1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 2) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp (Phần 2)

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

QUYỂN 4

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP


PHẦN HAI

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào giảm bớt sự ngủ nghỉ, luôn chánh niêm, tỉnh giấc, thường sống trong sự thanh tịnh, hoan hỷ, đối với các pháp thiện quán sát đúng lúc, thích nghi để tu tập đúng đắn. Bí-sô nào giảm bớt sự ngủ nghỉ, luôn chánh niệm, tỉnh giác, thường sống trong sự thanh tịnh, hoan hỷ, đối với các pháp thiện quán sát đúng lúc, thích nghi để tu tập đúng đắn như vậy, thì ngay trong hai quả, tuy theo chứng được một quả, nghĩa là ngay trong đời này, chứng Niết-bàn Hữu dư y, hoặc quả Bất hoàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người nghe pháp giác ngộ
Tu hành được thắng quả
Người tham đắm ngủ nghỉ
Không thể nào chứng đắc.
Người ít sự ngủ nghỉ
Luôn chánh niệm, tỉnh giác
Giữ tâm được an trụ
Thường thanh tịnh hoan hỷ.
Đối với các pháp thiện
Biết thời nghi tu tập
Vượt qua được tất cả
Khổ, sinh, già, bệnh, chết.
Thế nên phải siêng tu
Giảm bớt sự ngủ nghỉ
Thường quán sát tịch tĩnh
Được hai quả vô ngại.
Hoặc đoạn kết hạ phần
Chứng được quả Bất hoàn
Hoặc đoạn kết thượng phần
Thoát sinh, già, bệnh, chết.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào ở chỗ hoàn toàn thanh tịnh, thường ưa thiền tọa, nội tâm siêng năng tinh tấn, tu tập chỉ quán, không lìa tĩnh lự, thành tựu thiền quán thanh tịnh, sáng suốt, giữ gìn tâm mình không cho tán loạn, đối với các pháp thiện, tu tập không nhàm chán. Như vậy Bí-sô này ta nói rằng: vị ấy ngay trong hai quả, chắc chắn chứng được một quả. Nghĩa là ngay trong đời này chứng quả Niết-bàn Hữu dư y, hoặc quả Bất hoàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ưa ngồi thiền chỗ vắng
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Giữ tâm được an trụ
Lìa phân biệt hư vọng.
Khéo phòng hộ tâm mình
Mau đoạn trừ vô minh
Và các dục, phiền não
Chân thật không ưu sầu.
Tâm tư thường vắng lặng
Được chánh niệm hoàn toàn
Giải thoát không chấp trước
Đoạn trừ hẳn tham dục.
Thường lạc, không phóng dật
Sợ hãi việc buông lung
Đoạn trừ hẳn các kiến
Mau chứng Bát-niết-bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Bí-sô nào không hổ, không thẹn, người đó nhất định không thể thông đạt, không thể biết khắp, không thể chứng Đẳng giác, Niết-bàn, không thể chứng đắc Vô thượng an lạc. Bí-sô nào có hổ, có thẹn, người đó nhất định thông đạt, biết khắp, chứng Đẳng giác Niết-bàn và chứng đắc Vô thượng an lạc rốt ráo. Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người không hổ, không thẹn
Biếng trễ, không tinh tấn
Luôn hôn trầm thùy miên
Thật khó bỏ sạch kết.
Người có hổ, có thẹn
Luôn luôn không phóng dật
Ưa thiền định vắng lặng
Cách Niết-bàn không xa.
Người đoạn trừ các kết
Cùng sinh, già, bệnh, chết
Mau chứng được Chánh giác
Được Vô thượng an lạc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Những người xuất gia lược có hai loại, việc cần phải làm, đều có thể làm đúng đắn, tức đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hiểu biết chân chánh đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn. Hai pháp đó là:

1. Tĩnh lự (Thiền định).
2. Nghe pháp.

Thế nào là Tĩnh lự? Nghĩa là các Bí-sô xa lìa các pháp dục, ác, bất thiện, có tầm có từ, đạt đến sinh ly hỷ lạc, an trụ đầy đủ là tĩnh lự thứ nhất. Không còn tầm từ, trong tâm hoàn toàn thanh tịnh, không tầm không từ, định sinh hỷ lạc, an trụ đầy đủ là tĩnh lự thứ hai. Ly hỷ, trụ xả, chánh niệm tỉnh giác, thân thọ diệu lạc như lời dạy của các bậc Thánh. Có xả, có niệm, an trụ nơi diệu lạc, an trụ đầy đủ là tĩnh lự thứ ba. Đoạn khổ, đoạn lạc, diệt ưu và khổ các thiền trước, không khổ không lạc, an trụ đầy đủ, xả niệm thanh tịnh, đó là tĩnh lự thứ tư.

Thế nào là nghe pháp? Tức là các Bí-sô đối với lời Phật dạy, đầu, giữa, cuối hoàn toàn thiện, văn, nghĩa vi diệu hoàn toàn là pháp thanh bạch, phạm hạnh, đó là các pháp nơi Khế kinh, Ứng dụng, Ký biệt, Già-tha, Tự thuyết, Bản sinh, Bản sự, cùng với Phương quảng và Vị tằng hữu, đối với các pháp như vậy, thọ trì, đọc tụng, nghe giảng, tu tập thông suốt, giải thích rõ ràng. Đó gọi là nghe pháp.

Như vậy gọi là người xuất gia lược có hai việc phải làm. Ai làm đúng như vậy sẽ đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hiểu biết đúng đắn, đạt cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Xuất gia có hai việc
Làm đúng việc phải làm
Tĩnh lự và nghe pháp
Mau chứng đắc Niết-bàn.
Tĩnh lự, nhân sinh tuệ
Đắc tuệ do tĩnh lự
Có thiền, có trí tuệ
Mau chứng đức Niết-bàn.
Trăm ngàn Tăng dê câm
Không tuệ, không tu thiền
Dầu trải trăm ngàn năm
Không ai chứng Niết-bàn.
Người siêng tu trí tuệ
Ưa nghe pháp, thuyết pháp
Giữ niệm trong giây lát
Mau chứng đắc Niết-bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Tầm cầu có hai loại, hoàn toàn không có loại thứ ba. Thế nào là hai? Sự tầm cầu của bậc Thánh và sự tầm cầu của phi Thánh.

Thế nào là sự tầm cầu phi Thánh? Nghĩa là có hạng người đã có pháp lão, đã có pháp bệnh, tầm cầu pháp bệnh, đã có pháp tử, pháp sầu, pháp nhiễm, tầm cầu pháp tử, pháp sầu, pháp nhiễm.

Thế nào là pháp lão? Nghĩa là vợ con, nô tỳ, tôi tớ, voi ngựa, trâu dê, heo gà, vườn ruộng, vàng bạc, của cải, thóc lúa, đó là pháp lão. Pháp lão này là nguồn gốc sinh tử khổ nơi hữu tình. Phàm phu, ngu tối gìn giữ những thứ này, nhiễm ái, đắm chấp, do đấy không thể thoát khỏi sinh tử nên gọi là pháp lão.

Thế nào là pháp bệnh? Nghĩa là vợ con, nô tỳ, tôi tớ. Nói rộng ra cho đến… do đây không thể thoát khỏi sinh tử nên gọi là pháp bệnh.

Thế nào là pháp tử? Nghĩa là vợ con, nô tỳ, tôi tớ. Nói rộng ra cho đến… do đấy không thể thoát khỏi sinh tử nên gọi là pháp tử.

Thế nào là pháp sầu? Nghĩa là vợ con, nô tỳ, tôi tớ. Nói rộng ra cho đến… do đấy không thể thoát khỏi sinh tử nên gọi là pháp sầu.

Thế nào là pháp nhiễm? Nghĩa là vợ con, nô tỳ, tôi tớ, voi ngựa, trâu dê, heo gà, vườn ruộng, vàng bạc, của cải, thóc lúa, đó là pháp nhiễm. Pháp nhiễm này là nguồn gốc của sinh tử khổ nơi các hữu tình. Phàm phu ngu tối giữ gìn những thứ này, nhiễm ái đắm chấp, do đấy không thể thoát khỏi sinh tử, nên gọi là pháp nhiễm. Ai đối với những thứ này ưa thích, tầm cầu, nên biết đó là sự tầm cầu phi Thánh. Người tầm cầu như vậy, Như Lai hoàn toàn không khen ngợi, tán thán, chỉ khuyên bảo, dắt dìu, làm cho người đó biết để xả bỏ. Vì sao? Vì sự tầm câu phi Thánh như vậy, Như Lai hoàn toàn không khen ngợi, tán thán, chỉ khuyên nhủ, dắt dìu, làm cho biết để xả bỏ. Vì do việc tìm cầu ấy chẳng phải là pháp của Hiền thánh, không thể xuất ly, không thể hướng đến Niết-bàn, không nhàm lìa, không tịch diệt, không đắc thông tuệ, không thành tựu Chánh giác, không chứng Niết-bàn. Do việc tầm cầu này đưa đến tất cả các pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, bức bách. Đó là sự tầm cầu phi Thánh, nên Đức Như Lai hoàn toàn không khen ngợi, tán thán, chỉ khuyên nhủ, dắt dìu làm cho hiểu biết để xả bỏ.

Thế nào là sự tầm cầu của bậc Thánh? Nghĩa là có hạng người đã có pháp lão, có thể tự thấu tỏ: Ta có pháp lão, có thể nhận biết đúng như thật về lỗi lầm của pháp lão, tìm cầu Niết-bàn an lạc vô thượng, hoàn toàn không có pháp lão. Hạng người đã có pháp bệnh, tự thấu tỏ: Ta có pháp bệnh, có thể nhận biết đúng như thật về lỗi lầm của pháp bệnh, tìm cầu Niết-bàn an lạc vô thượng, hoàn toàn không có pháp bệnh. Hạng người đã có pháp tử, tự thấu tỏ: Ta có pháp tử. Có thể nhận biết đúng như thật về lỗi lầm của pháp tử, tìm cầu Niết-bàn an lạc vô thượng, hoàn toàn không có pháp tử. Người đã có pháp sầu, tự thấu tỏ: Ta có pháp sầu. Có thể nhận biết đúng như thật về lỗi lầm của pháp sầu, tìm cầu Niết-bàn an lạc vô thượng, hoàn toàn không có pháp sầu. Người đã có pháp nhiễm, tự thấu tỏ: Ta có pháp nhiễm, có thể nhận biết đúng như thật về lỗi lầm của pháp nhiễm, tìm cầu Niết-bàn an lạc vô thượng, hoàn toàn không có pháp nhiễm.

Như vậy gọi là sự tầm cầu bậc Thánh. Sự tầm cầu như vậy được tất cả các Đức Như Lai khen, ngợi tán thán.

Vì duyên gì mà tìm cầu của bậc Thánh này được tất cả các Đức Như Lai khen ngợi, tán thán? Do việc tầm cầu ấy là pháp của Hiền thánh, có thể xuất ly hẳn, có thể hướng đến Niết-bàn, có thể chán lìa, tịch diệt, đắc thông tuệ, thành tựu Đẳng chánh giác, chứng Niết-bàn. Do việc tìm cầu này có thể vượt khỏi tất cả pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt, vì thế gọi là tầm cầu của bậc Thánh, được tất cả các Đức Như Lai khen ngợi, tán thán nên gọi là tầm cầu có hai cách, hoàn toàn không có cách thứ ba. Các ông nên học như vầy: Ta nên làm sao xa lìa sự tầm cầu phi Thánh như vậy. Ta nên làm sao để tu hành đúng như sự tầm cầu theo bậc Thánh như vậy. Bí-sô các ông nên học như thế.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Tất cả loài hữu tình
Có hai cách tầm cầu
Hoàn toàn không có ba
Là Thánh và phi Thánh.
Không biết lão, bệnh, tử
Pháp sầu, nhiễm, lỗi lầm
Càng mong cầu ái, chấp
Gọi tầm cầu phi Thánh.
Các khổ này tăng trưởng
Không có ngày ra khỏi
Từ sinh lại đến sinh
Nơi nẻo cao và thấp.
Biết rõ lão, bệnh, tử
Pháp sầu, nhiễm, lỗi lầm
Mong cầu Niết-bàn giới
Gọi tầm cầu chân Thánh.
Các khổ được giảm bớt
Mau chứng đắc Niết-bàn
Luôn an lạc mát mẻ
Thường vô lậu không sợ.
Kẻ tầm cầu phi Thánh
Chư Phật thường quở trách
Là cội gốc sinh tử
Người trí nên xa lìa.
Người tầm cầu chân Thánh
Chư Phật thường khen ngợi
Là đường đến Niết-bàn
Người có trí nên tu.

Tóm tắt nơi bài kệ phần kinh Bản Sự ở trước:

Vì thông đạt luật nghi
Chán tri cõi bất tịnh
Học kinh, giác tu thiền
Thẹn, hành động, tầm cầu.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Pháp thiện trắng sạch, lược có hai loại, có thể hộ trì thế gian. Hai pháp đó là hổ và thẹn. Nếu không có hai pháp thiện trắng sạch này thì tất cả hữu tình trong thế gian đều thành tạp loạn, giống như trâu, dê, heo, gà, chó… không biết cha mẹ, anh em, chị em, không biết thầy hướng dẫn, Bổn sư và các vị thầy khác. Do đó hai pháp thiện trắng sạch này mà hữu tình ở thế gian lìa các tạp uế, không giống như các loài súc sinh… Biết rõ cha mẹ, anh em, chị em. Biết rõ vị thầy hướng dẫn, Bổn sư và các vị thầy khác. Thế nên, các thầy nên học như vầy: “Ta phải làm sao để thành tựu hai loại pháp thiện bạch tịnh là hổ, thẹn tối thắng này?” Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hai pháp thiện trắng sạch
Hộ trì cho thế gian
Không mất nẻo trời, người
Đó là hổ và thẹn.
Không có hai pháp này
Không biết được tôn ty
Hỗn tạp giống trâu, dê
Cùng như gà, heo, chó.
Do đó hai pháp ấy
Phân biệt, biết tôn ty
Không phải như trâu, dê
Làm các việc uế tạp.
Những người có trí tuệ
Thành tựu hai bạch pháp
Luôn giữ nẻo trời, người
Không đọa ba đường dữ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ta là Bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khi chưa thành Phật, còn ở quả vị Bồ-tát, phần nhiều an trụ nơi hai loại tầm, tư. Hai loại đó là:

1. Như Lai khi còn ở quả vị Bồ-tát, thường sống trong suy nghĩ bất hại, hoan hỷ vui vẻ như vậy, gọi đó là thường suy nghĩ, vui vẻ thứ nhất. Do sống trong sự tu tập đúng như vậy nên đối với các loại hữu tình, hoàn toàn không làm tổn hại. Do suy nghĩ này chứng được vô lượng Phạm trụ một cách viên mãn.
2. Như Lai khi còn ở quả vị Bồ-tát, thường sống trong suy nghĩ, đoạn trừ, vĩnh viễn hoan hỷ, vui vẻ. Sống trong suy nghĩ đoạn trừ, vĩnh viễn, hoan hỷ vui vẻ như vậy, gọi đó là thường suy nghĩ, vui vẻ thứ hai.

Sống trong sự tu tập đúng như vậy, nên đối với pháp bất thiện có thể đoạn trừ hẳn. Do suy nghĩ này nên chứng được đạo thù thắng, thiện căn viên mãn. Ta ngay khi ấy sống trong hai loại suy nghĩ này, nên tinh tấn dũng mãnh, cho đến tất cả máu thịt nơi thân đều khô diệt, thân thể chỉ còn gân da bọc xương, cũng không phóng dật. Cho đến phải thấy, phải biết, phải hiểu, phải đắc, phải chứng đối với pháp chưa biết, chưa thấy, chưa đắc, chưa hiểu, chưa chứng. Trong khoảng giữa thời gian đó, sống không phóng dật, tinh tấn, dũng mãnh, chưa từng từ bỏ. Do không có phóng dật, tinh tấn dũng mãnh không lìa bỏ nên mau chứng Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, mau chứng Niết-bàn vô thượng mát mẻ, mau chứng Nhất thiết tri kiến vô thượng. Thế nên các ông nên học như vầy: Ta phải làm thế nào để thường sống trong suy nghĩ bất hại, hoan hỷ vui vẻ và làm thế nào để thường sống trong suy nghĩ đoạn trừ vĩnh viễn, hoan hỷ, vui vẻ.

Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi Phật làm Bồ-tát
Thường sống trong hai pháp
Là bất hại, vĩnh đoạn
Nghĩ hoan hỷ, vui vẻ.
Không hại các hữu tình
Tu Từ, Bi, Hỷ, Xả
Chứng vô lượng Phạm trụ
Viên mãn và thông suốt.
Vĩnh đoạn pháp bất thiện
Và các dây phiền não
Chứng đắc các căn lành
Viên mãn đạo thù thắng.
Thường dũng mãnh, tinh tấn
An trụ không phóng dật
Chứng Bồ-đề vô thượng
Cùng Niết-bàn an lạc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, Sát-đế-lợi… phần nhiều làm các việc bố thí cho các ông y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, phòng xá, đồ dùng đúng như pháp. Còn Bí-sô các ông có nhiều việc phải làm, đó là: Các ông giảng thuyết chánh pháp, đầu đuôi giữa đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, đầy đủ pháp phạm hạnh cho họ. Do đó, được giải thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức. Bánh xe pháp của các ông và bánh xe tài của họ nương tựa nhau để vận chuyển, ở trong giáo pháp của Như Lai siêng tu phạm hạnh, mau đến thành Niết-bàn vô thượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Xuất gia và tại gia
Nương tựa, hỗ trợ nhau
Hai bánh xe tài, pháp
Mau đến thành Niết-bàn.
Xuất gia nương tại gia
Được của cải như pháp
Tại gia nương xuất gia
Được chánh pháp vi diệu.
Hai chúng nương tựa nhau
Nhận an lạc trời, người
Vượt sinh, già, bệnh, chết
Đạt Niết-bàn thanh lương.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Nương vào giới luật, có thể tu hai pháp. Hai pháp đó là: Thiền chỉ là Thiền quán. Nghĩa là người tu hành nương vào giới luật để tu Thiền chỉ. Đã tu thiền chỉ rồi, làm cho tâm tu tập được viên mãn. Vì việc gì mà tu tập tâm ấy? Tu tập tâm ấy là để đoạn tham. Những người tu hành nương vào giới luật, tinh tấn tu tập Thiền quán rồi làm cho tu tuệ viên mãn. Tu tập tu tuệ ấy để làm gì? Người tu tập tuệ là để đoạn si. Tâm bị tham cấu nhiễm, khiến không được giải thoát. Tuệ bị si làm cấu nhiễm, khiến không được chiếu sáng. Ai xa lìa hẳn tham thì được tâm giải thoát hoàn toàn. Ai lìa hẳn si thì được tuệ giải thoát hoàn toàn. Ai đối với hai loại giải thoát này dùng chánh tri kiến để tự chứng đắc, ta nói người đó được tuệ giải thoát hoàn toàn, là bậc Trượng phu tối thượng, tự mình tu tập. Các Thánh đệ tử, ngay khi chứng đắc tâm giải thoát như vậy, nếu bị người khác mắng nhiếc, quở trách, khinh lờn, hủy nhục… họ không vì duyên này phát sinh vô số tâm bất nhẫn, bất tín, hại, hận…Vì sao? Vì do họ có thể soi thấy rõ những việc mắng nhiếc của người khác là người đó có tội, nơi họ không tổn hại.

Các Thánh đệ tử ngay khi chứng đắc tâm giải thoát như vậy, nếu được người khác khen ngợi, tán thán, cung kính lễ bái, cúng dường…, họ không duyên nơi việc này phát sinh vô số tâm hoan hỷ, vui thích, hớn hở… Vì sao? Vì họ có thể soi thấy rõ được những sự khen ngợi tốt đẹp… của người kia là người kia được phước, họ không có lợi. Ai có thể làm được như vậy, gọi đó là người đối với pháp thế gian được tâm bình đẳng, không buồn, không vui, an ổn, tự tại. Thế nên, các ông phải làm như vầy: “Ta nên nương vào giới luật tu Thiền chỉ, Thiền quán như thế nào?” Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Nương vào giới thanh tịnh
Tu Chỉ, Quán, không tội
Giữ kín căn và ý
Chứng Niết-bàn cam lồ.
Tu Chỉ điều phục tâm
Điều tâm lìa tham dục
Lìa dục chứng giải thoát
Chứng giải thoát, tâm bình.
Tu Quán, trí tuệ sáng
Tuệ sáng diệt si ám
Diệt ám, chứng giải thoát
Chứng giải thoát, tâm bình.
Nên Bí-sô các ông
Tinh tấn, chớ buông lung
Luôn nương vào giới luật
Tu Chỉ, Quán không tội.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Người tu học thắng lợi, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh thì trí tuệ là đứng đầu, chắc chắn được giải thoát, đạt được tối thượng về niệm. Người nào thành tựu việc tu học thắng lợi, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh thì tuệ là đứng đầu, chắc chắn được giải thoát, đạt được tối thượng về niệm. Người ấy hoàn toàn không bị tham do vị ngọt của sắc trói buộc, quấy nhiễu tâm mình. Người cũng lại không bị sự tham đắm về vị ngọt của thanh, hương, vị, xúc, pháp trói buộc, quấy nhiễu tâm mình. Tâm người đó nhờ không bị tham trói buộc nên không chạy theo, tham đắm sự nhận thức đối với tướng mạo của sắc, không chạy theo vị ngọt do sự phân biệt tướng mạo của thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì ngay trong hai sẽ chứng được một quả, nghĩa là ngay trong đời nay chứng được quả Niết-bàn Hữu dư y hoặc quả Bất hoàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người tu học thù thắng
Nương Phật tu phạm hạnh
Trí tuệ đứng hàng đầu
Chắc chắn được giải thoát.
Niệm tôn quý hơn hết
Chứng một trong hai quả
Pháp Niết-bàn hiện tại
Và vĩnh viễn Bất hoàn.
Do tuệ đứng hàng đầu
Tham không quấy động tâm
Không duyên theo các sắc
Tướng mạo do thức sinh.
Viên mãn giới thù thắng
Sinh định tuệ, thắng thượng
Dứt cảnh sinh, lão, tử
Chứng Niết-bàn hữu dư.
Nên Bí-sô các ông
Siêng năng tu giới, định
Sinh thắng tuệ vi diệu
Dứt sinh, già, bệnh, chết.
Trong pháp luật của ta
Người không hề phóng dật
Định lực phá quân ma
Dứt hẳn cảnh giới khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Tất cả các pháp ác, bất thiện ở thế gian đều do vô minh dẫn đầu nên sinh trưởng. Do không có hổ thẹn hỗ trợ ở sau nên không bị tổn giảm. Vì sao? Vì tất cả các nẻo sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức… đều lấy vô minh làm gốc để sinh trưởng. Sinh trưởng xong lại nương vào đó phát sinh ra tất cả pháp ác bất thiện. Pháp ác bất thiện sinh ra là do không có sự hổ thẹn, không hối tiếc. Không hối tiếc nên không giảm bớt. Tất cả pháp thiện thanh tịnh ở thế gian đều do trí tuệ dẫn đầu nên sinh trưởng. Do hổ và thẹn hỗ trợ ở sau nên không tổn giảm. Vì sao? Vì trí tuệ đứng trước và hổ thẹn đứng sau nên có thể đoạn hết các nẻo phát sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, có thể vượt tất cả pháp ưu sầu khổ não thiêu đốt. Có thể đạt hiểu biết đứng đắn, được cam lồ, chứng đắc Niết-bàn.

Thế nên các ông nên học như vầy: “Ta phải tu tập như thế nào để đoạn hẳn vô minh và phát sinh trí tuệ sáng suốt, đoạn hẳn tất cả các nẻo sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, vượt khỏi tất cả pháp ưu sầu, khổ não… đạt hiểu biết đúng đắn, được cam lồ, chứng đắc Niếtbàn”. Bí-sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Đời này và đời sau
Sinh, già cùng bệnh, chết
Tham ái, các phiền não
Do vô minh làm gốc.
Vô minh rất ưu tối
Khiến đọa mãi sinh tử
Đời này và đời sau
Luân hồi trong các nẻo.
Do vô minh đứng đầu
Không hổ thẹn ở sau
Sinh trưởng các pháp ác
Đọa nơi các nẻo ác.
Thế nên phải tinh tấn
Lìa tham ái, ngu si
Phát sinh trí tuệ sáng
Đoạn gốc khổ sinh tử.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì thương xót thế gian nên xuất hiện ở đời. Các Đức Như Lai muốn đoạn trừ, xả bỏ hẳn hai pháp nên Chuyển pháp luân vô thượng của Thánh hiền. Tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm trong thế gian, chưa ai có khả năng chuyển được pháp luân này. Hai pháp đó là:

1. Vô minh.
2. Hữu ái.

Tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời là vì thương xót thế gian, vì muốn đoạn trừ, xả bỏ hẳn hai pháp này, nên Chuyển pháp luân vô thượng của Hiền thánh. Nói rộng ra cho đến chưa ai có thể chuyển pháp luân như vậy. Ai có thể đoạn trừ, xả bỏ hẳn tất cả vô minh và các hữu ái đã có thì khiến cho người đó dứt hẳn hết không còn sót. Người đó có thể đoạn hẳn tất cả phiền não và các pháp tạp nhiễm, đó gọi là người ra khỏi các hầm hố, vượt các tường thành, phá sự đóng bít, bẻ gãy các pháp thuật của đám ngoại đạo, là Hiền thánh đích thực, là ngọn cờ của Chánh pháp, là đại Sa-môn, Bà-la-môn, là thông tuệ chân chánh, là sự thanh tịnh viên mãn, là chân trí tuệ, là sự điều thuận đúng đắn. Người đó là ruộng phước ở thế gian.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Vô Thượng Chánh Đẳng Giác
Bậc Thượng Thủ trong đời
Đại hùng, đại trượng phu
Bậc nhổ các tên độc.
Thương xót khắp thế gian
Vì đoạn trừ hai pháp
Vô minh và hữu ái
Chuyển pháp luân vô thượng.
Là khổ và nhân khổ
Diệt trừ hết các khổ
Tu tám chi Thánh đạo
Diệt khổ, đắc Niết-bàn.
Người trí nghe pháp này
Tin hiểu thật vững chắc
Đạt các pháp chân chánh
Đoạn vô minh, hữu ái.
Vô minh, hữu ái trừ
Các tạp nhiễm đều diệt
Bậc điều thuận chí thiện
Gọi ruộng phước ở đời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Có hai việc khổ rất khó chịu đựng:

1. Cạo bỏ râu tóc.
2. Thường đi khất thực.

Vì sao? Vì người đời thù oán nhau, nên tạo ra những chú thuật để trù yếm, mong cho những người kia nghèo cùng, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cũ rách, tay cầm bát đất, lang thang từ nhà này đến nhà khác xin ăn để sống.

Những thiện nam có lòng tin thanh tịnh, thọ trì pháp này mà xuất gia, không phải vì sự áp bức của nhà vua, giặc, chủ nợ. Cũng không phải vì sợ chết mà bỏ gia đình, mà chỉ muốn vượt khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt. Chỉ vì diệt trừ toàn bộ khối khổ lớn, các đệ tử của ta vì cầu đạt những việc như vậy mà chánh tín xuất gia, vì lợi mình, lợi người mà thọ trì pháp này. Hoặc giả có người xuất gia như vậy rồi, trải qua thời gian không bao lâu lại kiêu mạn, buông lung, biếng trễ, siêng làm việc hèn kém, quên mất chánh niệm, không có tỉnh giác, tâm loạn không định, các căn phóng túng, nhiều tham dục, đắm chấp, lòng đầy sân giận, ngu không hiểu biết, tham nhiễm các dục, tư duy hư vọng, hủy các giới cấm, chẳng phải thật Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, chẳng phải thật phạm hạnh, tự xưng là phạm hạnh, bên trong thì hủ bại, nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì tốt đẹp. Như con ốc sên hôi hám, hành động thì xấu xa nhưng giọng điệu lại dịu dàng, che đậy cái xấu, dối bày cái tốt, tạo thành vô số pháp ác bất thiện. Ví như người từ chỗ tối đi vào chỗ tối, từ hầm hố rơi vào hầm hố, từ oán đến oán. Ta nói: Người xuất gia ngu si như vậy cũng sẽ đi đến chỗ như thế. Lại như có khúc cây hai đầu bị cháy, khoảng giữa dính đầy phẩn uế. Cây đó hoặc bỏ ở xóm làng hay nơi đồng trống, không ai sử dụng. Ta nói người xuất gia ngu si như vậy, cũng sẽ như thế. Mất pháp của hàng tại gia, lại cũng chẳng phải là Sa-môn, ở thế gian và xuất thế gian đều không được phần thù thắng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Xuất gia mà phá giới
Cả hai đều không thành
Mất phép tắc tại gia
Mất luôn pháp Sa-môn.
Thà nuốt hòn sắt nóng
Và uống nước đồng sôi
Không nhận của cúng dường
Mà phá hủy giới cấm.
Những người phá giới cấm
Không hổ thẹn, ăn năn
Nhận nhiều của tín thí
Nhất định đọa địa ngục.
Những người có trí tuệ
Nên giữ vững tịnh giới
Chớ nhận người cúng dường
Mà hủy phạm giới cấm.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở đời, có hai hạng người bảo vệ, làm phát triển các nẻo địa ngục và pháp ác, bất thiện. Hai hạng đó là:

1. Có hạng người hủy phạm tịnh giới, chẳng phải thật Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, chẳng phải là phạm hạnh, tự xưng là phạm hạnh, bên trong xấu xa hủ bại nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì tốt đẹp. Như con ốc sên hôi hám, hành động thì xấu xa nhưng âm điệu lại dịu dàng, hay ho. Che đậy cái xấu, dối bày cái tốt, giống như chiếc cầu thang mục nát, không thể dùng, chỉ tăng thêm nẻo ác.
2. Có hạng người đối với giới pháp hoàn toàn thanh tịnh không hề hủy phạm, tinh tấn tu phạm hạnh, thanh bạch, chính thật là Bí-sô có đức nhưng lại dùng các pháp phi phạm hạnh, không căn cứ để hủy báng, mạ nhục, làm cho kẻ khác mất uy đức.

Hai hạng người như vậy là bảo vệ, làm phát triển các nẻo địa ngục và pháp ác, bất thiện.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Đời có hai hạng người
Sinh trưởng nghiệp cõi ác
Là hủy phạm tịnh giới
Và hủy báng hiền lương.
Hai hạng người như vậy
Đều gọi là hạ tiện
Hiện tại người khinh bỉ
Đời sau bị báo khổ.
Thế nên các Bí-sô
Phải luôn không phóng dật
Giữ gìn giới thanh tịnh
Chớ hủy báng người khác.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở đời có hai hạng người khó đáp đền ân sâu của họ. Hai hạng đó là cha và mẹ.

Giả sử có người, một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, suốt đời chưa từng tạm nghỉ, cung cấp cơm ăn, áo mặc, thuốc thang chữa bệnh và bao nhiêu thứ cần dùng, cũng chưa có thể đền đáp được ân sâu của cha mẹ. Vì sao? Vì công ơn của cha mẹ đối với con rất là sâu nặng. Đó là ơn sinh đẻ, lòng từ cho bú mớm, tắm rửa, giặt giũ, nuôi dưỡng khôn lớn, cung cấp bao nhiêu thứ đồ dùng, của cải, vốn liếng, ơn chỉ dạy về phép tắc ở đời. Lòng cha mẹ luôn muốn cho con lìa khổ được vui, chưa từng có lúc nào tạm ngưng, như bóng theo hình. Cha mẹ đối với con những công ơn sâu nặng như đã nói thì làm sao có thể đáp đền? Nếu cha mẹ của người kia đối với Phật, Pháp, Tăng không có lòng tin thanh tịnh, thì người con phải dùng phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ phát sinh tịnh, tín. Nếu cha mẹ của người kia không có giới thanh tịnh, thì người con nên theo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ yên vui, làm cho cha mẹ thọ trì giới cấm thanh tịnh. Nếu cha mẹ của người kia không được học hỏi thì người con phải dùng phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ yên vui, làm cho cha mẹ được nghe chánh pháp của chư Phật. Nếu cha mẹ của người kia có tánh tham lam keo kiệt, không ưa bố thí thì người con phải tạo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ được yên vui, khiến cha mẹ thực hành bố thí. Nếu cha mẹ của người kia tánh tình ám độn, không có thắng tuệ thì người con phải tạo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ được yên vui, làm cho cha mẹ tu tập Thánh tuệ…

Người con nào làm được như vậy thì gọi đó là người con đáp đền ơn sâu của cha mẹ một cách chân thật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Đời có hai hạng người
Ơn sâu khó đáp đền
Đó là cha và mẹ
Làm sinh trưởng thế gian.
Giả sử dùng hai vai
Công cha mẹ trọn đời
Luôn cung kính cúng dường
Cũng chưa báo được ơn.
Cha mẹ ở thế gian
Sinh đẻ và nuôi dạy
Lòng từ mong lợi lạc
Như bóng đi theo hình.
Cha mẹ ai vốn không
Tín, giới, văn, thí, tuệ
Khuyên cha mẹ tu hành
Gọi chân thật báo ân.
Cung kính dâng vật dùng
Chỉ an vui đời này
Khuyên tu tập tín, giới
Cuối cùng chứng Niết-bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở đời có hai loại pháp không lừa dối. Hai loại đó là nghiệp và trí.

Các nghiệp nào mà các hữu tình nơi quả dị thục của nó nếu chưa hiện tiền cũng chắc chắn không mất hết? Những trí tuệ nào hữu tình đã có, nơi tất cả phiền não nếu chưa đoạn hẳn, cũng chắc chắn mất hết?

Như vậy gọi là ở thế gian có hai loại pháp không lừa dối. Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hai loại pháp không dối
Chư Phật cùng đàm luận
Là các nghiệp, các trí
Đã làm và đã có.
Quả dị thục chưa sinh
Các nghiệp vẫn không mất
Phiền não tuy chưa dứt
Trí cũng không mất hết.
Nghiệp là nhân sinh tử
Trí là gốc diệt hoặc
Thế nên phải tu trí
Đoạn hẳn cảnh giới khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo:

–Bí-sô nên biết! Ở đời có hai hạng người rất đáng tôn trọng lễ bái cúng dường và đem tâm kính yêu gần gũi một bên. Hai hạng người đó là cha và mẹ.

Các hữu tình nào hết sức tôn trọng lễ bái cúng dường, tôn trọng cha mẹ của mình, đem lòng kính yêu và ở gần một bên thì hữu tình đó sẽ được sinh vô lượng phước, được những người có trí cùng nhau khen ngợi, tiếng tốt đồn khắp, ở trong các chúng không sợ hãi, sau đấy không phiền não, ăn năn. Khi thân hoại mạng chung thẳng lên các nẻo thiện, sinh trong cõi trời.

Hữu tình vì lẽ gì đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên? Vì cha mẹ đối với con có công rất sâu nặng. Đó là ơn sinh đẻ, lòng từ cho bú mớm, tắm rửa, giặc giũ, nuôi dưỡng cho khôn lớn, cung cấp bao nhiêu thứ đồ dùng, của cải, vốn liếng, ơn chỉ dạy về phép tắc ở đời, lòng cha mẹ luôn mong muốn cho con lìa khổ, được vui, chưa từng có lúc nào tạm ngưng, như bóng với hình. Thế nên, con đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên.

Các hữu tình nào kính yêu cha mẹ và ở gần một bên thì cha mẹ đối với người con đó rất yêu thương, trừ bỏ những việc không lợi ích, dạy bảo cho những điều lợi ích, ngăn chặn các điều ác, khuyến tu các hạnh lành, cưới cho vợ đẹp, thê thất trinh thuận, giúp cho châu báu, bạc tiền, lúa thóc, hàng trời, người nơi thế gian cùng nhau khen ngợi, cung kính cúng dường, gần gũi gia hộ, làm cho người con đó không bị suy tổn.

Thế nên hữu tình đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Những người có phước đức
Nên tôn trọng cha mẹ
Lễ bái và cúng dường
Yêu thương và gần gũi.
Người thông minh ở đời
Rất cung kính cha mẹ
Luôn cung kính cúng dường
Thường có lòng hoan hỷ.
Cha mẹ ở thế gian
Ân sâu khó đáp đền
Ngăn ác trừ bất lợi
Dạy lợi, khuyên tu thiện.
Cưới vợ cho của cải
Lòng từ luôn che chở
Thế nên phải cúng dường
Sinh vô lượng phước đức.
Hiện đời được tiếng tốt
Được cung kính cúng dường
Qua đời sinh cõi trời
Hưởng sung sướng vô cùng.
Muốn được sinh trời, người
Hưởng diệu lạc năm dục
Giống như trời Đế Thích
Đã cúng dường cha mẹ.

Bài kệ tóm tắt kinh phần Bản Sự ở trước:

Thiện, tầm, luân, giới học
Vô minh, tuệ đoạn trừ
Khổ, hủy báng báo ân
Không lừa dối cha mẹ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332565
Số người trực tuyến: