1. Phật Bảo
1. Phật Bảo
Đối tượng đầu tiên của quy y là Phật. Chúng ta quy y Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài là bậc Giác ngộ tỉnh thức đã thấu rõ chân lý của vạn pháp, thị hiện trong hình tướng loài người để khai sáng Ánh đạo vàng. Bậc Giác ngộ đã đản sinh cách đây 2.500 năm tại Ấn Độ với tiểu sử, công hạnh được ghi nhận rõ ràng. Những Thánh tích nơi Đức Phật đản sinh, chuyển pháp luân, hoằng pháp hay thể nhập Niết Bàn đều còn được lưu dấu. Tất cả giáo lý chúng ta được tiếp cận đều do Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, các bậc Thầy giác ngộ sau này đều phát huy giáo pháp của Ngài nên chúng ta phải biết đến và tri ân Ngài là Bậc Thầy gốc của mình. Trên thực tế, Đức Phật chưa từng bao giờ bỏ rơi mà vẫn ở bên cạnh âm thầm nâng đỡ chúng sinh, chỉ do nghiệp chướng ngăn che nên chúng ta không nhận thấy Ngài. Nhưng nếu có lòng thành kính, đức tin chí thành hướng về Quy y nơi Ngài thì đồng thanh tương ứng sẽ có thể cảm thấu sự hiện diện gia trì của Ngài. Cho nên chúng ta có đức tin rằng Đức Phật vẫn ở đây, vẫn luôn luôn bên cạnh và không bao giờ từ bỏ hạnh nguyện cứu độ chúng sinh.
Khi quy y Bản sư Thích Ca Mâu Ni, chúng ta phải hiểu về hồng danh cũng là những công hạnh và năng lực của Ngài. Chữ Thích Ca Mâu Ni Phật là tiếng Ấn Độ. Khi dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc thì có hai nghĩa là Năng nhân và Tịch mặc. “Năng nhân” có nghĩa là “sức mạnh của lòng từ bi” vô ngã bình đẳng đã trở thành năng lực vĩ đại để Đức Phật có thể cứu khổ cho chúng sinh. Tình thương của Đức Phật bình đẳng, có năng lực chuyển hóa mọi khổ đau giúp chúng sinh chứng đạt hạnh phúc giác ngộ. Chính lòng từ bi đã trở thành năng lực để Ngài có thể thị hiện vô số thân, bất cứ ai cầu đến, Ngài đều có thể cứu khổ. Sức mạnh của lòng từ bi đã giúp Đức Phật bao nhiêu kiếp không nhàm mỏi trong sự nghiệp cứu độ chúng sinh. Trong kinh Bồ Tát Giới, đích thân Đức Phật Thích ca nói: “Ta đã tám nghìn lần đến thế giới Sa bà”. Cho nên Ngài có danh hiệu là “Năng nhân” hay chúng ta có thể hiểu là “Từ bi”.
Còn “Tịch mặc” có nghĩa là Trí tuệ. “Tịch” là có trí tuệ thấu đáo ngoại cảnh. “Mặc” là có trí tuệ để đối diện chính nội tâm mình. Ngoại cảnh bên ngoài bao gồm thành bại, thịnh suy, vinh nhục, khen chê, đói khát, nóng lạnh hay khổ thuộc về bên ngoài không làm dao động Đức Phật. Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có câu “Núi tuyết tu hành sáu năm khổ hạnh”. Những năm dài tu hành khổ hạnh nhịn ăn uống, chịu bao vất vả ngoại cảnh chưa bao giờ làm Ngài nao núng. Trong Kinh Đức Phật dạy rằng: “Chiến thắng trăm quân chưa phải là chiến công oanh liệt. Người chiến thắng chính mình mới là người oanh liệt nhất”. Sức mạnh nội tâm đã khiến Ngài chiến thắng mọi ngoại cảnh, trước thành bại, thịnh suy, vinh nhục, đói khát, khen chê… tâm Ngài vẫn bất động cho nên gọi Ngài là Tịch. Còn nghĩa chữ Mặc thể hiện sức mạnh của Ngài không để các trạng thái tâm chi phối, những ma chướng đến từ tâm tham, sân, giận, ghét, ái dục, vô minh đều không làm Ngài dao động. Như vậy, cả ngoại cảnh lẫn nội tâm đều không làm Ngài dao động, mê mờ, khác hẳn chúng sinh luôn bị ngoại cảnh và những xúc tình tiêu cực tham, sân, si,… chi phối.
Như vậy danh hiệu của Đức Phật Thích ca gồm cả hai phần Từ bi và Trí tuệ. Là đệ tử của Phật chúng ta phải thừa hưởng được gia tài Ngài để lại cho chúng sinh. Đó chính là kho báu của năng lực từ bi và trí tuệ. Gia tài ấy ai cũng có nhưng do chúng ta quên mất cách dùng nên vẫn mãi mắc mớ loanh quanh trong vòng khổ.
a. Mười danh hiệu của Đức Phật
Đức Phật là bậc toàn giác, toàn tri, với năng lực từ bi uy dũng vô song không gì có thể so sánh được. Chúng ta phải biết về danh xưng của Đức Phật để phát khởi tâm rung động chí thành khi nghe danh hiệu Ngài và trưởng dưỡng niềm tin sâu sắc vào Thượng sư. Đức Phật nào cũng có mười danh hiệu sau đây:
Như Lai
Trong hồng danh này, từ “Như” có nghĩa là bất động, bất biến, không thay đổi, từ “Lai” có nghĩa là đến. Như Lai có nghĩa là tuy Đức Phật đến với cuộc đời nhưng Ngài không hề rời tự tính bất động, luôn an trụ trong tâm bất động, bất biến, không thay đổi, song vẫn thường đến với cuộc đời để thực hiện vô vàn thiện hạnh lợi ích chúng sinh. Cuộc đời ngũ trược ác thế này nhưng không có gì khuấy động được tâm Ngài, cũng như Ngài vẫn an trụ trong tự tính tâm, vẫn thực hiện vô số công hạnh lợi ích đến tất cả mọi người, mọi loài. Kinh có nói: “Vào đời không rời tự tính. Nhập thế không rời Niết bàn”. Đối với chư Phật các Ngài đều làm được như vậy.
Ứng Cúng
Trong hồng danh này, “Ứng” có nghĩa là tương ứng hay ứng hợp, “Cúng” có nghĩa là cúng dàng. Như vậy, Ứng Cúng có nghĩa là bậc xứng đáng được thọ nhận cúng dàng. Vì Đức Phật có A Tăng Tỳ kiếp tu hành các thiện hạnh, nên sự viên mãn từ bi, trí tuệ và phẩm hạnh của Ngài cũng giống như ruộng phước điền phì nhiêu màu mỡ, hạt giống công đức cúng dàng sẽ dễ nảy mầm, đơm hoa kết trái, ứng theo những mong nguyện tâm thành của chúng sinh khi dâng phẩm vật mà được tùy nguyện viên mãn.
Về việc cúng dàng đức Phật, điều quan trọng không phải là phẩm vật nhiều hay ít mà bạn phải có tâm chí thành. Kể cả khi bạn không có đủ điều kiện kinh tế, chỉ một đóa hoa cúng Phật với tâm thành kính thuần khiết cũng sẽ giúp bạn tích lũy công đức rất lớn.
Chính Biến Tri
Trong hồng danh này, “Tri” là cái thấy biết, là trí tuệ. “Chính biến” tức là cái biết chân chính. Cái biết của Đức Phật được gọi là chân chính vì Ngài đã giác ngộ được tất cả quy luật trên thế gian, ví dụ quy luật về vô thường, quy luật nghiệp… dù đã có từ muôn thủa nhưng không ai nhận ra cho đến khi đức Phật khai thị thuyết giảng.
Minh Hạnh Túc
Trong hồng danh này chữ “Minh” có nghĩa là trí tuệ, “Hạnh” là phúc đức và “Túc” là đầy đủ. Như vậy “Minh Hạnh Túc” là một bậc thầy đầy đủ trí tuệ và phúc đức. Trí tuệ Đức Phật có khả năng thấu suốt được tất cả chân lý, sự thật. Từ trí tuệ đó, Ngài tận tình cứu khổ, chia sẻ giáo pháp, giúp đỡ cho chúng sinh thoát khổ nên đây chính là phúc đức.
Thiện Thệ
“Thiện” là khéo, “Thệ” là đi trong ba cõi, nên Thiện Thệ là một bậc khéo đi trong ba cõi. Chúng sinh theo nghiệp lực, bị đẩy vào cõi nào là bị trói buộc trong cõi đó. Đức Phật tuy thị hiện đản sinh trong cuộc đời khổ não ác trược nhưng Ngài không hề bị trói buộc mà hoàn toàn tự tại đi lại trong ba cõi. Vì thế, chúng ta tán thán Ngài là Thiện Thệ, tức là một bậc đi trong ba cõi nhưng không bị ràng buộc.
Thế gian Giải
Thế Gian Giải có nghĩa là bậc hiểu biết trọn về các cõi thế gian là ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Cõi Dục giới bao gồm địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, người, A tu la và trời Dục giới. Cõi Sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền). Cõi Vô sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ không (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ). Đức Phật hiểu biết trọn vẹn, ngọn ngành của nhân quả, thấu suốt ba cõi cho nên gọi Ngài bậc Thế Gian Giải. Ngài hiểu rằng để có thể tái sinh trong cõi Người thì chúng ta phải trì giữ năm giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu). Ngài thấy sát sinh hại vật, sân hận, thù địch sẽ bị đẩy xuống Địa ngục; keo kiệt, ky bo chấp thủ là nhân của Ngã quỷ, vô minh; sống bản năng, ham ăn ham ngủ, sống không cần biết đến ai sẽ bị đoạ làm Súc sinh; làm các việc thiện lành bằng tâm kiêu căng, nhân ngã, danh vọng, sinh vào A tu la; làm các việc thiện lành bằng tâm hoan hỉ sẽ tái sinh lên cõi Trời. Vì đã thấu suốt ngọn ngành, nhân quả của mỗi cõi và mỗi chúng sinh nên Đức Phật được tôn xưng là bậc “Thế Gian Giải”.
Vô thượng Sĩ
Danh hiệu này gồm hai phần. “Vô Thượng” có nghĩa là không có gì hơn. “Sĩ” tức là với nội đức tu tập từ bên trong, tích góp thiện hạnh từ nhiều đời, nên tự nơi Đức Phật tỏa ra được từ trường thanh cao, an bình, thoát tục, thoát khỏi tám mối bận tâm thế gian (đó là: mong được lợi lộc, lo sợ thua thiệt, mong được lạc thú, lo sợ khổ đau, mong được lừng danh, lo bị ghét bỏ, mong được ngợi khen, lo bị quở phạt). Đức Phật là bậc trí tuệ toàn tri, thấu đạt vạn pháp nên chúng ta tôn xưng Ngài là “Vô Thượng Sĩ”.
Điều Ngự Trượng Phu
Trong danh hiệu này, “Điều ngự” là khả năng điều phục và chế ngự. “Trượng phu” để chỉ những bậc quân tử, hào hiệp, hành xử với tâm hy sinh mình cho mọi người, luôn thấy khổ cứu khổ, thấy những điều tai ương chướng mắt là sẵn sàng xả thân để trợ giúp.
Đức Phật không chỉ tự điều phục và chế ngự tâm mình mà Ngài có thể khéo điều phục và chế ngự được tất cả chúng sinh, kể cả chúng sinh khó điều ngự nhất, nên được tán thán là bậc “Điều Ngự Trượng Phu”.
Thiên Nhân Sư
Danh hiệu này có nghĩa là bậc Đạo sư của cõi Trời Dục giới và cõi Người. Chỉ có loài người mới đủ trí tuệ để tôn thờ Ngài là bậc Thầy và theo được con đường giáo hóa của Ngài. Mặc dù Đức Phật thương xót chúng sinh trong các Cõi Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, A tu la như con đỏ, tuy nhiên do nghiệp chướng chúng sinh của các cõi này không đủ trí tuệ để hiểu được giáo pháp và thực hành theo giáo pháp của Ngài. Còn cõi Trời khác như Cõi không vô biên xứ, vô sắc, không có thân thể vật chất, chúng sinh nơi đó ở trong một trạng thái tâm biến dịch, chìm trong trạng thái hỷ lạc trong thời gian dài hàng tỷ kiếp, mê đắm đến mức chư Phật ra đời họ không biết, chư Phật tịch họ cũng không hay, đến khi hết phúc đức lại bị đọa trở lại ba cõi dưới. Bởi vậy việc sinh vào cõi Trời trường thọ được coi là một đại nạn trong bát nạn. Cõi trời Sắc giới cứ mải mê trong thiền định, không có phúc. Chỉ có cõi trời Dục giới mới biết đến Phật vì khi Phật đản sinh bao giờ cũng có lục chủng chấn động: địa đại, hư không, rồi tiếng sấm... rung động cả cõi này. Chư Thiên nơi đấy có thể biết rằng một bậc Thế tôn Giác ngộ đã ra đời để hướng nguyện được đỉnh lễ học Pháp với Ngài. Cõi trời Dục giới như thế có phúc so với các cõi Trời khác, nơi chúng sinh mê đắm trong niềm vui của thiền định nên họ không biết và không thể đến được chỗ của Đức Phật.
Phật Thế tôn
Sự giác ngộ của Phật gồm ba cấp độ: tự giác, giác tha, giác hành viên mãn. “Tự giác” có nghĩa là tự mình giác ngộ, Ngài đã thấy và thực chứng được tất cả thân tâm cảnh đều là hư vọng, nhận ra được sự giả tạm, vô thường, như huyễn của vạn pháp, nhận thức được quy luật về nghiệp và nhân quả, bản chất Phật tính ở nơi mình. “Giác tha” có nghĩa là đem sự giác ngộ của mình đi chia sẻ với mọi người, là phần hành để viên mãn tự giác. “Giác mãn” nêu biểu phẩm chất nhất như của thực hành với lý thuyết, phần sự và phần lý tương ưng không lệch. Chỉ khi “giác mãn” chúng ta mới có đầy đủ năng lực, trí tuệ mới được vẹn toàn viên mãn. Danh hiệu Thế Tôn tức là thế gian tôn xưng, cung kính Ngài là một bậc tôn quý trên thế gian bởi các năng lực tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.
b. Những phẩm chất công hạnh của Đức Phật
Những phẩm chất công hạnh, năng lực của Đức Phật bao gồm Mười lực, Bốn Vô Úy, Mười Tám Bất Cộng Pháp như được liệt kê dưới đây:
MƯỜI LỰC
Mười lực: là mười trí tuệ của Đức Thế Tôn, bao gồm:
1. Tri giác xứ phi xứ trí lực: Xứ có nghĩa là đạo lý, trí lực biết sự vật nào là đạo lý hay phi đạo lý.
2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực: Trí lực biết rõ nhân quả của chúng sinh trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai)
3. Tri chư thiền giải thoát Tam muội trí lực: Trí lực biết cả những pháp Tam muội (như bát giải thoát, tam tam muội…)
4. Tri chúng sinh tâm tính trí lực: Trí lực biết hết tâm tính của đệ tử, tín đồ và của tất cả chúng sinh cao hay thấp.
5. Tri chủng chủng trí lực: Trí lực biết chúng sinh hiểu đạo tới đâu, biết rõ lối nhận hiểu của thế gian và xuất thế gian.
6. Tri chủng chủng cảnh giới trí lực: Trí lực biết các cảnh giới khác nhau của chúng sinh như thế nào.
7. Tri nhứt thiết sở đạo trí lực: Trí lực biết kết quả mà người tu hành sẽ đạt tới, như tu thập thiện, ngũ giới sẽ được ở cõi Người hay cõi Trời, người tu pháp vô lậu bát chánh đạo sẽ được tới Niết Bàn.
8. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực: Trí lực vận dụng thiên nhãn thấy biết mọi việc của sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sinh một cách không ngăn ngại.
9. Tri túc mạng vô lậu trí lực: Trí lực biết rõ các đời trước của chúng sinh, biết rõ vô lậu Niết Bàn.
10. Trí vĩnh đoạn tập khí lực: Trí lực có thể biết rõ như thực mọi tàn dư tập khí, vọng hoặc, sẽ vĩnh viễn đoạn diệt chẳng sinh trở lại (biết rõ vô lậu hoặc).
BỐN VÔ ÚY
Bốn Vô Úy: là bốn loại trí lực, bốn điều tự tin, không sợ hãi của Phật khi thuyết pháp:
1. Chư pháp hiện đẳng giác vô uý: Đối với tất cả các pháp, Phật đều rõ biết một cách tường tận. Do đó, đối với những chúng sinh vì không biết về các pháp mà đặt câu hỏi thì Ngài giải đáp một cách tự tại, không có gì sợ hãi.
2. Lậu vĩnh tận vô uý: Phật đã dứt sạch hết tất cả mọi phiền não, không có sự sợ hãi từ các nạn bên ngoài.
3. Thuyết chướng pháp vô uý: Phật nói “pháp nhiễm ô chắc chắn gây trở ngại sự tu tập”. Phật không hề lo sợ sự bắt bẻ hay gạn hỏi của bất cứ ai.
4. Thuyết xuất đạo Vô uý: Phật chỉ bày con đường thoát ly sinh tử và phương pháp tu tập để thoát ly khổ đau. Phật tuyên thuyết đạo xuất ly mà không sợ hãi điều gì.
MƯỜI TÁM BẤT CỘNG PHÁP
Là những Pháp hay đặc tính mà chỉ có Phật mới thành tựu viên mãn, mười tám đặc tính ấy như sau:
1. Hành động Như Lai không lỗi lầm
2. Lời nói Như Lai không sơ sót
3. Tâm không vọng niệm
4. Thường an trụ trong tam muội
5. Không dị tưởng riêng biệt
6. Luôn luôn quán chiếu xem những ai sắp đạt đến giác ngộ để tùy cơ dẫn dắt
7. Không bao giờ mất đi mục đích thanh tịnh
8. Tinh tiến không giảm
9. Trí tuệ không giảm
10. Thiền định không giảm
11. Trí tuệ tính không không giảm
12. Phẩm hạnh không giảm
13. Thân nghiệp hành động theo trí tuệ
14. Khẩu nghiệp tạo tác theo trí tuệ
15. Ý nghiệp vận hành theo trí tuệ
16. Thấy biết việc quá khứ không chướng ngại
17. Thấy biết việc vị lai không chướng ngại
18. Thấy biết việc hiện tại không chướng ngại
c. Tam thân Phật
Tam thân Phật: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, là thể tính và diệu dụng tâm hoàn hảo của Phật và chúng sinh. Đức Phật là bậc Toàn giác nên Ngài hiển lộ được hoàn toàn cả Tam Thân. Các chúng sinh phàm tình vì vô minh ám chướng nên không nhận ra Tam Thân Phật!
Tam thân Phật bao gồm:
Pháp Thân (Dharmakaya) là tinh túy, thể tính chân thật của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ.
Báo thân (Sambhogakaya) hay Đại hỷ lạc thân, là Thân công đức của Phật hiển hiện trong các cõi Tịnh độ.
Hóa thân (Nirmanakaya) hay Ứng hóa thân, là Thân Phật thị hiện trong cõi luân hồi với mục đích cứu độ chúng sinh.
Về bản lai, chúng ta là Pháp thân. Nhưng vì chưa giác ngộ và còn đang vướng mắc trong luân hồi nên chúng ta chưa đủ lòng từ bi hay tình yêu thương trong hành động, hoặc chúng ta đang không thực hành điều đó cũng không thể hiện bản thân là một bậc toàn tri hay một người khích lệ những chúng sinh khác. Tuy thế, những phẩm chất giác ngộ chắc chắn vẫn tồn tại. Cho dù chúng ta không thể hiện thành người tràn đầy lòng bi mẫn thì lòng bi mẫn căn bản vẫn nằm trong Báo thân bởi đó là phẩm chất căn bản của Báo thân. Để thấu hiểu được những điều này, bạn cần thực hành thiền định với tâm chí thành và dưới sự hướng đạo của một Bậc Thầy giác ngộ. Sự thực hành của hành giả chân chính phải tựa như tấm gương tu học thiền định miên mật của Đức Milarepa, bởi sự thực chứng không thể đến từ tri thức.
Việc chứng ngộ được Pháp thân, Báo thân và Hóa thân có nghĩa là bạn sẽ thực sự đạt được những phẩm chất đó và trở nên bất biến, bất diệt. Hóa thân liên quan nhiều hơn đến thân vật lý chúng ta; Báo thân liên quan nhiều hơn đến khẩu và Pháp thân liên quan nhiều hơn đến ý. Thân, khẩu, ý là những điểm rất quan trọng. Khi bạn chứng ngộ được Tam thân, Tam thân sẽ tương ứng với thân, khẩu, ý. Khi ấy, tâm sẽ rất ổn định và trí tuệ bản lai sẽ hiển lộ hoàn toàn.
- 18
Viết bình luận