1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 1) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 1)

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

QUYỂN 3

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP
 

PHẦN MỘT

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào có đủ hai pháp thì ngay nơi pháp hiện tại bị nhiều sự buồn khổ, sống không hỷ lạc, có tai ương, hoạn nạn, phiền não nhiễu loạn, có tội đáng trách, bị các bạn đồng phạm hạnh chê bỏ, sau khi qua đời sinh vào các nẻo ác.

Hai pháp đó là:

1. Đối với các căn môn không thể giữ gìn.
2. Đối với việc ăn uống không biết đủ.

Các Bí-sô nào gây tạo hai phần này thì ngay nơi pháp hiện tại bị nhiều sự buồn khổ, sống không hỷ lạc, có tai ương, hoạn nạn, phiền não, nhiễu loạn, có tội đáng trách, bị các bạn đồng phạm hạnh chê bỏ, sau khi qua đời sinh trong các nẻo ác.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai không thể giữ gìn
Sáu căn môn như mắt…
Ăn uống không biết đủ
Thành bất tín, biếng trễ,
Người ấy ngay hiện tại
Thân tâm chịu nhiều khổ
Tai ương và hoạn nạn
Phiền não cùng nhiễu loạn.
Đi, đứng và ngồi, nằm
Đang thức hay trong mộng
Do hai nhân duyên kia
Thường có tội bị trách.
Nơi xóm làng đồng trống
Trong chúng và chỗ vắng
Người trí thường chê bỏ
Sẽ sinh trong nẻo ác.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào thành tựu hai phần thì ngay nơi pháp hiện tại được nhiều sự hỷ lạc, sống không lo buồn, không tai ương, hoạn nạn, không phiền não, nhiễu hại, không tội, không bị quở trách, được các bạn đồng phạm hạnh có trí khen ngợi, sau khi qua đời được sinh trong các nẻo thiện. Hai phần đó là:

1. Đối với các căn môn thường tự giữ gìn.
2. Đối với việc ăn uống tự biết đủ.

Các Bí-sô nào thành tựu hai phần này thì ngay nơi pháp hiện tại được nhiều sự hỷ lạc, sống không lo buồn, không tai ương, hoạn nạn, không phiền não, nhiễu hại, không tội không bị quở trách, được các bạn đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Sau khi qua đời được sinh trong các nẻo thiện.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai luôn tự giữ gìn
Sáu căn môn như mắt…
Uống ăn thường biết đủ
Thành tựu tín tinh tấn.
Ngay trong pháp hiện tại
Thân tâm thường an vui
Không tai ương, hoạn nạn
Không phiền não, nhiễu hại.
Đứng, đi và ngồi, nằm
Đang thức hay trong mộng
Do hai nhân duyên kia
Không tội, không bị trách.
Nơi xóm làng đồng trống
Trong chúng hay chỗ vắng
Người trí thường khen ngợi
Sẽ sinh trong nẻo thiện.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại pháp hay sinh lo buồn. Hai pháp đó là: Có một hạng người chỉ tạo điều ác, chỉ làm việc hung dữ, chỉ phát sinh những tạp uế, không tu các điều lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi. Trong thời gian sau, thân người đó mắc bệnh nặng pháp sinh cùng khắp cơ thể, đau đớn vô cùng, tổn hại sắp chết, không thể chữa trị. Khi chịu khổ như vậy nên họ rên rỉ, than oán: “Ta từ xưa đến nay chỉ tạo những điều ác, chỉ làm những việc hung dữ, chỉ phát sinh tạp uế, không tu những việc lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi. Những người chỉ tạo các điều ác, chỉ làm những việc hung dữ, chỉ phát sinh tạp uế, không tu các điều lành, không học tập hòa thuận, không cứu giúp người sợ hãi thì chỗ người đó hướng tới, ta nhất định cũng sẽ đi đến”. Người kia do chỉ tạo các điều ác… nên tâm lo buồn, khổ não và do không tu các điều lành… nên tâm lo buồn khổ não. Như vậy gọi là có hai loại pháp hay phát sinh lo buồn khổ não.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai pháp phát sinh
Người ngu luôn lo buồn
Do chỉ tạo nghiệp ác
Không tu nhân phước đức.
Về sau gặp bệnh khổ
Rên rỉ và than oán
Hối bị tội không phước
Tâm lo buồn ăn năn.
Người có tội không phước
Sẽ sinh các nẻo ác
Ta cũng sinh đến đó
Nhất định không nghi ngờ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại pháp khiến tâm không lo buồn. Hai pháp đó là:

Có một hạng người chỉ lo tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các điều ác, không làm việc hung dữ, không phát sinh các tạp uế. Vị đó trong thời gian sau, thân mắc bệnh nặng phát sinh cùng khắp cơ thể, đau đớn mãnh liệt, tổn hại sắp chết, không thể chữa trị. Khi chịu khổ như vậy, vị này tuy có rên rỉ nhưng không than oán và nghĩ: “Ta từ xưa đến nay chỉ tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các việc ác, không làm các điều hung dữ, không phát sinh các tạp uế. Các hữu tình nào chỉ tu các điều lành, chỉ học tập hòa thuận, chỉ cứu giúp người sợ hãi, không tạo các việc ác, không làm điều hung dữ, không phát sinh các tạp uế thì chỗ người kia sinh đến, ta nhất định cũng sẽ sinh tới đó”. Người kia do chỉ tu các điều lành… nên tâm không lo buồn và do không tạo các điều ác… nên tâm không lo buồn.

Như vậy gọi là có hai pháp tâm không lo buồn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai pháp phát sinh
Người trí luôn hoan hỷ
Là chỉ tu phước đức
Và không tạo tội lỗi.
Về sau gặp bệnh khổ
Rên rỉ không than oán
Mừng có phước không tội
Không lo buồn ăn năn.
Người có phước không tội
Sinh trong các nẻo thiện
Ta cũng sinh đến đó
Nhất định không nghi ngờ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ta vì các ông lược nêu hai hạnh mau chứng đắc. Hai hạnh đó là:

1. Hạnh lạc.
2. Hạnh khổ.

Nghĩa là do hạnh lạc mau chứng đắc và do hạnh khổ mau chứng đắc. Chỗ tu tập gia hạnh không bị trở ngại, các căn đều được lanh lợi, vì thế gọi đó là mau chứng đắc do hạnh lạc. Chỗ tu tập gia hạnh có trở ngại, nên các căn đều đạt được lanh lợi, nên gọi đó là mau chứng đắc do hạnh khổ. Đây gọi là lược nêu hai hạnh mau chứng đắc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì các ông lược nêu
Hai hạnh mau chứng đắc
Là hạnh lạc, hạnh khổ
Do đó mau chứng đắc.
Gia hạnh không trở ngại
Các căn đều lanh lợi
Do đấy Đức Thế Tôn
Gọi lạc, mau chứng đắc.
Gia hạnh bị trở ngại
Các căn đều lanh lợi
Do đấy Đức Thế Tôn
Gọi khổ, mau chứng đắc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ta vì các ông lược nêu hai hạnh lâu chứng đắc. Hai hạnh đó là:

1. Hạnh lạc.
2. Hạnh khổ.

Nghĩa là do hạnh lạc lâu chứng đắc và do hạnh khổ lâu chứng đắc. Chỗ tu tập gia hạnh không bị trở ngại, nên các căn đạt được đều chậm lụt, tức gọi đó là lâu chứng đắc do hạnh lạc. Chỗ tu tập gia hạnh bị trở ngại, nên các căn đạt được đều chậm lụt, tức gọi đó là lâu chứng đắc do hạnh khổ. Đây gọi là lược nêu hai hạnh lâu chứng đắc. Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì các ông lược thuyết
Hai hạnh lâu chứng đắc
Là hạnh lạc, hạnh khổ
Do đấy lâu chứng đắc.
Gia hạnh không trở ngại
Các căn đều chậm lụt
Do đấy Đức Thế Tôn
Gọi lạc, lâu chứng đắc.
Gia hạnh có trở ngại
Các căn đều chậm lụt
Do đấy Đức Thế Tôn
Gọi khổ, lâu chứng đắc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Người nào gây tạo hai pháp này thì không thể phát sinh pháp thiện trắng sạch. Giả sử đã phát sinh thì không thể bền chắc. Giả sử đã bền chắc thì không thể viên mãn. Người kia đối với pháp thiện trắng sạch như vậy thường bị trở ngại, thường bị suy tôn, thường sinh hối hận. Sau khi qua đời, như trút bỏ gánh nặng, đọa trong địa ngục, chịu các sự đau khổ dữ dội. Hai pháp đó là:

1. Giới ác.
2. Kiến ác.

Người nào gây tạo hai pháp như đã nói, người ấy nhất định không thể phát sinh pháp thiện trắng sạch. Giả sử đã phát sinh, không thể bền chắc. Nói rộng, cho đến sau khi qua đời như trút bỏ gánh nặng, đọa trong địa ngục, chịu các sự đau khổ dữ dội.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai gây tạo hai pháp
Giới ác và kiến ác
Người đó không thể nào
Sinh pháp thiện trắng sạch.
Dẫu sinh nhưng không bền
Dẫu bền không viên mãn
Nơi pháp thiện trắng sạch
Bị suy tổn chướng ngại.
Người kia lúc lâm chung
Ăn năn và buồn khổ
Như trút bỏ gánh nặng
Nhất định sinh địa ngục.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Người nào thành tựu hai pháp này thì chắc chắn phát sinh pháp thiện trắng sạch; nếu trước đó phát sinh thì làm cho bền chắc; nếu đã bền chắc thì làm cho viên mãn. Người đó đối với pháp thiện trắng sạch không bị chướng ngại, không bị suy, không sinh lo buồn. Sau khi qua đời như trút bỏ gánh nặng, sinh lên cõi trời, nhận các sự an vui. Hai pháp đó là:

1. Giới thiện.
2. Kiến thiện.

Người nào thành tựu hai pháp như đã nói thì nhất định phát sinh pháp thiện trắng sạch, nếu trước đó phát sinh rồi thì làm cho bền chắc. Nói rộng cho đến sau khi qua đời trút bỏ gánh nặng, được sinh lên cõi trời, nhận các sự an vui.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai thành tựu hai pháp
Giới thiện và kiến thiện
Người đó sẽ nhất định
Sinh pháp thiện trắng sạch.
Đã sinh sẽ bền chắc
Nhất định được viên mãn
Nơi pháp thiện trắng sạch
Không suy tổn chướng ngại.
Người kia khi lâm chung
Không lo buồn khổ não
Như vứt bỏ gánh nặng
Nhất định sinh cõi trời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Người nào gây tạo hai pháp thì khi sắp lâm chung hay sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời bị đọa nơi các nẻo ác, sinh trong địa ngục. Hai pháp đó là làm và không làm.

Thế nào là làm? Nghĩa là thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Đó là làm.

Thế nào là không làm? Nghĩa là thân không làm việc thiện, miệng không nói lời thiện, ý không nghĩ điều thiện. Đó gọi là không làm.

Người nào gây tạo hai pháp như đã nói thì khi lâm chung hay sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời bị đọa nơi các nẻo ác, sinh trong địa ngục.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có những người ngu si
Luôn tạo ba hạnh ác
Không tạo ba hạnh lành
Dẫn đến sinh nhiều lỗi.
Người kia khi lâm chung
Nhất định sẽ lo buồn
Chết đọa các nẻo ác
Sinh trong chốn địa ngục.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Người nào thành tựu hai pháp thì lúc lâm chung không sinh lo buồn, sau khi qua đời thẳng lên nẻo thiện, sinh lên cõi trời. Hai pháp đó là làm và không làm.

Thế nào là làm? Nghĩa là thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Đó là làm.

Thế nào là không làm? Nghĩa là thân không làm việc ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ điều ác. Đó gọi là không làm.

Người nào thành tựu hai pháp như đã nói thì lúc lâm chung không sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời thẳng lên nẻo thiện, sinh lên cõi trời.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Những người có trí tuệ
Thường làm ba hạnh thiện
Không tạo ba hạnh ác
Dẫn đến đức phát sinh.
Khi thọ mạng sắp hết
Nhất định không lo buồn
Qua đời, lên nẻo thiện
Sinh ngay trong cõi Trời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai diệu trí nên tu tập và làm cho phát sinh, sẽ thường chứng đắc điều chưa chứng đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn. Hai pháp đó là:

1.Pháp trí.
2. Loại trí.

Khi Pháp trí phát sinh thì không còn điên đảo, biết khắp rõ các pháp hữu vi. Đối với pháp hữu vi đã biết rõ khắp rồi thì làm cho người kia đối với nhân của đời sau không thể phát sinh cùng tăng trưởng rộng lớn.

Khi Loại trí phát sinh thì có thể như đoạn diệt vô minh. Diệt vô minh nên không còn hý luận. Không còn hý luận nên không tầm, từ.

Không tầm, từ nên không dục lạc. Không dục lạc nên không yêu ghét. Không yêu ghét nên không keo kiệt, ganh ghét. Không keo kiệt, ganh ghét nên không còn những việc cầm nắm dao gậy đánh đập, làm tổn hại và mắng nhiếc lẫn nhau. Không nói những lời không chân thật, những lời ly gián nhau, những lời nhơ nhớp cùng vô lượng pháp ác, bất thiện khác. Do không có những pháp ác, bất thiện khác nên nghiệp đưa đến đời sau không tăng trưởng. Khi nghiệp đưa đến đời sau không tăng trưởng thì các nghiệp diệt tận. Các khổ diệt tận nên chấm dứt đường sinh tử. Đường sinh tử đã chấm dứt thì tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là có hai Diệu trí phải tu tập làm cho phát sinh, sẽ thường chứng đắc điều chưa chứng đắc, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai loại Diệu trí
Tu tập cho phát sinh
Chứng được đều chưa chứng
Là Pháp trí, Loại trí.
Khi Pháp trí phát sinh
Biết khắp pháp hữu vi
Làm cho đời vị lai
Không tăng nhân tái sinh.
Khi Loại trí phát sinh
Vô minh liền đoạn diệt
Do đấy sẽ lần lượt
Dứt sinh tử luân hồi.
Tự biết sinh đã dứt
Và phạm hạnh đã lập
Việc đáng làm đã làm
Không còn tái sinh nữa.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại Diệu trí nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn. Hai trí đó là Trí thế gian và Trí xuất thế gian.

Trí thế gian là đối với sắc uẩn có thể nhận biết đúng đắn đây là sắc uẩn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng như vậy. Đối với địa giới có thể nhận biết đúng đắn đây là địa giới. Đối với thủy, hỏa, phong và không, thức giới cũng như vậy. Đối với nhãn giới có thể nhận biết đúng đắn đây là nhãn giới. Đối với sắc giới và nhãn thức giới cũng vậy. Đối với nhĩ giới có thể nhận biết đúng đắn đây là nhĩ giới. Đối với thanh giới và nhĩ thức giới cũng như vậy. Đối với tỷ giới có thể nhận biết đúng đắn đây là tỷ giới. Đối với hương giới và tỷ thức giới cũng như vậy. Đối với thiệt giới có thể nhận biết đúng đắn đây là thiệt giới. Đối với vị giới và thiệt thức giới cũng như vậy. Đối với thân giới có thể nhận biết đúng đắn đây là thân giới. Đối với xúc giới và thân thức giới cũng như vậy. Đối với ý giới có thể nhận biết đúng đắn đây là ý giới. Đối với pháp giới và ý thức giới cũng như vậy. Trong các thế tục như vậy cũng nhận biết đúng như thật là như vậy, như vậy… Với trí kiến nơi thông tuệ hiện quán và giác ngộ, tất cả chiếu soi cùng khắp thì gọi đó là Trí thế gian. Các Thánh đệ tử đối với Trí thế gian đã nói này, nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ Trí thế gian này ngay trong khi tu tập thí có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh không? Có thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão không? Pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không an ổn cũng như vậy? Sau khi xét kỹ rồi thì có thể nhận biết đúng đắn Trí thế gian này ngay khi tu tập có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh, không thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão. Pháp bệnh, tử, sầu ưu, khổ não, không an ổn cũng như vậy. Vì sao? Vì Trí thế gian này không phải là pháp của Hiền thánh, không thể thoát khỏi hẳn, không thể hướng đến Niết-bàn, không thể nhàm chán hẳn, lìa bỏ hẳn, diệt trừ hẳn, không thể hoàn toàn vắng lặng, không thể thông tuệ đích thực, không phải Chánh đẳng giác, không thể chứng Niết-bàn. Vì đó là pháp đưa đến sinh, là pháp đưa đến lão, bệnh, tử, ưu sầu, khổ não không an ổn. Người kia đối với pháp như vậy nên suy xét, quán sát, lường tính kỹ, đối với pháp thế gian sinh ra tư tưởng sợ hãi. Đối với pháp xuất thế sinh ra tư tưởng an ổn. Do đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi nên hoàn toàn không chấp thọ. Do không chấp thọ nên không khát ái. Không khát ái nên tự chứng Niết-bàn cứu cánh tận cùng bên trong. Chứng Niết-bàn xong, tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó gọi là đối với Trí thế gian này nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Trí xuất thế gian nghĩa là đối với tất cả uẩn xứ giới có thể nhận biết đúng đắn các pháp này là tánh vô thường, tánh khổ, tánh bệnh, tánh ung nhọt, tánh như mũi tên, tánh phiền não, tánh độc hại, tánh sợ hãi, tánh nhiệt não, tánh phá hoại, tánh tiêu diệt, tánh tai nạn, tánh ngang ngạnh, tánh bệnh tật, tánh hư huyễn, tánh ngụy tạo, tánh trống rỗng, tánh hư vọng, tánh không có thật ngã, tánh khó tin tưởng. Đối với tánh các pháp như vậy cũng nhận biết đúng như thật là như vậy, như vậy. Với trí kiến, thông tuệ, hiện quán và giác ngộ, tất cả chiếu soi cùng khắp, thì gọi đó là Trí xuất thế. Các Thánh đệ tử đối với Trí xuất thế đã nói này, nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ về Trí xuất thế này ngay trong khi tu tập thì có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia có thể thoát hẳn sinh không? Có thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia có thể thoát hẳn lão không? Pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không yên ổn, cũng như vậy? Sau khi xét kỹ rồi thì có thể nhận biết đúng đắn Trí xuất thế này ngay trong khi tu tập, nhất định có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh. Nhất định làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão, pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không an ổn cũng như vậy. Vì sao? Vì Trí xuất thế này là pháp của Hiền thánh, là có thể ra khỏi hẳn, là thẳng đến Niết-bàn, là nhàm chán hẳn, xa lìa hẳn, diệt trừ hẳn, hoàn toàn vắng lặng, là thông tuệ đích thực, là Chánh đẳng giác, có thể chứng Niết-bàn, không phải là pháp đưa đến sinh, lão, bệnh, tử, ưu sầu, khổ não không an ổn. Người kia đối với pháp như vậy khi suy xét, lường tính quán sát kỹ, đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý, đối với pháp thế gian sinh tưởng thấp kém. Đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý nên sinh hoan hỷ. Do hoan hỷ nên tâm người đó an vui. Tâm an vui nên thân được nhẹ nhàng. Thân nhẹ nhàng nên cảm thọ sự hỷ lạc. Cảm thọ hỷ lạc nên tâm được tịch định. Tâm tịch định nên tri kiến đúng đắn. Tri kiến đúng đắn nên càng nhàm chán chối từ. Càng nhàm chán, chối từ nên ngay khi ấy lìa tham dục. Lìa tham dục nên được giải thoát. Được giải thoát nên tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó gọi là đối với Trí xuất thế này nên suy nghĩ đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.

Như vậy gọi là có hai loại Diệu trí nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng điều chưa chứng. Có thể vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có hai loại Diệu trí
Người trí nên suy xét
Là thế và xuất thế
Diệt trừ ngay các khổ.
Quán sát Trí thế gian
Phát sinh tưởng sợ hãi
Hoàn toàn không chấp giữ
Lần lượt chứng Niết-bàn.
Quán sát Trí xuất thế
Phát sinh tưởng tôn quý
Do đấy sinh hoan hỷ
Liền được thân khinh an.
Khinh an nên hỷ lạc
Hỷ lạc nên tâm định
Do tâm được tịch định
Liền phát sinh giác chi.
Giác chi quán Thánh đế
Lược nghi được trừ diệt
Không nghi, không chấp giữ
Thoát hẳn cảnh giới khổ.

Bài kệ tóm tắt phần kinh Bản Sự ở trước:

Hai căn, hai tiêu não
Hai hạnh, hai giới, kiến
Hai làm và chẳng làm
Hai trí có hai loại.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:
–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào vì muốn dối gạt các chúng sinh vì cầu danh tiếng, phóng đại chỗ hiểu biết của mình, cầu lợi dưỡng và sự cung kính mà xuất gia thì Bí-sô ấy không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Bí-sô nào mà thông đạt, vì biết khắp mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Vì sao? Vì các Bí-sô này do thông đạt, biết khắp nếu sau khi xuất gia tức có thể thông tỏ đúng như thật về chỗ thông đạt, nhận biết về chỗ biết khắp. Đã có thể thông tỏ đúng như thật về chỗ thông đạt, nhận biết về chỗ biết khắp thì có thể đoạn trừ đúng như thật về chỗ nên đoạn trừ, tu chỗ nên tu, chứng pháp nên chứng. Đã có thể đoạn, tu và chứng đúng như thật rồi thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên người nào đã thông đạt, biết khắp mà xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai mà tu hành phạm hạnh.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì danh tiếng dối gạt
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối.
Vì thông đạt, biết khắp
Mau chứng đắc tối thượng
Tu phạm hạnh chân thật
Là xuất gia chân thật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào vì muốn dối gạt các chúng sinh, vì cầu danh tiếng, phóng đại chỗ hiểu biết của mình, vì cầu lợi dưỡng mà cung kính xuất gia, thì Bí-sô đó không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hanh phạm hạnh. Bí-sô nào vì luật nghi, vì chánh đoạn mà xuất gia, thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Vì sao? Vì các Bí-sô này do luật nghi, do chánh đoạn mà xuất gia, nên sau khi xuất gia xong, có thể giữ gìn đúng như thật về sáu căn, không phá hủy giới cấm mau chóng chứng đắc chánh đoạn tối thượng. Đã có thể giữ gìn đúng như thật về sáu căn, phá hủy giới cấm và mau chứng đắc chánh đoạn vô thượng thì lập tức có thể đoạn trừ đúng như thật điều nên đoạn trừ, tu điều nên tu, chứng điều nên chứng. Đã có thể đoạn, tu, chứng rồi thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên, Bí-sô nào vì luật nghi, vì chánh đoạn mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì danh tiếng dối trá
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối
Vì luật nghi, chánh đoạn
Mau chứng đắc tối thượng
Tu phạm hạnh chân thật
Là xuất gia chân thật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô vì muốn lừa gạt chúng sinh, vì cầu danh tiếng phóng đại chỗ hiểu biết của mình, vì cầu lợi dưỡng và sự cung kính mà xuất gia, thì Bí-sô ấy không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Bí-sô nào vì nhàm chán, vì lìa dục mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp Như Lai tu hành phạm hạnh. Vì sao? Vì các Bí-sô này, do nhàm chán, do lìa dục mà xuất gia nên sau khi xuất gia xong, có thể nhàm chán đúng như thật, ly dục. Ly dục xong, liền được giải thoát. Giải thoát xong, tự nhận biết sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên Bí-sô nào vì nhàm chán, vì ly dục mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vì danh tiếng dối trá
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối.
Là nhàm chán, ly dục
Mau chứng nghĩa tối thượng
Chân thật tu phạm hạnh
Là xuất gia chân thật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Tất cả pháp môn do các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng, lược có hai loại. Đó là:

1. Đối với điều ác phải biết rõ, đúng.
2. Đối với điều ác càng phải nhàm chán.

Tất cả pháp môn do các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng lược có hai loại như vậy. Vì sao? Vì những người tu hành đối với các pháp ác phải nhận biết đúng đắn. Đối với các pháp ác đã nhận biết đúng đắn rồi thì nhàm chán, đã nhàm chán thì ly dục. Đã ly dục thì giải thoát. Đã giải thoát thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Người tu hành như vậy, đoạn hẳn các ái dục và các thứ trói buộc, hiện quán một cách đúng đắn, chấm dứt cảnh khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Nên biết chư Như Lai
Bậc Ứng Chánh Đẳng Giác
Thương xót khắp quần sinh
Thuyết giảng hai pháp môn.
Biết rõ các điều ác
Nhàm chán và ly dục
Được giải thoát tự tại
Chấm dứt cảnh giới khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai loại pháp, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn trừ được hai pháp.

Hai pháp gì mà tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn trừ hai pháp? Đó là quán Bất tịnh và quán Từ bi, có thể đoạn trừ tham dục và sân hận. Vì sao? Vì tất cả việc đã tham, đang tham, sẽ tham đều do tác y tư duy về tướng tịnh. Tất cả việc đã sân, đang sân, sẽ sân đều do tác ý tư duy về tướng oán. Tất cả tham dục hiện có đã đoạn, đang đoạn, sẽ đoạn đều do tác ý tu quán Bất tịnh. Tất cả sân hận hiện có, đã đoạn, đang đoạn, sẽ đoạn đều do tác ý tu Từ bi quán. Đối với quán Bất tịnh, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì nhất định đoạn được tất cả tham dục. Đối với quán Từ bi, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì nhất định đoạn được tất cả sân hận. Ai muốn quyết định đoạn trừ tham dục thì phải siêng năng tu tập quán Bất tịnh. Ai muốn quyết định đoạn trừ sân hận thì phải siêng năng tinh tấn tu quán Từ bi. Tu quán Bất tịnh thì không có tham dục nào là không thể đoạn được. Tu quán Từ bi thì không có sân hận nào là không thể đoạn được.

Như vậy gọi là có hai loại pháp, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn được hai pháp.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Tu tập, siêng tu tập
Hai pháp đoạn hai pháp
Bất tịnh đoạn tham dục
Từ bi đoạn sân hận.
Thế nên người có trí
Quán sát để tự lợi
Tu Bất tịnh, Từ bi
Đoạn tham dục, sân hận.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Cảnh giới Niết-bàn lược có hai loại, đó là:

1. Cảnh giới Niết-bàn Hữu dư y.
2. Cảnh giới Niết-bàn Vô dư y.

Thế nào là cảnh giới Niết-bàn Hữu dư y? Nghĩa là các Bí-sô đắc quả A-la-hán, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã xả bỏ gánh nặng, đã tự đạt mục đích, đã sạch các kết sử, đã nhận biết đúng đắn, tâm giải thoát hoàn toàn, đã được biết khắp. Do nghiệp đời trước làm duyên đưa đến các căn nên còn tiếp tục sống. Tuy các căn hoạt động đang tiếp xúc với vô số cảnh giới tốt, xấu nhưng luôn luôn nhàm chán, xả bỏ, không chấp trước gì cả, không bị sự trói buộc của yêu, ghét vì đã đoạn hẳn tất cả yêu, ghét… Cho nên người đó, đối với các sắc khi muốn thấy, tuy dùng sắc quán sát chúng nên không pháp sinh tham, sân, si… Tuy có mắt và có tốt xấu, nhưng không tham dục cũng không sân hận. Vì sao? Vì đã đoạn hẳn sự trói buộc của yêu, ghét. Người kia đối với các âm thanh khi muốn nghe, tuy dùng tai để nghe chúng nhưng không phát sinh tham, sân, si… Tuy có tai và âm thanh hay dở, nhưng không tham dục, cũng không sân hận. Vì sao? Vì đã đoạn trừ trói buộc của yêu ghét… Người kia đối với các hương không muốn ngửi, tuy dùng mũi ngửi chúng, nhưng không phát sinh tham, sân, si… Tuy có mũi và có hương thơm, mùi hôi, nhưng không tham dục, cũng không sân giận. Vì sao? Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét… Người kia đối với các vị khi muốn nếm, tuy dùng lưỡi để nếm chúng nhưng không sinh tham, sân, si… Tuy có lưỡi và vị ngon, dở, nhưng không tham dục, cũng không sân hận. Vì sao? Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét. Người kia đối với các xúc, khi muốn va chạm, tuy dùng thân để tiếp xúc chúng nhưng không phát sinh tham, sân, si… Tuy có thân và có xúc vừa ý, không vừa ý, nhưng không tham dục, cũng không sân hận. Vì sao? Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét. Người kia khi muốn đối với các pháp, khi muốn biết, tuy dùng ý để biết các pháp, nhưng không phát sinh tham, sân, si… Lìa các tham dục, chứng đắc Niết-bàn, hoàn toàn vắng lặng, nên nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn vì những chúng sinh có sự sợ hãi kia, vì những người thường bị đoạn kiến trói buộc kia khiến họ nhận biết nghiệp quả không hư mất. Chánh pháp được thuyết giảng, giải thoát ngay nơi hiện tại, đúng lúc và có thể chứng đắc được, có lợi ích, người trí tự chứng, là pháp chân thật để đối trị với thế gian, có thể diệt trừ được tâm kiêu mạn, khát ái, tổn hại cho chúng sinh, chấm dứt các đường luân hồi, chứng tánh chân không, lìa các tham dục, chứng đắc Niết-bàn tịch diệt rốt ráo”. Như vậy gọi là người có Tuệ nhãn, có thể quán sát đúng đắn. Như vậy gọi là hai thứ trói buộc nên làm cho các hàng trời, người, một loại thì khiếp nhược, một loại lại dũng mãnh.

Người có Tuệ nhãn có thể quán xét đúng đắn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Do hai thứ trói buộc
Khiến các chúng trời, người
Một loại sinh khiếp nhược
Một loại lại dũng mãnh.
Thanh văn có Tuệ nhãn
Luôn quán sát như thật
Chán lìa trừ được mạn
Chứng Niết-bàn viên mãn.
Lại nhận biết như thật
Chánh pháp Phật giảng dạy
Diệt đoạn kiến, thường kiến
Hai ái không còn gì.
Long vương có Tuệ nhãn
Rưới mưa pháp cùng khắp
Diệt các lửa phiền não
Được mát mẻ hoàn toàn.

Tuy có ý và pháp tốt xấu nhưng không tham dục, cũng không sân hận. Vì sao? Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của ái, sân, cho đến người đó vẫn tiếp tục sống ở thế gian chưa Bát-niết-bàn, thường được hàng trời, người chiêm ngưỡng, lễ bái, cung kính, cúng dường. Đó gọi là cảnh giới Niết-bàn Hữu dư y.

Thế nào là cảnh giới Niết-bàn Vô dư y? Nghĩa là các Bí-sô đắc quả A-la-hán, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã đạt đến mục đích, đã hết hữu kết, đã nhận biết đúng đắn, đã giải thoát hoàn toàn, đã được biết khắp. Người đó ngay khi ấy tất cả những gì đã cảm thọ không làm nhân để đưa đến ái, nên không còn mong cầu, diệt hẳn tất cả, nên hoàn toàn vắng lặng, hoàn toàn mát mẻ, nên ẩn mất không còn hiện nữa. Chỉ do thanh tịnh, thể của nó là không hý luận. Sự thanh tịnh này, thể của nó hoàn toàn vượt khỏi hý luận, nên không thể gọi đó là có, không thể gọi là không, không thể gọi là cũng vừa có, cũng vừa không, không thể gọi là cũng không có, cũng không không. Chỉ có thể nói rằng: Niết-bàn cứu cánh là không thể nêu bày. Đó gọi là cảnh giới Niết-bàn Vô dư y.

Bí-sô nên biết! Như vậy gọi là lược nêu về Niết-bàn có hai loại. Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Lậu hết tâm giải thoát
Duy trì thân sau cùng
Gọi Niết-bàn hữu dư
Các hành còn tiếp nối.
Các thọ đã diệt xong
Như nước trong mát mẻ
Gọi Niết-bàn vô dư
Ở ngoài sự bàn luận.
Hai thứ Niết-bàn này
Tối thượng, không đâu bằng
Là pháp nay và sau
Vắng lặng thường an vui.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Do hai thứ trói buộc nên làm cho hàng trời, người một loại thì khiếp nhược, một loại lại dũng mãnh. Người có Tuệ nhãn nên quán sát đúng đắn.

Hai triền là gì? Đó là có kiến trói buộc và không có kiến trói buộc.

Thế nào là một hạng trời, người khiếp nhược?

Nghĩa là có hạng trời, người khát ái, yêu thích hữu, say đắm về hữu. Vì để diệt hữu nên khi nghe thuyết pháp không chịu cung kính lắng tai nghe nhận, cũng không chịu vâng theo lời dạy bảo, không chịu tùy thuận tu tập theo đúng chỗ thật, đúng, chỉ sinh khiếp nhược, sợ hãi thoái lui: “Bấy giờ chúng ta phải làm sao đối với hữu? Bấy giờ chúng ta phải như thế nào đối với hữu? Như vậy gọi là một hạng trời, người khiếp nhược.

Thế nào là một hạng trời, người dũng mãnh?

Nghĩa là có hạng trời, người sợ hữu, nhàm chán hữu, mong cầu không có hữu và vô số pháp khổ bức bách nên thâu nhận, chấp trước những việc như vậy. Đối với các ác kiến, họ nghĩ thế này: Ta nên đoạn trừ và làm cho chúng diệt mất, không còn xuất hiện nữa. Bấy giờ, mới gọi là tịch tĩnh vi diệu. Như vậy gọi là một hạng trời, người dũng mãnh.

Thế nào gọi là có Tuệ nhãn có thể quán sát đúng đắn?

Nghĩa là hàng Thánh Thanh văn quán sát đúng như thật, sau khi quán sát xong, không đối với việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không nương vào việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không nhận nơi việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không ỷ vào việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn. Sau khi thấy đúng như thật rồi liền sinh nhàm chán. Sau khi nhàm chán liền lìa dục, lìa dục xong, được giải thoát. Giải thoát xong tự thấu rõ: sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa và nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn vì các hữu tình yêu thích hữu kia, vì các hữu tình thường bị thường kiến trói buộc kia khiến diệt trừ hữu, nên đã thuyết giảng chánh pháp vi diệu sâu xa, khó thấy, khó ngộ, tịch tĩnh thắng, không phải là các cảnh giới của suy nghĩ, tư duy, đó là chỗ chứng đắc chắc chắn của những bậc có trí tuệ. Vế pháp đối trị chân thật cho tất cả thế gian, nghĩa là có thể diêt trừ tâm kiêu mạn, khát ái, tổn hại cho chúng sinh, đoạn các đường luân hồi, chứng tánh chân không.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341386
Số người trực tuyến: