2. Pháp Bảo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Pháp Bảo

2. Pháp Bảo

Chúng ta phải nắm rõ khái niệm về Pháp để trong suốt tiến trình tu tập của mình luôn có thể đi đúng Pháp. Pháp theo nghĩa chung là phương pháp. Phương pháp ở thế gian thường giúp con người có sự hiểu biết và tạm thời phục vụ cho cuộc sống và mong muốn . Còn giáo Pháp của Đức Phật có mục đích giúp cho chúng ta có được hạnh phúc bình an, chấm dứt được khổ đau trong hiện tại và trong vô số kiếp tương lai. 

Có hai cách hiểu đúng đắn về Pháp Bảo: một là những giáo lý, phương pháp thực hành Đức Phật đã truyền dạy, và hai là tất cả sự vật, hiện tượng trên thế giới này.

Nhờ sự thực hành, thiền định mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ được chân lý của vũ trụ, thấu rõ nguồn gốc khổ đau và chấm dứt khổ đau, đạt giác ngộ toàn tri. Sau đó Ngài đã khéo léo thuyết giảng lại những chân lý này, chia sẻ những kinh nghiệm thực chứng của Ngài để chúng ta cũng có thể tu tập, dứt nhân khổ đau và đạt giác ngộ. Sự chia sẻ những chân lý, phương pháp này chính là Pháp Bảo.

Những chân lý mà Đức Phật đã chứng ngộ được gọi là Đạo. Thực ra Đạo khó có thể diễn tả qua lời nói mà chỉ có thể được chứng ngộ qua thực hành thiền định. Tuy nhiên, với trí tuệ toàn tri và lòng từ bi xót thương chúng sinh, Đức Phật đã thuyết giảng Đạo Lý để các hàng đệ tử thượng thừa có thể qua đó chứng ngộ được Đạo. Đạo Lý là những nguyên lý, cách thức để mỗi người có thể tự thực hành và chứng ngộ.

Bởi Đạo Lý rất vi diệu và chỉ hàng đệ tử thượng căn mới có thể hiểu, Đức Phật đã sử dụng Triết Lý, nghĩa là phân tích, giảng giải thêm để các hàng đệ tử có căn cơ thấp hơn có thể nắm được. Tuy vậy, chúng ta cần cẩn thận không bị đắm chìm vào việc học và lý luận về Triết Lý, nếu không Đạo Phật sẽ chỉ có ý nghĩa ở mức độ Triết học. Bạn phải luôn nhớ mục đích của việc thực hành Đạo Phật là để thực chứng được chân lý tuyệt đối của bản thân và vạn pháp. Thực chứng ở đây là sự chứng ngộ tâm linh chứ không phải là lý thuyết hay những sự lý luận của ngôn từ nhị nguyên. 

Mặt khác, ta có thể hiểu Đạo là thực tại. Để hiểu về thực tại, chúng ta sử dụng những khái niệm của con người để giải thích qua những ngôn từ. Tuy các bậc Thầy có thể sử dụng nhiều ngôn từ để giảng về đạo, nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận không bị bám chấp vào các ngôn từ đó, nếu không càng học nhiều từ ta sẽ càng bị vướng mắc, xa rời mục đích tối thượng là thấu hiểu thực tại.

Những gì Đức Phật khéo thuyết khéo giảng được kết tập thành Tam Tạng gồm có Kinh, Luận và Luật.

a. Kinh:

Đức Phật thuyết giảng về chân lý, các sự thật của vũ trụ (ví dụ như Kinh Vô Thường, Nghiệp), là sự thật hiển nhiên đang tồn tại ở cuộc đời này. Đức Phật thấy, thực chứng chân lý vũ trụ và khéo thuyết giảng, nhằm giúp chúng sinh có thể hiểu và cố gắng sống thuận với những quy luật này. 

Kinh do Đức Phật tuyên thuyết đáp ứng cùng lúc hai điều kiện:

-   Khế Lý: “lý” tức là chân lý của Đức Phật thuyết, “khế” có nghĩa là hợp. Khế Lý là luôn luôn hợp với chân lý, hợp với sự thật, dù hàng ngàn, hàng triệu năm sau vẫn không sai. 

-   Khế Cơ có nghĩa là phải đảm bảo phù hợp với căn cơ, trình độ, tâm lý của chúng sinh. Đức Phật đã giáng sinh ở cõi Sa bà nên những gì Ngài thuyết pháp phải phù hợp với thế giới này chứ không thể nói pháp như cho chúng sinh ở các cõi Tịnh độ. Lời Pháp của Đức Phật hợp với từng địa phương, từng hoàn cảnh, môi trường. Với trí tuệ của Đức Phật, Ngài còn có thể thấu suốt trình độ của từng chúng sinh, và rồi sẽ tùy duyên nói pháp ứng hợp với căn cơ của người nghe. Và cuối cùng, chúng sinh áp dụng lời Phật dạy đối trị phiền não, bớt đau khổ tức thời giải thoát.

b. Luận:

Luận là những phân tích, giảng giải kỹ lưỡng, bàn luận nghĩa lý trong Kinh được Đức Phật cùng các đại đệ tử của mình phân tích, chia chẻ, bàn luận một cách kỹ lưỡng, giúp cho những vị đệ tử với căn cơ thấp hơn dễ dàng hiểu được các chân lý, các sự thật của vạn pháp.

c. Luật:

Khi thấy Kinh và Luận tuy vi diệu nhưng một số chúng sinh khó thấu hiểu và thực hành, Đức Phật đã chế ra Luật, là những quy tắc đơn giản, rõ ràng để cho chúng ta thực hành có thể tránh được những nhân xấu, nhờ đó không phải chịu những nghiệp báo đọa lạc. Không như một số tôn giáo, Luật của Đức Phật không áp đặt và hoàn toàn tự nguyện. 

Sau khi hiểu về Pháp theo cách thông thường, bạn phải nỗ lực trau dồi cái nhìn đúng đắn và hiểu biết về mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Đó cũng gọi là Pháp. Những thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục, thất bại, đắng cay, buồn, vui, yêu, ghét, kể cả những căn bệnh đau đớn của thể xác… đều là Pháp nếu chúng giúp cho chúng ta giác ngộ.

d. Năm đặc tính của Pháp:

Giáo pháp của Đức Phật phải đảm bảo năm đặc tính:

-   Thiết thực, hiện tại: giáo pháp của Đức Phật thiết thực, không mơ hồ, xa rời thực tế, luôn gắn liền thân, tâm, cảnh của chúng ta với cuộc sống hiện tại. 

-   Vượt thời gian: Giáo pháp của Đức Phật không bị lệ thuộc vào thời gian. Cho dù Đức Phật đã tuyên thuyết từ gần 2.600 năm về trước, nhưng cho đến bây giờ vẫn không hề sai lệch, bởi những gì Đức Phật nói luôn hợp với sự thật, hợp với chân lý. 

-   Quay lại mà thấy: giáo pháp của Đức Phật không thể được thấu hiểu qua việc học hay qua cái nhìn từ bên ngoài, mà chúng ta phải hướng nội, quay lại ngay chính đời sống thân tâm cảnh của mình để thâm nhập giáo pháp. 

-   Thăng hoa hướng thượng: việc áp dụng giáo pháp vào cuộc sống sẽ giúp tinh thần thăng hoa tỉnh thức, hiểu rõ hơn về thực tại, không ảo tưởng về quá khứ hay tương lai.

-   Tự tri tự chứng: không ai có thể ban cho ta giác ngộ, bạn phải tự thực hành Phật pháp và trải nghiệm thực tế để có thể chứng ngộ được những chân lý của vũ trụ.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6399141
Số người trực tuyến: