3. Tăng Bảo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Tăng Bảo

3. Tăng Bảo

Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu về Tăng Bảo, đối tượng Quy y cuối cùng trong Tam Bảo. Theo cách hiểu của Đại thừa, Tăng già là cộng đồng người xuất gia ít nhất bốn vị trở lên đã thọ giới Tì Kheo, Tì Kheo Ni (tức là thọ Đại giới) và sống với nhau đảm bảo hai điều kiện là thanh tịnh hoà hợp. Khi nói “xuất gia” có nghĩa là các vị đã từ bỏ cuộc sống thế tục với các lý tưởng danh vọng, địa vị, tiền bạc… bước chân vào chùa sống cuộc sống tự tại, tu tập theo chính Pháp. Vì cuộc đời xuất gia dành trọn cho lý tưởng giải thoát cho nên các Ngài có nhiều thời gian để tu học, thực hành Pháp và tiếp đến chia sẻ hướng Đạo Phật Pháp cho chúng sinh. Đó là lý do chúng ta cần quy y hay nương tựa vào Chư Tăng. 

Trong Kim Cương thừa, quy y Tăng chính là quy y Kim cương Thượng sư, người đại diện cho chúng tăng. Mặc dù Đức Phật vẫn luôn hiện diện gia trì nhưng do vô minh và nghiệp lực chúng ta không thể diện kiến và thọ nhận trực tiếp giáo pháp từ Ngài. Tuy nhiên, chúng ta lại có thể tiếp cận với bậc Thầy của mình, bậc Giác ngộ trong hình tướng Tăng già đã đón nhận Pháp mạch Truyền thừa không gián đoạn từ Đức Phật.

a. Tứ hạnh - phẩm chất thanh tịnh của Tăng Bảo

-   Thiện hạnh:  có nghĩa là hy sinh quên mình vì mọi người, có trí tuệ gạt bỏ bản ngã để đưa lợi ích chung lên trên, quan tâm nâng đỡ đời sống tinh thần của những người xung quanh mình.

-   Trực hạnh: thẳng thắn đối với mọi người, không nói quanh co, nói sau lưng. Khi mắc lỗi, dám nhìn thẳng và nhận lỗi về mình. 

-   Phạm hạnh: giữ gìn giới hạnh thanh tịnh. 

-   Pháp hạnh: Thực hành Bát Chính Đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính định và chính niệm).

b. Lục hòa - nền tảng sức mạnh của Tăng Bảo

Nền tảng của Hòa hợp là từ bi, trí tuệ, và bình đẳng. Muốn có từ bi chúng ta phải có sự hiểu biết, có sự cảm thông chia sẻ mới có thể dễ dàng chấp nhận, tha thứ cho nhau. Người có thể sống hòa được là người có trí tuệ, bởi hòa hợp là tinh thần tỉnh thức, biết thấy, hiểu được và sống được với nghĩa của Vô ngã, gạt bỏ được sự ích kỷ của bản ngã để hòa vào cái chung của mọi người. Và trong Đạo Phật, mỗi chúng ta đều bình đẳng trong Phật tính, tất cả đều bình đẳng dù là nam, nữ, già, trẻ… bởi Phật tính bình đẳng cho nên trong Tăng đoàn cũng cần cư xử bình đẳng với nhau.

Sự tướng của Hòa hợp là Lục Hòa:

-   Thân hòa: cùng ở một nơi, đồng lo một việc, chia sẻ vui buồn.

-   Khẩu hòa: Lời nói dịu dàng, ôn tồn, chân thật, và không khiêu khích.

-   Ý hòa: mỗi thành viên biết dẹp bản ngã của mình, đồng lòng, đồng tâm, đồng lực thì việc khó gì cũng sẽ giải quyết được.

-   Lợi hòa: cùng chia sẻ, không có sự riêng tư về vật chất, tài bảo. 

-   Giới hòa: cùng giữ giới như nhau không có tinh thần hơn thua, có những ngày bố tát để sám hối lỗi lầm và khôi phục giới thanh tịnh.

-   Kiến hòa: tri kiến, sở học cũng phải hòa, khi gặp nhau thì chia sẻ những kinh nghiệm tu tập, những điều đã học hỏi được.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6398907
Số người trực tuyến: