Khám phá chân lý vũ trụ theo lời dạy của Đức Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Khám phá chân lý vũ trụ theo lời dạy của Đức Phật

Toàn bộ giáo lý đạo Phật (được gọi là Pháp) là chân lý tuyệt đối, chân lý của vũ trụ và nó vẫn luôn ở đó, nhưng chúng ta vẫn chưa nhận ra những sự thật tuyệt đối này. Bên cạnh đó, vì chúng ta đang sống ở cấp độ tương đối nên thấy ra vạn pháp đều có thực, đều vận động và tạo ra kết quả. Thế nhưng mọi việc chỉ rất tương đối, và bản chất của vạn pháp là tính Không (chân lý tuyệt đối). Vì vô minh, chúng ta không hiểu được chuyện gì đang thực sự diễn ra ở cấp độ tương đối. Vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng rằng chân lý tương đối mà chúng ta cần hiểu cũng là một chân lý.

Nếu bạn hiểu Pháp, hiểu được cách vận hành, hoạt động của tâm, nếu bạn rèn luyện được tâm mình, bạn sẽ có được niềm an vui, khỏe mạnh, hạnh phúc chân thật không chỉ cho bản thân mà cả gia đình, những người xung quanh và rộng hơn là thế giới. Bởi một người có thể ảnh hưởng tới cả xã hội, và cả xã hội cũng ảnh hưởng tới một người. Vì thế xã hội cùng khỏe mạnh, cùng phát triển là suy nghĩ nên được thay thế cho lối suy nghĩ chỉ mình khỏe mạnh, chỉ gia đình mình, chỉ quốc gia mình khỏe mạnh.

Quan trọng nữa, bạn sẽ tỏ ngộ được sự thật: Muốn tồn tại và phát triển, trước hết con người phải hòa đồng với vũ trụ, không đối lập và xa rời thiên nhiên.

HAI KHÍA CẠNH CỦA PHÁP

Tất cả giáo pháp đều do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng. Pháp có hai khía cạnh:

Thứ nhất là Pháp dạy chúng ta cách thiền định để nhận ra bản chất trống rỗng (tính Không), và không thật của vạn pháp - được hiểu là chân lý tuyệt đối.

Khía cạnh thứ hai của Pháp là chân lý tương đối, đó là những sự thật về vô thường, mối quan hệ duyên nghiệp, nhân quả; trong quan kiến nhị nguyên - nhận thức ra xấu hay đẹp đều chỉ là sự phóng chiếu của tâm chứ không nằm ở bên ngoài - được hiểu là chân lý tương đối.

Những chân lý này là những quy luật tự nhiên vốn vẫn luôn tồn tại trong vũ trụ chứ không phải do Đức Phật sáng tác ra. Ngài chỉ là Người khai thị cho chúng ta hiểu về những chân lý đó mà thôi. Chân lý vẫn luôn tồn tại như vậy.

Vào năm 1930, nhà hiền triết - nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore đã nhận định: “Khi vũ trụ hài hòa với Con người, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý… Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người” - bản dịch của TS Phạm Trần Lê.

Trong triết học Ấn Độ, thiên nhiên được coi là đối tượng lý tưởng của sự suy ngẫm, tìm tòi chân lý. Nhìn bề ngoài, thiên nhiên chỉ là một thực thể tồn tại khách quan, nhưng trong nội tâm con người, thiên nhiên là biểu hiện của tình cảm và trí tuệ.

CHÂN LÝ CỦA SỰ SỐNG LÀ SỐNG HÀI HÒA VỚI THIÊN NHIÊN

Tại sao chướng ngại, khổ đau lại xảy đến với con người?

Xét trong khía cạnh chân lý tương đối, mỗi chúng ta là một phần của thiên nhiên và có mối quan hệ tương tác (nhân - quả) với thiên nhiên vạn loài; nhất là với chính cộng đồng xã hội loài người.

Thái độ, ý thức sống (bảo vệ hoặc phá hủy thiên nhiên) của con người tác động mạnh đến sự phát triển hệ sinh thái. Điều này lý giải một phần nguyên nhân của những thảm họa thiên tai mà loài người đã và đang phải gánh chịu.

Trong lịch sử đã có những trận thiên tai xảy ra trong chốc lát đủ phá hủy hết những công trình mà loài người tốn hàng chục hoặc hàng trăm năm mới dựng nên, cuồng phong, sóng thần, hoả hoạn tính bằng giờ, động đất tính bằng giây. Bảy kỳ quan cổ đại của nhân loại xa xưa cũng đã thành cát bụi, thành phố Atlantic cũng đã chìm dưới đáy đại dương, thành Pompeii vùi trong lòng đất. Gần nhất là thảm họa cháy rừng tại Australia…

Xưa kia Đức Phật đã chỉ ra chân lý của sự sống rằng mọi loài đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau. Sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.

Đức Phật giáo hóa đệ tử đưa những giáo lý của Phật giáo vào ngay cuộc sống hiện tại, không tham lam, không tàn ác, không mù quáng làm những việc tác hại đến muôn loài qua cách sống thiểu dục, tránh những ham muốn làm ảnh hưởng đến muôn loài. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên.

Muốn tồn tại và phát triển, trước hết con người phải hòa hợp với vũ trụ, không đối lập và xa rời thiên nhiên, cần phải hòa nhập vào thiên nhiên để tìm ra quy luật tự giải phóng bản thân mình và phục vụ cuộc sống của mình. Hơn nữa, tất cả những gì của thiên nhiên đều tác động đến cuộc sống hiện hữu của con người, chi phối hạnh phúc tương lai của con người.

Chúng ta đang sống trên cùng một trái đất, cùng hít thở một bầu không khí, cùng uống chung một nguồn nước. Tự nhiên - xã hội phụ thuộc lẫn nhau; không khí trong lành mọi người khỏe mạnh và ngược lại môi trường sống ô nhiễm sẽ sản sinh nhiều loại bệnh tật.

Mỗi gia đình, mỗi con người chính là tế bào của xã hội; tế bào sạch khỏe xã hội sẽ phát triển tốt, lành mạnh. Vì thế một người có thể ảnh hưởng tới cả xã hội, và cả xã hội cũng ảnh hưởng tới một người.

Một Bậc thầy giác ngộ tại trụ xứ Bhutan có hướng đạo rằng: Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta quán chiếu lại từ cuộc sống bận rộn của bản thân mình, chúng ta đã sống cuộc đời như thế nào cho đến bây giờ, và quan trọng hơn, chúng ta muốn định hướng cuộc sống ra sao từ bây giờ trở đi.

Chúng ta cần phải học hỏi từ những sợ hãi, lo lắng, đau khổ mà chúng ta đang trải qua và hãy phát nguyện sẽ không là nhân gây những khổ đau như thế cho các chúng sinh khác từ nay trở đi.

Ngài cũng nhắn nhủ: “Cuối cùng, tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể liên tục nhắc nhở mình đang sống trong một thế giới vô thường, điều đã được chỉ dạy qua sự trao truyền từ các chư Phật, vô số các Bậc giác ngộ từ thời ngàn xưa. Trong thời đại ngày nay khi phải đối diện với thiên tai, nạn dịch, chúng ta cần giữ vững thái độ sống tỉnh thức, thận trọng”.

(Phổ Hiền biên tập)

Hãy phát khởi Bồ đề tâm vì lợi ích hết thảy chúng sinh, cùng thực hành chuyên tu cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta.

Quý vị tải Tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:

http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6463256
Số người trực tuyến: