Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa khai thị cách hiểu đúng đắn về Kim Cương Thừa
Trong đạo Phật chia ra nhiều thừa: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Đại thừa. Đại thừa lại được chia thành hai thừa : Nhân thừa (Hiển giáo), chú trọng tới sự thực hành công hạnh Sáu Ba la mật, và Quả thừa hay Kim Cương thừa, con đường hợp nhất đại hỷ lạc và tính không. Kim Cương thừa còn được gọi là Mật thừa. Trước đây Kim Cương thừa hầu hết được hộ trì và gìn giữ trong vòng bí mật.
Nếu bạn nhìn lại lịch sử đạo Phật thì truyền thống Nguyên thủy được giảng dạy rất công khai và phổ biến nhờ đóng góp không nhỏ của Tôn giả Xá Lợi Phất. Đặc biệt khi Đức Phật còn tại thế, giáo pháp được thuyết giảng và thực hành chủ yếu là Phật giáo Nguyên thủy. Còn Đại thừa thì khởi phát sau này. Dù cùng do Đức Phật tuyên thuyết nhưng Đại thừa chỉ thực sự hưng long và nở rộ trong thời kỳ của Tu viện Nalanda, khoảng 400 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Tu viện Nalanda đã trở thành một trường Đại học Phật giáo ở Ấn Độ với đa số những giảng sư, những bậc thầy đã hoằng truyền giáo lý Đại thừa rộng khắp muôn nơi như Ngài Long Thọ, Ngài Vô Trước... Đó là thời kỳ lịch sử huy hoàng của Phật giáo Đại thừa, của những thượng sư và đệ tử Đại thừa mà chúng ta có thể truy tầm lại được.
Tu viện Nalanda
Trước khi được truyền bá đến Tây Tạng, Bhutan, và một số vùng lân cận, Kim Cương thừa được trì giữ vô cùng bí mật ở Ấn Độ. Khi viếng thăm các ngôi tự viện, chùa tháp, bạn có thể dễ dàng nhận ra ai là người theo Đại thừa, Nguyên Thủy thừa, nhưng bạn khó lòng nhận biết được ai là hành giả Kim Cương thừa.
Chẳng hạn, vào thời kỳ của Ngài Atisha, Ngài là bậc thầy giám luật của Tu viện Nalanda, tu viện thuộc Đại thừa Phật giáo, nên có rất nhiều giới luật nghiêm khắc phải tuân theo. Một hôm, khi đi ngang qua phòng của một vị Tăng, Ngài nghe thấy như có tiếng âm thanh, nhạc điệu phát ra từ bên trong. Khi nhìn vào, Ngài bỗng thấy năm hay sáu cô gái trẻ đang ca hát, nhảy múa, ăn thịt và uống rượu. Không chần chừ, Ngài lập tức bước vào trong phòng và la mắng họ. Nhưng kỳ lạ thay, ngay khi bước vào thì những cô gái, mà tôi cho là các Dakini, chợt tan biến vào trong tâm vị tăng sĩ nọ. Tuy vậy, là một vị thầy giám luật nên Ngài vẫn phải xử phạt và đuổi vị tăng kia ra khỏi tự viện. Sau đó, Đức Tara hiện thân trực tiếp ban giáo huấn cho Atisha. Ngài đã nói với Atisha rằng “Đó là những phương pháp thực hành của dòng Truyền thừa bí mật, của Tantra cao cấp siêu vượt khỏi những khái niệm nhị nguyên như tốt, xấu... mọi tư tưởng của luân hồi. Do bởi đã siêu vượt khỏi luân hồi và vì họ đã chứng ngộ nên những giới luật thông thường không còn cần thiết cho họ nữa. Như vậy, con đã gieo một nghiệp xấu vô cùng”. Tiếp đến, để thanh lọc những bất thiện nghiệp này, Atisha đã phát nguyện xây dựng một triệu bảo tháp, nhưng Ngài không thể xây dựng được Bảo tháp thực sự. Thế nên tôi đã đọc ở đâu đó rằng bất cứ nơi nào Atisha viếng thăm, Ngài đều mang theo nguyên liệu để tạo tháp Tsa-tsa (ND: Phiên âm từ tiếng Phạn, phương pháp tạo tượng, những biểu tượng linh thiêng từ đất sét hoặc hỗn hợp đất sét với dược liệu, saffron…). Ngày nay, nếu bạn tìm thấy một tháp Tsa-tsa nào do Ngài Atisha tự tay làm thì đó là vật rất linh thiêng, bởi Ngài Atisha được xem là một hóa thân của Đức Phật A Di Đà.
Kim Cương thừa được trì giữ bí mật bởi không nhất thiết tất cả mọi người đều phải theo Kim Cương thừa hay căn cơ của tất cả mọi người đều phù hợp với Kim Cương thừa. Còn ngày nay, điều gì xảy ra khi chúng ta tự nhận mình là những hành giả Kim Cương thừa? Ngay cả một chút hiểu biết về luật Nhân Quả cũng không có, vậy mà chúng ta tự cho rằng mình có trí tuệ vô phân biệt, rồi vin vào đó chúng ta tự do ăn thịt, uống rượu và làm vô số những chuyện nực cười khác. Nhưng trên thực tế chúng ta vẫn rất nhị nguyên, bởi giả dụ có ai đó đánh vào lưng bạn thì bạn sẽ thốt lên rằng: “Ôi, tôi đau quá!” Nếu bạn thực sự đã chứng đạt trạng thái bất nhị thì những thứ như là “tôi”, “đau” chỉ đơn thuần là những ý niệm và bạn hoàn toàn tự do khỏi chúng.
Với bất kể lý do gì thì Kim Cương thừa vẫn luôn được coi là bí mật, bởi dù cho nó trở nên khá phổ biến ở Tây Tạng, nhưng người ta vẫn thường nói, những bậc chân Thượng sư thực sự thoạt nhìn bên ngoài chẳng khác nào những hành giả Tiểu thừa, những người theo Nguyên thủy Phật giáo. Tại sao lại như vậy? Bởi vì bất kể giới luật gì, dù cho cấp độ nào, các Ngài cũng đều trì giữ tinh nghiêm. Về bên ngoài, đó là những giới Biệt giải thoát. Nếu là cư sĩ tại gia, các ngài trì giữ Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không uống rượu, không tà dâm, không nói dối. Còn nếu là những tu sĩ xuất gia, các ngài luôn trì giữ giới xuất gia. Về bên trong, đó là những giới nguyện Bồ tát, những giới nguyện đặt căn bản trên tâm Đại từ Đại bi, trên đại nguyện sâu sắc rằng tất cả chúng sinh sẽ đều đạt được giác ngộ. Về phương diện bí mật, tùy thuộc trí tuệ được trưởng dưỡng hay những trải nghiệm thiền định, sự nội chứng bên trong, các Ngài là những hành giả Kim Cương thừa. Chúng ta cũng nên như vậy, bên ngoài, cần phải giữ giới, bên trong cần phải trưởng dưỡng Bồ đề tâm, còn bí mật, cần thực hành giáo lý Kim Cương thừa.
Trích Ấn phẩm "Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa tinh túy"
- 229
Viết bình luận