Vì sao Thái tử Tất Đạt Đa quyết định đặt tên con là "La Hầu La"?
Thái tử đã nhiều lần vào xin phép đức vua Suddhodana để đi xuất gia tầm đạo nhưng lần nào cũng bị từ chối. Thái tử cố giấu giếm nỗi niềm tâm sự trước lệnh bà Mahā Pajāpati Gotamī hoặc Amitā Pamitā vì cả hai đang vui mừng thay phiên nhau đến săn sóc Yasodharā mang thai đứa con đầu lòng.
Bản thân Thái tử cũng luôn kề cận, chăm sóc Yasodharā cho nàng yên tâm dưỡng thai. Có lẽ đây là những ngày tháng cuối cùng chàng biểu lộ thâm tình với một người - mà chàng biết đã cùng kết tóc se tơ, cùng chung niềm vui, nước mắt, đã cùng thương yêu dìu dắt nhau qua bao kiếp luân hồi, sinh tử. Cái đẹp tuyệt vời ở nơi nàng không chỉ ở ngoại hình tuyệt mỹ mà còn ở nơi tâm hồn, cá tính và cả tri thức hiểu biết nữa. Nhưng trước sau gì cũng phải từ giã. Tiếng gọi sâu thẳm từ kiếp nào đã hiện về trong ba linh kiến của chàng. Chúng như lời cảnh tỉnh, bảo với chàng rằng là đừng có chần chờ, lần lữa mãi trong vòng vây của hữu hạn, của sinh già bệnh chết nữa....
Mấy ngày trước lúc Yasodharā lâm bồn, hai viên ngự y tài giỏi được đức vua Suddhodana cử sang cũng phải túc trực ở bên cạnh. Một bà mụ mát tay nhất của cung đình cũng nhận nhiệm vụ như vậy.
Yasodharā rất tươi tỉnh, không biểu hiện một lo lắng, sợ hãi nào làm ai cũng yên tâm. Đức vua Suddhodana cũng không ngồi yên được, đi tới đi lui mãi. Cái cảm giác sẽ có một đứa cháu nội, niềm mơ ước bấy lâu, làm cho lòng đức vua bổi hổi, bồi hồi. Không đừng được, vua bảo quân hầu cho thắng xe để ngài sang thăm con dâu.
Thái tử ân cần đón đức vua từ ngoài sân. Đức vua cao lớn, phương phi, mạnh khỏe nhưng Thái tử còn cao hơn cả nửa cái đầu. Dấu ấn của dòng giống Aryan hiện rõ nơi vóc dáng, nước da, sống mũi, màu mắt xanh của hái tử đậm nét hơn đức vua.
Sau khi ghé thăm Yasodharā một lát, quan sát thấy mọi sự được chuẩn bị chu đáo, đức vua hài lòng, tỏ ra khen ngợi hai bà mẹ không hết lời. Khi chuẩn bị về cung, đức vua nói với Thái tử:
- Con sắp có một bổn phận mới, bổn phận làm cha; ấy là bổn phận thiêng liêng nhất, con nhớ đấy!
- Dạ, con hiểu.
- Là dòng giống thượng đẳng, cháu của ta cần có một chương trình giáo dục tốt, xứng đáng - để khỏi hổ thẹn với tổ tông.
- Dạ, con hiểu.
Trầm ngâm một lát, như đã quyết định, đức vua lại phán:
- Sau khi đứa trẻ ra đời, ta sẽ chọn ngày giờ hoàng đạo để con chính chức đăng quang vương vị, không thể chậm trễ hơn nữa... - Giọng ngài như chợt chùng xuống - Ta đã già quá rồi, lực đã suy, trí đã giảm. Con phải biết thương yêu gia đình, vợ con, cha mẹ, huyết thống và cả giang sơn này nữa chứ!
Đức vua không tỏ ra quyết liệt đề cập đến chuyện xuất gia của Thái tử là “chuyện trái đạo”, là “ý tưởng lãng mạn siêu hình” như vài hôm trước đây; mà ngài đã khôn khéo sử dụng tình cảm để mềm yếu ý chí của chàng đây!
Hôm ấy, một bầu không khí yên lặng bao phủ Cung Vui. Mọi người đi vào đi ra đều cẩn trọng, nhẹ nhàng. Yasodharā vừa kêu bụng đau dữ dội thì viên quan ngự y liền xem mạch và thông báo giờ sinh...
Bà mụ, hai bà mẹ và mấy thị nữ ở phòng trong. Hai viên ngự y và một số thị nữ khác túc trực ở phòng ngoài. Thái tử ngồi cách xa mấy liếp cửa, tuy không nghe gì nhưng cũng cảm thấy nôn nao khó tả. Trái tim chàng như chùng xuống. Thái tử đi lui đi tới nghe lòng mình như lửa đốt. Một sự lo lắng, bất an mơ hồ nào đó như từng lớp sóng trào lên, trào xuống, không chịu ở yên. Ôi, mẹ chàng, bà Mahāmāyā, lúc sinh chàng, nghe nói là nhẹ nhàng lắm. Tuy nhiên, sinh nở là cửa ải mà bất cứ chúng sinh nào cũng phải bước qua. Sự sinh ra này cũng là một sứ giả mang đến sự kinh hoàng cho nhân thế. Đó cũng là động lực cuối cùng giúp chàng xuất gia, dũng mãnh thực hiện con đường vô thượng – “Ta phải tìm cho ra lộ trình bất tử...”.
Lúc Thái tử cố điều hòa hơi thở để trấn áp cảm xúc thì phía bên trong chợt im lặng. Chàng lắng tai nghe, vừa lo lắng vừa sợ hãi xen lẫn. Bỗng nghe tiếng khóc của em bé vọng lại...
Lệnh bà Gotamī mở cửa bước ra, nhìn chàng mỉm cười:
- Mẹ tròn con vuông đấy, hoàng nhi! Nó bước ra chỉ như duỗi tay, duỗi chân vậy đó! Một cậu con trai thật kháu khỉnh.
Thái tử lau mồ trán, thở dài, nhẹ nhõm:
- Con rất cảm ơn mẫu hậu!
Thái tử cúi đầu tưởng tượng hình bóng đứa con trai trong tâm tưởng. Chàng không biết mình có vui hay không, nhưng đây là cả một việc trọng đại. Nhất là đối với chàng, có một đứa con sẽ có một ràng buộc. Có một đứa con, phụ hoàng sẽ làm lễ đăng quang cho chàng lên ngôi vua, sẽ là sự ràng buộc thứ hai... Bất chợt, Thái tử thốt lên: “Rāhulo jāto bandhanaṃ jātan ti āha” (Con trai ra đời, sự ràng buộc cũng đến với ta).
Tiếng của lệnh bà Gotamī thoảng bên tai Thái tử:
- Hoàng nhi sẽ đặt tên cho nó chứ?
- Phải, thưa mẫu hậu! Hoàng nhi sẽ hội ý với Gopā.
Lát sau, Thái tử được phép vào thăm hai mẹ con. Niềm vui nào đó sáng ngời trong đôi mắt của Yasodharā. Đứa bé nằm một bên, được bọc trong tấm lụa màu hồng điều trông xinh xắn, bụ bẫm, đôi mắt tròn to, xanh đen, đẹp như một tiểu thiên thần.
Thái tử bước đến, mỉm cười nhìn Yasodharā rồi cúi xuống, đưa tay vuốt nhẹ lên má đứa con của mình với một tình cảm dạt dào.
- Nàng có khỏe không, Gopā?
- Vâng, thiếp khỏe. Và thiếp sung sướng lắm!
- Ta cũng vậy. Có cái gì đó lâng lâng ở trong ta. Đây là cảm giác lạ lùng đầu tiên trong đời, Gopā.
Thái tử nhè nhẹ bế đứa trẻ vào trong vòng tay của mình với cả sự nâng niu và trân trọng. Ôi, cái sự sống này sao mà mong manh quá! Một mầm sống đang nứt lên, nẩy mầm và hiện thành một chúng sinh. Đằng sau mầm sống này là gì? Nó ở đâu mà đến cuộc đời này? Rồi phải chịu già, bệnh, chết... niềm vui, nước mắt... để lại ra đi nữa? Trong cuộc tử sinh chìm nổi vô định ấy bao giờ khổ cũng nhiều hơn vui? Rồi còn những thống khổ, đọa đày khi lỡ tạo những ác nghiệp rồi chịu đựng quả báo khốc liệt trong các con đường dữ? Nhưng mà, dẫu thế nào chăng nữa, tình cảm huyết thống thiêng liêng này, quả thật, nó như là sợi giây cột buộc, trói chặt ta ở lại mãi trong cuộc luân hồi tử sinh vô tận này hay sao? Thế là những đám mây ưu tư lại u ám, nặng trĩu trong lòng chàng.
- Có thể đặt tên cho con là Rāhula (La Hầu La) được không, Gopā?
- Rāhula? Yasodharā mở lớn mắt - Ồ được lắm chứ! Nàng im lặng một lát - Chàng đặt tên cho con trai là “Ràng buộc” nhưng thiếp biết chẳng có gì trên đời này ràng buộc chàng được cả!
Nghe giọng của Yasodharā có vẻ hờn dỗi, Thái tử dịu dàng:
- Thôi mà, Gopā! Nàng hiểu ta quá mà.
Im lặng khá lâu giữa hai người. Yasodharā nín hơi nhẹ, thở dài:
- Thái tử yên trí, thiếp đã chuẩn bị tâm lý rồi. Có Rāhula, thiếp không còn sợ cô đơn nữa đâu.
- Nàng thật kỳ diệu, Gopā! Ta biết nàng đã thông cảm cho ta từ lâu rồi mà.
Từ giây phút đó trở đi, Thái tử đã quyết định xuất gia. Năm ấy chàng vừa tròn hai mươi chín tuổi.
(Lược trích ấn phẩm “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
NXB Văn Học, 2014)
- 2025
Viết bình luận