Khoa học hỏi vì sao – Đạo Phật trả lời làm cách nào
Khoa học dùng "động" để quan sát điểm, đạo Phật chủ trương dùng tĩnh để quán chiếu vạn vật. Khoa học thể hiện tính xô xát, tò mò, đạo Phật mang tính chất tịch lặng và giải thoát.
Trong khoa học, trí tuệ học vấn và lý trí đóng vai trò chính. Bằng cách phân chia, phân loại, phân tích, so sánh và đo đạc, nhà khoa học diễn giải các quy luật của tự nhiên bằng thứ ngôn ngữ hoàn thiện là toán học. Trực giác chắc chắn không vắng bóng trong khoa học, nhưng nó chỉ có ích nếu nó có thể hòa chảy vào một phát biểu toán học chặt chẽ. Ngược lại, trải nghiệm nội tâm lại đóng vai trò hàng đầu trong thực hành quán chiếu. Nó không cố gắng phân đoạn thực tại, mà tìm cách lĩnh hội thực tại trong tổng thể của nó.
Đạo Phật mô tả thực tại nhờ hai khái niệm cơ bản: lý duyên khởi (sự phụ thuộc lẫn nhau), và vô thường. Hai khái niệm nền tảng này tương ứng như thế nào với cách mô tả thực tại của khoa học hiện đại?
Sự phụ thuộc lẫn nhau
Theo đạo Phật, sự phụ thuộc lẫn nhau là nền tảng căn bản đối với sự thể hiện của các hiện tượng: sự sinh khởi của một pháp tùy thuộc vào điều kiện hay yếu tố đi trước nó làm nhân cho yếu tố sau sinh khởi. Không gì có thể tồn tại một cách tự lập và là nguyên nhân của chính mình. Một vật chỉ có thể được xác định bằng các vật khác, và chỉ tồn tại trong mối liên hệ với các thực thể khác. Một sự kiện chỉ có thể xảy ra trong mối liên hệ và phụ thuộc với các nhân tố khác. Thực tại không thể được định xứ cũng như không thể phân đoạn, mà phải được xét trong một tổng thể.
Nhiều thí nghiệm vật lý đã chỉ cho chúng ta thấy tính tổng thể của thực tại này. Trong thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử, các thí nghiệm như nghịch lý EPR (lấy tên 3 nhà khoa học Albert Einstein, Boris Podolsky và Nathan Rosen) nói với chúng ta rằng thực tại là “bất khả phân”. Khi hai hạt ánh sáng đã tương tác với nhau vẫn sẽ tiếp tục là bộ phận của một và chỉ một thực tại. Dù khoảng cách giữa chúng có là bao nhiêu chăng nữa, thì hành trạng của chúng vẫn liên tục mà không cần bất kỳ một sự truyền thông tin nào. Đầu năm 1998, nhà vật lý Nicolas tại Genève đã thực hiện đưa 2 photon cách xa 10 km nhưng chúng vẫn ứng xử tương quan nhau, điều này cho thấy một khi đã tương tác với nhau trở thành một thực tại bất khả phân thì chúng vẫn biết nối kết nhau. Cơ học lượng tử như vậy đã loại trừ mọi ý tưởng về tính cục bộ và cho ta một cái nhìn tổng thể về không gian mà các nhà vật lý gọi là tính “bất khả phân” hay tính “phi cục bộ“.
Khái niệm sự phụ thuộc lẫn nhau nói rằng các sự vật hiện tượng không thể được định nghĩa một cách tuyệt đối, mà chỉ tương đối so với các sự vật hiện tượng khác. Về bản chất, chính ý tưởng này cũng là định nghĩa của nguyên lý tương đối về chuyển động trong vật lý, được Galileo phát hiện, và sau đó được Einstein lấy lại và phát triển lên tột đỉnh. “Chuyển động như không”, Galileo muốn nói ở đây là chuyển động của một vật không thể được xác định một cách tuyệt đối, mà chỉ là so với chuyển động của một vật khác. Không một thí nghiệm hay phép đo nào được thực hiện bởi một hành khách trên một toa tầu chạy không có tiếng động với vận tốc không đổi và tất cả các rèm cửa sổ đều được buông xuống khiến anh ta không thể biết được toa tầu của mình đang đứng im hay chuyển động. Chỉ bằng cách kéo rèm lên và nhìn khung cảnh trôi qua thì hành khách đó mới nhận ra. Chừng nào còn chưa có một sự quy chiếu với bên ngoài, thì chừng ấy chuyển động là tương đương với không chuyển động.
Thời gian và không gian cũng đã mất đi tính tuyệt đối mà Newton đã trao cho chúng. Einstein nói với chúng ta rằng chúng chỉ có thể được định nghĩa một cách tương đối, tức là đối với chuyển động của người quan sát và cường độ của trường hấp dẫn tại nơi mà anh ta đang ở. Tại điểm kỳ dị của một lỗ đen, lực hấp dẫn mạnh tới mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi, thì một giây có thể dài bằng cả thiên thu. Giống như đạo Phật nói, thuyết tương đối nói rằng sự trôi đi của thời gian, với một quá khứ đã qua và một tương lai còn chưa tới, chỉ là huyễn ảo, vì tương lai của tôi có thể là quá khứ của một người khác và là hiện tại của một người thứ ba: tất cả phụ thuộc vào chuyển động tương đối của chúng ta. Thời gian không trôi, nó đơn giản chỉ tồn tại ở đó mà thôi.
Vô thường
Quan niệm của đao Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau cũng đồng nghĩa với vô thường. Thế giới như một luồng khổng lồ các sự kiện và các dòng chảy động, tất cả đều kết nối với nhau và tương tác liên tục với nhau. Quan niệm về sự thay đổi liên tục và hiện diện khắp nơi này giống với những điều mà vũ trụ học hiện đại nói. Tính bất biến của vũ trụ theo Aristotle và vũ trụ tĩnh của Newton không còn nữa. Tất cả đều chuyển động, tất cả đều thay đổi, và tất cả đều là vô thường, từ nguyên tử nhỏ nhất cho tới các thiên hà, các ngôi sao, con người và toàn vũ trụ. Dưới tác động lực đẩy của một vụ nổ khởi thủy, vũ trụ loãng dần đi. Bản chất động này được mô tả trong các phương trình của thuyết tương đối. Với lý thuyết Big Bang, vũ trụ có một lịch sử. Nó có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Một ngày nào đó nó sẽ chết trong một lò lửa cháy rừng rực hoặc trong sự lạnh lẽo băng giá. Tất cả các cấu trúc của vũ trụ - các hành tinh, sao, thiên hà hay đám thiên hà – cũng đều chuyển động liên tục và tham gia vào một vũ điệu vũ trụ khổng lồ: chuyển động quay quanh mình nó, quay quanh các thiên thể khác, rời xa hay sáp lại gần nhau. Chúng cũng có một lịch sử: sinh ra, tiến hóa và chết.
Thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử cũng không là ngoại lệ. Tất cả đều vô thường. Các hạt có thể thay đổi bản chất: một quark (viên gạch cơ bản của vật chất) có thể thay đổi họ hoặc “vị”, một proton có thể trở thành một nơtron kèm theo sự phát ra một positon (phản hạt của electron) và một nơtrino; vật chất có thể biến thành năng lượng thuần túy. Chuyển động của một hạt có thể biến thành hạt, hoặc ngược lại. Nhờ sự mờ nhòe lượng tử của năng lượng, không gian bao quanh chúng ta có một số lượng lớn không thể tưởng tượng nổi các hạt gọi là “ảo”, tồn tại hư huyễn và ngắn ngủi. Xuất hiện và biến mất trong các chu kỳ sinh tử vô cùng ngắn, chúng là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự vô thường.
Hai mục đích – Hai cách tiếp cận
Khoa học vận hành một cách hoàn hảo và đạt được mục địch mà nó đã đề ra là lý giải các hiện tượng. Đạo Phật bản thân là một khoa học về Giác ngộ, và dù Trái đất có quay quanh Mặt trời hay ngược lại cũng chẳng làm thay đổi chân lý tuyệt đối trong đạo Phật.
Khoa học dừng lại ở việc nghiên cứu và giải thích các hiện tượng, trong khi mục đích của đạo Phật giáo là đưa ra các cách thức để con người giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Với sự hỗ trợ của các bằng chứng khoa học, chúng ta có thể lĩnh hội bản chất tương đối của thế giới vật lý, để từ đó thấy cần thiết phải giải phóng mình khỏi những đau khổ sinh ra từ sự chấp trước của mình với thực tại hiện hữu của thế giới bên ngoài và tiến lên trên con đường Giác ngộ. Khoa học, bản thân nó là trung tính và không đo lường các giá trị đạo đức hay luân lý. Ngược lại, sự chiêm nghiệm tự tính Bản lai có mục đích là tạo những chuyển hóa bên trong chúng ta và trưởng dưỡng lòng từ bi, trí tuệ giác ngộ. Khoa học mang lại cho chúng ta thông tin, nhưng không liên quan gì đến sự tiến bộ về tính thần của chúng ta.
Khi bạn ý thức được rằng các sự vật, hiện tượng không tồn tại một cách tự lập, và các hạt vật chất không tồn tại dưới dạng thức cố định, chỉ là hư ảo, bạn sẽ giảm bớt sự bám chấp, tham ái. Thế giới hư ảo dường như rất bền chắc đối với chúng ta, nhưng nó không thực sự tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi thế giới này, chúng ta bị cuốn trôi tới điên đảo bởi những thứ hư vọng đó. Chúng ta cuồng loạn bởi những hấp dẫn bên ngoài liên tục khuấy đảo tâm ta, và kết cục chẳng có gì tồn tại, đó là kết quả của thế giới này. Chúng ta đang đơn thuần rượt đuổi theo những huyễn ảo như cầu vồng. Bạn có thể nói đó là một trong những đau khổ chính mà chúng ta đang phải trải qua.
(Nguồn: “Từ điển yêu thích Bầu trời và các Vì sao”
Tác giả: Trịnh Xuân Thuận
NXB Tri thức, 2011)
- 710
Viết bình luận