Lời nói đầu
Lời nói đầu
Tập sách này sưu tập các mẩu chuyện về những tấm gương sáng chói trong nữ giới, được ghi chép trong kinh điển cũng như truyền tụng trong đạo Phật, được những người Phật tử nối tiếp kể cho nhau nghe qua nhiều thế hệ. Thông qua những câu chuyện này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp xóa bỏ được những ấn tượng hay định kiến sai lầm về nữ giới.
Thật ra, có thể nói đức Phật Thích-ca Mâu-ni chính là nhà cách mạng tư tưởng sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Vào thời đại mà xã hội Ấn Độ cổ xưa còn chìm đắm trong sự phân biệt chủng tộc hết sức gay gắt, Ngài là người đầu tiên đã tuyên bố xóa bỏ mọi giai cấp. Trong Tăng đoàn thời ấy, tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau, cho dù có xuất thân từ hoàng tộc hay từ giai cấp hèn hạ nhất cũng đều không phân biệt. Đức Phật đã thâu nhận vào Tăng đoàn cả những người xuất thân hạ tiện, hay thậm chí đã từng làm những việc xấu xa. Tuy nhiên, sau khi đã bước chân vào Tăng đoàn thì tất cả đều trở thành những bậc thoát tục, có nhân cách cao quý, nhờ vào sự nghiêm trì giới luật và tu tập đúng Chính pháp.
Quan điểm của đức Phật về vấn đề nữ giới cũng hoàn toàn khác biệt với xã hội thời đó. Ngài không hề xem nhẹ nữ giới, mà luôn có một nhận thức đánh giá công bằng dựa trên phẩm hạnh và công phu tu tập của mỗi người, bất kể người đó là nam hay nữ. Trong kinh điển, Ngài rất nhiều lần tán thán, ngợi khen những người nữ có sự tinh cần tu tập, và cũng xác quyết rằng họ sẽ đạt được những thành tựu không hề thua kém so với nam giới.
Nhiều người dựa vào việc Đức Phật từng do dự trong việc cho phép nữ giới xuất gia, cũng như đã chế định Bát kỉnh pháp dành cho Ni giới, để cho rằng có sự phân biệt nam nữ trong đạo Phật. Điều đó hoàn toàn không đúng. Đức Phật quả thật có nêu ra những khiếm khuyết, bất tiện của người mang thân nữ, nhưng đó là những sự thật khách quan, và việc nêu ra là nhằm sách tấn cũng như tạo điều kiện thuận tiện hơn cho nữ giới trong tu tập, chứ không hể có nghĩa là xem nhẹ nữ giới. Cũng giống như ngày nay, tuy chúng ta ai cũng tán thành quan điểm nam nữ bình đẳng, nhưng điều đó không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt giữa nam và nữ. Nữ giới là phái yếu, đó là sự thật; nữ giới có hoạt động tâm sinh lý khác với nam giới, đó cũng là sự thật. Chúng ta vẫn cần nhận ra những khác biệt giữa nam và nữ mới có thể có sự ứng xử thích hợp và công bằng trong mọi quan hệ xã hội.
Trong sự tu tập cũng thế. Đức Phật nhiều lần nêu ra những khác biệt của nữ giới chỉ là nhằm tạo điều kiện tu tập thích hợp hơn cho nữ giới. Việc Ngài do dự không muốn cho nữ giới xuất gia có những lý do riêng chứ không hề có nghĩa là Ngài xem nhẹ nữ giới. Vì xét rằng người nữ tại gia vẫn có thể tu tập theo Chính pháp trong một chừng mực nhất định, nên Ngài không khuyến khích nữ giới xuất gia, bởi cái giá phải trả cho sự tham gia của nữ giới vào Tăng đoàn là một môi trường bất lợi hơn cho sự đoạn trừ sắc dục của chư tăng. Chính vì vậy mà đức Phật sau khi đồng ý cho nữ giới xuất gia đã phải chế định Bát kỉnh pháp nhằm hóa giải phần nào điểm bất lợi nêu trên...
Tuy vậy, sự quan tâm giáo hóa của Đức Phật đối với chư tăng ni là bình đẳng như nhau, và sự thành tựu đạo hạnh của những tấm gương nữ giới được ghi trong sách này là những minh chứng hùng hồn nhất. Vì thế, chúng tôi mong rằng tập sách này sẽ có thể góp phần làm thay đổi hoặc xóa bỏ đi những nhận thức sai lầm về nữ giới, nhất là trong môi trường tu tập theo Chính pháp.
Trong quá trình biên soạn cũng như hiệu chỉnh, mặc dù đã hết sức thận trọng và cố gắng, nhiều khi phải đối chiếu cả với những bản kinh văn gốc trong Hán tạng để đảm bảo tính chính xác cho mọi chi tiết trong chuyện kể, nhưng chúng tôi tự biết không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót, do sự hạn chế về trình độ cũng như khả năng của những người biên soạn. Vì thế, rất mong quý độc giả gần xa sẽ được ý quên lời, rộng lòng cảm thông và tha thứ cho những khiếm khuyết trong sách. Chúng tôi hoan hỷ đón nhận và chân thành biết ơn mọi sự góp ý và chỉ dạy để những lần tái bản về sau sẽ được hoàn chỉnh hơn.
Những người thực hiện
- 235
Viết bình luận