cỏi.
2. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ trung bình.
3. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ trội hơn.

Hạng người thành tựu giới, định, tuệ kém cỏi, vì lợi ích gì mà thân cận họ? Nghĩa là đối với hạng người này không mong cầu, chỉ rất thương xót, khuyên giúp cho họ tinh tấn hơn. Vì lợi ích này nên phải gần gũi.

Hạng người thành tựu giới, định, tuệ trung bình, vì lợi ích gì mà thân cận họ? Nghĩa là đối với hạng người này, nên suy nghĩ: “Người ấy sẽ thuyết giới cho ta, ta cũng sẽ thuyết giới cho người ấy, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối liên tục.” Có làm việc gì cũng nên suy nghĩ: “Người kia thuyết định cho ta, ta cũng thuyết định cho người kia, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối.” Ra làm việc gì cũng nên suy nghĩ: “Người kia thuyết tuệ cho ta, ta cũng sẽ thuyết tuệ cho người kia, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối, làm được nhiều việc.” Vì sự lợi ích này nên sẽ thân cận.

Có một hạng người thành tựu giới, định, tuệ trội hơn, vì lợi ích gì nên phải thân cận họ? Nghĩa là đối với hạng người này, nên suy nghĩ: “Ta sẽ nương vào giới uẩn của người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu giữ chánh niệm, bên trong duy trì vững chắc.” Suy nghĩ: “Ta sẽ nương vào định uẩn của người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu giữ chánh niệm bên trong, duy trì vững chắc.” Suy nghĩ: “Ta sẽ nương vào tuệ uẩn người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu nhiếp chánh niệm bên trong, duy trì vững chắc.” Vì sự lợi ích này nên sẽ thân cận.

Như vậy, gọi là lược có ba hạng người nên thân cận.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Từ bi gần kẻ kém
Lợi ích cho kẻ vừa
Vì đức gần người hơn
Kiên trì hay viên mãn.
Gần hạ sĩ đức kém
Gần trung sĩ đức trung
Gần thượng sĩ đức trội
Nên phải gần thượng sĩ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Phải quán bất tịnh đối với thân này, nên niệm hơi thở đối với hơi thở, nên quán vô thường, khổ, vô ngã đối với các hành. Ai tu quán bất tịnh trên thân này thì sẽ đoạn trừ tham dục đối với cảnh giới sạch đẹp. Ai niệm hơi thở trên hơi thở, đoạn những chướng ngại do tầm tư theo ngoài. Ai quán vô thường, quán khổ, vô ngã trên các hành, đối với các hữu đoạn được hữu ái, đoạn hữu ái nên ngay nơi thế gian không chấp thọ, không chấp thọ nên không sợ hãi, nên bên trong tự chứng Niết-bàn cứu cánh. Chứng Niết-bàn rồi, tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Quán bất tịnh nơi thân
Theo niệm trụ hơi thở
Quán các hành vô thường
Cùng với khổ, vô ngã.
Hiểu các hành tánh không
Được tịch tĩnh tối thắng
Ái dứt, không chấp thọ
Chứng Niết-bàn cứu cánh.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Thân của các loài hữu tình thường bị ba thứ oán tặc mạnh mẽ đuổi theo làm hại. Ba loại đó là:

1. Oán tặc mạnh mẽ: Già yếu.
2. Oán tặc mạnh mẽ: Bệnh tật.
3. Oán tặc mạnh mẽ: Vô thường.

Ba loại oán tặc mạnh mẽ này thường theo làm hại thân của các hữu tình. Trong thân các hữu tình lược có ba pháp:

1. Tuổi thọ.
2. Hơi nóng.
3. Tâm thức.

Ba pháp này khi xa lìa thân gọi là chết. Thi hài hôi hám vứt tại gò mả, thật vô dụng. Vì sao? Vì thân này hư giả, do các pháp hiện thành, phần tốt nhất trong đó là tuổi thọ, hơi ấm và thần thức. Nhưng các pháp này nương vào nhân duyên mà sinh ra, vô thường không vững, không bền, không có khả năng, hư diệt nhanh chóng, giặc già, bệnh, chết luôn theo sát không rời. Nhưng các ngu phu bị vô minh che lấp nên tham ái, đắm chấp, không có tâm nhàm chán xả bỏ. Thánh đệ tử của ta, đối với thân giả hợp thành này luôn nhận biết đúng như thật: Nhiều các lỗi lầm, đối với tất cả phần nội, ngoại trong thân càng nhàm chán, từ bỏ.” Càng nhàm chán, từ bỏ, nên lìa tham dục, lìa tham dục nên đắc giải thoát, đắc giải thoát nên liền tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thân tất cả hữu tình
Ba giặc oán theo hại
Đó là già, bệnh, chết
Chưa có lúc nào rời.
Các pháp hợp thành thân
Hư ngụy không chắc thật
Xả thọ, thức, hơi ấm
Vứt ở ngoài gò mả.
Người ngu không hiểu biết
Thường tham ái đắm chấp
Hiền thánh có trí kiến
Ghét hơn là hầm phẩn.
Tu Thánh đạo vô lậu
Đoạn nhân duyên ba giặc
Chứng Niết-bàn thường lạc
Thoát hẳn ba loại giặc.
Người có trí ở đời
Càng nhàm chán thân mình
Cầu Niết-bàn thường lạc
Siêng năng chớ phóng dật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Các sự phước nghiệp, lược có ba loại nên tu tập, nên tu tập nhiều. Ba loại đó là:

1. Thí.
2. Giới.
3. Tu.

Thế nào là sự phước nghiệp về Thí? Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ, với tịnh tín thường bố thí các loại thức ăn ngon bổ, hương liệu, y phục, xe cộ, đồ nằm, nhà cửa, phòng ốc, đèn lớn… tức các thứ cần thiết trong đời sống. Như vậy gọi là sự phước nghiệp về Thí.

Thế nào là sự phước nghiệp về Giới? Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ với tịnh tín không sát sinh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không trộm cắp, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không tà hạnh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không nói dối, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không uống rượu, không sống chỗ phóng dật, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Như vậy gọi là sự phước nghiệp về Giới.

Thế nào là sự phước nghiệp về Tu? Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ tịnh tín, tu đủ tâm Từ khắp một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương, cho đến phương trên, phương dưới bốn hướng, tất cả thế giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm Từ quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn. Tu đủ tâm Bi khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương cho đến phương trên, phương dưới bốn hướng, tất cả thế giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm Bi quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn. Tu đủ tâm Hỷ khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn hai phương, ba phương, bốn phương, trên dưới, bốn hướng, tất cả thế giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm Hỷ quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn. Tu đủ tâm Xả khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương, trên dưới, bốn hướng, tất cả thế giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm Xả quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ viên mãn. Như vậy gọi là sự phước nghiệp Tu.

Đối với ba sự phước nghiệp này nên tu, nên tập, nên tu tập nhiều.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có ba pháp nên tu
Tu tập, tu tập nhiều
Đạt được ba pháp vui
Đó là Thí, Giới, Tu.
Tu phước được nhiều của
Tu giới được trường thọ
Tu Từ, Bi, Hỷ, Xả Sẽ sinh
Trời thanh tịnh.
Người có trí ở đời
Muốn cầu vui thù thắng
Nên tu ba phước này
Quyết chắc sẽ đạt được.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở đời lược có ba hạng tối thắng. Ba hạng đó là:

1. Đối với tất cả các hữu tình không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng và phi tưởng phi phi tưởng thì Phật là tối thắng. Đó là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc-già-phạm. Ai đối với Phật phát tâm tịnh tín là tối thắng đối với các tín. Tịnh tín như vậy, nhận được quả báo trong cõi trời, người là tối thắng.

2. Đối với tất cả pháp môn đã có: Thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi… trong các pháp môn Niết-bàn là tối thắng, nghĩa là lìa kiêu mạn, dứt khát ái, diệt A-lại-da, đoạn các con đường luân hồi, dứt ái, ly dục đạt Niết-bàn tịch tĩnh. Ai đối với pháp Niết-bàn như vậy phát tâm tịnh tín là tối thắng đối với các tín. Tịnh tín như vậy nhận được quả báo trong cõi trời, người là tối thắng.

3. Đối với tất cả đồ chúng, bạn bè ở trong ấp, trong các hội chúng, thì Thánh đệ tử của Phật tức Tăng là tối thắng. Đó là bốn hướng, bốn quả, tám Bổ-đặc-già-la, ở trong các hữu tình là chân, là diệu, là tối thắng, nên cung kính mời thỉnh, cung kính cúng dường, khen ngợi, tán thán không tiếc thân mạng, tài sản là phước điền vô thượng của chúng trời, người trong thế gian. Ai đối với Hiền thánh tăng như vậy, phát tâm tịnh tín, đối với các sự tịnh tín đây là tối thắng. Tịnh tín như vậy, nhận được quả báo ở trong cõi trời, người là tối thắng.

Như vậy gọi là ba hạng tối thắng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có ba hạng tối thắng
Đó là Phật, Pháp, Tăng
Tâm tịnh tín quy y
Thấy được pháp tối thắng.
Nương Phật sinh tịnh tín
Biết Lưỡng Túc Trung Tôn
Chứng Bồ-đề vô thượng
Trời, người đồng cúng dường.
Nương pháp sinh tịnh tín
Biết Ly Dục Trung Tôn
Chứng Niết-bàn vô thượng
Tịch tĩnh thường an lạc.
Nương Tăng sinh tịnh tín
Biết các Chúng Trung Tôn
Chứng Phước điền vô thượng
Trời, người đồng cúng dường.
Gieo ruộng tốt tối thắng
Sinh công đức tối thắng
Được an lạc tối thắng
Trong nhân gian, thiên thượng.
Thí Tam bảo phước điền
Gọi là Thí tối thắng
Hiện tại thường an lạc
Đời sau chứng Niết-bàn.

Tóm tắt lại nơi bài kệ phần kinh Bản Sự ở trước:

Tử, Tôn, Trọng, nhị học
Phước, kiến, văn, Bổn la
Bất tịnh đẳng cấp oán
Phước nghiệp, sự tối thắng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có ba bậc Đại sư xuất hiện ở thế gian, làm lợi ích, an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng trời, người nơi thế gian làm cho họ được lợi ích an lạc vô lượng. Ba bậc Đại sư đó là:

1. Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc-già-phạm, xuất hiện nơi thế gian, vì các chúng sinh mà mở bày, xiển dương chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất viên mãn. Nghĩa là: Đây là sự thật về Khổ, sự thật về Nguyên nhân của khổ, sự thật về Diệt trừ khổ và sự thật về Con đường tu tập để diệt khổ. Đó gọi là bậc Đại sư thứ nhất, xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích, an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng trời, người nơi thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.

2. Lại có đệ tử Vô học của Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, là A-la-hán các lậu đã hết, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, tự đạt lợi ích, dứt các hữu kết, đã chân chánh phụng hành Thánh giáo của Như Lai, đã được giải thoát, đã chứng biết khắp, xuất hiện ở thế gian, vì các chúng sinh giảng dạy chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất viên mãn. Nghĩa là: Đây là sự thật về Khổ, sự thật về Nguyên nhân của khổ, sự thật về diệt trừ Khổ và sự thật về con đường tu tập để diệt Khổ. Như vậy gọi là bậc Đại sư thứ hai xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng trời, người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.

3. Lại có bậc đệ tử Hữu học của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, tu phạm hạnh đầy đủ, được học tập chân chánh đầy đủ; nghĩa là được học chân chánh về Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Giàtha, Vô vấn tự thuyết, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hy pháp, hiểu rõ về ý nghĩa, xuất hiện ở đời vì các chúng sinh chỉ dạy chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất, viên mãn. Nghĩa là: Đây là sự thật về Khổ, sự thật về Nguyên nhân của khổ, sự thật về Diệt trừ khổ và sự thật về Con đường tu tập để diệt khổ. Như vậy gọi là bậc Đại sư thứ ba xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh, thương xót đại chúng trời, người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.

Như vậy gọi là có ba bậc Đại sư xuất hiện ở thế gian tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh, thương xót đại chúng trời, người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có ba bậc Đại sư
Nếu xuất hiện ở đời
Làm lợi ích an vui
Trời, người khắp thế gian.
Một là Bậc Như Lai
Hai, đệ tử Vô học
Ba, đệ tử Hữu học
Đủ tịnh giới đa văn.
Ba bậc Đại sư này
Trời, người đều cúng dường
Giảng thuyết pháp chân chánh
Rộng mở cửa cam lồ.
Làm vô lượng chúng sinh
Dứt hẳn các hữu kết
Thoát khỏi khổ sinh tử
Chứng Niết-bàn thường lạc.
Ví như Đạo sư giỏi
Chỉ đường tốt cho người
Người chân chánh đi theo
Chắc chắn được an vui.
Ba Đại sư như vậy
Dạy chúng sinh bốn Đế
Tu hành không phóng dật
Quyết vượt cảnh sinh tử.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có chư Thiên nhóm họp trong ba thời, hoan hỷ bàn luận rõ ràng, khuyến khích nhau đi đến nhân gian. Thế nào là ba? Đó là:

1. Đệ tử của ta, hoặc ít của cải, ít quyến thuộc, nhiều quyến thuộc, dòng họ tôn quý, hoặc dòng họ thấp kém, mới phát tâm tịnh tín, nhàm chán pháp tại gia, ưa thích pháp xuất gia, khi ấy chư Thiên hoan hỷ nhóm họp cùng bàn với nhau: “Thiên tiên nên biết! Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác sắp chiến đấu, chúng ta phải thống suất chúng chư Thiên đi đến nhân gian, âm thầm gia hộ, hỗ trợ thêm tín tâm cho người kia, làm cho chư vị không bị chướng nạn.” Nghĩ xong, đi đến nhân gian làm việc nên làm. Như vậy gọi là chư Thiên nhóm họp, trong lần thứ nhất, hoan hỷ bàn luận, cùng khuyến khích nhau đi đến nhân gian.

2. Đệ tử của ta, khi cạo bỏ râu tóc đắp mặc ca-sa với tâm chánh tín, từ bỏ pháp tại gia, hướng đến chỗ không nhà, cùng các Bí-sô đồng tu hòa kính, an trụ giữ gìn giới Biệt giải thoát, tu hành mẫu mực, đều được viên mãn, đối với lỗi nhỏ cũng thấy rất sợ hãi. Học tập tất cả học xứ, thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp thanh tịnh, thành tựu mạng thanh tịnh, thành tựu kiến thanh tịnh. Bấy giờ chư Thiên hoan hỷ nhóm họp, cùng bảo với nhau: “Thiên tiên nên biết! Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác đang chiến đấu, chúng ta phải thống suất chúng chư Thiên đi đến nhân gian, âm thầm gia hộ, hỗ trợ thêm oai lực cho người kia, làm cho chư vị thắng quân ma.” Nghĩ như vậy, đi đến nhân gian làm điều nên làm. Như vậy gọi là chư Thiên nhóm họp trong lần thứ hai hoan hỷ bàn luận, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.

3. Đệ tử của ta, các lậu đã dứt, chứng nhân vô lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, ngay nơi hiện tại tự chứng thông tuệ, hoàn toàn an trụ, tự biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Khi ấy chư Thiên hoan hỷ, nhóm họp cùng bàn với nhau: “Thiên tiên nên biết! Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác đã chiến đấu xong rồi, đã diệt trừ quân ma, đã đập tan quân ma, tự nói: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa”. Chúng ta phải nên thống suất chúng chư Thiên, cầm hương hoa đẹp đi đến nhân gian lễ bái cúng dường, khen ngợi tán thán, thỉnh thuyết giảng chánh pháp độ thoát sinh, già, bệnh, chết của mình.” Nói như vậy xong, đi đến nhân gian, làm việc nên làm. Như vậy gọi là chư Thiên nhóm họp trong lần thứ ba hoan hỷ bàn luận, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.

Bí-sô nên biết! Nếu có quốc độ, thành ấp, xóm làng có người có tâm tịnh, tín cầu xuất gia, có người đang cạo bỏ râu tóc xuất gia, có người xuất gia rồi, các lậu đã dứt, thì ngay trong quốc độ, thành ấp đó, các đại Thiên tiên và các Thiện thần đều đi đến, siêng năng gia trì bảo vệ, làm cho nơi đó vui vẻ, được mùa, mưa thuận gió hòa, không có các bệnh tật, chúng sinh trong đó, tâm Từ hướng đến với nhau đồng tu nghiệp thiện, đời này đời sau, ngày đêm an ổn, mau chứng Niết-bàn thường lạc vô thượng. Như vậy gọi là trong ba lần chư Thiên nhóm họp, hoan hỷ luận bàn, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Chư Thiên trong ba đời
Hoan hỷ cùng nhóm họp
Bàn luận khuyên xuất binh
Đi đem cõi nhân gian.
Lần đầu cầu xuất gia
Thứ hai cạo râu tóc
Thứ ba lậu đã dứt
Hàng phục các quân ma.
Chư Thiên thấy xuất gia
Dứt sạch hẳn các lậu
Cùng cung kính cúng dường
Như vậy khen ngợi rằng.
Quy mạng bậc Thù thắng
Quy mạng Tối thượng sĩ
Quy mạng dẹp chúng ma
Nhận được tiếng khen lớn.
Chư Thiên tâm hoan hỷ
Thầm giúp ta cúng dường
Cầu mong cạo râu tóc
Dứt lậu, chứng vô sinh.
Thế nên, phải siêng năng
Hệ niệm ưa tĩnh lự
Dũng mãnh, không phóng dật
Hàng phục các ma quân.
Ngay trong pháp luật Phật
Người chánh tín xuất gia
Giải thoát được các lậu
Dứt hẳn mọi cảnh khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Trời hơn người lược có ba việc. Đó là:

1. Sống lâu.
2. Xinh đẹp.
3. Hoan lạc.

Như vậy gọi là ba việc trời hơn người gấp trăm ngàn vạn lần không thể tính kể. Vì sao? Vì cứ năm mươi năm ở cõi nhân gian thì bằng một ngày một đêm ở cõi trời Tứ thiên vương. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Thọ mạng nơi cõi trời Tứ thiên vương là năm trăm năm. Với số năm ấy sẽ bằng chín trăm vạn năm ở nhân gian. Một trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày ở cõi trời Tam thập tam. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Thọ mạng nơi cõi trời Tam thập tam là một ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng ba ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian. Hai trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Dạ-ma. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Trời Dạ-ma thọ mạng là hai ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng một ức bốn ngàn bốn trăm vạn năm ở gian. Bốn trăm vạn năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Đâu-suất. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Trời Đâu-suất thọ mạng là bốn ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng năm ức bảy ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian. Tám trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Lạc biến hóa. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Trời Lạc biến hóa thọ mạng là tám ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng hai mươi ba ức bốn trăm vạn ở nhân gian. Một ngàn sáu trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Tha hóa tự tại. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Trời Tha hóa tự tại thọ mạng là một vạn sáu ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng chín mươi hai ức một ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian.

Ở cách tính này thì vạn vạn là ức. Như vậy gọi là tuổi lâu dài của chư Thiên. Xinh đẹp của chư Thiên, hoan lạc của chư Thiên, tất cả những gì ở thế gian đều không thể thí dụ. Như vậy gọi là chư Thiên có ba việc thù thắng.

Nhưng tất cả đều là vô thường không bền chắc, không bảo đảm, là pháp biến đổi, hư hoại, bị sức mạnh của thần chết thâu nuốt, hệ thuộc vào sự chết. Chúng chư Thiên kia khi lâm chung thì có chúng chư Thiên khác đến chỗ của họ nêu truyền chỉ dẫn:

–Các Thiên tiên xin nguyện cho các ông sinh đến nẻo thiện.

Sinh nẻo thiện rồi, đạt lợi ích tốt. Được lợi ích tốt có sự hoàn thành.

Chư Thiên ấy đi đến nẻo thiện nào? Được lợi ích gì? Thành tựu việc gì? Nghĩa là chư Thiên kia sau khi qua đời, sinh vào cõi người, được làm người, gọi là đi đến nẻo lành. Đến nẻo người xong, đối với pháp luật của Phật đã thuyết giảng có được chánh tín, nên gọi là đạt lợi ích tốt. Chánh tín như vậy được tăng trưởng rộng lớn, vững chắc, sâu xa. Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm ở thế gian không pháp nào có thể làm cho thoái chuyển, nên gọi là thành tựu đầy đủ. Do thành tựu hoàn toàn nên đối với Phật pháp làm được nhiều việc, nghĩa là phát tâm tịnh tín, xuất gia, thọ giới tu Thiền chỉ, Thiền quán, quán xét bốn Thánh đế, đoạn hẳn các lậu, chứng đắc Niết-bàn, dứt hết cảnh khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Trời có ba việc hơn
Sống lâu, vui xinh đẹp
Đem so với người đời
Tính toán rất khó kịp.
Ba việc hơn như vậy
Không thường, không bền chắc
Pháp biến hoại khó giữ
Bị ma chết trói buộc.
Trời khi sắp ra đời
Trời khác đến một bên
Khéo nêu trao chỉ dẫn
Khiến sinh tâm hoan hỷ.
Xin nguyện cho Thiên tiên
Vãng sinh đến nẻo thiện
Được sinh làm loài người
Sinh giữa nước, thông minh.
Ở trong pháp luật Phật
Đạt được tâm chánh tín
Tăng trưởng tâm kiên cố
Tà giáo không thể chuyển.
Dùng phương tiện xả bỏ
Hạnh ác thân, ngữ, ý
Những lỗi lầm đã sinh
Cũng phương tiện trừ diệt.
Thân, ngữ, ý thường tu
Ba nghiệp là thù thắng
Như lý, chánh tư duy
Làm rộng lớn vô lượng.
Tu các sự phước nghiệp
Là thí, giới, đa văn
Ngay trong chánh pháp Phật
Xuất gia tu phạm hạnh.
Chánh tín tu phạm hạnh
Thường nhẫn nhục, nhu hòa
Hoặc sinh trong trời, người
Hoặc chứng Niết-bàn lạc.
Như vậy các Thiên tiên
Đến nêu truyền, chỉ dẫn
Chư Thiên khi lâm chung
Như mẹ thương xót con.
Chư Thiên thường phát nguyện
Được tăng ích cõi thiện
Làm cho chúng Tu-la
Tan rã, không tăng trưởng.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6476722
Số người trực tuyến: