Kham nhẫn
21/05/2016 - 10:58
Lượt xem: 2749
Kham nhẫn
Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm?
Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại cho người không kham nhẫn.
Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người có kham nhẫn. Thế nào là năm?
Quần chúng ái mộ và ưa thích; không có nhiều người hận thù; không có nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào cõi thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích cho người có kham nhẫn.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Không kham nhẫn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.719)
Lời bàn:
Trong cuộc sống, để đạt đến thành công và nhất là mong ước kiến tạo hạnh phúc, hòa hợp, an vui trong gia đình, cộng đồng thì không thể thiếu sự kham nhẫn. Những ai đã từng trải trong đời thì kinh nghiệm sâu sắc về điều này bởi không ít người phải ngậm ngùi, ân hận và nuối tiếc đến suốt đời chỉ vì một phút nông nổi, thiếu kiềm chế, không kham nhẫn.
Kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không như ý. Tuy nhiên, tinh thần kham nhẫn theo lời dạy của Thế Tôn không đơn thuần là nhẫn nhịn mang tính đè nén, nuốt hận mà là sự vượt qua nghịch cảnh một cách an nhiên nhờ tuệ giác. Sự tĩnh tại, bất động trong mọi hoàn cảnh chính là tâm thái sáng suốt, vững chãi khi đã thấu triệt sự thật hư ảo về tự thân, con người và cuộc đời.
Có thể mọi người đều ít nhiều nhận ra lợi ích của kham nhẫn và những tác hại khi không kham nhẫn nổi các chướng ngại trong đời sống. Với tuệ giác và kinh nghiệm của Thế Tôn thì năm lợi ích của kham nhẫn và năm nguy hại của không kham nhẫn được trình bày
trong pháp thoại trên thật rõ ràng. Tuy vậy, dù thấy rõ hai mặt lợi hại của vấn đề nhưng để thực hành kham nhẫn một cách trọn vẹn là điều không đơn giản.
Bước đầu tiên thực hành kham nhẫn là sự chịu đựng, dù sức chịu đựng vốn giới hạn, sẽ cực kỳ nguy hiểm khi quá ngưỡng. Tiếp đến phải vận dụng năng lực định tĩnh và tuệ giác nhờ thực tập thiền định trong đời sống của tự thân để kham nhẫn, vượt thoát. An nhiên trước mọi nghịch cảnh vì thấy rõ bản chất của nó, kham nhẫn được tất cả nhưng không cần cố gắng mới là Nhẫn nhục ba la mật.
Vận dụng trí tuệ để hóa giải tất cả những xung đột và mâu thuẫn nội tâm cũng như ngoại cảnh chính là nền tảng của sự an tâm, bình tĩnh, tự chủ, tự tại trước mọi biến động trong cuộc đời. Đây chính là bí quyết của việc tu tập kham nhẫn để vượt qua nghịch cảnh, chướng duyên nhằm đem đến sự bình an, hòa hợp, hạnh phúc và an vui trong đời sống mà mỗi người con Phật cần phải thực tập để thành tựu.
(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
- 2749
Viết bình luận