Cuộc hạnh ngộ hữu duyên của vị vua Phật tử đầu tiên
Nắng sớm đã lên. Thái tử Siddhattha ôm bát, thong thả đi theo con đường ruột dê xuống chân núi. Vừa đi chàng vừa trú niệm hơi thở để tìm lại sự thanh thản tâm hồn. Phải đi con đường mới, tức là con đường dẫn đến cổ thành Giribbāja có hoàng thành, cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra (Tần Bà Sa La) nổi danh. Ở đây, dinh thự tiếp dinh thự, lâu đài tiếp lâu đài.
Dáng dấp Siddhattha cao to, sang trọng, nước da như mạ vàng ròng, lại với bước đi trầm tĩnh, uy nghi... làm cho ai cũng phải chú ý, ngước đầu lên nhìn. Ở kinh thành này chưa có bóng dáng vị đạo sĩ nào khả dĩ thu hút mọi người đến thế! Siddhattha thoáng nghe từ sau gáy, từ bên tai... những cái nhìn, những lời bàn tán, xầm xì nho nhỏ: “Vị sa-môn này có lẽ không phải người mà là thiên thần”.
Đúng vậy! Cỗ xe bốn ngựa trắng đang chậm rãi đi ngang, đức vua Seniya Bimbisāra vén rèm, chăm chú nhìn tướng mạo, phong thái, bước đi của Siddhattha cũng tưởng là vị thiên thần nào. Ông ngẩn ngơ. Sao trên đời lại có vị đạo sĩ đẹp đến thế! Như sực tỉnh, đức vua Seniya Bimbisāra sai một tên hầu bí mật theo dõi Siddhattha xem chàng về đâu, nghỉ ở đền miếu, quán xá nào... rồi về tâu lại cho đức vua hay.
Xế chiều hôm đó, đức vua Seniya Bimbisāra thắng cỗ xe bốn ngựa trắng, dừng lại dưới chân đồi Paṇḍavā. Đức vua chậm rãi leo lên núi cùng với một tên thị vệ.
Siddhattha đang ngồi thiền trong bóng râm, hào quang như tỏa sáng từ khuôn mặt. Có một cái gì tôn nghiêm, tĩnh lặng tỏa ra xung quanh làm cho đức vua không dám cất tiếng. Ông đứng vòng tay tỏ vẻ kính cẩn. Lát sau, như có con mắt thứ ba, Siddhattha biết có khách nên chàng xả thiền. Nhìn vóc dáng bệ vệ, oai nghiêm, trang phục sáng ngời châu báu như... mình thuở nào, Siddhattha biết đấy là đức vua Seniya Bimbisāra nổi tiếng châu Diêm-phù-đề.
Rất tự nhiên, Siddhattha gật đầu chào, mỉm cười, chỉ cho đức vua chỗ ngồi trên phiến đá phẳng, còn chàng thì tìm chỗ ngồi đối diện. Siddhattha điềm đạm nói:
- Phải chăng điện hạ là quốc vương Māgadha nổi danh đương đại? Xin ngài bỏ lỗi, là sa-môn nên tôi không thể làm lễ ra mắt như kiểu quần thần.
Đức vua gật đầu:
- Phải vậy. Trẫm là Seniya Bimbisāra, hôm nay đến đây rất lấy làm vinh hạnh được thăm viếng ngài sa-môn. Chẳng hay, ngài là ai? Là thọ thần? Là chư thiên? Là phạm thiên? Tướng mạo của ngài rất phi phàm, rất khác tục vậy.
Siddhattha cười nhẹ:
- Tôi là người phàm tục, tâu đại vương. Lại nữa, lộ trình tầm đạo còn nhiêu khê, tối tăm, đâu xứng đáng để đức vua oai hùng coi trọng đến thế!
Thấy lời lẽ thanh cao, ngôn ngữ lưu loát, lịch thiệp, đức vua đoán đây không phải là kẻ tầm thường, bèn tâm sự:
- Trẫm lên ngôi từ tấm bé, lúc phụ hoàng của trẫm mất. Mới mười bốn tuổi mà phải làm người lớn, phải chính đính, trang nghiêm, mẫu mực để cầm quyền trị nước. Năm nay trẫm hai mươi bốn tuổi. Vậy là đã suốt mười năm, trẫm không có tuổi thơ, không có sự hồn nhiên; lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toan trăm việc, không có niềm vui, không có nụ cười! Bao nhiêu năm qua, trẫm không hề có một người bạn để hàn huyên tâm sự. Nhưng mà kỳ lạ làm sao, sáng nay, vừa thoáng thấy sa-môn, trẫm liền có cảm giác như là một người bạn thân lưu lạc từ kiếp nào. Trẫm ước ao rằng, sa-môn hãy cùng về với trẫm, làm bạn với trẫm. Với vừng trán, đôi mắt, ngôn ngữ, nụ cười... ở nơi sa-môn - trẫm biết chắc sa-môn là người ưu việt, thông tuệ, trí tài, đức hạnh đều vượt bậc, vượt xa con người. Nếu có sa-môn bên cạnh tham mưu, cố vấn, trẫm biết chắc nước nhà sẽ hùng cường và muôn dân sẽ ấm no, hạnh phúc hơn nữa. Hãy về thành với trẫm đi, trẫm sẽ tặng một cung điện cao sang và tiện nghi nhất.
Siddhattha quan sát đức vua, thấy ông ta có vẻ chí tình, lại có phong độ của bậc minh quân, chàng dịu dàng nói:
- Xin trân trọng tấm lòng và thiện ý của đại vương. Quả thật đấy là đặc ân tối thượng của đại vương. Nhưng tôi không quen với đời sống ấy. Tôi đang đi tìm ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng của đời sống con người. Tôi sẽ tìm cho ra đạo lộ bất tử để cứu khổ cho muôn sinh. Đấy mới là mục đích của tôi, tâu đại vương!
Đức vua Seniya Bimbisāra vẫn chưa chịu thua, muốn thuyết phục nữa:
- Sa-môn hãy cùng về với trẫm đi, trẫm sẽ chia cho sa-môn một nửa giang sơn, cả hai ta sẽ cùng nhau cai trị và hưởng phúc. Ít chục năm sau, khi tuổi già, sức yếu, mọi lạc thú trên đời đều đã nhàm chán thì cứ giao lại hết cho trẫm, rồi đi xuất gia cũng chưa muộn gì.
Siddhattha mỉm cười nụ, phê bình nhẹ nhàng:
- Đại vương nói không được đúng rồi! Con đường tu tập không đơn giản. Là lộ trình của chông gai, khổ luyện. Cần phải có sức vóc, ý chí, nghị lực... mới đi được tới nơi, tới chốn. Vậy đi xuất gia phải cần có nhiệt huyết và sức thanh xuân của tuổi trẻ. Nếu để già mới đi xuất gia, sẽ không thành tựu được gì, chỉ tìm được chút nhàn cư và bình an, tĩnh tại bên ngoài mà thôi. Còn khó khăn hơn nữa là hiện nay, sự tìm kiếm của tôi: Mục đích, con đường chưa hề có trên thế gian này, nên hành trang, tư lương lên đường cần có ý chí và nghị lực bất thối. Còn khó khăn vạn trùng. Và chỉ có tuổi trẻ mới làm được. Xin bệ hạ hãy tha thứ cho tôi, hãy cho tôi đi theo con đường mà mình đã chọn.
Nhìn thần sắc an nhiên, trầm tĩnh của Siddhattha, đức vua chợt hỏi:
- Trẫm hơi tò mò, vậy chẳng hay sa-môn là người xứ nào, xuất thân, dòng dõi như thế nào, có thể cho trẫm biết với chăng?
- Dạ được, không sao! Siddhattha nói - Xa về hướng tây bắc, dưới chân Himalaya hùng vĩ, có một gia tộc Sākya cổ kính, dòng dõi Thái Dương anh hùng, kinh thành Kapilavatthu nhỏ bé, hiền hòa, là quê hương của tôi đấy! Tên tôi là Siddhattha, họ Gotama, là thái tử con vua Suddhodana còn tại tiền, mẹ là hoàng hậu Mahāmāyā đã mất sớm. Tôi lập gia đình lúc mười sáu tuổi, có được một con trai nối dõi... Từ lâu, tôi đã chán nản xa hoa ngũ dục ở ba tòa Cung Vui; lại còn sợ buộc ràng lúc phụ hoàng chọn ngày đăng quang vương vị nên đã trốn mọi người, rời khỏi kinh thành, xuất gia tầm đạo lúc nửa đêm, cách đây non vài tháng thôi, tâu đại vương!
Vua ngạc nhiên quá, thốt lên:
- Hóa ra sa-môn là một vị vua! Một vị vua đã khẳng khái phất tay từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con xinh! Vậy là trẫm đã thất lễ. Trẫm đã lấy lợi danh, quyền uy, ngũ dục để quyến rũ người đã từ bỏ ngũ dục, danh lợi và quyền uy.
Đức vua lại xuống giọng, thân thiện:
- Vương quốc Sākya hiền hòa với Māgadha của trẫm là chỗ thân quen từ nhiều đời. Trẫm sẽ có một chính sách ngoại giao với Kosala để cho Kapilavatthu được yên bình. Sa-môn hãy yên tâm đi theo con đường của mình. Nhưng trẫm mong rằng, sa-môn hãy xem trẫm là bạn. Sau này, lúc nào tìm ra đạo lớn, sa-môn hãy ghé thăm quốc độ của trẫm, thăm trẫm và để cho trẫm được cúng dường tứ sự. Trẫm sẵn sàng cất lời hứa thiêng liêng, là sẽ ở bên cạnh, làm cánh tay phải, hộ trì “cái đạo bất tử” của sa-môn, được phát triển mạnh mẽ trong quốc độ này.
Siddhattha thấy vị vua trẻ tuổi, đầy quyền uy hiển hách mà hạ mình như vậy, bèn vô cùng trân trọng hứa khả, sau này đắc đạo sẽ trở lại xứ sở phồn vinh này.
Sau khi thành đạo, đức Phật đã đi đến vườn Nai (Mrgadava - Migadava) ở gần thành Ba La Nại (Varanasi - Baranasi), nước Ca Thi (Kasi), chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên, hóa độ nhóm năm vị sa môn Kiều Trần Như, và ngự ở đó gần một năm. Sau đó Ngài đi lần hồi về kinh thành Vương Xá để thực hiện lời hứa năm xưa với vua Tần Bà Sa La.
Khi vừa biết tin đức Phật đã về đến kinh thành, và đang cùng chúng tăng cư trú tạm trong một khu rừng ở phía Nam thành phố, vua Tần Bà Sa La liền dẫn hoàng hậu, thái tử, cùng các quan văn võ và hàng trăm đạo sĩ Bà la môn, đến tận khu rừng để yết kiến Phật. Sau khi được nghe Phật thuyết pháp, tâm tư nhà vua bừng sáng, bao nhiêu nghi nan chất chứa trong lòng bấy lâu, nay đều được giải tỏa. Đức Phật đã chấp thuận lời thỉnh cầu của đức vua xin được làm đệ tử tại gia của Ngài!
Để cảm tạ ân sâu của Phật, nhà vua đã cúng dường khu rừng trúc ở ngoại ô phía Bắc kinh thành (Trúc Lâm) để Phật và giáo đoàn làm cơ sở đạo tràng cố định. Nhà vua đã cho xây tại tu viện một giảng đường có thể chứa hơn hai ngàn người ngồi nghe pháp.
(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
NXB Văn Học, 2014)
- 649
Viết bình luận