Mù lòa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Mù lòa

Mù lòa
 
Một thời, Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
 
- Tất cả, này các Tỷ kheo, là mù lòa. Và này các Tỷ kheo, cái gì là mù lòa?
 
Mắt, này các Tỷ kheo, là mù lòa. Các sắc là mù lòa. Nhãn thức là mù lòa. Nhãn xúc là mù lòa. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là mù lòa. Mù lòa bởi cái gì? Ta nói rằng mù lòa bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, này các Tỷ kheo, là mù lòa…
 
Thấy vậy, này các Tỷ kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy nhàm chán cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
 
(ĐTKVN, Tương Ưng bộ IV, chương 1, phẩm Tất cả, phần Mù lòa, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.40)

Lời bàn:
 
Từ những người tật nguyền, mọi người đều được cha mẹ và cuộc đời ban cho một đôimắt sáng, tinh tường. Không chỉ đôi mắt mà các giác quan khác đều đầy đủ, khỏe mạnh, có thể nhận thức tất cả các sự vật, hiện tượng. Vậy mà Thế Tôn dạy tất cả đều mù lòa. Chẳng lẽ, chúng ta tật nguyền thật sao?
 
Không, mắt của ta rất sáng, tai nghe rất rõ… chúng ta không hề bị thương tật. Chỉ có điều nhận thức giác quan của chúng ta về thế giới rất giới hạn, phiến diện, hầu hết là sai lầm. Sự thấy biết ấy bị hạn chế, che lấp bởi nghiệp lực nên đa phần không nhận thức đúng như thật. Đã không nhận thức đúng thì chẳng khác nào người mù “thấy” rất rõ thế giới muôn hồng ngàn tía chỉ thuần một màu đen.
 
Bản chất của sự mù lòa, theo tuệ giác Thế Tôn là mù lòa bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… Phản ứng tình cảm (ái) của chúng ta; thương, ghét hoặc dửng dưng vô cảm chính là nền tảng của tham, sân, si đều bắt nguồn từ các cảm thọ vui, khổ hoặc không vui không khổ. Mà những cảm thọ thì do giác quan (căn), đối tượng giác quan (trần), nhận thức (thức) và sự kết hợp giữa chúng (xúc) tạo nên. Tất cả đều là biểu hiện của nghiệp vốn dĩ tăm tối, mù lòa.
 
Nghiệp lực chi phối nhận thức, tình cảm đồng thời nhận thức và tình cảm ấy lại tạo thành nghiệp lực. Và chính vòng xoáy vô tận ấy đó tạo ra thân phận mù lòa, bởi mù lòa nên lẩn quẩn trong sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não…
 
Tu học chính là mở to đôi mắt, nhìn thẳng vào cuộc đời để thấy đúng sự thật. Vận dụng tuệ giác về duyên sinh và vô ngã tính của tất cả sự vật hiện tượng để cảm nhận cuộc sống. Dưới sự soi rọi, minh triết của tuệ giác ấy thì người con Phật thấy rất rõ ràng cơ chế vận hành của căn, trần, thức và xúc, đồng thời mỉm cười với sự thật duyên sanh, giả hợp và nhất là vững vàng tự chủ không bị những cảm thọ sai khiến, đánh lừa. Nhàm chán căn, trần, thức, xúc và cảm thọ vì thấy rõ bản chất của chúng vốn mù lòa. Nhờ nhàm chán nên ly tham, do ly tham mà thành tựu giải thoát.

____________

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333664
Số người trực tuyến: