Nhìn lại tiến trình tu chứng bền bỉ, hướng thượng trong đêm Phật thành đạo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nhìn lại tiến trình tu chứng bền bỉ, hướng thượng trong đêm Phật thành đạo

Sau 49 ngày đêm chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, Đức Phật Thích Ca đã chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, nào tham luyến, dục vọng, phiền não, sân hận, đói khát, cô đơn... luôn hiện đến quấy nhiễu. Trong Tăng chi bộ kinh III, phẩm IX pháp, đức Phật đã kể lại cho gia chủ Tapussa và tôn giả A-nan về tiến trình chứng ngộ trong đêm thành đạo. Tiến trình giải thoát của Đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự qua 9 cấp bậc thiền chứng, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chính Đẳng Chính Giác. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng kiên trì lâu dài bền bỉ, luôn luôn hướng thượng như trong Kinh đã diễn tả.


Dòng sông Nerañjarā lấp lánh ánh trăng

Đêm. Dòng sông Nerañjarā lấp lánh ánh trăng. Gió thổi rì rào xuyên qua rừng cây trầm mặc. Hương hoa cỏ dịu dàng, thoang thoảng giữa không gian. Bồ tát Tất Đạt Đa sau khi chiến thắng nội ngoại ma, Ngài ngồi yên tĩnh theo dõi hơi thở với tâm và trí hoàn toàn tỉnh thức và thanh khiết...

1. Canh một: Đức Phật chứng đắc Túc mạng minh

Bây giờ, cả một khối thân tâm đã trở nên thuần nhất, được giác niệm lung linh soi chiếu; không thấy trong, không thấy ngoài, không thấy ngã, không thấy ngã sở; ngài chỉ thấy hơi gió vào ra, càng lúc càng nhẹ, càng mỏng... Rồi dần dần, làn gió ấy chợt trở nên trong vắt, sáng như ánh trăng rằm vừa ra khỏi sương mù... Bồ tát Tất Đạt Đa lần lượt đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách dễ dàng, không có một gắng sức nào... Với năng lực của tâm định hoàn toàn vững chắc, kiên cố, Bồ tát Tất Đạt Đa xuống cận hành, sử dụng tầm và tứ hướng tâm đến tiền kiếp...

Chỉ một sát-na sau, Ngài lần lượt thấy rõ các kiếp sống quá khứ của mình. Từ một kiếp, hai kiếp,... mười kiếp, hai mươi kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, kiếp quả đất, nhiều đại kiếp quả đất vô giới hạn... Ngài thấy rõ mỗi kiếp, với hình ảnh rõ ràng, với vóc dáng như vậy, dòng họ như vậy, tuổi tên như vậy, y báo, chính báo như vậy, khổ vui như vậy, nghiệp đến đây như vậy,  nghiệp ra đi như vậy... Nhờ định tĩnh sâu xa, và cũng nhờ nội tâm đã lắng dứt mọi tùy miên kiết sử nên Bồ tát Tất Đạt Đa không hề khởi lên kinh cảm khi thấy mình từng mang lốt nhiều kiếp thú như chó, ngựa, voi, chim, chuột... Còn làm cả dạ-xoa, A-tu-la, thọ thần, chư thiên, phạm thiên... cũng rất nhiều kiếp nữa. Nhưng nhiều nhất là làm người: thương gia, triệu phú, nông dân, tiều phu, giáo sư, vua chúa, quan đại thần, quốc sư... Và vô lượng kiếp tu tập, xuất gia, hành các pháp ba-la-mật...


Chỉ một sát-na sau, Ngài lần lượt thấy rõ các kiếp sống quá khứ của mình

Trong vô lượng vô biên kiếp sống ấy, Ngài không tìm thấy đâu là con người thực của mình. Tất cả chúng đều do dòng nghiệp vẽ ra, tạo nên. Sự sinh, sự diệt trùng trùng, hóa thân trùng trùng, sầu bi khổ ưu não cũng trùng trùng... Tất cả chúng đều như từ sương khói mà hiện ra, từ sương khói mà diệt mất, dường như vô căn, vô cội nhưng chỉ có một dòng chảy, dòng chảy của sinh mệnh, nghiệp lực là liên lỉ từ vô thủy đến vô chung... Tuy liên lỉ nhưng không phải hằng hữu. Chúng chuyển biến, dịch hóa, thay đổi liên tục, mới mẻ liên tục…

Chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì thường tại... Bồ tát Tất Đạt Đa xả thiền, lúc ấy chỉ vừa qua canh một. Thế là Ngài đã chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiññāṇa) khi mặt trăng từ hướng Đông mới lên đến đầu tàn cây Assattha.

2. Canh hai: Đức Phật chứng đắc Thiên nhãn minh

Mỉm nụ cười vi diệu như nụ hoa hàm tiếu ở trong tâm, rồi không để uổng phí một sát-na nào, Bồ tát Tất Đạt Đa lại nhiếp niệm đi vào tứ thiền sắc giới, kiên trú định; trở lại cận hành, dùng tầm và tứ, hướng tâm đến sự sinh tử của chúng sinh. Thế rồi, như cuốn phim quay nhân quả hiển hiện rõ ràng trong nội tâm, Ngài thấy sự đi về, tới lui, thấp hèn, cao thượng, xấu đẹp, khổ vui của tất cả chúng sinh từ quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nếu thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác thì rơi vào bốn cảnh khổ. Ngược lại, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì được sinh thú cõi người, cõi trời nào đó tương ứng với hành nghiệp ấy.

Tiếp tục đi sâu, đi xa, theo dõi dòng nghiệp của chúng sinh, Bồ tát Tất Đạt Đa còn thấy được tâm hướng của từng chúng sinh một, với quả báo vị lai xa xăm cho đến hằng sa sinh diệt của quả địa cầu! Vậy là tất cả tác nhân, quả báo tạo nên sinh thú của tất cả chúng sinh đều được Ngài nhìn thấy rõ như các đường chỉ trong lòng bàn tay của mình.

Như thế là vào cuối canh hai, khi mặt trăng vừa chênh xế cội cây Assattha, Bồ tát Tất Đạt Đa chứng đắc Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuññāṇa).

3. Canh ba: Đức Phật chứng đắc Lậu tận minh

Trở lại tứ thiền, nuôi dưỡng phỉ lạc thâm sâu, vào an chỉ định, trở lại cận hành, dùng tuệ minh sát quán chiếu tự thân; ngài thấy rõ rằng, chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến ngũ trần (kāmasavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những chấp thủ ta, của ta, người và chúng sinh (diṭṭhāsavakilesa),  chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu (bhavāsavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến si mê, vô minh (avijjāsavakilesa).

Khởi chính tư duy, Bồ tát Tất Đạt Đa tự nghĩ: Tất cả những phiền não ngủ ngầm, vi tế ấy chẳng có ai hay biết dẫu loài người thông tuệ hoặc chư thiên, phạm thiên có nhiều năng lực. Cho chí những đạo sĩ tuyệt luân đắc bát thiền và ngũ thông như Kāḷadevila cũng đành chịu. Hai vị đạo sư nổi danh về chứng đắc cùng với sự chấp thủ của họ cũng chỉ làm duyên nối dài cho sự sinh tử, luân hồi vô tận mà thôi!

Vòng luân hồi được kết nối với nhau bởi những chiếc khoen trong sợi xích sắt vĩ đại...

Thế rồi, với tuệ giác vô nhiễm, rạng ngời, trong sáng như pha lê, Bồ tát Tất Đạt Đa thấy rõ gốc nguồn căn cội của mọi khổ đau, phiền não là vô minh và ái dục. Nó tạo ra tất thảy thế gian sinh tử. Vì vô minh, si mê, lầm lạc nên chúng sinh tạo tác các nghiệp trắng, nghiệp đen, nghiệp không trắng không đen. Duyên các nghiệp ấy, và cũng do năng lực của nghiệp ấy, một thức tâm tái sinh đi tìm kiếm cảnh giới tương thích. Nó nương gá tinh cha và huyết mẹ để tượng thành một thai bào, ở đấy có sự sống và ẩn tiềm dòng nghiệp riêng biệt của chính mình. Khổ vui, hèn sang, giàu nghèo, trí ngu, thọ yểu... kể cả di truyền, cá tính, thói quen, văn hóa, tín ngưỡng... đều được hạt giống ấy mang theo, bất ly, bất hoại để hình thành một chúng sinh mới, đời sống mới. Những danh tâm và sắc tướng với đầy đủ chủng nghiệp sẽ tượng hình nên mắt tai mũi lưỡi thân ý.

Rồi với thời gian, trong tương quan xúc đối với ngoại giới, chúng sẽ xuất hiện cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức. Cái gì vừa lòng, thích thú thì ôm nắm, níu giữ; cái gì không vừa ý, bất toại nguyện thì ghét bỏ, chối từ, phủ nhận. Tham sân khởi sinh để tạo tác những nghiệp hữu trong ba cõi, sáu đường. Rồi sinh, rồi già, rồi chết, rồi sầu, bi, khổ, ưu, não... như một vòng quay tất định không bao giờ ra khỏi. Vòng luân hồi luẩn quẩn loanh quanh ấy được kết nối với nhau bởi những chiếc khoen trong sợi xích sắt vĩ đại...

Vào giữa canh ba, Bồ tát Tất Đạt Đa đã thấy rõ chúng. Muốn chấm dứt luân hồi sinh tử, khổ đau, phiền não thì phải biết tháo gỡ những chiếc khoen - mà chiếc khoen vô minh, si mê, lầm lạc là quan trọng nhất. Nếu sáng suốt, tỉnh giác, tỉnh thức, tuệ minh chiếu soi thì sẽ không có hành nghiệp, tạo tác nhân để mai sau gặt quả. Thức tìm kiếm tái sinh không còn thì ước vọng trở thành sẽ không có cơ hội nẩy mầm. Và nếu không tham đắm, mê say các cảm thọ thì các chấp thủ làm sao hiện hữu được? Thủ không có thì hữu, tái sinh, già lão, sầu bi khổ ưu não sẽ rã tan như những hạt sương treo trên đầu nắng...

Khi thấy rõ toàn bộ sự vận hành duyên khởi ấy, tâm và tuệ của Bồ tát Tất Đạt Đa sáng trong như viên ngọc maṇi không tì vết. Ngài trú vào miền tĩnh lặng thâm sâu với sự hoan hỷ, lạc phúc như tràn đầy nội tâm và cả hư không giới. Như ai ăn người ấy no, như uống nước, nóng lạnh tự biết,  Bồ tát Tất Đạt Đa chứng nghiệm được điều mà thế gian chưa từng ai chứng nghiệm.

Sự sinh, sự diệt của từng sát-na duyên khởi vô ngã tính giải thích toàn bộ khối khổ đau, nguyên nhân của nó, và con đường dập tắt mọi ảo tưởng, ảogiác của chúng hữu tình. Khi ảo tưởng, ảo giác không còn thì những sinh niệm trôi lăn sẽ tự động chấm dứt. Sự chấp thủ các uẩn, các hữu chợt rã tan như những đốm hoa, không thực hữu - khi có tuệ nhãn, trí thông, trí minh chiếu soi. Mọi tham muốn lầm lạc, sai biệt với các định luật của nhiên giới, tâm giới, pháp giới sẽ không còn ảo ảnh để đeo níu, mê đắm nữa.


Mọi tham muốn lầm lạc sẽ không còn ảo ảnh để đeo níu, mê đắm nữa.

Tất cả đều được trả về nguyên trạng khi nó chưa từ biệt cố hương, chưa bị vấy bẩn bởi bụi đỏ, bùn đen và cát tía. Trăng sáng. Hoa nở. Chim hót. Sương mù. Lá rơi. Suối chảy. Nhận biết. Lắng nghe. Cảm giác... Tất thảy chúng đều hiện ra như chân như thực. Không cái gì bị che kín. Không cái gì bị mất đi. Không cái gì thường còn. Bất tử là vậy. Giá trị hằng cửu và ý nghĩa tối thắng của cuộc đời này phải được lập cước từ cái thấy biết toàn diện và chân chính ấy. Và đó là chính kiến. Có cái thấy đúng ấy mới có cái suy nghĩ đúng – chính tư duy. Có cái suy nghĩ đúng mới có nói  năng đúng – chính ngữ. Có nói năng đúng mới có hành động đúng – chính nghiệp. Có hành động đúng mới có nuôi mạng đúng – chính mạng. Có nuôi mạng đúng mới có nhiệt tâm, nỗ lực, tinh cần đúng - chính tinh tấn. Có nỗ lực, tinh cần đúng mới có chú tâm, ghi nhận đúng - chính niệm. Có chú tâm, ghi nhận đúng mới có được yên tĩnh, bình tĩnh, định tĩnh, trạm nhiên bất động trước mọi cơn gió bão của nội ngoại ma – chính định.

Đấy là con đường. Là đạo lộ diệt tận khổ đau, phiền não. Là yếu chỉ, bí quyết giải thoát tất cả mọi bộc, mọi lưu, mọi triền, mọi phược, mọi kiết, mọi sử... ngủ ngầm trong hố thẳm vô thức từ vô lượng kiếp. Là giáo pháp vô năng thắng. Là cái mà từ quá khứ, hiện tại, vị lai chưa có mặt trên cuộc đời... Như vậy là cái thấy của Bồ tát Tất Đạt Đa đã ở ngoài sinh tử, đã vượt thoát sinh tử. Chẳng còn cái lưới nào bủa vây, nhốt kín tuệ giác của Ngài được nữa. Sáng trong vằng vặc. Ngài mỉm cười như nụ hoa sen hàm tiếu. Hào quang từ nơi vầng trán của Ngài chợt tỏa ra, vừa rực rỡ, ấm áp như tia nắng mặt trời, vừa dịu dàng mát mẻ như ánh sáng mặt trăng...

4. Canh tư: Đức Phật chứng đắc ngôi Chính Đẳng Chính Giác

Thế là vào canh cuối, trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā, Bồ tát Tất Đạt Đa đã chứng đắc quả vị Đại A-la-hán, Chính Đẳng Giác; lúc ấy Ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi...

(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NXB Văn Học, 2014)

(Còn tiếp)

Tham khảo thêm:

3 loại thắng trí Đức Phật chứng đạt trong đêm thành đạo

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6225164
Số người trực tuyến: