Một ngày học hạnh xả ly của Đức Phật qua 6 lời giải đáp vua cha Tịnh Phạn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Một ngày học hạnh xả ly của Đức Phật qua 6 lời giải đáp vua cha Tịnh Phạn

Với quyết tâm sẽ xuất gia để đi tìm chân hạnh phúc và con đường chấm dứt mọi khổ đau, Thái tử Tất Đạt Đa thỉnh cầu lên vua cha cho phép Thái tử được rời hoàng cùng. Vừa nghe xong lời thỉnh cầu của Thái tử, đức vua Tịnh Phạn vô cùng kinh hoàng và cố gắng thuyết phục Thái tử từ bỏ quyết định này. Thái tử đáp lời vua cha: “Thưa phụ vương, con sẽ chỉ ở lại nơi đây, nếu cha có thể hứa giúp con đạt được bốn điều mong ước sau đây: Hãy quyết chắc rằng con sẽ không bao giờ chết, không căn bệnh nào có thể làm con đau đớn, tuổi trẻ không bao giờ rời xa con, và sự giàu có luôn ở bên con. Nếu phụ hoàng không thể giúp con thực hiện các điều trên, thì con sẽ phải rời cung điện ngay”. Khi nghe những lời thỉnh cầu mà bản thân đức vua không thể thực hiện được, đức vua đành chấp nhận để cho Thái tử ra đi. Ngài rời bỏ cung điện xa hoa vào giữa đêm tối, trong lúc vợ và con đang say giấc.

Sau này, khi đã thành tựu giác ngộ, Thái tử Tất Đạt Đa đã hồi đáp lại nhiều lời thỉnh cầu tha thiết của vua cha, quay trở về hoàng cung để trò chuyện với hoàng gia. Khi đó, Quốc vưong Tịnh Phạn đã đặt 6 câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân khiến Thái tử từ bỏ cảnh xa hoa và tiện nghi của cuộc sống đế vương, để trở thành một vị tu sỹ:

Đức Phật trở về thăm hoàng cung sau khi Ngài thành đạo

- Chúng ta đều vô cùng hồi hộp và háo hức khi biết Ngài nhận lời trở về cung thăm gia đình. Song ta vô cùng muốn biết lý do đã khiến Ngài quyết định xả ly thế tục.

Đầu tiên, vì sao Ngài muốn lánh thân nơi rừng rậm, bỏ mặc hoàng cung rực rỡ như ánh nắng mặt trời?

Thứ hai, vì sao Ngài rửa tay bằng nước băng tan dưới ánh nắng mặt trời, nơi những dòng sông chảy qua cánh đồng rộng mênh mông, thay vì thứ nước thơm mát lạnh ở trong bình vàng được cúng dường bởi cung nữ xinh đẹp trẻ trung?

Thứ ba, sao Ngài lại chọn ngồi trên nền đất trống, không có ngai vàng, không đồ trang hoàng, không phủ gấm hay không lót đệm ngồi sang trọng?

Thứ tư, tại sao Ngài lại khoác tấm y màu nghệ này, mà từ bỏ hoàng bào được dệt nên bởi những tơ lụa tuyệt hảo nhất, nhuộm màu rực rỡ từ những chất liệu tốt nhất?

Thứ năm, sao Ngài có thể hoan hỷ ôm bình bát khất thực, trong đôi bàn tay tựa như đóa hoa sen?

Cuối cùng, vì sao Ngài lại tự hành hạ tấm thân vương giả của mình bằng việc sống khổ hạnh trong rừng hoang, rời xa mọi thú vui trong nội cung với phi tần mỹ nữ?”

Thái tử đáp lại vua cha bằng nét mặt tươi cười và nụ cười rạng rỡ:

- Ta đã thấy bản chất thực sự của đời sống con người: ai cũng phải thuận theo quy luật ốm bệnh, già nua và chết. Dù bao nhiêu của cải giàu sang cũng chẳng thể thay đổi điều này. Chính vì vậy nên ta chọn cuộc sống trong rừng, và ta thấy đời sống khổ hạnh trong rừng này không có hại gì cả.

Ta đã nhìn thấy sự thật rằng dù ta rửa tay và cơ thể mình bằng nước thơm cũng không bao giờ tịnh hóa được những ham muốn hoặc những luyến ái si mê.

Thân và tâm chúng ta cần được trang hoàng bởi lòng từ bi thay vì xoa bột gỗ đàn hương. Tay của chúng ta cần quen với việc bố thí với tâm hoan hỷ và nhậm vận tự nhiên, chứ không phải chỉ để đeo trang sức ngọc ngà.

Ngai vàng và giường nệm hoàng cung tuy bề ngoài có vẻ tiện nghi, song lại chính là nguồn gốc tạo nên tâm bám chấp và ganh ghét, với vô số nỗi sợ hãi và căng thẳng lo âu khi ta sở hữu chúng. Mặc một tấm áo choàng bằng loại vải lụa tốt nhất cũng không khác nào khoác tấm da rắn, dù chúng ta đều tưởng mình đang được bao bọc bởi sự êm ấm và giàu sang. Tuy vậy, tấm y màu nghệ này vô cùng thanh tịnh, không chút nhiễm ô chấp chước.

Chiếc bát khất thực cũng là một vật thanh tịnh, chứa đựng phẩm vật của sự viên mãn.

Cội nguồn bản ngã của một vị quốc vương xuất phát từ sự sở hữu một cung điện tráng lệ, với của cải giàu có và quyền lực thống trị trước hoàng hậu và thần dân. Trên thực tế, tất cả của cải và quyền lực này đều rất vô thường, rốt cuộc chỉ mang lại khổ đau. Vì vậy, ta đã hoàn toàn xả ly mọi xiềng xích ấy, đây chính là thiên đường của thế gian.

Như vậy, chính sự xả ly đã giúp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật. Cuộc đời Đức Phật là một tấm gương vĩ đại cho chúng ta, những người con Phật. Mọi người thường lầm tưởng xả ly là sau khi phát khởi tâm căm ghét, sợ hãi đối với thế giới này, hành giả sẽ từ bỏ mọi thứ và trốn chạy thực tại. Ý nghĩa đích thực của xả ly chính là trí tuệ thấu hiểu được bản chất của luân hồi. Đức Phật Thích Ca xả ly do chứng kiến cảnh sinh, già, bệnh, chết khi dạo bốn cửa thành. Rồi Ngài nhận ra và hiểu được bản chất của luân hồi. Vì muốn tìm ra con đường chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sinh, Ngài đã xả ly vương quốc, quyền lực, vương vị, để đi vào rừng sâu, thực hành thiền định theo tiếng gọi của lòng Từ bi.

(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"

Nhóm ĐBT biên dịch)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6224967
Số người trực tuyến: