Thiên nữ rải hoa cúng dàng 92 ức chư Phật phát nguyện không chuyển thân nam
Trong kinh Duy-ma-cật sở thuyết có một đoạn kể về sự ứng đối giữa ngài Xá-lợi-phất và một vị thiên nữ, được rất nhiều người biết đến và xem đây như một đoạn kinh văn nêu bật được ý nghĩa thù thắng của giáo pháp Đại thừa.
Chuyện kể rằng:
Ở thành Tỳ-da-ly có vị Bồ Tát hóa thân làm một trưởng giả tên là Duy-ma-cật. Một lần nọ ông thị hiện thân có bệnh, Đức Thế Tôn gợi ý các vị đệ tử Thanh văn và Bồ Tát nên đến thăm hỏi trưởng giả Duy-ma-cật đang có bệnh, nhưng không ai dám đi, vì tất cả đều đã từng biết qua biện tài vô ngại của ông, nên tự lượng sức mình không thể cùng ông đổi đáp. Cuốì cùng, chỉ có Bồ Tát Văn-thù mới dám đảm nhận việc thăm bệnh trưởng giả Duy-ma-cật. Đại chúng đểu biết khi hai vị Đại Bồ Tát Văn-thù và Duy-ma-cật gặp nhau chắc chắn sẽ bàn diệu pháp, nên có đến tám ngàn vị Bồ Tát, năm trăm vị Thanh văn và hàng trăm ngàn trời người đều muôn đi theo.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi
Lúc ấy, ngài Duy-ma-cật tự biết ngài Văn Thù cùng đại chúng sắp đến viếng thăm mình, liền dùng sức thần thông làm cho thất ngài đang ở trở nên trống rỗng, chỉ còn có một chiếc giường duy nhất, rồi ngài thị hiện có bệnh nằm trên đó.
Khi ấy, đi về phương Đông vượt qua số thế giới nhiều như số cát của 36 con sông Hằng, có một thế giới tên là Tu Di Tướng. Đức Phật cõi ấy hiệu là Tu Di Đăng Vương, thân cao 84 ngàn do tuần, tòa sư tử của Ngài cũng cao đến 84 ngàn do tuần, trang nghiêm tốt đẹp bậc nhất. Trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông, tức thời Đức Phật ở cõi nước kia đưa 32 ngàn tòa sư tử cao rộng đến cho mọi người cùng ngồi. Căn thất nhỏ bé cũng hóa thành to lớn đủ sức dung chứa những tòa sư tử cao rộng và tất cả đại chúng.
Khi ấy, đại chúng đều được ngồi lên tòa sư tử trang nghiêm cao rộng. Hai vị Đại Bồ Tát là Văn-thù và Duy-ma-cật quả nhiên cùng nhau trao đổi về Chính pháp. Có một vị thiên nữ trong thất ngài Duy-ma-cật, thấy chư thiên và mọi người đang nghe thuyết pháp liền hiện ra để rải hoa cúng dàng.
Khi thiên nữ rải hoa trời cúng dàng, hoa ấy chạm đến thân các vị Bồ Tát liền rơi rụng hết, nhưng chạm vào các vị Thanh văn thì liền dính chắc vào thân các vị. Các vị đều cố dùng thần lực để phủi, nhưng hoa vẫn không chịu rơi xuống đất.
Lúc ấy, thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:
- Tại sao Ngài lại phủi hoa xuống?
Ngài Xá-lợi-phất đáp:
- Hoa này cài trên người là không đúng pháp, nên tôi muốn phủi bỏ.
Thiên nữ liền nói:
- Bạch Tôn giả! Xin Ngài chớ bảo hoa này không đúng như pháp. Hoa vốn không có sự phân biệt, do chính tâm ngài khởi sinh phân biệt. Nếu người xuất gia ở trong Phật pháp mà có tâm phân biệt thì đó mới là không đúng như pháp. Ngài hãy xem, chính vì thế nên hoa không thể bám dính vào thân các vị Bồ Tát.
NGÀI XÁ-LỢI-PHẤT BỖNG NHIÊN CHUYÊN THÀNH THÂN NỮ
Khi ấy, ngài Xá-lợi-phất lại hỏi:
- Thiên nữ ở trong thất này đã được bao lâu rồi?
- Tôi ở trong thất này lâu như thời gian ngài được giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
- Ở đây lâu vậy sao?
Thiên nữ hỏi lại:
- Vậy ngài được giải thoát cũng lâu lắm rồi sao?
Ngài Xá-lợi-phất lặng thinh không đáp. Thiên nữ nhân đó liền giảng thuyết về giáo pháp Đại thừa. Khi được hỏi về chí hướng tu tập, nàng nói:
- Nếu cần đem pháp Thanh văn mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi làm Thanh văn. Nếu cần đem pháp nhân duyên mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi làm Bích-chi Phật. Nếu cần đem pháp Đại bi mà giáo hóa chúng sinh, thì tôi thực hành Đại thừa.
Ngài Xá-lợi-phất được nghe qua công hạnh của thiên nữ rồi, liền hỏi:
- Sao Thiên nữ không chuyển thân nữ thành thân nam?
Thiên nữ đáp:
- Từ mười hai năm nay tôi vẫn cầu cái tướng người nữ mà chẳng được. Tại sao nên chuyển? Ví như một nhà ảo thuật hóa ra một ảo nữ. Nếu có người hỏi nhà ảo thuật ấy rằng: “Sao không chuyển thân nữ thành thân nam”. Vậy người ấy đặt câu hỏi có chính đáng không?
Ngài Xá-lợi-phất thừa nhận: “Không. Vì việc ảo hóa không có tướng nhất định, lấy gì để chuyển?”
Thiên nữ ngay lúc đó bèn dùng sức thần thông biến ngài Xá-lợi-phất thành thiên nữ, còn thiên nữ tự hóa mình giống như Xá-lợi-phất, rồi hỏi:
- Tôn giả! Sao ngài không chuyển thân nữ đi?
Ngài Xá-lợi-phất đang trong hình dáng thiên nữ, đáp rằng:
- Tôi nay chẳng biết tại sao lại biến thành thân nữ?
Thiên nữ liền nói:
- Thưa Tôn giả! Nếu Ngài có thể chuyển được thân nữ, thì tất cả người nữ cũng sẽ chuyển được thân của họ. Như Ngài không phải người nữ mà hiện thân tướng nữ thì tất cả người nữ lại cũng như vậy. Tuy hiện thân nữ, nhưng thật ra chẳng phải người nữ. Đức Phật có dạy: “Tất cả các pháp chẳng phải nam, chẳng phải nữ.”
TRƯỞNG GIẢ DUY-MA-CẬT GIẢNG GIẢI
Thiên nữ sau khi đốì đáp xong, ngồi sang một bên. Lúc bấy giờ, trưởng giả Duy-ma-cật bảo ngài Xá-lợi-phất:
- Thưa Tôn giả! Vị thiên nữ này đã từng cúng dàng 92 ức chư Phật, đã được thần thông du hý của Bồ Tát, nguyện lực đầy đủ, chứng vô sinh nhẫn, không còn thối chuyển. Vì bản nguyện nên tùy ý hiện thân để giáo hóa chúng sinh.
Qua câu chuyện về vị thiên nữ được ghi trong kinh Duy-ma-cật, có thể thấy rằng cho dù một người đang đang mang thân tướng nam hay nữ, nếu có tâm phát nguyện rộng lớn thì đều xứng đáng cho chúng ta kính trọng, ngưỡng mộ. Vị thiên nữ này là một minh chứng cho thấy khái niệm trượng phu trong đạo Phật không có ranh giới, và Phật tính là bình đẳng không phân biệt tướng giới nào.
Thiên nữ xứng đáng là hàng long tượng trong Phật giáo để sách tấn, khích lệ cho tất cả mọi người có đầy đủ sự tự tin và mạnh mẽ phấn đấu trên bước đường tu học đạt giải thoát giác ngộ.
(Nguồn: “Khả triết các bậc long tượng - Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)
- 3667
Viết bình luận