123. Chuyện Cái cán cày (Tiền thân Nangalisa) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

123. Chuyện Cái cán cày (Tiền thân Nangalisa)

123. Chuyện Cái cán cày (Tiền thân Nangalisa)

Kẻ ngu nói hạn chế …,

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyi khờ khạo). Theo truyền thuyết, khi nói, Trưởng lão ấy không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng: Trong trường hợp này, nên nói cái này, trong trường hợp này, không nên nói cái này. Nếu chúc lễ hội điềm lành, Trưởng lão nói lên điềm gở. Ngang qua các đường đi, tại các ngã đường dân chúng đứng, nếu là lễ tang, Trưởng lão nói lời tùy hỷ điềm vui. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo khởi lên câu chuyện:

– Này các Hiền giả, Làludàyi không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi tụ họp đang bàn luận vấn đề gì?

Khi biết đề tài câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Làludàyi nói lời đần độn, không biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói. Thuở trước, vị ấy cũng như vậy rồi. Vị ấy luôn luôn ngu đần.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

-ooOoo-

Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Ðến tuổi trưởng thành Bồ-tát đi học ở Takkasilà, trở thành một vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Ba-la-nại và Bồ-tát dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn.

Lúc bấy giờ, trong các thanh niên Bà-la-môn ấy, có một thanh niên đần độn hay nói lời ngớ ngẩn, vì bản tánh đần độn nên không học nghề được. Thanh niên ấy hầu hạ Bồ-tát, làm mọi công việc như người nô lệ. Một hôm, vào buổi chiều, sau khi ăn xong, Bồ-tát đang nằm nghỉ trên giường, thanh niên ấy đến xoa bóp tay chân và lưng ngài. Khi anh ta làm xong định đi, thì Bồ-tát nói:

– Này con thân, chêm cao chân cái giường lên.

Thanh niên ấy chêm được một chân giường lên cao, còn chân kia không tìm được đồ chêm giường, anh ta dùng bắp vế của mình làm đồ chêm giường và trải qua một đêm như vậy. Vào buổi sáng thức dậy, Bồ-tát thấy vậy liền hỏi:

– Này con thân, con ngồi làm gì đây?

– Thưa Sư trưởng, con không tìm thấy đồ chêm giường nên dùng bắp vế thay vào và ngồi ở đây.

Bồ-tát cảm thấy xúc động, suy nghĩ: “Nó là người thị giả rất chí thành của ta, nhưng so với các thanh niên Bà-la-môn, nó là đứa đần độn, không thể học được nghề, vậy ta hãy giúp cho nó trở thành người có trí”. Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Nay có phương tiện này, ta sẽ đưa thanh niên Bà-la-môn này đi nhặt củi và lá. Khi nó về, ta sẽ hỏi: Hôm nay con đã thấy gì làm gì? Chắc nó sẽ trả lời: Hôm nay con thấy cái này, làm cái này; rồi ta sẽ hỏi: Ðiều con thấy, con làm, giống cái gì? Nó sẽ dùng ví dụ, tìm lý do để nói: Con thấy như thế này … Ðiều ấy khiến nó nói ví dụ và lý do mới hoài. Với phương tiện này ta có thể làm cho nó trở thành người có trí”. Nghĩ vậy, Bồ-tát kêu anh ta lại và nói:

– Này con thân, bắt đầu từ hôm nay, con hãy đi lượm củi và lá, và tại chỗ con đi, con thấy cái gì, ăn cái gì, uống cái gì, nhai cái gì, lúc về con hãy báo cáo cho ta biết.

Anh ta vâng theo lời dạy. Một hôm anh ta đi vào rừng để lượm củi và lá cùng với các thanh niên Bà-la-môn khác, anh ta thấy một con rắn. Khi về anh ta báo cáo lại:

– Thưa Sư trưởng, con có thấy con rắn.

– Này con thân, con rắn giống cái gì?

– Nó giống cán cày.

Bồ-tát nói:

– Tốt lắm, này con thân, các ví dụ con trình bày rất hợp lý, con rắn thật giống như cái cán cày.

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Các ví dụ do thanh niên này trình bày rất hợp lý. Ta có thể làm cho người này thành người có trí”.

Lại một ngày khác, thanh niên Bà-la-môn này thấy con voi trong rừng, và đi về thưa:

– Thưa Sư trưởng, con có thấy con voi.

– Này con thân, con voi giống cái gì?

– Nó giống như cái cán cày.

Bồ-tát suy nghĩ: “Cái vòi voi giống như cán cày. Cái ngà voi cũng vậy. Người này phân tích một cách ngu si, không thể nói như vậy”. Nghĩ vậy Bồ-tát giữ im lặng.

Rồi một hôm được mời đi ăn mía, anh ta về thưa:

– Thưa Sư trưởng, hôm nay con được ăn mía.

– Cây mía giống cái gì?

– Thưa, giống cái cán cày. Anh ta nói.

Vị Sư trưởng suy nghĩ “Nó nói cũng có một phần đúng”, nên giữ im lặng. Lại nữa, một hôm được mời cùng một số thanh niên ăn đường cục với sữa đông và uống sữa, khi về anh ta thưa:

– Thưa Sư trưởng, hôm nay chúng con được ăn sữa đông và uống sữa.

Khi được hỏi về sữa đông và sữa giống cái gì, anh ta trả lời:

– Thưa, giống cái cán cày.

Vị Sư trưởng suy nghĩ: “Thanh niên Bà-la-môn này khi nói: con rắn giống cái cán cày, vậy là khéo. Khi nó nói: con voi giống như cái cán cày, vì liên hệ đến cái vòi, là nói một cách gượng ép. Khi nó nói cây mía giống như cái cán cày, vậy cũng là nói hơi gượng ép. Còn sữa đông và sữa luôn luôn màu trắng, lấy theo hình dáng đồ vật chúng được đặt vào, vậy cái ví dụ nó nói hoàn toàn không thể chấp nhận. Ta không thể dạy cho kẻ ngớ ngẩn này học được.

Nghĩ xong, Bồ-tát nói lên bài kệ:

Kẻ ngu nói hạn chế,
Tại chỗ không hạn chế,
Nó không biết sữa đông,
Cũng không biết cán cày,
Nó nghĩ là sữa đông,
Giống như cái cán cày.

-ooOoo-

Sau khi nghe pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, thanh niên ngớ ngẩn là Làludàyi, và Sư trưởng có danh nhiều phương là Ta vậy.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6475627
Số người trực tuyến: