Đức Phật và lời nguyện dẫn đạo 5 vị đại đệ tử đầu tiên từ nhiều kiếp trước
Trong một kiếp, Đức Phật vốn là Quốc vương Shaktimaitreya, cai trị hơn tám mươi ngàn tiểu vương quốc, với hậu cung gồm một ngàn phi tần. Quốc vương rất mực từ bi và bình đẳng nhân hậu với tất cả thần dân. Ngài vô cùng giàu có và không người dân nào chưa từng được Ngài ban phát của cải. Không chỉ thế, Ngài còn dạy họ trưởng dưỡng tâm giác ngộ bằng việc thực hành yêu thương và từ bi. Càng thấu hiểu vô minh chính là nguồn gốc của khổ đau, Ngài càng phát tâm chuyển hóa mạnh mẽ tất cả năng lượng trong tâm thành tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bởi vậy nên Ngài có tên là Shaktimaitreya, nghĩa là “Sức Mạnh của Tình Yêu Thương”.
Trong suốt thời gian Quốc vương Shaktimaitreya trị vì, mỗi thần dân đều thực hành yêu thương và luôn nghĩ tới hạnh phúc của người khác thay vì lo cho bản thân. Nhờ sự tích lũy của toàn dân nên đến cả quỷ thần và ma đói trong vương quốc của Ngài cũng trở nên hiền lành và từ bi.
Thế nhưng một lần, có năm con ác quỷ chuyên ăn xác và hút máu người đã đến vương quốc. Bất lực vì không thể phạm ác nghiệp ở một nơi vô cùng thanh tịnh như vậy, chúng đã tới gặp Quốc vương và than khóc rằng chúng sắp chết đói vì toàn bộ thần dân của Vương quốc đã được bảo hộ bởi sức mạnh của lòng từ bi.
Quốc vương vô cùng thương cảm khi nghe tiếng khóc than của lũ quỷ, Ngài liền xẻ mạch và bố thí dòng máu tươi của mình cho lũ quỷ đói. Trong khi chúng mải mê hút máu, Ngài giảng cho chúng nghe về lợi ích của việc thực hành yêu thương và hồi hướng tất cả công đức của những thiện hạnh vị tha của mình cho chúng, Ngài nói: “Trong kiếp vị lai, khi ta trở thành Bậc Giác Ngộ Toàn Hảo – Đức Phật – cầu cho những ác quỷ này sẽ được tái sinh làm năm đệ tử đầu tiên của ta và đón nhận bài Pháp đầu tiên dẫn đến giải thoát.”
Nhờ lời cầu nguyện thiết tha của Nhà Vua, và cũng do mối duyên sẵn có với Ngài từ nhiều kiếp trước, đám ác quỷ đã tái sinh thành nhóm năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật thứ tư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakaymuni). Chính họ đã đoạn trừ tam độc, gồm tham lam – bám chấp, sân hận và si mê, để về sau trở thành các bậc Alahán (hoàn toàn thoát khỏi luân hồi).
Nhờ nhân duyên thiện nghiệp, năm vị tu sỹ khổ hạnh đã đồng hành cùng Đức Phật từ những ngày đầu tiên thực hành tu khổ hạnh, nhưng sau đó họ đã rời bỏ Ngài bởi hiểu lầm và có cái nhìn khắc nghiệt đối với việc Đức Phật thọ nhận thực phẩm và nước uống cúng dàng để nuôi dưỡng thân thể. Ngài cần thức ăn để có sức khoẻ để đạt đến giác ngộ hoàn toàn, và khi Ngài đón nhận bát cháo sữa và nước uống từ một thôn nữ, họ cho rằng việc làm của Ngài là không trung thành với con đường tu khổ hạnh, mà theo họ, khổ hạnh cũng chính là đạo quả.
Đức Phật thấu hiểu rằng đạt tới trạng thái xả ly không bám chấp mới là chân lý, điều đó quan trọng hơn việc chỉ đơn thuần đày đọa bản thân mình bằng lối sống khổ hạnh cùng cực. Điều đó nêu biểu cho con đường Trung đạo của Đức Phật khi Ngài vẫn còn trụ ở cõi này. Không quá chấp vào việc phải thành tựu các tâm nguyện, Ngài đã có thể sống một cách cân bằng, và bởi vì Ngài hiểu rằng nguồn gốc của mọi mong cầu là thuộc tính của tâm chứ không phải của thân, Ngài thấy không cần thiết phải điều phục thân vật lý của mình để thắng được sự chi phối của mong cầu.
Tương tự như vậy, Ngài hiểu rằng vạn pháp vô thường, không thể nắm giữ mãi bất cứ thứ gì, bởi vậy Ngài biết rằng mỗi người nên sống một cách nhẹ nhàng, liễu ngộ Tính không là bản chất của mọi sự tướng, chi phối mọi sự tướng, khiến cuối cùng tất cả trở về thực chất là một giấc mơ hư ảo, mỗi giây phút trôi nhanh như ánh chớp để rồi vĩnh viễn rơi vào hư không.
(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"
Nhóm ĐBT biên dịch)
- 5756
Viết bình luận