Đạo Phật có được gọi là một tôn giáo không?
Các nhà khoa học hiện đại thường đặt ra các câu hỏi như “Đạo Phật có phải là môn triết học?”, “Đạo Phật có phải là tôn giáo?”, “Đạo Phật có phải là chủ nghĩa duy tâm?”, v.v…. và cũng có rất nhiều giải đáp dựa trên những nền tảng lý luận khác nhau. Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin chia sẻ đến Quý vị những luận giải của một Bậc thầy với mong nguyện giúp Quý vị có tri kiến đúng đắn về đạo Phật.
Đạo Phật có phải là môn triết học?
Chúng ta có các kiểu triết học phương Đông, phương Tây và nhiều kiểu khác. Một số triết lý trong đó có thể phát biểu vài ý tưởng tương tự với đạo Phật, nhưng sự phân tích thì không hề sâu xa. Bởi thế, đạo Phật không phải là một nhánh của triết học.
Đạo Phật có phải là chủ nghĩa duy tâm?
Nhiều người xem tôn giáo là duy tâm. Điều đó có thể đúng với nhiều tôn giáo Tây phương. Bởi phần lớn các triết gia ở phương Tây là những nhà duy tâm, và mặc dù vẫn giữ các quan điểm triết học khác nhau, họ đơn giản xem tôn giáo là một hình thức của chủ nghĩa duy tâm. Tuy nhiên, tư tưởng đạo Phật và chủ nghĩa duy tâm hoàn toàn khác biệt.
Trong bốn trường phái của đạo Phật là Sarvastivada (Nhất thiết hữu bộ) và Sautrantika (Kinh lượng bộ) không duy trì bất cứ quan điểm duy tâm nào, trường phái Madhyamaka (Trung Đạo) của Đại thừa cũng không. Trường phái Yogachara (Duy Thức) của Đại thừa có rất nhiều nhánh nhỏ, trong đó, chỉ một nhánh thừa nhận một phần nhỏ trong số các quan điểm khá tương đồng với chủ nghĩa duy tâm.
Ví dụ, một phần trong các quan điểm của chủ nghĩa duy tâm theo cái nhìn chủ quan của Berkeley có vẻ tương đồng với những giáo lý chính yếu của trường phái Duy Thức khi cho rằng các hiện tượng xuất hiện chỉ là một quá trình của tâm thức. Russell, trong chương đầu tiên (Hình Tướng Và Sự Thực) của “Các Vấn Đề Triết Học”, cũng phân tích những quan điểm của Berkeley, nhưng đã tìm ra nhiều sự phản bác đầy đủ, là điều khá khó. Chủ nghĩa duy tâm không bao giờ có thể sánh với Duy Thức về mức độ sâu xa.
Nói rõ hơn, tác phẩm Nhập Trung Đạo của Tổ Nguyệt Xứng (Chandrakirti), bản toát yếu về giáo lý Đại thừa, cho rằng cả hiện tượng tâm linh và vật chất đều tồn tại từ quan điểm của chân lý tương đối và đều không tồn tại từ quan điểm tuyệt đối, rốt ráo. Hơn thế, Tổ Nguyệt Xứng giải thích rằng đây là tri kiến của Đức Phật, bởi trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (Abhidharmakosa-Shastra), Đức Phật đã quán xét tỉ mỉ sự tồn tại của các hiện tượng tinh thần và vật chất từ quan điểm của chân lý tương đối, và kết quả là, trong khi thuyết giảng Bát-nhã-ba-la-mật-đa, cách nói phủ định và khẳng định là như nhau - “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” - phủ định là khẳng định, khẳng định là phủ định. Và vì thế, Bát nhã khẳng định vạn pháp đều có tự tính là trí tuệ.
Vậy Đạo Phật là một tôn giáo chăng?
Từ “tôn giáo” (religion trong tiếng Anh) đến từ phương Tây. Nếu định nghĩa đạo Phật theo ý nghĩa của tôn giáo, đạo Phật không thể được nhìn nhận một cách chính xác là một tôn giáo bởi từ “tôn giáo” chứa đựng trong đó sự công nhận về một sức mạnh hay năng lực siêu nhiên của một đấng sáng tạo, hay của một bậc thống trị vũ trụ, đây là điều mà Đạo Phật không hề đồng thuận bởi đạo Phật không bao giờ công nhận sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo.
Nhưng nếu tôn giáo là một điều gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo giúp con người hướng thượng, vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì đạo Phật là tôn giáo với ý nghĩa như vậy.
Đạo Phật thật ra không phải là một tôn giáo, mà là cách thức, phương tiện giúp con người sống hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại.
~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
(Lược trích ấn phẩm: “Tri kiến đúng đắn – Biến người tín tâm thành Bồ tát”
Nguyên tác: “The right view – Turning believers into Bodhisattvas”
Viet Nalanda Foundation, 2018)
- 544
Viết bình luận