9 điều khó tin trong pháp môn niệm Phật
Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy rằng: “Này Xá Lợi Phất, nên biết ở trong ngũ trược ác thế ta đã chứng được Vô-thượng Bồ-đề, việc này rất khó. Vì thế gian nói pháp khó tin ấy, lại càng khó hơn”. Chúng sinh trong cõi Sa Bà, khi nói đến những Pháp chân tâm bản tính như Kinh Lăng Nghiêm, Bát Nhã thì thấy dễ tin đấy là những giáo pháp giải thoát của Đức Phật. Nhưng khi nghe về một Pháp môn giản dị có thể vượt thoát ra ngoài Tam giới, có thể đới nghiệp vãng sinh như pháp tu Tịnh độ thì lại thấy vô cùng khó tin. Vì thương xót chúng sinh, Đức Phật đã thuyết kinh Di Đà, một bộ kinh “vô vấn tự thuyết”, để chúng sinh tin được, tu tập được, giải thoát sinh sang cõi Tịnh Độ. Bởi vậy, mười phương chư Phật đều phải tán thán Đức Phật Thích Ca đã dũng mãnh đem một Pháp dễ dàng, nhiệm màu, giản dị như thế để lợi ích chúng sinh trong cõi đời ngũ trược ác thế này.
Tổ thứ tám của Tịnh độ tông là Liên Trì đại sư, trong tác phẩm Di Đà sớ sao, nói lược ra những điều khó tin ấy ở những điểm sau:
1. Ở cõi Ta bà uế độ này, chúng sinh đã nhẫn chịu đã nhiều đời nhiều kiếp rồi; nay bỗng nghe cõi nước Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh, tất sẽ nghi là không có sự thật ấy. Đó là khó tin thứ nhất.
2. Dù có tạm tin có nước kia (tức Tây Phương Cực Lạc) nhưng lại nghi trong kinh nói cõi ấy cách Ta bà xa đến 10 muôn ức cõi Phật, làm sao mà sinh về cõi đó được. Đó là điều khó tin thứ 2.
3. Dù có tạm tin có thể sinh về nhưng lại nghi ta phàm phu tội chướng sâu nặng, làm sao đủ thiện căn phước đức sinh được về đó? Đó là điều khó tin thứ 3.
4. Dù tạm tin có thể sinh về cõi đó, nhưng lại nghi phải tu pháp môn kỳ diệu gì, và nhiều công hạnh mới có thể được; làm sao chỉ có "Tín nguyện trì danh" lại có thể vãng sinh? Đó là điều khó tin thứ 4.
5. Dù tạm tin pháp trì danh có thể vãng sinh, nhưng lại nghi rằng phải tu trì nhiều năm nhiều kiếp mới được thành tựu, làm sao chỉ niệm từ một đến bảy ngày mà được vãng sinh? Đó là điều khó tin thứ 5.
6. Dù tạm tin trong thời gian ngắn tu pháp Trì danh có thể vãng sinh, nhưng lại nghi kẻ sơ tâm vào đạo gặp nhiều chướng duyên phải thối lui, làm sao có thể chỉ sinh về cõi đó mà được Bất thoái, quyết định thành Phật được? Đó là điều khó tin thứ 6.
7. Dù tạm tin như vậy, nhưng lại nghi pháp Trì danh chỉ là quyền biến, chỉ dành cho kẻ tối dốt, chứ bậc thượng trí sáng suốt phải tu diệu pháp tự lực như Duy thức, Pháp hoa... mới đúng lẽ chứ? Đó là điều khó tin thứ 7.
8. Dù tin pháp Trì danh nhiếp thọ mọi căn cơ từ thượng trí tới hạ ngu, nhưng Tịnh độ lấy lâm chung làm kỳ hạn, như vậy làm sao biết chắc mình có được vãng sinh hay không? Nếu chẳng được vãng sinh thì chẳng phải uổng một đời tu không? Trong khi các pháp môn khác nếu dốc sức tu hành đều có thể trong đời hiện tại nhận biết được? Đó là điều khó tin thứ 8.
9. Dù tin pháp Trì danh bậc thượng trí cũng tu hành, nhưng kinh khác khi nói các cõi Phật đều không, khi lại nói Duy tâm Tịnh độ, chẳng phải cầu đâu xa, rồi trong tâm hồ nghi chẳng quyết định. Đó là điều khó tin thứ 9.
9 điều khó tin trên chẳng phải theo hàng ngang mà thành tầng tầng lớp lớp bao phủ người tu Tịnh nghiệp vậy. Thế nên đức Phật mới than rằng:
“Thân người khó được, Phật khó gặp
Trí tuệ nghe pháp, khó trong khó.”
Vậy nên nói pháp khó tin là vì: chẳng những người ngu mê khó tin mà cả bậc hiền trí còn nghi hoặc; chẳng những kẻ sơ cơ khó tin mà bậc tu lâu còn nghi hoặc, chẳng những bậc phàm phu khó tin mà bậc Thánh giả Nhị thừa còn nghi hoặc, nên nói là pháp tất cả thế gian khó tin vậy.
Nếu đã nói là pháp tất cả thế gian khó tin, vậy đức Phật còn nói ra làm gì?
Đại sư Thiện Đạo đời Đường nói: Sở dĩ Phật Thích Ca xuất hiện ở đời để nói Di Đà hải nguyện.
Cũng lại phải nói rằng vì pháp môn Tịnh độ khó tin, khó nhận nên đời nào cũng có cao tăng, đại đức viết lời giải thích, giải đáp cặn kẽ, lại đưa ra những tấm gương vãng sinh cụ thể, mà saoTín tâm của ta vẫn chẳng được thành tựu. Ấy là do chúng ta dùng cái tâm hời hợt mà đọc tụng, giống như nhìn mây bay trên trời, rốt cuộc chẳng đọng lại chút gì trong tâm. Vì rằng niềm tin chẳng do từ bên ngoài mang tới, cũng như thấy người ăn mình chẳng thể no. Cần phải tự mình suy xét xem mối nghi ngờ của mình của mình là gì, phải chính mình giải tỏa mối nghi của chính mình. Tức là niềm tin chẳng phải tin suông, mê tín, người nói gì cũng nghe mà phải qua trải nghiệm, thử thách để lòng tin được kiên cố vững vàng. Khi ấy mới có thể tăng trưởng Tín tâm chân thật mà phát ra được Đại nguyện vãng sinh.
(Lược trích ấn phẩm: “48 câu vấn đáp về Pháp môn Niệm Phật”
HT. Tịnh Không)
- 788
Viết bình luận