8 nhân duyên khiến địa đại chấn động
Hôm ấy, sau khi đi khất thực quanh thành Vesāli, độ ngọ xong, trên đường trở về, đức Phật nói với tôn giả Ānanda là đến điện thờ Cāpāla để nghỉ trưa. Đến đây, tôn giả Ānanda lựa tìm một chỗ sạch sẽ, mát mẻ trải tấm tọa cụ cho đức Phật an ngự, còn mình thì ngồi xuống một nơi phải lẽ.
Chợt đức Phật đưa mắt nhìn quanh, cảm hứng ngữ thốt lên:
- Khả ái thay Vesāli! Khả ái thay điện thờ Udena! Khả ái thay điện thờ Gotamaka! Khả ái thay điện thờ Sattambaka! Khả ái thay điện thờ Bahuputta! Khả ái thay điện thờ Sārandada! Khả ái thay điện thờ Cāpāla!
Vào đề thế xong, đức Phật nói tiếp:
- Này Ānanda! Những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo - thì nếu ngƣời ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Nay Như Lai đã tu bốn thần túc đã đến độ toàn diện, viên mãn, nếu muốn Như Lai có thể duy trì mạng căn, thọ hành sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.
Mặc dầu đức Phật đã nói ba lần về khả năng tứ thần túc của ngài nhưng tôn giả Ānanda không hề hiểu sự gợi ý ấy. Nếu hiểu thì chắc tôn giả phải quỳ bạch rồi thỉnh cầu rằng: “Xin đức Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Xin đức Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sinh, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người!”
Thật ra, lúc ấy tôn giả Ānanda đang mơ mơ màng màng, nửa như cái tâm đang ngủ, nửa như bị ma ám – nên không nghe không biết lời gợi ý của đức Thế Tôn.
Khi đức Phật bảo ngài Ānanda tìm chỗ nghỉ ngơi, tôn giả đi chưa được bao lâu thì Ma vương tìm đến, nó nói:
- Trước đây, tại Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới gốc cây Ajapālanigrodha, khi sa-môn Gotama vừa thành đạo, tôi mời thỉnh sa-môn Gotama hãy diệt độ thì ông đã có nói với tôi rằng: “Như Lai sẽ không diệt độ khi nào chúng đệ tử chưa trở thành những con người chân chính, sáng suốt, có kỷ luật, nghe nhiều học rộng, biết duy trì chính pháp, thành tựu pháp học, pháp hành, sống theo chính pháp, có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chính pháp, khi có tà đạo khởi lên có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, truyền bá chính pháp một cách mỹ toàn và thần diệu”. Thì nay đệ tử của sa-môn Gotama thành tựu đã còn hơn thế nhiều. Cả hai giáo hội tăng ni cả hàng ngàn tỳ-kheo bác học, đa văn, thành tựu trí tuệ, thiền định, giới luật, thuyết pháp, cụ túc pháp học, pháp hành và đang thiện xảo xiển dương giáo pháp khắp cả châu Diêm-phù-đề rồi! Vậy nay tôi yêu cầu sa-môn Gotama thực hiện lời hứa thuở trước!
Yên lặng một lát, sau khi xác nhận điều mà Ma vương nói là hoàn toàn đúng với sự thực, đức Phật nói:
- Thôi được rồi, này Ma vương! Ngƣơi yên tâm, Như Lai sẽ thực hiện lời hứa. Đúng ba tháng kể từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ!(1)
Rồi ngay tại thời khắc ấy, đức Phật chính niệm, tỉnh giác, nguyện từ bỏ thọ hành (āyusaṇkhāra), chỉ duy trì mạng căn trong ba tháng nữa thôi, thì cũng chính ngay lúc đó, địa đại chấn động kinh hoàng, sấm trời vang dậy, những âm thanh ghê rợn nổi lên, ai lông tóc cũng dựng ngược, sợ hãi... không hiểu là chuyện gì!
Tôn giả Ānanda nghe thấy trời đất như vậy cũng rất kinh sợ, đến bên Phật muốn hiểu căn do thì ngài đáp:
- Này Ānanda! Có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Ông biết không? Đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động.
Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Có vị sa-môn hay bà-la-môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tính có hạn, quán thủy tính vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh.
Ðó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát ở cõi trời Đâu Suất (Tusita) từ bỏ thân, chính niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát chính niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chính Ðẳng Chính Giác, lúc ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chuyển bánh xe pháp, lúc lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu, khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chính niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.
Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai nhập vô dư y Niết bàn, lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.
Ðó là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động.
Này Ānanda! Do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động, không có một nhân, một duyên nào khác nữa.
Khi đức Phật tuyên bố là đã từ bỏ thọ hành, đã hứa với Ma vương là chỉ duy trì mạng căn ba tháng nữa thôi - tôn giả Ānanda vô cùng sầu não.
Thế Tôn lại phải ân cần nhắc nhở:
- Phải chăng ngay từ ban đầu, Như Lai đã từng tuyên bố rằng: Mọi vật mình ưu ái, luyến thương, thân sắc và hình dong này đều phải bị thay đổi, biến dịch, đều phải trả về cho hư không, cho cát bụi?
Này Ānanda! Làm sao những cấu tạo hữu vi, những gì sinh khởi, tồn tại, chịu sự vô thường, thay đổi mà không đưa đến biến diệt cho được?
Này Ānanda! Những gì Như Lai đã từ bỏ, xả ly, khước từ, chính là thọ hành. Như Lai đã tuyên bố và đã tuyên bố một cách dứt khoát như vậy. Vậy cầu mong Như Lai muốn sống, duy trì thọ hành - thì chẳng khác gì phản lại lời tuyên bố của Như Lai?
Đừng khóc thương, sầu muộn một cách vô ích nữa. Hãy chuẩn bị để cùng Như Lai ghé Kūṭagāra, rừng Mahāvana.
(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
NXB Văn Học, 2014)
Chú thích:
(1) Hôm ấy đúng ngày rằm tháng giêng ta
Ý nghĩa ngày Đại lễ Tam hợp
- 1623
Viết bình luận