Vị Tỳ kheo ni đệ nhất thần thông từng bị Đức Phật quở trách | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vị Tỳ kheo ni đệ nhất thần thông từng bị Đức Phật quở trách

Tiểu sử Đức Phật kể lại rằng, khi Đức Phật hạ thế cõi người sau ba tháng giảng Pháp cho mẫu thân Maya Devi ở cung trời Đâu Suất, vô số chư Thiên cùng đi theo cung tiễn Đức Phật hạ giới và hàng chục nghìn người chờ đón cung nghinh Ngài trở lại cõi người, trong đó có Tỳ kheo ni Udpala (Liên Hoa Sắc) và Tỳ kheo Udayi (được gọi là Charkha trong ngôn ngữ cổ) đứng chờ để cung nghinh Đức Phật dưới tán cây Ưu đàm ở Sanchi. Đại chúng đã cúng dường nhã nhạc và hát những khúc ca khải hoàn để chào đón Đức Phật, dâng lên Ngài vô số phẩm vật cúng dường, vòng hoa, bột hương, khăn lụa chúc phúc, cúng dường những bát nước tràn đầy nước thơm thanh tịnh cùng vô số diệu thực.

Khi Đức Phật đã an tọa trên bảo tòa, hàng triệu Phật tử cúng kính đỉnh lễ Ngài. Ở giữa đám đông là ni sư Udpala, một vị ni đã gần đạt giác ngộ, bà không thể nhìn thấy Đức Phật vì bị đám đông che khuất. Thậm chí bà còn không có đủ chỗ để đỉnh lễ và tỏ lòng thành kính lên Ngài vì không gian chật chội, vì vậy bà đã hóa thân thành một vị vua vũ trụ, vận y phục hoàng bào lộng lẫy và vô số trang sức để khiến đám đông xung quanh kinh ngạc và giãn rộng đường, mở lối cho bà có thể chiêm bái Đức Phật.

Khi bà tiến về phía trước trong trang phục hoàng bào, mọi người nghĩ rằng một vị vua thực sự đã đến để tỏ lòng tôn kính với Đức Phật. Mọi người kính cẩn nhường đường cho bà và nhờ vậy, bà có thể lễ lạy và cúng dường tất cả trang sức của mình lên Đức Phật. Tuy nhiên, vị Tỳ kheo Udayi (Charkha) đã cười lớn nói với mọi người rằng: “Vị vua này cải trang này chắc chắn là ni sư Udpala, vì tôi có thể ngửi thấy mùi hoa ưu đàm từ bà”. Đức Phật đã nói với ni sư: “Trước mặt Đức Phật, con không được phô diễn thần thông vì lợi ích riêng của mình; thay vào đó, một vị ni sư cần trì giữ hạnh khiêm cung và tác phong giản dị, để mọi chúng sinh đều được truyền cảm hứng và tự nhiên phát khởi niềm lòng kính ngưỡng trong tâm”. Sau sự việc này, Đức Phật đã thuyết Pháp cho đại chúng và chư thiên quay trở về Thiên giới. Các tu sỹ ở lại vẫn còn thắc mắc vì sao Tỳ kheo ni Udpala lại có vẻ đẹp và mùi hương tự nhiên giống như bông hoa Ưu đàm.

Tiền thân của Tỳ kheo ni Udpala

Đức Phật kể rằng: “Hàng nghìn năm trước, ở Varanasi, có một căp vợ chồng thương gia buôn đá quý giàu có. Họ yêu nhau rất sâu đậm, không bao giờ nặng lời với nhau. Người chồng tên là thuyền trưởng Mahavasu và người vợ tên là Vasumati. Một hôm, người chồng lại muốn lên tàu vượt đại dương để thu mua đá quý, nhưng người vợ đang mang thai và cô không muốn chồng đi một mình vì sợ chồng sẽ không trở về. Người vợ nói với chồng: “Mạng sống còn quan trọng hơn đá quý”. Sau đó họ quyết định đi cùng nhau, nhưng ra đến giữa đại dương, tàu của họ bị một cơn bão đánh chìm và người chồng chết. Nhờ nghiệp lực của mình, người vợ bám được vào một tấm ván nhỏ, trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ và sống sót.

Trên hòn đảo có một chàng trai thuộc họ Linh Điểu, mình người và có đôi cánh chim, tên là Pakshin Sumukha. Chàng trai đến gặp và nói với người vợ: “Nàng đừng sợ, nàng sẽ không bị bỏ rơi một mình trên đảo, ta sẽ che chở và mang hạnh phúc đến cho nàng”. Sau đó chàng đưa người vợ về một lâu đài xây bằng đá quý. Ở đây, người vợ hạ sinh đứa con trai của người chồng trước. Sau đó, cô trở thành vợ của chàng Linh Điểu. Cô cũng sinh một bé trai khác giống Pakshin Sumukha, là người và có đôi cánh chim.

Khi người con cả trưởng thành, người mẹ nói với người con út: “Con hãy mang anh đến Varanasi – nơi cha của anh con đã từng sống. Bởi vì anh con không phải là con đẻ nên sẽ không được quyền thừa hưởng của cải gì từ bố con. Con là con trai duy nhất của ông. Các con là anh em cùng cha khác mẹ”. Nghe lời mẹ, người em đã quắp theo người anh cùng bay đến Varanasi, ở đó người em dùng móng vuốt giết chết vua Bradmadatta (Tshanijin) trị vì thành Varanasi và đưa người anh lên làm vua. Người em cảnh báo thần dân và những người hầu cận trong cung điện rằng nếu họ cố gắng chống cự lại anh trai mình, người em sẽ giết họ như đã từng giết vị vua kia. Vì sợ hãi, dân chúng trong thành đều kính sợ và tuân lệnh người anh như đối với vị vua Brahmadatta trước kia. Như vậy, có thể thấy rằng, không có chúng sinh nào không sợ hãi cái chết và không ai trên trái đất này không quan tâm đến mạng sống của mình.

Ở Varanasi, người anh trai phải lòng một cô gái tuyệt đẹp tên là Sosumba và phong làm hoàng hậu. Vì lo lắng nếu để hoàng hậu sống một mình trong cung điện chỉ toàn đàn ông, vua yêu cầu em trai mình đưa nàng đến một cung điện xa xôi, ở đó cả ngày nàng không thể gặp một người đàn ông nào. Đến đêm, người em lại đưa nàng về hoàng cung. Mỗi ngày, người em đều bay đi bay lại đảo Keseru đưa đón hoàng hậu Sosumba.

Ở Varanasi, có một người đàn ông tên Jiwan chơi đàn luýt rất hay. Những người buôn đá quý ở Varanasi mời anh ta đi cùng để chơi nhạc giải khuây trong những chuyến đi biển dài. Jiwan đồng ý và họ bắt đầu hành trình, song nghiệp lực bất hạnh đã khiến con thuyền của họ bị đắm. Chỉ có người nhạc công sống sót và dòng nước đẩy anh đến đảo Kaseru, ở đó anh ta thấy một người con gái xinh đẹp đang mải mê tết những chuỗi vòng hoa. Đó chính là hoàng hậu Sosumba của thành Varanasi. Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và tiếng đàn luýt du dương của chàng nhạc công,, cô nhanh chóng phải lòng anh ta. Về phần mình, Jiwan cũng đắm say sắc đẹp lạ thường của hoàng hậu trẻ nên đã đem lòng yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hai người yêu nhau bị cuốn vào ngọn lửa đam mê và không còn biết đến điều gì khác ngoài những ham muốn và dục lạc.

Khi người em trai Padma Sumukha quay lại để đón hoàng hậu, Jiwan yêu cầu được đi cùng hoàng hậu Sosumba để quay về Varanasi. Padma Sumukha không biết họ yêu nhau, người em đồng ý cho anh ta đi cùng nhưng cảnh báo, “Anh phải nhắm mắt cho đến khi đến Varanasi.” Bất chấp lời cảnh báo, giữa hành trình khi đang vượt qua đại dương, vì tò mò, người nhạc công mở mắt ra mà anh ta đã bị mù bởi ánh sáng chói lòa của mặt trời. Cuối cùng khi đến Varanasi, người nhạc công lúc này đã bị mù và tự giấu mình trong góc vườn hoa của cung điện nhà Vua.

Một ngày nhà vua quyết định không đưa hoàng hậu đến đảo mà đưa nàng đi dạo ở vườn hoa. Khi nhà vua và hoàng hậu đang tản bộ trong vườn, Jiwan ngửi thấy mùi hương của Sosumba và hoàn toàn quên rằng anh ta phải lẩn trốn. Anh ta chơi đàn luýt và hát những bài ca ngợi ca vẻ đẹp của hoàng hậu. Khi nghe tiếng nhạc được chơi bởi người đàn ông mù Jiwan, nhà vua tìm kiếm và thấy anh ta đang ở gốc của vườn hoa và chất vấn. Nhà vua muốn biết làm sao anh ta biết được vẻ đẹp của hoàng hậu và yêu cầu anh ta mô tả lại vẻ bề ngoài của nàng. Jiwan trả lời rằng thân nàng được tô điểm bởi những hình họa tám tướng cát tường, môi nàng mềm mại, đỏ và trắng như cánh hoa Bimpa. Nghe được những mô tả chính xác về hoàng hậu của mình, nhà vua vô cùng giận dữ và lập tức trục xuất hai người, bắt họ lõa thể đi khắp thành trên một xe lừa kéo đến nghĩa trang.

Kiếp trước của Tỳ kheo ni Udpala chính là Sosumba và Jiwan kiếp này được tái sinh là Tỳ kheo Udayi (Charkha), người đã tiết lộ với Đức Phật và chúng hội chư thiên về vị vua ngụy trang. Trong rất nhiều kiếp trước, họ là một cặp vợ chồng và cũng có khi là bạn bè, bởi họ đã cùng tích lũy được nhiều thiện nghiệp trong cả kiếp này và kiếp trước nên giờ họ trở thành tu sỹ xuất gia. Khi đã thành các vị A la hán, các Ngài đều sở hữu sức mạnh của trí tuệ sáng suốt và khả năng phô diễn thần thông.

(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"
Nhóm ĐBT biên dịch)

 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5758700
Số người trực tuyến: