Những hiện tượng phi thường chưa từng có trên thế gian trong đêm Phật thành đạo
Vào canh cuối, trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā, Bồ tát Tất Đạt Đa đã chứng đắc quả vị Đại A-la-hán, Chính Đẳng Giác; lúc ấy Ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi...
Mười ngàn thế giới ngay sát-na ấy rung động dữ dội, quả đất dày bốn mươi do-tuần chao qua đảo lại như địa chấn. Giờ phút ấy đi vào vĩnh cửu. Chư thiên, phạm thiên hoan ca, vui mừng vì một đấng Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian. Giữa hư không, hoa trời tung bay và nhạc trỗi để cúng dường thời khắc linh thiêng và trọng đại này. Nếu ai có thiên nhĩ, sẽ nghe những lời đồng vọng tự lưng chừng trời:
- Sādhu! Sādhu! Buddho uppanno! Sādhu! Sādhu! Buddho uppanno! (Lành thay! Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian rồi!).
Những hiện tượng phi thường chưa từng có trên thế gian
Và cũng nhiệm mầu thay là những hiện tượng phi thường ở ngoài mọi định luật tâm giới và nhiên giới, chưa từng có trên thế gian, lại đồng lúc phát sinh một cách diệu kỳ. Đó là:
Dẫu trái tiết, trái mùa nhưng muôn hoa đua nhau nở rộ và tỏa sắc, tỏa hương...
Mọi quả trái dù đắng, dù chua, dù chát chợt trở nên ngon, ngọt, thơm...
Những kẻ mù lòa, thong manh bẩm sinh, vui mừng vì đôi mắt bỗng trở nên sáng quắc, thấy rõ mọi vật xung quanh mình.
Những kẻ điếc lãng từ lúc chào đời chợt nghe được mọi âm thanh.
Những kẻ bại liệt, từ nay có thể đi lại một cách dễ dàng…
Đặc biệt là tại địa ngục Lokantarika - cõi giới có từ quả báo của những chúng sinh dày sâu tà kiến, dù bảy mặt trời cũng không bao giờ rọi tới - hôm ấy, hào quang của Đức Phật từ cội Assattha xuyên qua những lớp bóng tối để chiếu soi tận ngục sâu âm u lạnh lẽo. Những chúng sinh này bỗng thấy được lẫn nhau.
Đạo lớn đã tìm ra, con đường bất tử đã được khai quang
Đức Phật Gotama, bây giờ chúng ta gọi Ngài là thế, đang rọi ánh sáng để nhìn ngắm tự tâm nhưng đồng thời, Ngài thấy biết luôn toàn bộ thế gian, thế giới. Thật bi mẫn, thương xót thay chúng sinh ngu muội. Chúng sinh đã tạo tác những nhà tù thể xác rồi tự nhốt mình vào đấy, rồi khóc lóc, rồi sầu bi khổ ưu não. Ta cũng đã lang thang muôn triệu kiếp mới tìm ra khuôn mặt của kẻ tạo tác ấy. Nó chính là vô minh và ái dục. Chính nó đã tạo nên các uẩn, chồng chất từ lớp này đến lớp kia.
Nói rõ và chi tiết hơn, người thợ, tên kiến trúc sư sinh tử xây cái nhà tù chính là ái dục (taṇhā - rāga), cái đòn dông chính là vô minh (vijjā). Còn toàn bộ cái sườn nhà là những ô nhiễm, phiền não (kilesa) như: Tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna), tà kiến (micchādiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), tật (issā), hối (kukkucca), xan (macchariya), hôn trầm (thīna), thụy miên (middha), phóng dật (uddhacca), không biết hổ thẹn tội lỗi (ahirika), không biết ghê sợ tội lỗi (anottappa); rồi còn phỉ báng, cố chấp (mukkha-thambha), sợ hãi (bhaya), bạc ơn, phản phúc...
Khi có định lực sung mãn, tuệ giác vằng vặc chiếu soi thì chúng hoàn toàn rã tan, rỗng không, vô tự tánh... Bất giác, đức Phật Gotama thốt lên một cảm hứng ngữ nội tâm trầm hùng, siêu thoát, có thể vang xa đến tận cùng vô lượng, vô biên thế giới:
“Lang thang muôn kiếp luân hồi
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà tù
Não phiền, đau khổ mịt mù
Vòng xoay, dòng chuyển thiên thu nhọc nhằn
Hỡi này anh thợ làm nhà!
Rui, mè, kèo, cột tiêu ma hết rồi
Đòn dông ái dục gãy đôi
Vô minh tạo tác muôn đời hoài công
Như Lai giải thoát sạch không
Niết-bàn vô lậu thong dong vĩnh hằng”
Đạo lớn đã tìm ra. Con đường bất tử đã được khai quang. Đức Phật Gotama xả thiền, rời cội cây Assattha, bây giờ được gọi là cây bồ-đề hoặc cây tuệ giác, (bodhirukkha) lúc ấy phương đông trời vừa hửng sáng. Tràn đầy, sung mãn trạng thái giải thoát, Ngài đi tới đi lui thọ hưởng hạnh phúc siêu thế. Gió ban mai nhè nhẹ thổi, mát lạnh mang theo rất nhiều mùi thơm hương rừng cỏ nội.
Ngài cảm nhận rất vẹn toàn, sâu sắc và tinh tế ngay cả những âm thanh cao thấp, gần xa của chim, của giun dế, của từng chiếc lá rơi khẽ. Mù sương bàng bạc lan kín cả mặt sông. Hoa đủ màu, đủ sắc từng chùm li ti chợt lay động, loang loáng nước. Dường như vạn vật xung quanh đều hiển hiện những niềm vui thầm lặng, nhiệm mầu. Tất cả đều nhiệm mầu dưới một ánh sáng khác lạ, mới mẻ. Có cái gì đổi mới, khoác lên cảnh vật một chiếc áo phiêu diêu, nhẹ nhàng, thanh khiết. Khổ đau không có mặt. Phiền não không có mặt. Nhưng cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức đều trôi chảy hòa bình, an lạc, trong lành và vô nhiễm. Sự sống bây giờ được vận hành trong dòng chảy tinh khôi, trong lành và vô nhiễm ấy…
Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, trị nước, Đức Phật Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát vì không giải mã được hố thẳm của lòng người. Với ý chí kiên định, Ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho nhân sinh. Suốt sáu năm dài đằng đẵng, nếm mật, nằm gai, chịu đựng sự khổ hạnh tối thượng, với nỗ lực siêu phàm, bây giờ lộ trình bất tử mở toang cánh cửa, đã được khai thông. Chưa có ai vĩ đại như Ngài, chưa có ai kiêu dũng như Ngài, và cũng chưa có ai cô độc như Ngài. Cho chí những giây khắc khó khăn nhất, bên mình ngài cũng chẳng có ai, may nhờ những giọt sữa vi diệu của cô bé Puṇṇā.
Đức Phật không sáng tạo ra con đường mà chỉ tìm ra con đường xưa cũ
Có thể nói rằng, Ngài đã nỗ lực tự mình, không nương nhờ ai mà cũng không có bất kỳ một vị thầy nào trên lộ trình khám phá sự thật. Tuy thế, chẳng phải Ngài sáng tạo con đường, mà Ngài chỉ tìm ra con đường xưa cũ, đã bị mù sương của vô lượng thời gian che khuất. Ngài chỉ là một con người, sinh ra và lớn lên như một con người, với xương thịt, ngũ quan, tình cảm, tinh thần cũng chỉ là một con người; nhưng nhờ tư duy có chiều sâu, biết giữ cảm xúc chừng mực, biết tra vấn và học hỏi, biết hoài nghi và biết trung thực; không dễ dàng chấp nhận những chân lý có sẵn, những lối mòn sơn son thếp vàng; dám đơn độc chiến đấu với cám dỗ, với truyền thống, với bản ngã cho đến lúc đứng trên đỉnh đầu sinh tử để ca khúc khải hoàn.
Vậy Ngài đúng là một vị Toàn Giác, một bậc Chính Đẳng Giác do sự thấy biết chân chính toàn diện. Ngài còn có khả năng truyền bá giáo pháp nên người ta tôn xưng Ngài là bậc:
- Như Lai (Tathāgata - bậc đến như vậy),
- Chính Biến Tri, là người phi thường (Acchariya manussa), là bậc làm chủ giáo pháp (Dhammassāmi - Pháp vương), là người ban bố pháp bất tử (Amatassa dātā), là người cho vật báu (Varado- vật báu chính là tâm từ bi thanh khiết nhất, trí tuệ sâu xa nhất và chân lý vi diệu nhất),
- Ứng Cúng (Arahaṃ - xứng đáng được cung kính, tôn trọng, cúng dường),
- Minh Hạnh Túc (Vijjā- carana-sampanno - Trí vô thượng, Đức vô thượng),
- Thiện Thệ (Sugato - khéo đi ra khỏi luân hồi),
- Thế Gian Giải (Lokavidū - bậc thông suốt tam giới),
- Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu (Anuttaro Purisadammasārathi - bậc trượng phu vô thượng có khả năng chế ngự, nhiếp phục thân, khẩu ý mình và chúng sinh),
- Thiên Nhân Sư (Satthādevamanussānaṃ - bậc thầy của chư thiên và nhân loại),
- Thế Tôn (Bhagavā - xứng đáng được xưng tán, tôn vinh),
- Phật (Buddho - bậc tỉnh giác, sáng suốt, tỉnh thức).
Thế là một vầng nhật nguyệt vừa xuất hiện trên thế gian. Lừng lững. Vằng vặc. Trí tuệ và Từ bi. Còn soi sáng đêm ngày cho đến hết năm ngàn năm cùng nhân duyên với chúng sinh hữu trí.
(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
NXB Văn Học, 2014)
Tham khảo thêm
- 747
Viết bình luận