Tìm hiểu tranh nghệ thuật Phật giáo qua 12 công hạnh của Đức Phật
Theo Phật giáo Đại Thừa, chúng ta đang sống trong thời Hiền Kiếp. Trong thời Hiền Kiếp này, một nghìn Đức Phật sẽ thị hiện và dẫn dắt chúng sinh đạt giải thoát. Tính đến nay, trong thời Hiền Kiếp Cát Tường này, ba Đức Phật quá khứ đã thị hiện và chúng ta đang sống trong thời Đức Phật thứ tư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong nghệ thuật Phật giáo, các sự kiện trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca được mô tả theo trình tự một chuỗi các chủ đề về “Mười hai công hạnh trong cuộc đời Đức Phật”. Hàng ngày, quán niệm và tán thán 12 công hạnh giác ngộ của Ngài sẽ giúp bạn dũng mãnh phát nguyện và duy trì tu tập theo con đường Ngài đã chỉ dạy, nhằm trưởng dưỡng trí tuệ thông qua tu tập, suy ngẫm và thiền định để đạt được giác ngộ tức thời, kết quả của tỉnh thức và tự thân chứng ngộ tự tính tâm:
Xin quy y Tâm Giác ngộ biến mãn khắp pháp giới.
Nương công đức của lời tán thán
Mọi công hạnh của Đức Pháp Vương, bậc Chiến thắng siêu việt
Nguyện cầu thiện hạnh của mọi chúng sinh sánh được
những công hạnh của Bậc Thiện Thệ!
Kính lễ Như Lai, nguyện chúng con, hết thảy chúng sinh
Thành tựu được Thân Kim sắc hảo tướng như Ngài
Với cuộc sống, trường thọ và cõi Tịnh độ không khác
Được tán thán bằng những hồng danh
Như bậc Thế Tôn tối thắng.
Nguyện chúng con được gia trì thành tựu
Những phẩm hạnh toàn hảo như Ngài.
1. Lời nguyện đản sinh vào thế giới Sa bà và dẫn đạo cho chúng sinh thoát khỏi vô minh để đạt thành giác ngộ
Tiền sinh của Đức Phật là Bồ Tát Hộ Minh. Sau nhiều kiếp tu hành, Ngài làm chủ Nội Viện ở cung trời Đâu Suất. Chư thiên ở cõi trời này luôn sống trong hỷ lạc, vật chất sung mãn, tinh tấn tu tập Bát chính đạo nên gọi là Hỷ lạc thiên. Từ cõi trời Đâu Suất, Bồ Tát chứng kiến thời đại đen tối đang nhấn chìm loài người, dẫn đến những suy thoái về tâm linh. Với tâm từ bi của một vị Bồ tát, Ngài phát nguyện tái sinh trong hình tướng loài người và giải thoát mọi chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân.
2. Giấc mơ của Hoàng Hậu Ma Da
Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm mô tả Đức Phật đã lựa chọn thời điểm, nơi chốn, gia tộc đản sinh của mình. Sau thời gian dài tìm hiểu trong số đông những gia đình ưu tú, nghèo hèn, vương tộc, cuối cùng Bồ Tát quyết định thọ sinh vào hoàng tộc vua Tịnh Phạn, trong bào thai hoàng hậu Ma Da thuộc dòng tộc Thích Ca, nước Ca Tỳ La Vệ. Hoàng hậu là người có đủ phẩm tính làm thân mẫu của một đức Phật. Sắc đẹp hoàn hảo của bà được mô tả đến từng chi tiết trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong tất cả các phụ nữ Ấn Độ, bà là người duy nhất được chọn để đức Phật tương lai nhập thai, vì trong bà có sự hòa hợp sức mạnh của cả vạn con voi. Ý niệm này được phát triển với sự hộ trì của chư thiên sau khi Bồ Tát Hộ Minh quyết định nhập mẫu thai trong hình tướng của một con voi trắng. Chư thiên còn kiến trúc một cung điện bằng ngọc quý ngay trong bụng của bà để Bồ Tát không bị vấy bẩn trong suốt 10 tháng trụ thai.
Quốc vương và Hoàng hậu được dân chúng tôn quý bởi sự công minh và dòng dõi quyền quý. Các bản kinh khẳng định rằng Đức Phật lựa chọn một vị vua làm cha bởi hoàng tộc được kính trọng hơn cả tầng lớp tu sĩ. Việc Đức Phật lựa chọn đản sinh vào một gia đình thuộc tầng lớp cao quý trong xã hội có vẻ mâu thuẫn với giáo pháp không phân biệt giai cấp của Ngài sau này. Tuy nhiên, điều này thể hiện một cách chính xác sự vô nghĩa khi coi việc sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp cao trong xã hội sẽ trợ duyên cho tiến trình giải phóng tâm linh của một con người.
3. Đức Phật đản sinh
Thiền sư người Nhật Bản, Daisetz Suzuki, từng kể một câu chuyện rất thú vị. Có một vị đệ tử hỏi bậc thầy: “Bạch Thầy, con có Phật tính không ạ?”. Thầy trả lời: “Không”. Vị đệ tử vô cùng ngạc nhiên: “Bạch Thầy, con được dạy rằng tất cả vạn pháp từ cây cối, núi rừng, đến chim chóc, thú rừng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính ạ”. Thầy từ tốn nói: “Con nói rất đúng. Tất cả từ cây cối, núi rừng, chim chóc, thú rừng, tất cả đều có Phật tính. Còn con không có”. “Tại sao con lại không có Phật tính ạ?” “Bởi vì con hỏi câu hỏi đó.
Theo truyền thuyết, Đức Phật được sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu. Ngay khi vừa sinh ra, Ngài đã đứng dậy và bước đi bảy bước. Mỗi bước chân của Thái tử đều hóa hiện một đóa sen bừng nở, Ngài vừa đi vừa nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Ngài Suzuki dạy rằng: “Mọi người kể cho tôi rằng, mỗi khi một đứa bé chào đời, nó thường cất tiếng khóc. Đứa bé muốn nói gì khi khóc? Nó muốn nói rằng “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Đứa trẻ nào khi mới sinh cũng là một em bé Phật”. Nhà sử học Joseph Campbell nhận định: “Bạn sinh ra luôn sẵn đủ Phật tính, điều đó có nghĩa là bạn cần hiểu rằng về bản chất, bạn chính là một vị Phật. Nhưng vì cả xã hội cứ nói rằng bạn không phải như vậy, nên bạn lại phải mất rất nhiều công sức để nhận ra vị Phật trong chính mình".
Hoàng hậu Ma Da mang thai 10 tháng mà không có một chút cảm giác đau đớn nào. Theo tập tục Ấn Độ thời bấy giờ, người phụ nữ khi sắp sinh phải trở về quê hương cha mẹ của mình để được mẹ ruột chăm sóc. Trên đường đi về quê, khi ngang qua một khu vườn dịu mát với rất nhiều hoa thơm, trái ngọt, Hoàng hậu muốn nghỉ ngơi một lúc. Bà bước xuống kiệu và vịn tay vào một cành hoa đang nở rộ thì liền sau đó, Thái tử đản sinh từ bên hông phải của Hoàng hậu.
Trong hội họa, Hoàng hậu Ma Da được khắc họa với tư thế uốn mình thanh tao và cao quý, như vũ điệu của một nữ thần, với chân trái bước vòng qua trước chân phải. Tay của Hoàng hậu vịn vào cành cây giống như hình tượng của nữ thần sinh nở của nghệ thuật Ấn Độ thời cổ đại.
Ở đây, tư thế của Hoàng hậu Ma Da trong các tác phẩm hội họa không chỉ là minh chứng mạnh mẽ về phẩm tính hoàn hảo để trở thành mẹ của đấng Thế Tôn, mà bà còn được coi là nguồn gốc của tiến trình giải thoát giác ngộ.
4. Tuổi niên thiếu tài năng xuất chúng, văn võ song toàn
Sau khi sinh được bảy ngày, Hoàng hậu băng hà, sinh lên cõi trời Đâu Suất. Quốc vương Tịnh Phạn giao Thái Tử cho em gái ruột của Hoàng hậu là Ma Ha Bà Xà Ba Đề (Mahã Pajãpati), kế mẫu nuôi dưỡng chăm sóc. Ngoài ra còn có 32 thị nữ được lựa chọn cẩn thận để chăm sóc Thái tử: tám người bế bồng, tám người cho bú mớm, tám người tắm và tám người chơi với Thái tử.
Là một Thái tử, Tất Đạt Đa được nuôi dạy trong điều kiện tốt nhất và an toàn nhất. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử và Ngài nhanh chóng lĩnh hội tất cả những môn học đó. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, Ngài đã thông thạo nhiều môn võ thuật và thường chiến thắng trong các cuộc thi. Trong kinh có kể rằng Thái tử rất giỏi về đua ngựa và bắn cung. Thái tử được nuôi dạy như vậy với hi vọng rằng sau này sẽ trở thành một vị vua anh minh, xuất chúng.
Một trong những câu chuyện nổi bật nhất về tuổi trẻ tài ba của Thái tử Tất Đạt Đa là cuộc thi biểu dương võ nghệ để giành quyền cưới công chúa Du Da. Một con voi được đem đến bên trong cổng thành để đọ sức xem ai là người khỏe nhất. Đề Bà Đạt Đa, em họ của Thái tử, đã giết chết con vật bằng một tay. Thái tử Tất Đạt Đa chứng kiến cuộc tàn sát vô nhân tính, Ngài liền nâng nhẹ con voi lên và ném qua nó qua bức tường thành, sau đó con voi đã sống lại. Cuối cùng, Thái tử được lựa chọn làm phò mã.
5. Ứng xử thế gian khéo léo
Khi đến tuổi phải đảm đương các công việc trị vì đất nước, Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng tỏ là một người đứng đầu anh minh, hậu thuẫn cho Ngài là đoàn tùy tùng hàng trăm hoàng hậu và thị nữ. Các bức họa thường mô tả Ngài đang phán xét tại tòa án, tham mưu cho vua cha về công việc triều chính.
6. Bốn cảnh thấy
Do được tiên tri rằng Thái tử sẽ từ bỏ cung điện và xuất gia, quốc vương Tịnh Phạn cố gắng không để Thái tử tiếp xúc với thực tế cuộc sống khốn khổ ở bên ngoài cổng thành. Nhà vua ngăn cấm đưa vào cung điện bất cứ điều gì có thể gây sự phiền muộn nơi tâm hồn Thái tử khiến Ngài muốn rời bỏ hoàng cung. Một ngày nọ, Thái tử ngồi xe ngựa ra ngoài thành dạo chơi và tình cờ Ngài gặp một ông lão đang đi trên đường. Lần đầu tiên gặp một người với những biểu hiện của tuổi già, Thái tử hỏi người đánh xe ngựa: “Người đàn ông này là ai mà sao tóc ông ta lại trắng như vậy, bàn tay nhăn nhúm, đôi mắt chảy xệ, chân tay co quắp vậy? Điều gì xảy ra khiến ông ta biến đổi như vậy? Hay đó là lẽ tự nhiên?”.
Người đánh xe trả lời: “Tâu điện hạ, đó chính là tuổi già. Đó là kẻ đánh cắp vẻ đẹp, tàn phá sức khỏe, nguyên nhân của buồn đau, kẻ hủy diệt niềm vui, kẻ phá hoại trí nhớ và kẻ thù của các giác quan. Khi còn nhỏ, ông ta cũng được uống sữa, chập chững tập đi, và tiến từng bước trên chặng đường thanh niên cường tráng. Và giờ, ông ta cũng vẫn đi trên con đường ấy, từng bước đi chậm rãi tiến đến tuổi già”.
Người đánh xe ngựa đã vén bức màn bí mật vô cùng giản đơn mà từ trước đến giờ Thái tử chưa từng được chứng kiến, khiến Ngài vô cùng sửng sốt thốt lên: “Vậy tuổi già cũng sẽ đến với ta như vậy sao?”.
“Thưa vâng. Theo thời gian, Ngài cũng sẽ như vậy”.
Một con người với trái tim nhân hậu, đức hạnh đã vô cùng xúc động khi nghe nói đến tuổi già, giống như một con bò chợt giật mình khi nghe thấy tiếng sấm trên đầu.
Tiếp theo, Thái tử gặp một người bệnh và một người ốm, điều đó gợi lên những cơn sóng trong tâm trí Ngài.
Rồi một buổi nọ Thái tử gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh và thản nhiên như người vô sự đi qua đường. Ngài hỏi: “Ông là ai?”. Vị Sa môn đáp lại rằng: “Ta là người cảm thấy ghê sợ trước những khổ đau sinh tử của trần thế. Ta nhàm chán các thú vui dục lạc mà mọi kẻ khác đang mong tìm; cho nên giờ đây ta đi lang thang một mình. Ta đã từ bỏ ngôi nhà của mình, từ bỏ mọi mong cầu. Nguồn vui duy nhất của ta là mong đạt được sự an lạc toàn hảo và giải thoát cùng tột nhất”. Bị thuyết phục rằng đó chính là con đường giải quyết những chấn động về mặt tinh thần, Thái tử Cồ Đàm quyết định làm theo tấm gương của vị tu sĩ.
7. Xả ly cuộc sống trần thế
Với quyết tâm sẽ xuất gia để đi tìm chân hạnh phúc và con đường chấm dứt mọi khổ đau, thái tử Tất Đạt Đa thỉnh cầu lên vua cha cho phép Thái tử được rời hoàng cùng. Vừa nghe xong lời thỉnh cầu của Thái tử, đức vua Tịnh Phạn vô cùng kinh hoàng và cố gắng thuyết phục Thái tử từ bỏ quyết định này. Thái tử đáp lời vua cha: “Thưa phụ vương, con sẽ chỉ ở lại nơi đây, nếu cha có thể hứa giúp con đạt được bốn điều mong ước sau đây: Hãy quyết chắc rằng con sẽ không bao giờ chết, không căn bệnh nào có thể làm con đau đớn, tuổi trẻ không bao giờ rời xa con, và sự giàu có luôn ở bên con. Nếu phụ hoàng không thể giúp con thực hiện các điều trên, thì con sẽ phải rời cung điện ngay”. Khi nghe những lời thỉnh cầu mà bản thân đức vua không thể thực hiện được, đức vua đành chấp nhận để cho hoàng tử ra đi. Thái tử Cồ Đàm rời bỏ cung điện xa hoa vào giữa đêm tối, trong lúc vợ và con đang say giấc.
Điều đầu tiên Thái tử làm sau khi rời hoàng cung là lấy dao cắt đứt mái tóc xanh dài biểu tượng cho vương quyền của mình.
Ngài thầm nghĩ: “Những ràng buộc này không thích hợp với cuộc đời một tu sĩ. Nhưng sẽ không ai có thể xuống tóc cho một đức Phật tương lai. Vì vậy, ta cần phải dùng kiếm để tự xuống tóc cho mình”. Ngài cầm thanh kiếm bên tay phải, tay trái cầm búi tóc trên đầu. Ngài dùng kiếm cắt luôn cả chiếc vương miện gắn trang sức đá quý. Ngài tung nắm tóc dài chừng hai gang bàn tay cùng vương miện vào không trung, và phát nguyện rằng: “Nếu ta trở thành Phật, xin nguyện cho nắm tóc này bay trong không trung. Nếu không, tóc hãy rơi xuống đất”.
Khi nắm tóc của Ngài bay xa khoảng một dặm, vua trời Đế Thích, lúc đó bằng thiên nhãn đã gom nắm tóc lại vào một chiếc giỏ và giữ lại thờ trên cõi Trời.
“Mái tóc của đức Phật
Tỏa hương khắp pháp giới,
Chúa tể của cõi Trời,
Thổi tóc vào giỏ quý
Vua Trời với nghìn mắt
Cúi đầu đỉnh lễ Phật.”
8. Sáu năm tu hành khổ hạnh
Thái tử đến một nơi gọi là Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela), thị trấn của Senàni. Ngài tìm được một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng. Trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con người Thái tử gầy khô như bộ xương, và Ngài có thể cảm nhận được da chạm vào các đốt xương sống, như thể Ngài có thể chạm tới dạ dày, sức khỏe giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa. Trong hai năm đầu tiên, mỗi ngày Ngài chỉ ăn một hạt mè và uống một giọt nước.
Nhưng tất cả mọi nỗ lực đều chỉ là vô vọng. Bất chấp những nỗ lực tu hành khổ hạnh, cơ thể Ngài vẫn như đang kêu gào đòi hỏi Ngài phải đáp ứng những nhu cầu vật chất tầm thường. Càng như vậy, Ngài càng cẩn trọng hơn với chính mình. Đức Phật phải đối mặt với thực tế càng kiên trì khổ hạnh, chân lý tối hậu như càng lùi ra xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ. Tất cả những gì đạt được chỉ là tấm thân da bọc xương và cơ thể ngày càng yếu mòn.
Cuối cùng Đức Phật đã chứng ngộ rằng việc tu khổ hạnh là một trong hai thái cực, và chỉ có “con đường Trung Đạo giữa hai thái cực mới là con đường dẫn đến giác ngộ”.
Ngài từ từ đứng dậy, xuống tắm ở dưới dòng sông Ni Liên. Sau khi Ngài thọ bát cháo sữa do một thôn nữ tên là Tu Xà Đa (Sujata) cúng dường, sức khỏe của Ngài dần dần hồi phục và Ngài trở lại tráng kiện như xưa.
Sau khi sức khỏe đã phục hồi và với ý chí quyết tâm không thoái chuyển, Thái tử Tất Đạt Đa oai nghi tiến về phía cây Bồ đề, nơi đánh dấu sự kiện thành đạo vĩ đại của Ngài. Ngài đã phát nguyện rằng: “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được vô thượng chính đẳng chính giác, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.
9. Chiến thắng Ma vương
Khi nghe thấy lời nguyện của Thái tử, Ma Vương (đại diện của cái chết và dục vọng) cảm thấy vô cùng khiếp sợ và tức giận. Sức mạnh của Ma vương đối với chúng sinh hữu tình bắt nguồn từ tâm bám chấp vào những mê ái và nỗi sợ hãi cái chết. Chính những xúc tình tiêu cực khiến chúng sinh cứ mãi trầm chìm trong luân hồi khổ đau. Chỉ có trí tuệ giác ngộ mới giúp cho Thái tử Tất Đạt Đa vượt ra ngoài sự trói buộc của ma lực và cho các chúng sinh cơ hội giải phóng họ khỏi sự trói buộc, kìm kẹp từ Ma vương.
Đầu tiên, Ma vương cử ba con gái xinh đẹp đến múa hát và phá nhiễu Đức Phật. Ba cô gái có tên là Ái Dục (đại diện cho Tương lai), Thỏa mãn (đại diện cho Hiện tại) và Tiếc nuối (đại diện cho Quá khứ). Đức Phật không hề bị xao nhãng mà vẫn ngồi bất động. Ma vương thấy vậy liền dùng kế hãm hại Thái tử bằng cách tạo nên sự sợ hãi trong tâm Ngài. Đội quân dữ tợn, hung bạo của Ma vương tìm mọi cách để tấn công Đức Phật với sự kiên tâm và thủ chí, Ngài vẫn ngồi an tĩnh, điềm nhiên, không nao núng. Ma vương cuối cùng đành phải rút lui, chướng ngại cuối cùng trên con đường đạt đến giác ngộ của Đức Phật đã được dọn sạch.
10. Đức Phật chuyển Pháp luân
Sau khi chứng đạt giác ngộ tối thượng, Thái tử Cồ Đàm lúc này được gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay Sư tử Tịch mặc, nêu biểu cho tiềm năng ẩn tàng đã được khai mở bên trong Ngài. Đức Phật đi về hướng vườn Lộc Uyển (gần Ba Na Lại). Năm tu sĩ, bạn đồng tu của Thái tử, nay vẫn tiếp tục tu khổ hạnh ở vườn Lộc Uyển. Họ rời bỏ Thái tử vì tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, giữa đường bỏ cuộc. Với Phật nhãn, Đức Phật thấy năm người bạn đồng tu xưa kia của mình và quyết định họ sẽ là những người đầu tiên được nghe giáo pháp của Ngài.
Trong số năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật có một vị là Tỳ kheo A-thị-thuyết (Assaji). Trong một lần khi khất thực, Tỳ kheo A-thị-thuyết đã gặp Ngài Xá Lợi Phất, khi đó Ngài là đệ tử trứ danh của nhà hiền triết về thuyết bất khả tri Tán Nặc Gia Tỳ Xá Lê Tử (Sanjaya Belatthiputta). Bạn thân của Ngài Xá Lợi Phất là Ngài Mục Kiền Liên cũng là đại đệ tử của Ngài Tán Nặc Gia Tỳ Xá Lê Tử. Tuy nhiên, cả hai Ngài đều có những trải nghiệm mơ hồ và thất vọng về triết lý hư vô này. Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi khất thực ở thành Thành Vương Xá, và được hạnh ngộ Tỳ kheo A-thị-thuyết. Tôn giả Xá Lợi Phất xúc động mạnh mẽ trước dung mạo trang nghiêm và khí sắc giải thoát của vị Tỳ kheo lạ mặt này, nên Tôn giả đợi cho đến khi Tỳ kheo A-thị-thuyết đi khất thực xong rồi mới thăm hỏi ai là bậc Ðạo Sư của Ngài. Vị Tỳ kheo đáp mình chính là môn đồ của vị Sa môn thuộc bộ tộc Thích Ca. Mặc dù đã đắc A-la-hán, Tỳ kheo A-thị-thuyết vẫn không thể trình bày đầy đủ giáo pháp để có thể thuyết phục được Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả liền vội vàng tìm gặp thân hữu Mục Kiền Liên và kể lại cho bạn nghe những gì đã xảy ra. Tôn giả Mục Kiền Liên, một thiền giả đặc biệt có tài năng, đã chứng ngộ quán triệt ý nghĩa của những lời dạy từ Tỳ kheo A-thị-thuyết và quyết định đi đến gặp Đức Phật, xin thỉnh cầu Ngài nhận làm đệ tử. Hai trăm năm mươi môn đồ của ngài Tán Nặc Gia Tỳ Xá Lê Tử cũng đi theo đến gặp Đức Phật tại Trúc Lâm Tinh xá. Rồi họ cùng thỉnh cầu Đức Phật nhận vào Tăng đoàn.
Câu chuyện trên biểu trưng cho năng lực chuyển hóa của Phật pháp trong thời kỳ mà rất nhiều đạo phái thần quyền khác đang thịnh hành. Rất nhiều trường phái tư tưởng đã chịu ảnh hưởng từ giáo pháp của Đức Phật. Sau này, Đức Phật đã tiên đoán hai vị Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sẽ là hai vị thượng thủ của Tăng đoàn.
Chính vì vậy, trong rất nhiều bức họa mô tả các thời khắc quan trọng của cuộc đời Đức Phật, ở vị trí trung tâm là Đấng Thế Tôn, hai bên là hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
11. Đức Phật trở về từ cung trời Đâu Suất
Bảy ngày sau khi sinh Thái tử, Hoàng hậu Ma Da băng hà và tái sinh vào cõi trời Đâu Suất. Sau khi chứng vô thượng chính đẳng chính giác, Đức Phật quyết định bay lên cõi trời Đâu Suất, để gặp và thuyết pháp cho Thánh mẫu. Trong Kinh có dạy cõi trời Đâu Suất gồm 33 nước gọi là Tam thập tam thiên thế giới. Ba mươi ba cõi trời này xuất phát là trú xứ của 33 vị thần Hindu cổ đại theo truyền thống văn hóa Vệ Đà. Qua ba bậc thang cầu vồng, Đức Phật đã lên đến cõi trời Đâu Suất. Ở đó, Ngài thuyết giảng Kinh Địa Tạng cho chư Thiên, trong đó có Thánh mẫu của Ngài, trong suốt ba tháng.
Sau ba tháng, theo lời thỉnh cầu tha thiết của chúng sinh ở cõi Sa bà, Đức Phật quay trở về từ cõi trời Đâu Suất bằng một chiếc thang gồm 33 nấc thang do vị Thần Kiến trúc và Xây dựng tạo ra. Hình tượng Đức Phật bước xuống các nấc thang tạo niềm cảm hứng vô tận cho nhiều nghệ sĩ, giúp họ sáng tác những kiệt tác hào hùng.
Huyền thoại về công hạnh thuyết pháp trên cõi trời Đâu Suất nêu biểu cho quan kiến về chân lý vũ trụ vô cùng sâu sắc. Năng lực đi qua các thế giới chính là minh chứng cho bản chất giác ngộ siêu việt khái niệm về thế giới thông thường và thị hiện thần thông để giáo hóa chúng sinh.
12. Đức Phật thể nhập Niết bàn
Năm Đức Phật 80 tuổi, Ngài nhận định sự nghiệp thuyết pháp, giáo hóa độ sinh của Ngài đã hoàn thành. Thời điểm đã đến để Ngài nhập Niết bàn. Trên đường đi Câu Tha Ni, khi Đức Phật dừng chân tại Tỳ Xá Li (Vaisali), ở Tinh xá Capala, Ngài đã tuyên bố với tôn giả A Nan là ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết bàn.
Khi đến vườn cây Sa la ở Câu Tha Ni, nơi có bộ tộc Mallas ở, Đức Phật bảo Ngài A Nan chuẩn bị chỗ nằm, để Đức Phật yên nghỉ, đầu hướng Bắc, nằm nghiêng mình bên phải, chân phải để trên chân trái, bình thản, tỉnh táo.
Đêm hôm đó là một đêm trăng tròn và cũng là ngày Đức Phật tròn 80 tuổi. Trong đạo Phật, thuật ngữ “Đại Niết bàn” hàm nghĩa “Niết bàn cuối cùng”. Ngài đã lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các cấp thiền từ thấp tới cao, rồi cuối cùng chủ động nhập Đại Niết bàn.
Kinh Đại bát Niết bàn miêu tả lúc Đức Phật nhập diệt như sau:
“Lúc đó, đúng giữa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sa la: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sa la đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, lần lần khô héo gãy rớt. Đồng thời, vô lượng thế giới ở mười phương đều chấn động, vang ra tiếng rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế giới trống rỗng như ngọn núi bị phạt bằng do sét đánh, như bầu trời thiếu ánh trăng”.
Đứng trên góc độ trưởng dưỡng về mặt tâm linh, sự nhập diệt của một con người vĩ đại thường đánh dấu thời điểm khởi đầu thay vì sự kết thúc của một kỷ nguyên mới. Sự khác biệt nằm ở chỗ cuộc đời của Đức Phật là một trang huyền sử hùng tráng về một con người cống hiến tất cả thân mạng và trí tuệ của mình để đạt đến chân lý cứu kính vô thượng vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Hình tượng Đức Phật thị hiện Niết bàn không mang đến sự sầu đau, buồn thảm như những con người phàm tình. Trái lại, hình ảnh đó khích lệ chúng ta về tiềm năng giác ngộ và giải thoát khỏi biển khổ luân hồi trong mỗi con người. Hình tượng Đức Phật bình thản, an nhiên tự tại và mỉm cười nhập Niết bàn muốn nhắc nhở chúng ta rằng mức độ giác ngộ tối thượng chính Trạng thái toàn trí (tiếng Phạn là turiya), có năng lực tiêu trừ tất cả mọi khổ đau. Đó chính là lý do vì sao Đại Niết bàn còn được coi là Niết bàn tối thượng.
(Nguồn: http://www.exoticindiaart.com)
Tán thán 12 công hạnh của Đức Phật - Bậc hướng đạo toàn hảo
- 1570
Viết bình luận