2 bữa trai cúng dàng Đức Phật nhiều phúc báu nhất | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2 bữa trai cúng dàng Đức Phật nhiều phúc báu nhất

Hôm sau, đức Thế Tôn lại ôm y bát vào thành để khất thực, trên đường trở về, Ngài đưa mắt nhìn bao quát Vesāli bằng cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ānanda:

- Đây là cái nhìn Vesāli lần cuối cùng của Như Lai, không còn một lần nào khác nữa.

Và rồi, Ngài tiếp:

- Chúng ta hãy cùng đi đến ngôi làng Bhandagāma. Sau Bhandagāma là Hatthigam, rồi Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara...

Và cứ thế, từng bước đi, Đức Phật với từng bước đi như đi chỉ để mà đi, trọn vẹn trong mỗi bước đi, chứ không phải  đi là để tìm kiếm cái gì phía trước, nhân và quả đủ đầy trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở! Không biết tôn giả Ānanda và chư tỳ-kheo đi theo Đức Phật, họ có học được bài học đó không? Hay chỉ có chư trưởng  lão như Upāli, Anuruddha, Mahā Cunda, Upavāna... là cũng đang thực hiện điều ấy trong mỗi bước đi của mình?

Gần suốt ba tháng như vậy, mỗi địa danh Đức Phật dừng lại năm bảy hôm, mỗi nơi, Đức Phật giảng một bài pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất là nói về thánh giới, thánh định, thánh tuệ và thánh giải thoát. Đức Phật cũng ân cần nhắc nhở chư tăng ni phải nên kiểm chứng thế nào là pháp và  luật. Khi nghe một vị niên cao, lạp lớn hoặc vị có nhiều uy tín trong hàng tăng lữ - nói thế này là pháp, thế kia là luật – chư vị chớ vội tin tưởng mà cũng đừng nên bài bác. Hãy suy tư, chiêm nghiệm. Hãy so sánh với cái thực trong nội tâm và trong đời sống. Giáo pháp không ở khô chết nơi lý thuyết, nơi bài giảng – mà chính là ở nơi hơi thở, nơi bước chân tu tập; ở nơi tĩnh lặng và sáng suốt của tâm và tuệ.  

Nói tóm lại là ở nơi thực hành và thân chứng. Vậy muốn so sánh để tin tưởng, y chỉ, thực hành theo thì nó là ở đấy. Pháp và luật chân chính là ở đấy. Và nó sẽ tương hợp với giáo pháp chân chính của Như Lai.

Rời Bhoganagara, Đức Phật đến Pāvā. Tại đây, Đức Phật ngự tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda (Thuần Đà). Nghe đức Thế Tôn đang ngự tại vườn xoài của mình, người thợ rèn rất hạnh phúc, tìm đến để nghe pháp. Ông hoan hỷ quá. Hôm sau, ông xin thỉnh đức Phật và tăng chúng đến cúng dường đặt bát tại tư gia. Ông đã công phu chuẩn bị những món ăn thượng vị cứng mềm rất chu đáo,đặc biệt là có món được gọi là Sūkara-maddava(1) là chỉ để dâng riêng cho Đức Phật.

 

Độ xong, Đức Phật nói với Cunda:

- Món ăn Sūkara-maddava còn lại, ngươi hãy đem chôn vào một hố nào đấy. Này Cunda! Như Lai không thấy một ai ở cõi trời, cõi người, ma giới; không một ai trong chúng Sa môn, bà-la-môn hoặc bất kỳ một ai khác, ăn món ăn này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

Người thợ rèn Cunda vâng theo Thế Tôn. Chừng nửa canh giờ sau khi độ thực món ăn ấy, Đức Phật bị bệnh nặng, có triệu chứng lỵ huyết, đau đớn khốc liệt. Tuy nhiên, lát sau, trấn tĩnh cơn đau, đức Phật nói:

- Này Ānanda! Chúng ta hãy đi đến Kusinārā.

Tuy vâng lời nhưng tôn giả áy náy không yên. Và người áy náy không yên, đau khổ, dằn vặt nhất lại chính là Cunda! Người thợ rèn này cảm thấy mình có tội, mình là thủ phạm dâng cúng món ăn Sūkara-maddava nên đức Phật bị đau tả lỵ, có lẽ là có máu bị rỉ ra từ dạ dày, từ đường ruột! Ông gục đầu xuống, khóc nức nở:

- Con chỉ có thành ý, tâm niệm trong sáng và tốt lành khi dâng cúng món ăn ấy, nó non mềm, thơm ngon, con cũng không ngờ...

Đức Phật mỉm cười:

- Không phải tội là do ông đâu. Trong quá khứ, thuở còn là Bồ-tát, trong các kiếp sống sinh tử, Như Lai có gây một ác nghiệp nên quả báo dư sót hôm nay nó đến đúng thời, đúng lúc, mà món ăn chỉ là duyên cuối cùng cho giọt nước tràn ly vậy thôi.


Bát cháo sữa do thôn nữ Sujātā cúng dàng Đức Phật ở rừng khổ hạnh

Người thợ rèn lắng nghe. Đức Phật tiếp:

- Đây là bữa ăn cuối cùng của Như Lai, và sẽ không còn một bữa ăn nào khác nữa.  Ông phải phát tâm hoan hỷ khi biết rằng: Hiện thân của một đức Phật trên đời này, có hai bữa ăn phước báu nhiều nhất, thù thắng nhất là bữa ăn trước khi đắc quả vị Chính Đẳng Giác và bữa ăn trước khi Niết bàn. Bữa ăn trước, phước báu tối thượng để dành nữ thí chủ Sujātā ở rừng khổ hạnh, bữa ăn cuối là phần của thí chủ Cunda tại thị trấn Pāvā, vườn xoài này. Cả hai bữa ăn ấy, phước giống nhau, quả báo thù thắng giống hệt nhau, bằng nhau.

Cunda cúi đầu lắng nghe. Đức Phật tiếp:

- Như Lai lặp lại, là cả hai bữa ăn ấy đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, phước báu lớn hơn, lợi ích lớn hơn những sự cúng dường ăn uống khác. Và này  Cunda! Tuổi thọ, sắc đẹp, sống lâu, an lạc, danh tiếng, quyền uy, ngũ dục công đức cõi trời đang chờ đợi ông trong mai hậu đó!

Rồi đức Phật quay sang vị thị giả:

- Nay Ānanda! Sau này, có ai thắc mắc về bữa ăn “có vấn đề” này của Cunda, ông phải cặn kẽ giải thích giống như Như Lai vừa nói ở trên để giải tỏa “mối oan” cho Cunda và mối nghi cho tứ chúng!

Khi thấy người thợ rèn an tâm rồi, Đức Phật mới từ giã. Cơn đau lại tái hiện, âm ỉ, thốn nhức, Thế Tôn lại điều hòa hơi thở, bước đi trong chính niệm, tỉnh giác.

Chú thích:

(1)   Tên Pāḷi này, hòa thượng Minh Châu dịch là “một loại mộc nhĩ”.

(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NXB Văn Học, 2014)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6155508
Số người trực tuyến: