Tháng công đức kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo và thị hiện Niết Bàn đã đến! | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tháng công đức kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo và thị hiện Niết Bàn đã đến!

"Tháng công đức" theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa gọi là Saga Dawa nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo và thị hiện Niết bàn. Kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo là để bày tỏ lòng tri ân đối với đấng Đạo sư đã sáng soi chính đạo, phát sâu chí nguyện đi trọn hành trình giải thoát giác ngộ trong kiếp sống nhân sinh. Hiểu rõ ý nghĩa Phật thành đạo cũng là điều kiện tiên quyết để tiếp nối bản nguyện của chư Phật mười phương. Kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết bàn nhằm tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Đấng Giác Ngộ, qua đó khuyến khích những người con Phật hãy học theo gương sáng của Ngài, luôn ghi nhớ những lời dạy sau cùng của Phật là phải lấy giới luật làm thầy, tự thắp đuốc lên mà đi, lấy Pháp của Phật làm đuốc, hãy theo Pháp của Phật mà tự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, ở một nơi nào khác ngoài chính mình. Mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có chân lý giải thoát của đạo Phật là bất di, bất dịch.

Tháng Saga Dawa năm 2019 bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng 6 đến ngày mùng 2 tháng 7. Hãy cùng tích lũy công đức bằng cách thực hành tu tập, làm các thiện hạnh và hồi hướng công đức trong từng thời khắc trân quý của tháng Saga Dawa vì lợi ích của tất cả chúng hữu tình!

Khi Đức Phật ngồi thiền định trên đệm cỏ Kusha dưới gốc cây Bồ Đề, tâm Ngài nhất mực kiên định và quyết chí. Ngài tự phát nguyện rằng: “Dù thân khô héo, ta thề không thoái chuyển. Dù xương vỡ vụn và mục nát, da nứt nẻ hay khô cứng, ta thề không từ bỏ sự chiêm nghiệm về lòng từ ái – nguồn gốc của sự giác ngộ. Khoảnh khắc này thật vô cùng hy hữu, cho đến hết kiếp này ta cũng sẽ không còn cơ hội có thêm lần nữa”. Sau này, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy rằng: “Thắng vạn quân địch ngoài chiến trận chưa phải là chiến công oanh liệt nhất, chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất”.

Âm mưu cản trở Đức Phật thành đạo của Ma Vương

Sau khi Thái Tử Tất Đạt Đa rời khỏi thành, biết rõ chí nguyện xuất gia của Ngài, Ma Vương luôn theo dõi để tìm cách cản trở việc hành đạo của Bồ Tát. Sau hai lần thuyết phục thất bại, Ma Vương không thể làm cho Bồ Tát thoái chí. Nay Ma Vương nhìn thấy Tòa Kim Cương quý báu hiện lên và nghe lời phát nguyện từ lòng quyết tâm đanh thép của Ðức Bồ Tát, y cảm thấy rung động thật sự. Bây giờ đã đến giai đoạn quyết liệt, Ma Vương tự nghĩ: "Ta đã dùng địa vị của bậc Chuyển luân thánh vương để cám dỗ cũng thất bại và đã dùng lời ân cần tha thiết khuyến dụ cũng không làm lay chuyển được Sa môn Cồ Đàm. Bây giờ chỉ còn cách duy nhất là dùng sức mạnh của chúng thiên ma và những loại phép thuật lợi hại của ta để đánh đuổi Sa môn Cồ Đàm, quyết tranh giành Tòa Kim Cương quý báu ấy về cho ta mà thôi". Vậy phải chăng đức Phật đã dùng thần thông biến hóa, quyền phép nhiệm mầu hay nhờ một trợ lực từ bên ngoài để chiến thắng ma quân? Phải chăng Ngài chỉ chiến đấu có một lần dưới cội cây Bồ Đề ở Bodhigaya (Bồ đề đạo tràng) mà có thể hàng phục được binh ma tướng quỉ hàng hàng lớp lớp?

Trên đường đến Kim Cương Tòa (Vajrasana hay Dorjedhen), sau khi vượt qua dòng sông Neranja, Bồ Tát Tất Đạt Đa gặp một người đàn ông đang vác một bó cỏ Kusha. Bồ Tát hỏi: “Ông tên là gì? Ông đang vác gì thế?” Người đàn ông trả lời: “Tên tôi là Cát Tường (Svasti) và đây là loại cỏ tươi Kusha tôi cắt về cho đàn bò của mình. Nếu như Ngài muốn, tôi rất hạnh phúc được tặng chỗ cỏ này cho Ngài”. Sau đó, người đàn ông đã cúng dường cỏ Kusha cho Bồ Tát. Bồ Tát vỗ nhẹ lên đầu người đàn ông và nói: “Tên của ông mang tính biểu tượng vĩ đại. Số cỏ tươi này sẽ là chiếc đệm vô cùng hữu ích khi ta ngồi thiền dưới cội Bồ Đề”

Bồ Tát tiếp tục hành trình của mình đến khi Ngài tới gốc cây Bồ Đề, Ngài trải cỏ trên mặt đất, trước khi ngồi lên trên nó, Ngài đặt tất cả các ngọn cỏ Kusha sang phía bên phải, quay mặt về phía Đông, an tọa trong tư thế kiết già và phát nguyện sẽ không đứng dậy chừng nào chưa thành tựu giác ngộ. Từ đó về sau, cỏ Kusha trở nên quý giá đối với chúng Phật tử, và thậm chí ngày nay, trong một số nghi lễ, chư Tăng thường phát cỏ Kusha cho các Phật tử để họ trải dưới đệm ngủ, sau đó có thể giải nghĩa những giấc mơ hoặc linh kiến gặp được trong đêm. Người ta còn dùng cỏ này quấn bông bên ngoài làm tim đèn bơ, nêu biểu cho ngọn lửa trí tuệ tiêu trừ mọi ám chướng. Cỏ Kusha còn được dùng để lót bên trong các tôn tượng và Bảo Tháp.

Khi Bồ Tát ngồi bất động trên nệm cỏ, nước da và tấm y màu nghệ khiến sắc thân Ngài trông giống như một ngọn núi vàng bất động, lung linh được chiếu rọi bởi những tia nắng chói chang. Toàn bộ thân và tâm Ngài đắm chìm trong từ bi và tự giác. Trái đất hiện diện ấn chứng cho sự chứng ngộ của Ngài.

Phương Đông và ý nghĩa biểu tượng sâu xa trong cuộc đời Đức Phật

Phương Đông có tầm quan trọng đặc biệt bởi mang lại sự toàn giác trong tâm, giống ánh sáng ban mai tinh khiết ló rạng báo hiệu bình minh đến. Phương Đông cũng tượng trưng cho sức mạnh của lòng từ bi có thể điều phục sân giận và ác cảm, là vũ khí hùng mạnh nhất trong cuộc chiến đối trị vọng tưởng.

Khởi đầu, Đức Phật khi mới đản sinh đã hướng mặt về phương Đông và khi đi bảy bước đầu tiên, Ngài cũng bắt đầu tiến về phía Đông. Trong chuyến du hành đầu tiên ngoài cung điện, trước tiên Ngài cũng đi về phía Đông, nơi Ngài đã gặp một cụ già da bọc xương, người đã tiết lộ với Đức Phật sự thật về cái chết. Khi Đức Phật xả ly đời sống thế tục, rời khỏi thành Ca Tỳ La vệ, Ngài cũng bắt đầu lên đường hướng về phía Đông. Trong bài thuyết Pháp đầu tiên với năm Đại đệ tử, Đức Phật ngồi trên pháp tòa hướng về phương Đông. Hướng Đông được xem là biểu tượng của sự thành tựu.

Khi Đức Phật đạt toàn giác dưới cội Bồ Đề, Ngài tọa thiền trong tư thế bảy điểm: an tọa kiết già, hai tay kết ấn thiền định, sống lưng thẳng, cổ cúi nhẹ và hướng về phía trước, hai vai xuôi, hai mắt nhìn xuống chóp mũi, lưỡi chạm nhẹ vòm hàm trên. Trong suốt thời gian dưới cội Bồ Đề, Ngài tập trung thiền quán rất sâu. Sau khi đạt toàn giác, cây này được gọi là cây Bồ Đề vì, khác với lúc Đức Phật đản sinh ở dưới cây Sala và lúc Đức Phật thị hiện viên tịch dưới 2 cây Sala, Đức Phật đã dùng cây Pipala như nơi trú ẩn từ lúc bắt đầu cuộc sống đến khi Ngài đạt được giác ngộ.


Con gái vua A Dục, Tỳ  kheo ni Sanghamitta mang một cành cây Bồ đề về Sri Lanka

Hình dạng của lá cây bồ đề giống hình trái tim, biểu tượng cho lòng từ bi toát ra từ những trái tim nhân hậu nhất. Ngày nay, người ta tìm thấy rất nhiều cây Bồ Đề ở các thánh địa hành hương ở Ấn Độ, nơi các Phật tử vân tập để đỉnh lễ Đức Phật. Đặc biệt, vua A Dục đã cho nhân rộng loại cây này bằng cách trồng cây Bồ Đề ở những nơi mà ông xây các đài tưởng niệm (ví dụ như Bảo Tháp) trên khắp các vùng đồng bằng Ấn Độ. Qua nhiều thế kỷ, các cây con được nhân giống từ cây Bồ Đề gốc ban đầu đã được mang đến các nước láng giềng Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Bhutan và Nepal.

Khi Đức Phật an tọa trên nệm cỏ Kusha dưới gốc cây Bồ Đề, tâm Ngài nhất mực kiên định. Ngài tự phát nguyện rằng, “Dù thân khô héo, ta thề không thoái chuyển. Dù xương vỡ vụn và mục nát, da nứt nẻ hay khô cứng, ta thề không từ bỏ sự thiền định về lòng từ ái – nguồn gốc của sự giác ngộ. Khoảnh khắc này thật vô cùng hy hữu, cho đến hết kiếp này ta cũng sẽ không còn cơ hội có thêm lần nữa".

Kế sách quỷ quyệt của Ma Vương

Khi Đức Phật bắt đầu thiền định, sứ giả mang đến cho Ngài một lá thư được cho là gửi đến từ dòng họ Thích Ca ở Ca Tỳ La Vệ. Thực ra đây là mưu kế của Ma Vương hòng làm lung lạc tâm Bồ Tát trong khi thiền định. Trên thực tế, gia tộc Thích Ca thậm chí còn không biết rằng Bồ Tát đang ở Bồ Đề Đạo Tràng (Vajrasana, Dorjedhen)

Bức thư viết rằng: “Sao Người có thể ích kỷ thiền định dưới cây Bồ Đề, mà không để tâm đến một ai trong gia đình? Vương quốc Ca Tỳ La Vệ của Người hiện đang bị Đề Bà Đạt Đa thâu tóm, hoàng hậu của người bị giam trong thành và cha của người bị nhốt vào ngục.” Đức Phật, ngay lập tức, bằng tuệ giác đã nhận ra vở kịch này được dựng nên bởi Ma Vương để phô diễn sức mạnh và phá hoại sự thiền định của Ngài.

Đức Phật quyết định rằng trước khi đạt giác ngộ, tốt nhất nên hàng phục Ma Vương. Vì vậy Ngài đã phát ra một tia sáng từ cuộn tóc ở giữa lông mày của mình. Chùm sáng này chiếu đến được cả ba cõi và là dấu hiệu cảnh báo rằng phần lớn các loài ma quỷ sẽ bị điều phục. Bởi vậy, mỗi loại ma quỷ đều có 32 cơn ác mộng. Chúng vô cùng giận dữ và gửi hàng triệu binh lính đến để tấn công Đức Phật khi màn đêm buông xuống. Vào canh khuya, mặc dù hôm đó là ngày rằm, nhưng những loài ma quỷ này đã che khuất mặt trăng để tiến hành cuộc tấn công bất ngờ.

(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"

Nhóm ĐBT biên dịch)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6476948
Số người trực tuyến: