1. Phẩm Một - Phẩm Một Pháp (Phần 1)
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
QUYỂN 1
PHẨM MỘT
PHẨM MỘT PHÁP
PHẦN MỘT
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ta quán sát thế gian thấy không có một pháp riêng nào ngăn che quần sinh khiến rong ruổi, trôi lăn mãi trong vòng sinh tử như sự che phủ của vô minh. Vì sao? Vì quần sinh ở thế gian do sự che phủ của vô minh nên rong ruổi, trôi lăn mãi trong vòng sinh tử. Thế nên các vị nên học như vầy: Ta phải tu tập như thế nào để phát sinh trí tuệ sáng suốt, phá tan màn tối vô minh, ra khỏi lưới tham ái? Bí-sô các vị nên học như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Không một pháp riêng nào
Như màn tối vô minh
Che ngăn các quần sinh
Trôi theo dòng sinh tử.
Vô minh tất ngu, ám
Do đấy trôi lăn mãi
Qua lại đây và kia
Lên xuống cõi cao, thấp.
Phá màn tối vô minh
Thoát khỏi lưới tham ái
Không ở dòng sinh tử
Đó không còn nhân kia.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ta quán xét thế gian, thấy không có một pháp riêng nào trói buộc nên khiến rong ruổi, trôi lăn mãi trong dòng sinh tử, như là tham ái nối kết. Vì sao? Vì quần sinh ở thế gian, do “tham ái nối kết” trói buộc nên rong ruổi, trôi lăn mãi trong dòng sinh tử. Thế nên các vị nên học như vầy: Ta phải tu tập như thế nào để đạt được trí tuệ sáng suốt, nhằm đoạn trừ tham ái kết, phá tan khối tối tăm lớn. Bí-sô các vị nên học như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Không có một chút nào
Như tham ái nối kết
Trói buộc các quần sinh
Trôi theo dòng sinh tử.
Tham ái trói buộc mãi
Do đấy cứ trôi lăn
Qua lại đây và kia
Lên xuống cõi cao thấp.
Đoạn tham ái nối kết
Phá khối tối tăm lớn
Không ở dòng sinh tử
Do không còn nhân kia.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Nếu một hữu tình ở trong một kiếp, trôi lăn nơi sinh tử, thân xác của họ thọ nhận giả sử chất đống lại, không bị tiêu hoại thì đống xương đó cao rộng như núi Tỳ-bổ-la ở thành Vương xá, huống chi là hữu tình ấy từ vô thỉ đến giờ mãi lưu chuyển nơi sinh tử thì thân xác của họ thọ nhận làm sao có thể đo lường được? Vì sao? Bí-sô nên biết! Ta nói, đối với bốn Thánh đế, các hữu tình đó không hiểu biết, không soi thấy, không hiện quán, không thông đạt, không xét kỷ nên rong ruổi, trôi lăn mãi nơi dòng sinh tử, lãnh thọ các thân hình, vì thế các vị nên học như vầy: Ta phải tu tập như thế nào đối với bốn Thánh đế? Nghĩa là phải hiểu biết, soi thấy, hiện quán, thông đạt, xét kỷ một cách rốt ráo. Bí-sô các vị nên học như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Hữu tình trong một kiếp
Thọ thân tướng, không tiêu
Đống xương đó cao rộng
Như núi Tỳ-bổ-la.
Huống vô thỉ đến nay
Trôi lăn mãi sinh tử
Thân xác đã thọ nhận
Số đó không thể lường.
Nhận khối khổ lớn ấy
Do không thấy Thánh đế
Cần phải tu diệu trí
Chánh quán bốn chân thật.
Nghĩa là Khổ thánh đế
Nhân khổ và Diệt khổ
Diệt khổ và Nhân khổ
Đường tám nhánh chân chánh.
Bổ-đặc-già-la này
Còn bảy lần lưu chuyển
Nhất định đoạn sạch kết
Dứt hết cảnh giới khổ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ta dùng Phật nhãn quán sát khắp thế gian, thấy các nghiệp quả, đều duyên nơi tâm và ý. Có loại hữu tình do tâm ý sai khiến nên hành động như vậy, đi theo con đường như vậy, thân hoại mạng chung, như vứt bỏ gánh nặng, đọa vào các nẻo ác, sinh trong địa ngục. Vì sao? Vì các hữu tình đó tâm ý cấu uế, do nhân này nên khi thân hoại mạng chung bị đọa vào các nẻo ác, sinh trong địa ngục.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa và nói kệ:
Một loại các hữu tình
Tâm ý sinh cấu nhiễm
Ta nay vì các vị
Ghi rõ chốn nó sinh.
Thân hư hoại mạng chung
Như vứt bỏ gánh nặng
Nhất định đọa nẻo ác
Sinh trong chốn địa ngục.
Nên biết kẻ ác tuệ
Do tâm ý cấu nhiễm
Vì nhân cấu nhiễm ấy
Nên sinh trong địa ngục.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Ta dùng Phật nhãn quán xét khắp thế gian, có các nghiệp quả, đều duyên nơi tâm ý. Có loại hữu tình do tâm ý sai khiến, nên hành động như vậy, đi theo con đường như vậy. Khi thân hoại mạng chung, như giảm bớt gáng nặng, thẳng đến các nẻo thiện, sinh trong cõi trời. Vì sao? Vì các hữu tình đó tâm ý thanh tịnh. Do nhân này, thân hoại mạng chung, thẳng đến các nẻo thiện, sinh trong cõi trời.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Một loại các hữu tình
Phát tâm ý thanh tịnh
Ta nay vì các vị
Ghi rõ chốn nó sinh.
Thân hư họai mạng chung
Như giảm bớt gánh nặng
Nhất định thẳng nẻo thiện
Sinh ngay trong cõi trời.
Nên biết người trí tuệ
Do tâm ý thanh tịnh
Vì nhân thanh tịnh ấy
Nên sinh trong cõi trời.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Tất cả hữu tình đều do nghiệp của chính mình tạo ra. Nghiệp là bạn bè, nghiệp là chỗ phát sinh, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là chỗ dựa nương hướng đến. Nghiệp có thể phân định tất cả hữu tình thành loại: thượng, trung, hạ. Thế nên các vị cần phải biết rõ: Tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp, phẩm loại nơi các nghiệp, dị thục của các nghiệp, tập diệt của các nghiệp và những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp.
Này các Bí-sô! Như ta đã giảng nói: Các vị nên nhận biết đúng đắn.
Thế nào là nên nhận biết về tự tánh của các nghiệp? Tự tánh của các nghiệp là hoặc suy xét về nghiệp, hoặc suy xét về nghiệp đã tạo. Như vậy là nên nhận biết về tự tánh của các nghiệp. Đã nhận biết đúng đắn về tự tánh của các nghiệp rồi, làm thế nào để biết về nhân duyên của các nghiệp? Nhân duyên của các nghiệp là các thứ tham ái. Như vậy là nhận biết về nhân duyên các nghiệp. Đã nhận biết đúng tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp rồi, làm thế nào để nhận biết về phẩm loại của các nghiệp? Phẩm loại của các nghiệp là phẩm loại riêng nơi nghiệp. Có phẩm loại riêng nơi nghiệp hướng đến thân địa ngục. Có phẩm loại riêng nơi nghiệp hướng đến thân bàng sinh. Có phẩm loại riêng nơi nghiệp hướng đến thân ngạ quỷ. Có phẩm loại riêng nơi nghiệp hướng đến thân nơi cõi A-tu-la. Có phẩm loại riêng nơi nghiệp hướng đến thân nơi cõi người, cõi trời. Như vậy là nên nhận biết về phẩm loại của các nghiệp. Đã nhận biết đúng về tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp, phẩm loại của các nghiệp rồi, làm thế nào để nhận biết về dị thục của các nghiệp? Dị thục (quả báo) của các nghiệp là các nghiệp đã tạo ra trong đời này, tức trong đời này có thể chiêu cảm nơi các cõi hoặc đã nhận hay chưa nhận. Như vậy là nên nhận biết về dị thục của các nghiệp. Đã nhận biết đúng về tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp, phẩm loại của các nghiệp dị thục của các nghiệp rồi, làm thế nào để nhận biết về sự diệt tận của các nghiệp? Diệt tận của các nghiệp là diệt trừ ái nên các nghiệp đều diệt hết. Như vậy là nhận biết về sự diệt tận các nghiệp. Đã nhận biết đúng về tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp, phẩm loại của các nghiệp, dị thục của các nghiệp, sự diệt tận các nghiệp rồi, làm thế nào để nhận biết về những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp, những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp là tám chi Thánh đạo, tức là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Như vậy là nhận biết về những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp.
Bí-sô nên biết! Các Sa-môn hay Bà-la-môn, ai nhận biết đúng đắn tự tánh của các nghiệp, nhân duyên của các nghiệp, phẩm loại nơi các nghiệp, dị thục của các nghiệp, sự diệt tận các nghiệp, cùng những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp, thì có thể tin theo pháp, luật của ta. Ai có thể tin theo pháp, luật của ta thì có thể thâm nhập pháp, luật của ta. Ai có thể thâm nhập pháp, luật của ta thì có thể thông đạt pháp, luật của ta và tu hành phạm hạnh thì tức có thể đạt được cứu cánh là diệt hết tất cả các nghiệp? Vì sao? Vì các Sa-môn hay Bà-la-môn này đã nhận biết đúng đắn tự tánh của các nghiệp, nhân duyên các nghiêp, phẩm loại nơi các nghiệp, dị thục của các nghiệp, sự diệt tận các nghiệp, cùng những điều kiện, nhân duyên hướng đến con đường diệt trừ nghiệp, thì ngay nơi các nghiệp, có thể chán lìa và diệt hết, được giải thoát rốt ráo giải thoát hoàn toàn. Đã hoàn toàn giải thoát rồi thì có thể an lập, đã có thể an lập là khéo tu tập viên mãn. Đã khéo tu tập viên mãn, vị ấy khi bỏ thân này thì đúng như pháp không còn tạo nghiệp và không còn cảnh giới.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Thế gian các hữu tình
Ba đời: trước, giữa, sau
Thuộc nơi nghiệp của mình
Nghiệp là bè bạn họ.
Nghiệp là chỗ phát sinh
Nghiệp là quyến thuộc họ
Nghiệp là chốn dựa hướng
Nghiệp phân làm ba bậc.
Tùy nghiệp sinh khắp nơi
Luân chuyển không cố định
Hoặc ở trong trời, người
Hoặc nơi bốn nẻo ác.
Thế gian các hữu tình
Theo nghiệp lực xoay chuyển
Đất nước, của, vợ con
Không mang qua đời khác.
Người ấy khi mạng chung
Sở hữu đều bỏ hết
Riêng theo nghiệp mà đi
Do nghiệp của chính mình.
Các hữu tình đời sau
Dẫu thọ nghiệp như vậy
Nếu theo lời Phật dạy
Chánh tín và xuất gia.
Ở trong chốn ngu si
Không thầy dẫn đúng đường
Gọi siêng năng tu hành
Hiểu rõ được chánh pháp.
Thế nên các Bí-sô
Tinh tấn chớ buông lung
Nên biết rõ của các nghiệp
Tiếp tục tu chân chánh.
Đoạn hết bản chất nghiệp
Và nhân duyên của nghiệp
Tu tám chi Thánh đạo
Mau đạt được viên mãn.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Thế gian có các pháp ác, bất thiện, ngay khi phát sinh các thứ bất thiện, các loại bất thiện ấy, tất cả đều do ý dẫn đầu. Vì sao? Vì ý phát sinh xong thì các pháp ác, bất thiện liền theo đó sinh ra.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Các pháp bất thiện sinh
Là nhân để chịu khổ
Do ý dẫn đường trước
Cùng phiền não đồng sinh.
Ý là pháp dẫn đầu
Ý chủ, ý sai khến
Do ý, có cấu nhiễm
Nói năng và hành động
Khổ theo đấy sinh ra
Như vòng xoay, do tay.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Trong thế gian có những pháp thiện trắng sạch, khi chúng phát sinh, các phẩm thiện, loại thiện, tất cả đều do ý dẫn đầu. Vì sao? Vì ý phát sinh xong thì những pháp thiện trắng sạch liền sinh theo.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Pháp thiện tịnh phát sinh
Là nhân được quả vui
Do ý dẫn đường trước
Cùng pháp thiện đồng sinh.
Ý là pháp dẫn đầu
Ý chủ ý sai khiến
Do ý có thanh tịnh
Nói năng và hành động
Vui theo đấy sinh ra
Như bóng di theo hình.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Thế gian có một pháp, ngay khi phát sinh, giúp cho nhiều chúng sinh làm việc không lợi ích, làm việc không an vui, dẫn đến các đại chúng như chư Thiên, người thế gian làm việc không nghĩa lợi, nhận lấy quả khổ lớn.
Thế nào là một pháp?
Đó là phá Tăng.
Vì sao? Bí-sô nên biết! Vì Tăng nếu bị phá thì tất cả đại chúng sẽ cùng nhau phát sinh sự tranh cãi, trách cứ nhau, khinh miệt, nhục mạ, hủy báng, oán thù nhau, gây phiền não cho nhau, phản nghịch, chê bai và rời bỏ nhau. Ngay khi ấy, nơi tất cả thế gian, người chưa kính tin sẽ không kính tin, người đã kính tin, trở lại không kính tin nữa.
Bí-sô nên biết! Như vậy gọi là thế gian có một pháp, ngay khi phát sinh đã giúp cho nhiều chúng sinh làm việc không lợi ích, làm việc không an vui, dẫn đến các đại chúng như chư Thiên, người thế gian làm việc không nghĩa lợi, nhận lấy quả báo khổ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Thế gian có một pháp
Tạo nên vô lượng ác
Đó là phá hoại Tăng
Người ngu si vui theo.
Phá hoại Tăng bị khổ
Phá hoại chúng cũng khổ
Tăng khiến hoại hòa hợp
Nhiều kiếp khổ không ngừng.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Thế gian có một pháp, ngay khi mới phát sinh, sẽ giúp cho nhiều chúng sinh làm việc nhiều lợi ích, làm việc nhiều an vui, đưa đến các đại chúng nơi thế gian và chư Thiên làm việc nghĩa lợi lớn, nhận lấy quả vui lớn.
Thế nào là một pháp?
Đó là Tăng hòa hợp. Vì sao? Bí-sô nên biết! Tăng nếu được hòa hợp thì tất cả đại chúng sẽ không tranh cãi nhau, không trách cứ, không khinh miệt, không nhục mạ, không chê bai, không oán thù, không gây phiền não cho nhau, không phản nghịch, không phỉ báng và không rời bỏ nhau. Ngay khi ấy tất cả thế gian, người chưa biết kính tin, liền sinh kính tin, người đã kính tin càng thêm kính tin hơn nữa.
Bí-sô nên biết! Như vậy gọi là thế gian khi có một pháp, khi phát sinh thì giúp cho nhiều chúng sinh được nhiều lợi ích, được nhiều an vui, đưa đến các đại chúng như chư Thiên và thế gian làm việc nghĩa lợi lớn, nhận lãnh quả vui lớn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Thế gian có một pháp
Phát sinh vô lượng phước
Gọi là Tăng hòa hợp
Người có trí vui theo.
Tăng hòa hợp an vui
Chúng hòa hợp cũng vui
Tăng bị phá khiến hòa
Luôn hưởng vui cõi trời.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Hữu tình ở thế gian, khi đoạn trừ một kết thì tất cả các kết khác cũng đều đoạn trừ theo.
Thế nào là một kết?
Đó là ngã mạn. Vì sao? Vì các kết hiện có, về bậc thô, bậc trung, bậc vi tế, tất cả đều lấy ngã mạn làm gốc, từ ngã mạn sinh ra, từ ngã mạn lớn lên, cho nên khi một kết ngã mạn đoạn trừ thì các kết khác đều đoạn theo. Ví như lầu đài trung tâm ở thế gian, đều là chỗ nương dựa của nhiều phần lầu đài khác. Trung tâm nếu bị sụp thì các bộ phận khác cũng sụp theo. Như vậy, ngã mạn là chỗ các kết nương tựa, ngã mạn nếu đoạn trừ thì các kết cũng theo đó đoạn hết. Nếu các Bí-sô đã đoạn trừ ngã mạn thì nên biết tức là đã đoạn hết các kết khác. Các Bí-sô nào đã đoạn các kết khác thì nên biết tức là đã đoạn hết cảnh giới khổ, đã tu chánh trí, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, không còn thọ lại thân sau.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Như trung tâm lầu đài
Các bộ phận nương tựa
Trung tâm nếu sụp đổ
Các phần đều sụp theo.
Như vậy kết ngã mạn
Chỗ các kết nương tựa
Khi kết ngã mạn đoạn
Các kết đều diệt hết.
Bí-sô đoạn ngã mạn
Kết khác đều đoạn theo
Các kết đã đoạn xong
Dứt ngay cảnh giới khổ.
Đã dứt cảnh giới khổ
Là đã tu chánh trí
Tâm, tuệ đều giải thoát
Không thọ lại thân sau.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Thế gian có một pháp, nếu khéo tu tập hoàn tất, tu tập nhiều việc hoàn tất, thâu giữ hai lợi khiến đạt đến viên mãn. Nghĩa là đạt đến viên mãn pháp lợi ngay trong đời này và đạt đến viên mãn pháp lợi nơi đời sau. Có thể thành tựu pháp ngay trong đời này, được lợi ích an vui. Có thể thành tựu pháp nơi đời sau, được lợi ích an vui. Có thể thành tựu pháp ngay trong đời này và đời sau được lợi ích an vui.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là ở trong chỗ tu tập các pháp thiện, tu tập tinh tấn không buông lung. Vì sao? Vì nếu ở trong chỗ tu tập các pháp thiện không xao lãng thì có thể tu tập một việc hoàn tất, tu tập nhiều việc hoàn tất, có thể giữ gìn hai thứ nghĩa lợi, đưa đến viên mãn. Nói rộng ra, cho đến có thể thành tựu lợi ích an vui ngay nơi đời này và đời sau. Đó gọi là một pháp. Ai tu tập một việc hoàn tất, nhiều việc hoàn tất, thâu giữ hai lợi, nói rộng ra cho đến có thể thành tựu lợi ích an vui ngay nơi đời này và đời sau.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Những người có trí tuệ
Bỏ của cải địa vị
Siêng tu, không buông lung
Chứng Niết-bàn thường lạc.
Người trí không phóng dật
Thâu giữ cả hai lợi
Pháp đời nay đời sau
Đều đạt đến viên mãn.
Người thành tựu đầy đủ
Nay, sau đều lợi lạc
Chúng Hiền thánh trước sau
Khen họ là ngươi trí.
Kệ tóm tắt lại phần kinh Bản Sự ở trước:
Cái kết, cướp, hai tâm
Hai nghiệp, ý dẫn đầu
Phá Tăng và hòa Tăng
Đoạn mạn, không phóng dật.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Nếu các hữu tình nào đoạn trừ hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Tham. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do tham nhiễm nên thường qua lại, bị đọa trong các nẻo ác, chịu khổ nơi sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên Ta nói! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do tham lam cấu nhiễm
Qua lại, đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ tham nhiễm ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Sân. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Sân cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ nơi sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Sân làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Sân ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Si. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Si cấu nhiễm thường qua lại đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Si làm cấu nhiễm
Qua lại đọa đường ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Si ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả Phú che lấp. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Phú cấu nhiễm nên thường qua lại đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Phú làm cấu nhiễm
Qua lại đọa cõi ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Phú ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Não. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Não cấu nhiễm nên thường qua lại đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Não làm cấu nhiễm
Qua lại đọa đường ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Não ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Phẫn. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Phẫn cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại trong thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Phẫn làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Phẫn ấy
Nhất định được bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Hận. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Hận cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Hận làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Hận ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Tật (ganh ghét). Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Tật cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn mọt pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Tật làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Tật này
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Xan (keo kiệt). Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Xan cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy. ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, Ta chứng nhận hữu tình đó được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Xan làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Xan ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Đam (mê đắm). Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Đam cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Đam làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết chân chánh
Đoạn trừ hẳn Đam ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Mạn (kiêu mạn). Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Mạn cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Mạn làm cấu nhiễm
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Mạn ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là xả bỏ Hại. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do Hại cấu nhiễm nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai có thể đoạn hẳn một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào đoạn hẳn một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do Hại làm cấu nhiễm
Qua lại, đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Đoạn trừ hẳn Hại ấy
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Bài kệ tóm tắt lại phần kinh Bản Sự ở trước:
Tham dục, Sân, Nhuế, Si
Phú tàng, Não và Phẫn
Oán hận, Tật cùng Xan
Đam mê, Mạn, cùng Hại.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Phật. Vì sao?
Vì tất cả hữu tình do không niệm
Phật nên thường qua lại đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do vì không niệm Phật
Qua lại, đọa đường ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường niệm đức của Phật
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Pháp. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Pháp nên thường qua lại, đọa trong các đường ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do vì không niệm Pháp
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường niệm đến Chánh pháp
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Thánh chúng. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Thánh chúng nên thường qua lại đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do không niệm Thánh chúng
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường nhớ mãi Thánh chúng
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Giới. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm giới nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do vì không niệm Giới
Qua lại, đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường niệm luôn về Giới
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Thí. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Thí nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn. Không còn sinh trở lại thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do vì không niệm Thí
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường niệm luôn về Thí
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Thiên. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Thiên nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn. Không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do vì không niệm Thiên
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Luôn luôn niệm về Thiên
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm về sự dừng nghỉ. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm về sự dừng nghỉ nên thường qua lại đọa trong nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do không niệm dừng nghỉ
Qua lại đọa đường ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Luôn niệm sự dừng nghỉ
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là quán hơi thở ra, hơi thở vào. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không quán hơi thở ra, hơi thở vào nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do không quán hơi thở
Qua lại đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Thường quán về hơi thở
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Thân. Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Thân nên thường qua lại đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta quán các hữu tình
Do không niệm về Thân
Qua lại, đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Luôn niệm đến thân thể
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Thế nào là một pháp?
Nghĩa là niệm Tử (chết). Vì sao? Vì tất cả hữu tình do không niệm Tử nên thường qua lại, đọa trong các nẻo ác, chịu khổ sinh tử. Ai thường niệm một pháp như vậy, ta chứng nhận người đó nhất định được quả Bất hoàn, không còn sinh trở lại nơi thế gian này. Thế nên ta nói: Các hữu tình nào thường niệm một pháp, ta chứng nhận hữu tình đó nhất định được quả Bất hoàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Ta thấy các hữu tình
Do vì không niệm Tử
Qua lại, đọa nẻo ác
Chịu sinh tử luân hồi.
Ai hiểu biết đúng đắn
Luôn luôn niệm về Tử
Nhất định được Bất hoàn
Không sinh lại thế gian.
- 46
Viết bình luận