Thuyết sinh tâm khẳng định tâm tạo nên vũ trụ
Phát hiện quan trọng nhất của thuyết sinh tâm do Tiến sĩ Robert Lanza (Mỹ) nghiên cứu chính là tâm tạo nên thế giới vật chất chứ không phải điều ngược lại như con người vẫn nghĩ. Thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm kết nối với nhau không tách rời.
Tiến sĩ Robert Lanza nhắc đến khái niệm thuyết sinh tâm (hay còn gọi là học thuyết lấy sự sống làm tâm điểm) lần đầu tiên trong một bài báo đăng trên tạp chí Học giả Mỹ (The American Scholar) vào năm 2007. Hai năm sau, Lanza và nhà thiên văn học Bob Berman đồng xuất bản cuốn sách “Biocentrism: How Life and Consciousness Are the Keys to Understanding the True Nature of the Universe” (tạm dịch: Thuyết sinh tâm: Tại sao sự sống và ý thức là chìa khoá để hiểu bản chất thật sự của vũ trụ) nhằm mở rộng nghiên cứu về thuyết sinh tâm trong bài báo nói trên. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã gây ra tiếng vang lớn trong giới khoa học bởi tác giả khẳng định rằng khi một cơ thể chết đi, cuộc sống không chấm dứt. Tiến sĩ Robert Lanza được tờ thời báo New York đánh giá là một trong một trong 3 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất ở Mỹ.
Những học thuyết của Descartes, Kant, Leibniz, Berkeley, Schopenhauer và Bergson. khẳng định rằng những gì mà chúng ta gọi là không gian và thời gian chỉ là các dạng nhận thức tri giác của con người hoặc sinh vật có ý thức, chứ không phải là các vật thể tự nhiên bên ngoài. Thuyết sinh tâm đem lại cái nhìn xuyên thấu cho một số vấn đề hóc búa lớn của khoa học, như Nguyên lý Bất định của Heisenberg, thí nghiệm khe đôi của Young, sự tinh chỉnh các lực, các hằng số và các định luật vật lý quyết định hoạt động của vũ trụ như chúng ta cảm nhận nó.
Tâm tồn tại vượt ngoài giới hạn không gian và thời gian
Tiến sĩ Lanza là một bác sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực y học tái tạo và sinh học người Mỹ. Ông cũng là giám đốc khoa học của công ty Công nghệ cao về tế bào. Ông nổi tiếng với rất nhiều nghiên cứu về tế bào gốc và một số thí nghiệm nhân bản vô tính các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Cách đây không lâu, Tiến sĩ Lanza mở rộng phạm vi nghiên cứu sang lĩnh vực vật lý, cơ học lượng tử và vật lý thiên văn. Đây chính là tiền đề cho thuyết sinh tâm, vấn đề mà ông quan tâm ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Thuyết sinh tâm đưa ra luận điểm rằng sự sống không phải là phụ phẩm ngẫu nhiên của vật lý, mà là một phần quan trọng của vũ trụ. Thuyết sinh tâm cho rằng ngoài nhận thức của sinh vật có ý thức ra thì không có bất cứ một vũ trụ nào có thể độc lập tồn tại bên ngoài. Hơn 200 tham số vật lý trong vũ trụ không tồn tại một cách ngẫu nhiên mà có thể (chứng minh được) theo một cách nào đó, trợ giúp cho sự sống và tồn tại của tâm thức.
Nếu tâm không tồn tại, vật chất sẽ rơi vào trạng thái không xác định về xác suất. Bản thân cấu trúc của vũ trụ, và các định luật, các lực, các hằng số của vũ trụ đều được tinh chỉnh theo sự sống. Thuyết sinh tâm cũng khẳng định rằng không gian và thời gian không phải là các vật chất hữu hình mà chỉ là các công cụ của sự hiểu biết của sinh vật có ý thức. Tiến sĩ Lanza so sánh hình ảnh con người gắn bó với hệ không gian - thời gian như "chú rùa đi đâu cũng mang theo chiếc mai”. Ngay cả khi vứt bỏ chiếc mai đi (không gian và thời gian), con rùa vẫn có thể duy trì sự sống.
Học thuyết sinh tâm nhấn mạnh tâm thức không bao giờ chết. Tâm thức tồn tại dưới dạng tư tưởng, suy nghĩ bởi con người trói buộc tâm thức gắn liền với thân thể vật lý. Chúng ta luôn tin rằng, khi thân tan hoại, dù sớm hay muộn, tâm cũng sẽ mất đi. Nếu cơ thể tạo ra tâm, tâm ý thức sẽ chết khi cơ thể không còn sự sống. Nhưng nếu cơ thể tiếp nhận tâm thức giống như cách thức một hộp cáp quang thu nhận tín hiệu vệ tinh, lẽ dĩ nhiên, tâm thức sẽ không dừng tắt vào thời điểm cái chết vật lý xảy ra. Trên thực tế, tâm tồn tại bên ngoài giới hạn về không gian và thời gian. Tâm thức có thể tồn tại cả bên trong và bên ngoài cơ thể vật lý. Nói cách khác, tâm thức không khư trú tại một nơi nào cụ thể giống như các lượng tử.
Vạn pháp duy tâm tạo
Theo quan kiến đạo Phật, thân tứ đại là một cấu trúc huyễn ảo, nghĩa là không có thật, nhưng khi bộ não của con người phát ra nhất niệm vô minh thì chính cái vô minh này tưởng tượng cấu trúc ảo đó thành thân thể vật chất. Đó là một loại tưởng tượng có điều kiện. Điều kiện đó là phải có căn và trần. Lục căn là 6 giác quan của cơ thể là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và bộ não. Lục trần là đối tượng của lục căn tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Pháp là nói chung tất cả mọi sự vật, cả vật chất lẫn tinh thần, tình cảm đều là pháp. Lục căn tiếp xúc với lục trần tạo ra lục thức là thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác của cơ thể và ý thức.
Hoạt động của tâm không có giới hạn, chúng tạo thành môi trường xung quanh đời sống. Một tâm bất tịnh khiến cho xung quanh đó bất tịnh, một tâm thanh tịnh khiến cho xung quanh đó có những thứ thanh tịnh. Vì vậy, môi trường sống xung quanh không có giới hạn do hoạt động của tâm. Cũng như một bức tranh được vẽ từ một họa sĩ, môi trường xung quanh được tạo ra từ những hoạt động của tâm.
Chính từ vô minh và tham muốn mà thế gian được tạo ra. Tất cả những nguyên nhân, điều kiện tương tác với nhau, đan xen chằng chịt với nhau đều tồn tại trong tâm chứ không phải nơi nào khác. Bằng cách này, thế giới của sống và chết do tâm tạo ra, liên hệ với tâm, ràng buộc với tâm và do tâm chi phối. Tâm là bậc Thầy tạo ra mọi tình huống, thế gian khổ đau có sinh tử do tâm vô minh tạo ra. Đức Phật Thích Ca từng dạy rằng bạn là vị vua của chính mình, bạn là Đức Chúa của chính mình, và bạn tự điều khiển cuộc sống của chính mình. Không có đấng cứu thế nào sáng tạo ra thế giới thay cho bạn. Chỉ có bạn tạo ra và lựa chọn thế giới cho mình!
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 1549
Viết bình luận