1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 3) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 3)

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

QUYỂN 5

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP


PHẦN BA

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại bố thí, đó là:

1. Tài thí.
2. Pháp thí.

Tài thí có hạng người hay bố thí vô số thức ăn uống ngon bổ, hương liệu, vòng hoa, y phục, xe cộ, phòng xá, đồ nằm, của cải, đèn đuốc, thuốc men chữa bệnh, xả hết tất cả những thứ như vậy để bố thí cho người khác. Gọi đó là bố thí tài vật.

Pháp thí có hạng người vì tất cả những người khác giảng thuyết chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, đầy đủ pháp thanh bạch, phạm hạnh, khiến các hữu tình nghe xong, thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức. Đó gọi là pháp bố thí giáo pháp.

Đối với hai loại tài thí và pháp thí này là vi diệu tối thượng bậc nhất. Ví như ở thế gian, sữa từ bò mà ra, lạc từ sữa mà ra, sinh tô từ lạc mà ra. Từ sinh tô cho ra thục tô, từ thục tô cho ra đề hồ và đối với tất cả các vị sữa bò này thì đề hồ là tối thượng thắng diệu hơn hết.

Cũng vậy, trong hai loại tài thí và pháp thí là tối thượng thắng diệu bậc nhất. Đối với pháp thí, ai là người thực hành pháp thí đúng đắn? Chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc-già-phạm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Trong hai loại bố thí
Pháp thí đứng hàng đầu
Người thực hành Pháp thí
Thiện Thệ là trên hết.
Trong ruộng thọ tài thí
Như Lai đứng hàng đầu
Thí tài không bền chắc
Chúng sinh nhận pháp thí.
Tài thí giúp chúng sinh
Được đời sống an lạc
Pháp thí khiến người nhận
Cuối cùng đạt Niết-bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại cúng tế, hai loại đó là:

1. Cúng tế tài vật.
2. Cúng tế pháp.

Cúng tế tài vật đó là có hạng người cúng tế vô số thức ăn uống ngon bổ, hương liệu, vòng hoa, y phục, xe cộ, phòng xá, đồ nằm, của cải, đèn đuốc… cúng tế những loại như vậy gọi là cúng tế tài vật.

Cúng tế pháp là có người cúng tế pháp nơi Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Già-tha, Tự thuyết, Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu, dùng vô lượng pháp môn, đúng như lý tuyên thuyết, trình bày, xây dựng, phân tích, chỉ dạy, đó gọi là pháp. Đối với hai loại cúng tế tài vật và cúng tế pháp này, thì cúng tế pháp là tối thượng thắng diệu bậc nhất. Ví như ở thế gian, sữa từ bò mà ra, lạc từ sữa ra, sinh tô từ lạc mà ra. Từ sinh tô cho ra thục tô, từ thục tô cho đề hồ là đối với tất cả các vị nơi sữa bò này thì đề hồ; và tối thượng thắng diệu hơn hết. Cũng vậy, trong hai loại cúng tế tài vật và cúng tế pháp, thì cúng tế pháp là tối thượng thắng diệu bậc nhất.

Trong việc cúng tế pháp, ai là người thực hành cúng tế pháp một cách đứng đắn? Chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc-già-phạm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Trong hai loại cúng tế
Cúng tế pháp đứng đầu
Người hành cúng tế pháp
Thiện Thệ là trên hết.
Trong ruộng cúng tế tài
Như Lai đứng hàng đầu
Cúng tài không bền chắc
Chúng sinh cúng tế pháp.
Chúng sinh cúng tài vật
Được đời sống an lạc
Người cúng tế chánh pháp
Cuối cùng đạt Niết-bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

Bí-sô nên biết! Những người tu hành khi tập hợp nhau có hai việc làm:

1. Nói đúng pháp.
2. Im lặng.

Do nói đúng pháp nên xét biết người đó có đức, xét biết người đó có đức nên càng kính tin, càng kính tin nên đi đến chỗ của người đó để gần gũi, hầu hạ, cầu nghe chánh pháp. Cầu nghe chánh pháp nên chăm chú nghe không tán loạn. Chăm nghe không tán loạn nên nghe pháp được thông suốt và ghi nhớ, thọ trì pháp, quán sát mục đích ý nghĩa của pháp. Khi quán sát mục đích ý nghĩa của pháp nên có thể chấp nhận pháp. Suy nghĩ chấp nhận pháp. Khi suy nghĩ kỹ, sinh ưa thích. Sinh ưa thích xong, có được năng lực. Có được năng lực xong, có thể cân nhắc, đo lường. Do cân nhắc, đo lường nên lựa chọn. Do lựa chọn nên giác ngộ ngay sự thật, liền tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã xong, không còn tái sinh nữa.

Do im lặng nên tâm được yên tịnh. Thanh tịnh trong sáng, không có tỳ vết, lìa tùy phiền não, chánh biết khắp, có thể luyện cho thân tâm an trụ bất động, có thể phát sinh, khai triển. Phát sinh khai triển nên nhận biết đúng như thật. Nhận biết đúng như thật nên nhàm chán, chối từ. Nhàm chán, chối từ nên lìa dục. Lìa dục xong liền được giải thoát. Giải thoát xong tự thấu rõ: Ta đã giải thoát, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, còn tái sinh nữa.

Bí-sô các ông nên giảng nói rõ pháp như trên, nên nhận biết rõ pháp như trên. Ai có thể làm được như vậy thì mới gọi là đích thật nhận lấy ngọn cờ của chư Phật. Ngược lại, không phải là mọi người tập họp lại để cùng nói năng, hý luận, mới có thể nhận biết đúng đắn về thật tướng của các pháp, có thể đoạn trừ các lậu, chứng đắc Niết-bàn. Ta thường nêu bày biết rõ các pháp như trên, nên được gọi là người đứng đầu, nhận lấy ngọn cờ của chư Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hành giả khi tập họp
Cần phải làm hai việc
Là im lặng yên tịnh
Và nói đúng chánh pháp.
Do nói đúng chánh pháp
Và yên lặng thanh tịnh
Biết thật tướng các pháp
Cuối cùng chứng Niết-bàn.
Nên Bí-sô các ông
Ai nói rõ pháp trên
Mới là người chân thật
Nhận ngọn cờ của Phật.
Ta thường ở trong chúng
Giảng thuyết pháp rõ ràng
Thế nên gọi bậc nhất
Gương cao ngọn cờ Phật.
Ai nương cờ chánh pháp
Giảng thuyết và tu hành
Mau thoát sinh tử
Đạt Niết-bàn cứu cánh.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Khi nói năng những Bí-sô nào suy nghĩ trái với giáo pháp, theo ý tưởng tham dục, sân giận, tàn hại, Bí-sô như vậy gọi là người ác, người thực hành sơ suất, cẩu thả, người có những hành động tương ứng với nhiều ác làm phương tiện, nên đối với sự đoạn trừ, với sự lìa bỏ, không còn được thiện hữu gần gũi bảo hộ. Phóng dật, biếng trễ, tinh tấn thấp kém, quên mất chánh niệm, tỉnh giác, tâm loạn không định, buông thả các căn, không có nhận thức xuất ly, không biết xuất ly, không có chánh tuệ như thật. Là người đến ma ác, pháp ác, bất thiện, bị hàng phục do ma ác, pháp ác, bất thiện, làm tăng trưởng tất cả các pháp ác, bất thiện.

Khi im lặng các Bí-sô nào suy nghĩ, trái với giáo pháp, nói rộng ra cho đến làm tăng trưởng tất cả pháp ác, bất thiện, Bí-sô như vậy các người đồng phạm hạnh có ý chê bai, quở trách. Đối với người đó ta cũng không khen ngợi. Bí-sô như vậy tuy được xuất gia thọ giới cụ túc, nhưng gọi đó là người ngu si, có ác tuệ, ưa thích nơi Hữu. Thế nên các ông phải học như vầy: Ta phải dùng phương tiện gì để đoạn trừ suy nghĩ trái với giáo pháp và dùng phương tiện gì để tu tập suy nghĩ đúng với giáo pháp. Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi nói năng, im lặng
Căn buông lung, tạo ác
Không vâng lời ta dạy
Là người si tối tăm.
Nên Bí-sô các ông
Siêng tu, không phóng dật
Lìa suy nghĩ trái pháp
Nên tư duy đúng pháp.
Các ông ai siêng năng
Nói, im, không phóng dật
Không lâu vượt sinh tử
Chứng Niết-bàn vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Khi nói năng, các Bí-sô nào suy nghĩ đúng với giáo pháp, với ý tưởng xuất ly, không sân hận, không tàn hại. Bí-sô như vậy gọi là người nhiều thiện, người không thực hành sơ suất, cẩu thả. Người có những hành động tương ứng nhiều với thiện làm phương tiện, nên đối với sự đoạn trừ, lìa bỏ, luôn luôn được thiện hữu thân cận, bảo hộ bằng pháp thiện, phóng dật, tinh tấn dũng mãnh, chánh niệm, tỉnh giác, tâm định không loạn, giữ kín các căn, có nhận thức xuất ly, hiểu biết xuất ly, đạt chánh tuệ như thật, là người xả bỏ pháp ác, bất thiện của ma ác, hàng phục pháp ác, bất thiện của ma ác, làm tổn hại tất cả pháp ác, bất thiện.

Khi im lặng, các Bí-sô nào suy nghĩ đúng với giáo pháp, nói rộng ra cho đến làm tổn giảm tất cả các pháp ác, bất thiện, Bí-sô như vậy được các đồng phạm có trí khen ngợi. Bí-sô như vậy gọi là người xuất gia chân thật, thọ giới Cụ túc, người có nhiều trí tuệ, người không ưa các hữu. Gọi là người không si. Thế nên các ông nên học như vậy: “Ta phải tu tập theo phương tiện nào để đoạn trừ suy nghĩ trái với giáo pháp.” Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi nói năng, im lặng
Các căn không tạo ác
Vâng theo lời ta dạy
Là người trí thông tuệ.
Tư duy tu xuất ly
Và không giận, không hại
Có chánh kiến xuất ly
Hiểu biết đúng như thật.
Hàng phục các ma ác
Và pháp ác, bất thiện
Đoạn hẳn các phiền não
Chứng cứu cánh Niết-bàn.
Nên Bí-sô các ông
Siêng tu, không buông lung
Nên tư duy đúng pháp
Tránh suy nghĩ trái pháp.
Các ông ai siêng tu
Nói, im, không phóng dật
Mau vượt khỏi sinh tử
Chứng Niết-bàn Vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô hữu học có hai loại năng lực. Hai loại đó là:

1. Năng lực lựa chọn.
2. Năng lực tu tập.

Thế nào là Bí-sô có năng lực lựa chọn? Nghĩa là có hạng Bí-sô hữu học, khi thọ dụng các thứ y phục, ẩm thực, phòng xá, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, của cải… đều lựa chọn một cách rõ ràng, không phải không chọn lựa mà liền thọ dụng. Đối với y phục, ẩm thực, phòng xá, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh và của cải chưa có được thì không quá mong cầu. Đối với y phục, ẩm thực, phòng xá, thuốc men chữa bệnh và của cải đã được rồi thì không quá đắm chấp. Chấp nhận, chịu đựng những sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, rắn rít… xúc phạm chịu đựng những lời hủy báng, mắng nhiếc của người khác. Cố gắng chịu đựng những sự đau đớn, cay đắng dữ dội, khó chịu đựng từ trong cơ thể phát sinh ra cướp đoạt mạng sống, chịu đau khổ khó chữa trị. Nhẫn nhục chịu đựng tất cả những việc rất khó nhẫn ở thế gian. Lựa chọn rõ ràng ba loại hành ác thuộc thân, ngữ, ý để quán chiếu về quả khổ dị thục không thể ưa thích của pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, cho nên suy nghĩ thế này: “Ta nay quyết định phải đoạn trừ ba loại ác hạnh thuộc thân, ngữ, ý. Ta nay quyết định phải tu ba loại thiện hạnh thuộc thân, ngữ, ý. Có thể nhận biết đúng đắn về lỗi lầm có ba loại ác hạnh. Lại nhận biết đúng đắn về công đức của ba loại thiện hạnh. Đã nhận biết đúng đắn rồi thì siêng đoạn ác hạnh, siêng tu thiện hạnh để sửa đổi bản thân, làm cho bản thân được thanh tịnh, lìa các tội lỗi. Đó gọi là năng lực lựa chọn ban đầu của Bí-sô hữu học.

Thế nào là Bí-sô có năng lực tu tập? Nghĩa là có hạng Bí-sô hữu học, những điều đã ghi nhớ, tất cả đều thuận với Giác chi không trái. Những Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả đã được, tất cả đều thuận với giác chi không trái. Tu niệm Giác chi điều y chỉ nơi sự chán bỏ, xa lìa y chỉ nơi diệt trừ và hồi hướng về xả. Tu tập Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác chi đều y chỉ nơi sự chán bỏ, xa lìa y chỉ diệt trừ và hồi hướng nơi xả. Như vậy gọi là năng lực tu tập của loại Bí-sô hữu học. Đó gọi là hai năng lực của Bí-sô hữu học.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Các Bí-sô hữu học
Lược có ba năng lực
Lựa chọn và tu tập
Dẹp trừ quân ma ác.
Thấy lỗi xấu nên đoạn
Biết diệu đức nên tu
Nhẫn nhục và tư duy
Gọi năng lực lựa chọn.
Y chỉ, chán, lìa, diệt
Và hồi hướng về xả
Để tu bảy Giác chi
Gọi năng lực tu tập.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Do hai loại pháp diệt hết, nên chết. Hai pháp đó là:

1. Nghiệp hiện tại.
2. Tuổi thọ.

Do nghiệp hiện tại chấm dứt và do tuổi thọ chấm dứt nên quyết định chết.

Khi nào nghiệp hiện tại còn, khi ấy tuổi thọ còn. Khi nào tuổi thọ còn, khi ấy nghiệp còn. Vì sao? Vì hai pháp này luôn luôn hòa hợp nhau, không lúc nào là không hòa hợp. Hai pháp này không thể sắp đặt, phân tích, tách rời cho rằng: Hiện tại có nghiệp, lúc khác có thọ, hiện tại có thọ, lúc khác có nghiệp. Nếu nghiệp thì có thọ, nếu thọ thì có nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không có thọ, nếu không có thọ thì không có nghiệp. Giống như đốt đèn thì có ngọn lửa và phát ra ánh sáng. Nếu có ngọn lửa thì có ánh sáng, nếu có ánh sáng thì có ngọn lửa. Nếu không có ngọn lửa thì không có ánh sáng, nếu không có ánh sáng thì không có ngọn lửa. Nghiệp và thọ cũng như vậy, nếu có tuổi thọ thì có nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có nghiệp. Hai pháp này diệt hết thì liền chết.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hai phát thường theo nhau
Là nghiệp cùng với thọ
Nghiệp có, thọ cũng có
Nghiệp không thọ cũng không.
Nghiệp thọ chưa tiêu mất
Hữu tình chưa thể chết
Nghiệp, thọ nếu diệt tận
Hàm thức sẽ chết ngay.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
Bí-sô nên biết!
Có hai loại hành, chúng sinh ở thế gian cùng nhau tạo tác. Hai hành đó là:

1. Hành đưa đến chết yểu.
2. Hành đưa đến trường thọ.

Thế nào là hành đưa đến chết yểu? Nghĩa là có hạng người vì tánh hung bạo, thường ưa sát sinh, sát hại mạng sống các loài vật, thường làm việc sát hại các chúng sinh, không xót thương, hổ thẹn, thường làm việc giết hại các chúng sinh, cho đến giẫm đạp, sát hại các loài trùng kiến. Đó gọi là hành đưa đến chết yểu.

Thế nào là hành đưa đến trường thọ? Nghĩa là có hạng người xa lìa việc sát sinh, vứt bỏ dụng cụ sát sinh, thương xót, hổ thẹn, thường làm việc giết hại chúng sinh, cho đến giẫm đạp, sát hại các loài trùng kiến. Đó gọi là hành đưa đến trường thọ.

Như vậy gọi là có hai loại hành chúng sinh trong thế gian cùng nhau tạo tác.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hữu tình trong thế gian
Lược có hai loại hành
Do hai hành sai biệt
Mạng sống có dài ngắn.
Thường ưa việc sát sinh
Hung bạo tay vấy máu
Không xót thương, hổ thẹn
Chắc chắn bị chết yểu.
Thường ưa lìa sát sinh
Vứt bỏ các sát cụ
Hổ thẹn và thương xót
Nhất định được trường thọ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Do hai hành tướng, nên tâm mới chấp giữ tướng. Hai hành tướng đó là:

1. Hành tướng của đối tượng được duyên.
2. Hành tướng tác ý.

Tất cả những tướng gì mà tâm đã chấp thủ, đang chấp thủ, sẽ chấp thủ, đều do hai loại hành tướng này.

Bí-sô các ông do hai hành tướng này nên cần phải chánh tinh tấn để nắm rõ được hoàn toàn tướng của tâm. Nắm rõ được hoàn toàn tướng của tâm rồi, nên tác ý đúng tướng của tâm. Tác ý đúng tướng của tâm rồi nên quán sát trọn vẹn. Quán sát trọn vẹn rồi nên an trụ hoàn toàn. An trụ hoàn toàn rồi nên giống như địa giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu xót. Nên giống như thủy giới, hỏa giới, phong giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót.

Bí-sô nên biết! Ví như địa giới, nếu trong đó vứt bỏ đầy các loại phẩn uế, mũi dãi, máu mủ. Các vật tịnh và bất tịnh tuy vứt đầy trong đó như vậy, nhưng địa giới chưa từng tỏ ra vui buồn, thuận nghịch, cao hay thấp. Nên giống như địa giới an tâm như vậy, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót. Đã giống như địa giới chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót, tuy gặp vô số các duyên thuận nghịch nhưng tâm không phân biệt, tính toán, so đo. Hoàn toàn không do nhân duyên sai biệt ấy mà tâm thành cao hay thấp.

Lại như thủy giới, hỏa giới, phong giới nếu trong đó vứt bỏ đầy các loại phẩn uế, mũi dãi, máu mủ, các vậy tịnh và bất tịnh tuy vứt đầy trong đó như vậy nhưng thủy giới, hỏa giới, phong giới chưa từng tỏ ra vui buồn, thuận nghịch cao hay thấp. An tâm như thì đồng như nơi thủy giới, hỏa giới, phong giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp không thiếu sót, tuy gặp vô số các duyên thuận nghịch nhưng tâm hoàn toàn không phân biệt, tính toán, so đo. Tâm hoàn toàn không do nhân duyên sai biệt này mà trở thành cao hay thấp. Do định này mà đối với thân thể có nhận thức này và trong tất cả những tướng của đối tượng được duyên bên ngoài chấp lấy ngã, ngã sở. Kiến chấp về mạn, phiền não, được điều phục và trừ diệt hoàn toàn. Đối với hai loại kia, tâm vượt khỏi hẳn, lìa tất cả tướng tịch tĩnh, an ổn, hoàn toàn giải thoát. Đối với sở đắc, danh vang, tiếng khen, sự vui thích, tâm không vui mừng hơn. Đối với cái khổ bị suy kém, hủy nhục, chê bai, tâm người đó cũng không buồn rầu. Đó gọi là vượt qua tám pháp của thế gian. Tâm người đó bình đẳng, giống như đất, nước, lửa, gió ở thế gian, tám pháp thế gian không thể làm cho cấu nhiễm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Tâm thô động khó điều
Mau lẹ không gì bằng
Chánh tinh tấn, giữ tướng
Là sáng suốt ở đời.
Khéo giữ tướng tâm rồi
Lại tác ý quán sát
Chánh niệm, trụ nơi tâm
Siêng tu, đồng bốn giới.
An trụ đúng như vậy
Vứt bỏ hết các dục
Đối tám pháp thế gian
Hoàn toàn không cấu nhiễm.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại pháp, tuy chống trái nhau, chưa từng hòa hợp, nhưng trong đó không hề thiếu sót, gián đoạn. Hai pháp đó là sinh và tử.

Ví như bóng tối và ánh sáng ở thế gian, tuy trái ngược nhau, chưa từng hòa hợp, nhưng ngay trong đó không thiếu, không gián đoạn. Khi ánh sáng phát sinh thì bóng tối ẩn mất. Khi bóng tối xuất hiện thì ánh sáng liền lui. Sinh và tử cũng như vậy, chúng thường trái chống nhau chưa từng hòa hợp, nhưng ngay trong đó không thiếu sót, gián đoạn. Khi pháp sinh xuất hiện thì pháp tử ẩn mất. Khi pháp tử xuất hiện thì pháp sinh ẩn mất.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Như ánh sáng, bóng tối
Luôn luôn trái nghịch nhau
Nhưng giữa hai pháp ấy
Chưa từng có gián đoạn.
Sinh tử cũng như vậy
Tuy thường cùng trái nhau
Nhưng giữa hai pháp ấy
Chưa từng có gián đoạn.
Sinh tử gốc vô minh
Thấm ướt do nước ái
Nên sinh tử tiếp nối
Không lúc nào gián đoạn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai trường hợp chết. Đó là:

1. Chết không điều phục.
2. Chết có điều phục.

Thế nào là chết không điều phục? Nghĩa là các hạng phàm phu ngu tối, không hiểu biết, chưa được gần gũi các bậc Thiện sĩ chánh kiến, chưa nhận biết rõ pháp của các bậc Thiện sĩ, đối với pháp ấy chưa tự điều thuận. Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Sắc tức là ngã, sắc thuộc về ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc. Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Thọ tức là ngã, thọ thuộc về ngã, thọ ở trong ngã, ngã ở trong thọ. Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Tưởng tức là ngã, tưởng thuộc về ngã, tưởng ở trong ngã, ngã ở trong tưởng. Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Hành tức là ngã, hành thuộc về ngã, hành ở trong ngã, ngã ở trong hành. Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Thức tức là ngã, thức thuộc về ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong thức. Mắt thấy sắc xong, chấp thủ tướng đó, chấp thủ theo cái đẹp, do nhân duyên ấy, ngay nơi nhãn căn của người đó không thể chánh niệm, phòng giữ, tự chủ được, nên khởi lên sự tham ưu, nên có vô lượng pháp ác bất thiện theo tâm tuôn ra, không thể ngăn chận. Ngay nơi nhãn căn của người đó không thể phòng giữ, buông thả nhãn căn đi đến các cảnh giới. Tham đắm vị ngọt của sắc, tâm họ bị trói buộc quấy nhiễu. Vì sự tham đắm này nên họ chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ bến, tăng thêm nhiều thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông, quạnh quẽ, qua lại vô lượng lần trong các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trong các nẻo Trời, Người, A-tula, chịu khổ dữ dội, đều do nhãn căn không được điều phục. Hoặc khi tai nghe tiếng xong, mũi ngửi hương xong, lưỡi nếm vị xong, thân xúc giác xong, ý biết pháp xong, chấp giữ nơi tướng đó, chấp giữ cái đẹp; do nhân này, ý căn của người đó không thể chánh niệm, phòng hộ, tự chủ, nên phát sinh tham ưu, liền có vô lượng pháp ác bất thiện theo tâm tuôn ra không thể ngăn chận. Ngay nơi ý căn của người đó không thể phòng giữ, buông thả ý căn đến các cảnh giới. Tham đắm vị ngọt của pháp, tâm người đó bị trói buộc quấy nhiễu. Do tham này nên chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm nhiều thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông hiu quạnh. Qua lại vô lượng lần sinh trong cõi địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trong các nẻo Trời, Người, A-tula, chịu các khổ kịch liệt… đều do ý căn không được điều phục, nên gọi đó là cái chết chưa được điều phục.

Thế nào là cái chết đã được điều phục? Nghĩa là các đệ tử đa văn của Hiền thánh đã gần gũi các bậc Thiện sĩ chánh kiến, đã nhận biết pháp của bậc Thiện sĩ, đối với pháp của bậc ấy đã tự điều thuận, không tùy thuận theo nhận thức: Sắc tức là ngã, sắc thuộc về ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc. Không tùy thuận theo nhận thức: Thọ tức là ngã, thọ thuộc về ngã, thọ ở trong ngã, ngã ở trong thọ. Không tùy thuận theo nhận thức: Tưởng tức là ngã, tưởng thuộc về ngã, tưởng ở trong ngã, ngã ở trong tưởng. Không tùy thuận theo nhận thức: Hành tức là ngã, hành thuộc về ngã, hành ở trong ngã, ngã ở trong hành. Không tùy thuận theo nhận thức: Thức tức là ngã, thức thuộc về ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong thức. Mắt thấy sắc xong, không chấp giữ tướng đó, không chạy theo cái đẹp, do nhân duyên ấy, ngay nơi nhãn căn của người đó chánh niệm hoàn toàn, phòng hộ tự chủ nên không sinh tham ưu Vô lượng các pháp ác, bất thiện theo tâm tuôn chảy đều có thể ngăn chặn không cho theo tâm hiện bày. Nhãn căn của người đó được phòng giữ hoàn toàn, không buông thả đi đến các cảnh giới, không tham vị ngọt của sắc trói buộc, quấy nhiễu tâm. Không do sự tham này mà chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông, hiu quạnh, không còn qua lại sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, trong các nẻo Trời, Người, A-tu-la, chịu khổ kịch liệt… đều do nhãn căn đã được điều phục hoàn toàn. Lúc như vậy, tai nghe tiếng xong, mũi ngửi hương xong, lưỡi nếm vị xong, thân xúc chạm xong, ý biết pháp xong, không chấp chặt tướng đó, không chạy theo cái đẹp đó. Do nhân duyên này, ngay nơi ý căn của người đó, chánh niệm hoàn toàn, phòng hộ tự chủ, nên không sinh tham ưu. Có vô lượng pháp ác, bất thiện theo tâm chảy ra đều bị ngăn chận, ngay nơi ý căn của người đó chánh niệm được phòng giữ hoàn toàn, không buông thả ý căn đi đến các cảnh giới, không tham vị ngọt của pháp, trói buộc, quấy nhiễu tâm họ, không do việc tham này mà chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông quạnh quẽ, không còn qua lại sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, trong các nẻo Trời, Người, Atu-la, chịu các khổ kịch liệt… đều do ý căn được điều phục hoàn toàn. Như vậy gọi là cái chết có điều phục.

Bí-sô nên biết! Người chết không được điều phục, chìm đắm trong vô lượng biển khổ sinh tử. Còn người chết có điều phục sẽ vượt qua vô lượng biển khổ sinh tử. Đó gọi là hai cái chết.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này và nói kệ:

Lược nêu các hữu tình
Có hai loại pháp chết
Điều phục, không điều phục
Hoàn toàn không có ba.
Chết mà không điều phục
Quyết định vào các nẻo
Chịu các khổ luân hồi
Qua lại vô lượng lần.
Người chết đã điều phục
Không đọa trong nẻo ác
Ngay trong cõi trời, người
Dứt sạch hết các khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Tất cả các pháp lược có hai loại. Đó là:

1. Tạp nhiễm.
2. Thanh tịnh.

Nên quán sát đúng đắn chỉ do một pháp sinh ra. Vì sao? Vì ai ngay nơi một pháp có thể giữ gìn hoàn toàn thì đối với tất cả pháp có thể giữ gìn hoàn toàn. Ai đối với một pháp không thể giữ gìn hoàn toàn thì đối với tất cả pháp không thể giữ gìn hoàn toàn.

Một pháp là gì? Đó là tâm của chúng sinh. Ai đối với tâm không thể giữ gìn thì không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp, thì người như vậy tức là người thân, ngữ, ý nghiệp đều bị bại hoại. Thân, ngữ, ý nghiệp đều bại hoại nên tâm của người đó có sự vẩn đục, cấu uế. Người có tâm vẩn đục, cấu uế mà có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, thì không có lẽ đó. Có thể nhận biết đúng đắn ý nghĩa của lời nói tốt, ý nghĩa của lời nói ác thì không có lẽ đó. Có thể chứng được tất cả pháp của bậc Thượng nhân thù thắng, trí, kiến của bậc Thánh đích thực thì không thể có lẽ đó. Vì sao? Vì tâm của người đó vẩn đục, cấu uế. Ví như các tòa lâu đài hiện có ở thế gian, nếu ngay nơi trung tâm không được che lợp thật kín thì xà, vách, đòn tay đều bị thấm ướt. Do xà, vách, đòn tay bị thấm ướt nên tất cả đều bị hư hại hết. Lại như các ao hồ nơi thế gian do gần xóm làng, thôn ấp nên bị vẩn đục, nhơ nhớp. Người có mắt sáng đứng trên bờ ao chú ý quán sát các loại cá, rùa, bò, hến, đá, sỏi hiện có trong ao, dù đã đi đứng quanh khắp bờ ao, nhưng rất khó có thể thấy rõ được. Vì sao? Vì nước trong ao hồ bị vẩn đục, nhơ nhớp. Cũng vậy, ai đối với tâm không thể giữ gìn thì không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai không thể giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp thì thân, ngữ, ý nghiệp của người đó đều bị bại hoại. Thân, ngữ, ý nghiệp bại hoại nên tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế. Tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế mà có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, thì không có việc ấy; có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, thì không có lẽ đó. Có thể chứng được tất cả pháp của bậc Thượng nhân thù thắng, trí, kiến của bậc Thánh đích thực thì không có lẽ đó. Vì sao? Vì tâm người đó có sự vẩn đục, cấu uế.

Ai có thể khéo giữ gìn được tâm thì có thể khéo giữ gìn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp thì có như vậy tức là người thân, ngữ, ý nghiệp hoàn toàn không bại hoại.

Thân, ngữ, ý nghiệp không bại hoại nên tâm người đó không vẩn đục, cấu uế. Người tâm không vẩn đục, cấu uế thì có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, điều đó có thể được. Có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, điều đó có thể được. Có thể chứng được tất cả pháp bậc Thượng nhân thù thắng, trí, kiến của bậc Thánh đích thực, điều có thể được. Vì sao? Vì tâm người đó không bị vẩn đục, cấu uế. Ví như các tòa lâu đài hiện có ở thế gian, nếu như ở ngay nơi trung tâm được che lợp kín đáo đầy đủ thì xà, vách, đòn tay hoàn toàn không bị thấm ướt. Do xà vách và đòn tay không bị thấm ướt nên tất cả không bị hư hoại. Lại như ao, hồ nơi thế gian đều cách xa xóm làng, thôn ấp đều không vẩn đục, nhơ nhớp. Người có mắt sáng đứng trên bờ chú ý quán sát các loại cá, rùa, sò, hến, sỏi, đá hiện có trong ao do đi đứng quanh khắp bờ ao nên rất dễ nhìn thấy. Vì sao? Vì nước trong ao không bị vẩn đục, nhơ nhớp. Cũng vậy, chúng sinh ai giữ gìn được tâm thì có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp. Ai có thể giữ gìn hoàn toàn thân, ngữ, ý nghiệp thì người như vậy tức là có thân, ngữ, ý nghiệp hoàn toàn không bại hoại. Thân, ngữ, ý nghiệp không bại hoại nên tâm người đó không vẩn đục, cấu uế. Người tâm không vẩn đục, cấu uế thì có thể nhận biết đúng đắn việc lợi lạc cho mình, việc lợi lạc cho người, việc lợi lạc cho cả hai, điều đó có thể được. Có thể nhận biết đúng đắn nghĩa của lời nói tốt, nghĩa của lời nói ác, điều đó có thể được. Có thể chứng được tất cả pháp bậc Thượng nhân thù thắng, trí, kiến của bậc Thánh đích thực chân chánh, điều đó có thể được. Vì sao? Vì tâm người đó không bị vẩn đục, cấu uế.

Bí-sô nên biết! Tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm. Tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh. Thế nên hai pháp thanh tịnh và tạp nhiễm đều nương tựa nơi tâm, từ tâm sinh ra.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai không giữ gìn tâm
Tùy thuận theo các dục
Thường rong ruổi, phóng dật
Không việc gì không làm.
Ai khéo giữ gìn tâm
Không tùy thuận các dục
Không rong ruổi, phóng dật
Phòng hộ được tất cả.
Người thông minh ở đời
Phòng hộ thân, ngữ, ý
Không tạo các điều ác
Gọi Trượng phu trí dũng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại tri kiến làm cho các hữu tình lần lượt gây oán hại, chống trái nhau. Hai loại đó là hữu kiến và vô kiến.

Có những Sa-môn hay Bà-la-môn chấp nhận hữu kiến, thường làm theo hữu kiến, đam mê hữu kiến thì cùng với những người yêu thích vô hữu kiến trái chống, oán hại nhau, đề cao hữu kiến, cho là hơn hết.

Có những Sa-môn hay Bà-la-môn chấp nhận vô hữu kiến, làm theo vô hữu kiến, đắm chấp vô hữu kiến, cùng với những người ưa thích hữu kiến lần lượt trái chống, oán hại nhau, đề cao vô hữu kiến, cho là bậc nhất.

Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn đối với sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự lỗi lầm nguy hiểm, sự xuất ly của hai kiến này, mà không dùng trí tuệ chân chánh để nhận biết đúng như thật. Ta nói người ấy là hạnh không có trí, kiến, là người có tham, sân, si, có sai trái, có hại, không có tuệ, không sáng suốt, không thể thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt, không thể giải thoát khỏi các khổ nơi sinh tử.

Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào, đối với sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự lỗi lầm nguy hiểm, sự xuất ly của hai thứ kiến chấp này, có thể dùng trí tuệ chân chánh để nhận biết đúng như thật, ta nói người ấy là hạng người có trí, kiến, là người không tham, sân, si, không sai trái, không hại, có tuệ, có sáng suốt, quyết định có thể thoát khỏi các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt, quyết định có thể giải thoát khỏi khổ lớn nơi sinh tử.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thế gian do hai kiến
Lần lượt chống trái nhau
Đây kia gây oán thù
Hữu kiến, vô hữu kiến.
Đối với các kiến này
Ưa thích không thể lìa
Đó là kẻ ngu si
Luôn khen mình, chê người.
Ai không biết tập, diệt
Vị, hoạn, xuất, kiến này
Bị thương tên độc kiến
Bị vô minh che lấp.
Đầy đủ tham, sân, si
Không trí tuệ soi sáng
Quyết không thể giải thoát
Khổ sinh, già, bệnh, chết.
Ai thấy tập, diệt, vị
Hoạn, xuất của kiến này
Tên độc kiến không hại được
Phá vô minh đen tối.
Xa lìa tham, sân, si
Đầy đủ trí tuệ sáng
Quyết định được giải thoát
Hết sinh, già, bệnh, chết.

Lại nữa, tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai chánh kiến, nên suy xét, lường tính quán sát kỹ càng. Ai lường tính quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng Niết-bàn. Thế nào là hai? Nghĩa là tất cả chánh kiến ở thế gian này và chánh kiến xuất thế gian.

Thế nào là chánh kiến thế gian? Nghĩa là có một hạng người phát sinh nhận thức như vậy, lập luận như vậy, quyết định có bố thí, có lãnh thọ, có cúng tế, có nghiệp thiện ác, có quả dị thục, có thế gian ở đây, có thế gian ở kia, có cha, có mẹ, có các chủng loại hữu tình hóa sinh ở nơi thế gian. Có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn… chánh chí, chánh hạnh nơi thế gian này và thế gian kia, tự nhiên thông đạt, tác chứng lãnh thọ. Như vậy gọi là chánh kiến thế gian. Các Thánh đệ tử đối với chánh kiến thế gian đã nói này nên suy xét, lường tính quán sát nương vào chánh kiến thế gian đã nói ấy để có thể làm cho chúng sinh giải thoát hoàn toàn những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt không? Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến thế gian đã nói ấy không làm cho chúng sinh được giải thoát hoàn toàn khỏi các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt. Vì sao? Vì chánh kiến thế gian đã nói ấy không phải là chánh kiến của bậc chân Thánh, không phải là chánh kiến xuất ly, không phải là chánh kiến đưa đến cứu cánh là chứng đắc Niết-bàn, không đưa đến nhàm chán, không đưa đến từ bỏ, không đưa đến an tịnh, không đưa đến tịch diệt, không chứng thông tuệ, không thành tựu Đẳng giác, không đạt tới Niết-bàn, mà còn đưa đến các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt. Biết như vậy rồi, đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi, đối với pháp xuất thế, sinh tưởng an tĩnh. Do đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi nên hoàn toàn không chấp thủ. Do không chấp thủ nên không mong cầu, không mong cầu nên bên trong chứng được cứu cánh Niết-bàn. Chứng như vậy xong, liền tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Cũng vậy, các ông đối với chánh kiến thế gian đã nói ấy nên suy xét kỹ, lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Thế nào là chánh kiến xuất thế gian? Nghĩa là trí nhận biết khổ, trí nhận biết nguyên nhân của khổ, trí nhận biết khổ diệt, trí nhận biết con đường có thể hướng đến diệt khổ. Như vậy gọi là chánh kiến xuất thế gian. Các Thánh đệ tử đối với chánh kiến xuất thế gian đã nói này nên suy nghĩ kỹ, lường tính kỹ, quán sát kỹ, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy để có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt không? Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy, có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt không? Quán sát kỹ xong, liền nhận biết đúng đắn, nương vào chánh kiến xuất thế đã nói ấy, có thể làm cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt. Vì sao? Vì như chánh kiến xuất thế đã nói, là chánh kiến của bậc chân Thánh, là chánh kiến xuất ly, là chánh kiến đưa đến cứu cánh là chứng Niết-bàn, đưa đến nhàm chán, đưa đến từ bỏ, đưa đến an tĩnh, đưa đến tịch diệt, chứng thông tuệ, thành tựu Đẳng giác, đắc Niết-bàn, vượt qua tất cả những pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu khổ não thiêu đốt. Biết như vậy rồi, đối với pháp xuất thế gian sinh tưởng tôn quý, đối với pháp thế gian sinh tưởng thấp kém. Đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý nên liền sinh hoan hỷ. Do sinh hoan hỷ nên tâm an vui. Tâm an vui nên tâm được khinh an. Thân khinh an nên cảm thọ sự hỷ lạc, cảm thọ sự hỷ lạc nên tâm được tịch định. Tâm được tịch định nên tri kiến đúng đắn. Tri kiến đúng như thật nên nhàm chán, từ bỏ. Càng nhàm chán từ bỏ nên ngay khi ấy lìa tham dục, lìa tham dục nên được giải thoát, được giải thoát nên tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Cũng vậy, các ông đối với chánh kiến xuất thế gian đã nói ấy nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Như vậy gọi là hai loại chánh kiến nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ, thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, có thể vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai loại chánh kiến
Thế và xuất thế gian
Người trí suy xét đúng
Có thể dứt các khổ.
Suy xét kỹ thế gian
Liền sinh tưởng tôn quý
Tâm hoan hỷ an vui
Do đây được khinh an.
Khinh an nên an lạc
An lạc tâm tịch định
Tâm định sinh giác chi
Tri kiến bốn lẽ thật.
Thấy thật, đoạn các nghi
Hết nghi, không chấp thủ
Thoát khỏi tất cả khổ
Chứng Niết-bàn vô thượng.

***

Bài kệ tóm tắt kinh phần Bản Sự ở trước:

Thí, Từ cùng tập hội
Như, bất như, học chung
Hành tướng tương vi, tử
Nhiễm, tịnh, cùng hai kiến.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6178929
Số người trực tuyến: