Khái quát về Tam Thừa Phật Giáo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Khái quát về Tam Thừa Phật Giáo

Mục đích Đức Phật ứng hiện thế gian vì một Đại nhân duyên: “ Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Bởi vậy, Ngài đã tuyên thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn đều không nằm ngoài các giáo lý của Kinh thừa (Nguyên thủy Phật giáo, Đại thừa Phật giáo) và Mật thừa (hay Kim Cương thừa Phật giáo). Dù các thừa hay các pháp môn có khác nhau nhưng tất cả đều là phương tiện ứng hợp với từng căn cơ, trình độ, khả năng của từng chúng sinh và cùng chung một mục đích duy nhất là giúp chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ luân hồi sinh tử và đạt đến giác ngộ tối thượng.

Nền tảng của Nguyên thủy Phật giáo dựa trên giáo lý Tứ Diệu Đế nhằm nhận ra chân lý: vô thường, vô ngã, khổ,  không. Đại thừa Phật giáo cũng dựa trên nền tảng giáo lý Nguyên thủy Phật giáo. Sau khi đã thấu hiểu bản chất khổ đau, vô thường của cuộc sống, đồng thời nhận ra tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng, các hành giả nỗ lực, tinh tiến thực hành sáu ba la mật, trí tuệ tính không, trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn để  cứu độ, giải thoát hết thảy chúng sinh.

Phật giáo Kim Cương thừa dựa trên nền tảng Kinh thừa, cùng chung một mục đích đạt đến giác ngộ tối thượng, nhưng khác nhau ở cách thức và phương pháp thực hành. Nhờ sử dụng các phương tiện thiện xảo, hành giả thực hành Kim Cương thừa có thể  đạt giác ngộ ngay trong một đời ở ba giai đoạn chết, trung gian và tái sinh. Đây là đặc điểm độc đáo của Kim Cương thừa .

Phật giáo Kim Cương thừa khởi nguồn từ Đức Phật Thích Ca, được truyền liên tục và không gián đoạn tới các bậc Đại Thành Tựu giả cho đến các Bậc Kim Cương Thượng Sư hiện tại. Có rất nhiều nghi quỹ, chân ngôn Mật thừa nằm trong hệ thống Kinh tạng Phật giáo được lưu giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

Phật giáo Kim Cương thừa do chính Đức Phật Thích Ca thuyết giảng, Ngài đã thị hiện dưới nhiều sắc tướng khác nhau trong các dịp đặc biệt để khai thị cho những bậc thượng căn. Phương pháp thực hành của Kim Cương thừa  đặc biệt chú trọng đến sự tịnh hóa. Hành giả liên tục duy trì quán tưởng các hình ảnh Phật và biểu tượng giác ngộ (ví dụ như Phật Bản Tôn, cảnh giới giác ngộ Mandala) để đạt được Phật tính và cảnh giới thanh tịnh, đồng thời hành giả dựa vào nguồn năng lượng  thân tâm vi tế sẵn có  nhằm thực chứng trí tuệ hỷ lạc bất khả phân với tính không.  

Các phương pháp trao truyền trong Kim Cương thừa

Trong Kim Cương thừa, hành giả cần tìm cầu bậc Thượng Sư giác ngộ và đón nhận những giáo huấn khai thị cả về Kinh thừa và Mật thừa. Tùy theo nhân duyên và căn cơ của người đệ tử mà bậc Thượng Sư có thể khai thị và trao truyền giáo pháp giác ngộ thông qua ba phương pháp dưới đây:

  • Khẩu truyền: bậc Thượng Sư khẩu truyền trực tiếp giáo pháp từ Đức Phật, khai thị cho đệ tử về chân lý tuyệt đối và tương đối.

  • Truyền trao thông qua các biểu tượng giác ngộ: Đức Phật và các bậc Thượng Sư trao truyền Phật pháp thông qua các phương tiện thiện xảo như cử chỉ, hình ảnh hoặc các biểu tượng. Ví dụ, khi Phật còn tại thế, trong pháp hội Ngài giơ cành hoa sen Đức Ca Diếp mỉm cười, ngay khoảng khắc đó ngài Ca Diếp chứng ngộ được Phật tính. Khi truyền quán đỉnh, bậc Thượng Sư sử dụng các pháp khí và biểu tượng khác nhau như bình quán đỉnh, hình ảnh Phật Bản Tôn, Kinh điển, linh và chày kim cương… Qua việc tiếp xúc với các biểu tượng đó, đệ tử có thể nhận ra các phẩm chất giác ngộ.

  • Tâm truyền tâm: là phương pháp truyền trao đặc biệt từ tâm giác ngộ của Thượng Sự đến tâm của người đệ tử. Phương pháp này dành cho những đệ tử có đủ khả năng và căn cơ đã chín muồi, giúp đệ tử đó có thể đạt giác ngộ ngay trong khoảnh khắc.

Các giai đoạn tu tập của Kim cương thừa

Giai đoạn phát triển : Mục đích thực hành của giai đoạn phát triển là chuyển hóa mọi nhận thức sai lầm về bản thân và môi trường. Hành giả quán tự thân là vị Phật Bản Tôn để trải nghiệm ba phẩm chất giác ngộ Thân – Khẩu - Ý của Phật, với trí tuệ tính không, lòng kiêu hãnh Kim cương, và sự hiểu rõ phương pháp thực hành.  Kết quả sự thực hành là hành giả tịnh hóa vô số chướng ngại, tịnh hóa bốn loại sinh: noãn sinh, thai sinh, hóa sinh, thấp sinh, tích lũy công đức, thành tựu giải thoát trong hiện đời hay chứng ngộ Báo thân Phật trong trạng thái thân Trung ấm. Vì lợi ích của hết thảy hữu tình, hành giả có thể tự tại lựa chọn nơi tái sinh và trở thành một bậc hóa thân chuyển thế.

Giai đoạn thành tựu:  dựa trên nền tảng Giai đoạn Phát triển (quán tự thân là Phật), phương pháp thực hành là sử dụng Thân vi tế, kiểm soát kinh mạch năng lượng, luân xa và giọt minh điểm. Năng lượng của kinh mạch bên trái (sân giận) và kinh mạch bên phải (tham dục) được chuyển vào kinh mạch trung ương để trải nghiệm thực chứng bốn Đại lạc và Tính không. Giai đoạn này tạo nền tảng vững chắc cho con đường thực hành đạt đến Phật quả, hay chứng ngộ Tam thân, đồng thời tịnh hóa và giải thoát trong giai đoạn chết, trung gian và tái sinh.

    Đại Thủ Ấn không là gì khác mà là tự tính tâm sẵn có, hiện diện tự nhiên. Hành giả không bị chi phối theo vọng tưởng về quá khứ, hay dự đoán về tương lai mà an trú liên tục trong hiện tại bây giờ và ở đây, tươi mới, tỉnh thức, an lạc, quang minh với tự tính của thực tại tuyệt đối.

    Kết quả của sự thực hành là hành giả có thể đạt được Trí tuệ của Hỷ lạc và Tính không bất khả phân, thành tựu giác ngộ ngay trong một đời hoặc một vài năm, phụ thuộc vào tâm chí thành vô ngã với Thượng Sư. Nhờ đó hành giả có thể đạt được giải thoát trong Tam thân hoặc thân cầu vồng mà không bị trải qua trạng thái Bardo trung gian.

Sự tương đồng trong phương pháp thực hành Kinh thừa và Kim Cương thừa



Tất cả các phương pháp thực hành của Kinh thừa Phật giáo cũng như Kim Cương thừa đều chú trọng đến sự tỉnh thức trong từng khoảng khắc. Hành giả phải luôn thiền định về vô thường, trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn, tâm chí thành, thấu hiểu và tuân thủ quy luật nghiệp nhân quả.  

Dù thực chứng Phật tâm bao la hơn vũ trụ

Vẫn tôn kính tuân theo luật nhân quả,  nhỏ nhiệm như hạt bụi!

 

Kinh thừa dựa trên Nhân thừa để thực hành (không quán tự thân là Phật) mà dựa nhiều vào Thân thô lậu, và thực hành giác tỉnh. Hành giả Kinh thừa coi tất cả xúc tình tiêu cực tham, sân, si là những độc tố nên rèn luyện thân, khẩu, ý để thanh lọc các phiền não, chỉ thực hành trong lúc thức.  Kết quả việc thực hành này phải trải qua nhiều kiếp, nhiều a tăng kỳ kiếp mới đạt giác ngộ tối thượng.

Kim Cương thừa dùng Quả thừa để thực hành, hành giả quán tự thân là Phật Bản Tôn để  thực chứng Thân, Khẩu, Ý giác ngộ. Phương pháp thực hành được áp dụng trong cả trạng thái thức, ngủ và mộng. Hành giả dùng thân vi tế bao gồm kinh mạch, luân xa và giọt minh điểm để thực hành. Hành giả coi tất cả xúc tình tiêu cực là nguồn năng lượng sẵn có để tăng cường sức mạnh cho việc tu tập đạt thành tựu giác ngộ, hợp nhất hỷ lạc và tính không bất khả phân. Kết quả của việc thực hành này với bậc thượng căn có thể giác ngộ ngay trong  khoảnh khắc, một ngày, bậc trung căn là bảy ngày còn hành giả thông thường có thể đạt giải thoát ngay trong một đời hoặc trong trạng thái bardo trung gian chết, trung ấm và tái sinh.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6419791
Số người trực tuyến: