Nghệ thuật Phật giáo, cầu nối đến tâm giác ngộ
Trong nghệ thuật tạo hình, có hai dạng hình thái ngôn ngữ: ngôn ngữ có được nhờ quá trình học hỏi và ngôn ngữ tâm truyền tâm. Hai hình thái ngôn ngữ này được hình thành từ thuở bình minh ban sơ của vũ trụ, giống như sự phát triển cấu trúc thực vật hoàn chỉnh của một cây dương xỉ bắt nguồn chỉ từ một hạt giống nhỏ.
Hãy quan sát bất kỳ một đứa trẻ nào khi chúng tập trung sáng tạo nghệ thuật. Bạn sẽ nhận thấy công việc dùng hình ảnh diễn tả một ý tưởng đòi hỏi phải tập trung cao độ và với thái độ nghiêm túc. Cho dù đó là hình vẽ kỳ ảo, hiện thực, diễn giải hay thể hiện nội tâm, sự tập trung cao độ sẽ đưa người nghệ sĩ từ thế giới thực tại bên ngoài vào thế giới phi thời gian nằm sâu bên trong. Nghệ thuật chính là công cụ giao tiếp bằng hình ảnh, giúp truyền tải và lưu giữ hình ảnh mà không cần bất kỳ ngôn từ nào. Hình ảnh không thuộc sự điều chỉnh mang thuộc tính phân tích lý luận trực quan của bán cầu não trái mà thuộc về tư duy trực cảm của bán cầu não phải. Khi phần tư duy trực cảm được kích hoạt, cả hormone về ái dục (oxytocin) và hormone tạo cảm giác hạnh phúc (serotonin) sẽ ngừng hoạt dụng, do đó khi ngắm nhìn các bức tranh nghệ thuật, bạn thường có cảm giác rất dễ chịu.
(Bán cầu não trái và phải)
Xúc tình tiêu cực dưới con mắt các nhà khoa học
“Tâm tạo nên chính con người bạn và tạo nên thế giới bạn đang sống” – Kinh Pháp Cú.
Khi tiếp nhận một thông tin mới, não bộ của con người xử lý giống như việc chúng ta bắt đầu xây một con đường cao tốc. Khi tính mới của thông tin mất đi, tức là thông tin được lặp đi lặp lại nhiều lần, thông tin sẽ trở nên quen thuộc, giống như con đường được đổ bê tông ngày càng kiên cố, và một chiếc cầu vững chãi được dựng lên thì xe cộ sẽ đi lại nhanh hơn. Tương tự như vậy, các nguồn thông tin mới nếu lặp lại sẽ được truyền dẫn một cách dễ dàng. Nhiều người cho rằng rất nhiều con đường như vậy được dựng lên trong tâm thức con người sẽ có các tác dụng tích cực bởi trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cần phải sử dụng những kinh nghiệm đã hằn sâu trong vỏ não để ứng phó một cách vô thức với các tình huống được lặp đi lặp lại. Việc lập trình các thông tin lặp lại từ môi trường bên ngoài tạo ra các đường rãnh trên tiểu não và hệ viền, từ đó các phản ứng thần kinh về cảm xúc diễn ra hoàn toàn tự động và vô thức. Chúng ta vẫn kỳ vọng rằng chính những phản ứng này mở rộng kinh nghiệm sống cho con người. Cuộc sống trở thành một con tàu không người lái, ngăn không cho chúng ta giao tiếp với tâm trong sáng, trí tuệ ở sâu bên trong. Chính những kỳ vọng đó đã gây ra biến dạng và làm che mờ vùng tân vỏ não (chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức của con người) và đó là lý do tâm chúng ta phóng tưởng về thực tế bên ngoài.
Các nghiên cứu khoa học trong nhiều năm đã chứng minh rằng cách thức bộ não chúng ta phản ứng lại với mức độ lặp lại nhiều lần như vậy có tác động trực tiếp đến trải nghiệm về thế giới bên ngoài. Thậm chí, để tạo ra tính thách thức của một sự kiện, bộ não từ vô thủy của chúng ta đã xử lý thông tin theo hướng lầm lạc và tiêu cực. Đó là một phần bản năng sinh tồn của loài người – đấu tranh hay phản ứng tranh đấu của não bộ. Ngày nay, báo chí cũng thường nói về đặc tính cơ bản về sự sợ hãi của con ngoài đối với môi trường xung quanh, từ đó hình thành nên những vòng bảo hộ trong bộ não nhằm bù đắp cho cảm giác thiếu hụt sức mạnh. Ví dụ, đàn ông thường hiếu thắng và muốn chinh phục, trong khi phụ nữ có xu hướng cam chịu hơn. Cơ chế sinh tồn để đối phó với các xúc tình tiêu cực như vậy đã được thừa nhận từ vô lượng kiếp trước. Đức Machig Labdrön, Thượng Sư của Truyền thừa Chod đã từng chỉ dạy: “Nguồn gốc của mọi loài ngã quỷ do tâm tạo ra”.
“Ngã quỷ” chính là sự phóng chiếu của tâm bám chấp, tham ái, sân giận, tật đố, ganh ghét. Khi chúng ta hoảng sợ điều gì nhất, chúng ta nên “sẵn sàng” đón nhận. Thay vì cảm thấy bất an, bộ não nên đón nhận, khởi tâm hạnh phúc, hoan hỷ. Nhưng hạch hạnh nhân (nằm ở trung tâm não người) lại có xu hướng cố gắng phát ra các tín hiệu phòng vệ cho chúng ta. Sự phát triển bộ não con người trải qua 3 thời kỳ tiến hóa khác biệt. Phần não bộ tiến hóa lâu đời nhất từ loài bò sát là tiểu não, nằm ở vị trí phía trên của hành não. Bộ phận này chịu trách nhiệm về các hành vi sinh tồn và phản ứng phòng vệ. Ngoài các hành vi đấu tranh hay phản ứng tranh đấu như chúng ta vẫn thường nghe nói, bộ não có lúc lại chỉ huy chúng ta ngừng phản ứng và liên hệ với thực tại, khiến tinh thần của chúng ta trở nên hoàn toàn bất động, các tế bào thần kinh lúc đó giống như một chiếc xe đang chạy trong đêm mà bị hỏng mất đèn pha nên hoàn toàn mất phương hướng. Giữa trạng thái tâm thức bị tê liệt và trạng thái tâm thức vọng động như tâm của một chú khỉ nhảy nhót trong rừng rậm, chúng ta cho phép mình dần tạo ra những trạng thái sinh lý của bộ não khiến chúng ta mất sự tỉnh thức về những nguy cơ tiềm ẩn của các nhiễm ô về tinh thần. Giáo pháp của Đức Phật dạy rằng trước hết, chúng ta cần học cách kiểm soát tâm mình – để tạo ra một bộ não sinh học mới mẻ. Khoa học giải phẫu thần kinh cũng chứng minh rằng chúng ta có thể phá bỏ “những chiếc cầu nhiễm ô về tinh thần” trong bộ não của mình và xây những chiếc cầu mới nếu chúng ta thật sự mong muốn. Nhưng cho đến khi những chiếc cầu bất như ý vẫn đang tồn tại kiên cố, và những chiếc cầu mới, tốt đẹp hơn chưa được dựng lên, thì những phản ứng vô thức trong cuộc sống của chúng ta vẫn luôn hiện hữu bất kể “xây dựng chiếc cầu tâm” đẹp đến mức nào. Giống như một lọ nước hoa thơm dù đắt tiền đến đâu, thì vẫn có những thành phần không đảm bảo vệ sinh ẩn tàng bên trong.
(Hạch hạnh nhân, nằm ở trung tâm não bộ)
Ngôn ngữ vô thức mang tính tượng hình
Theo một nghiên cứu chưa từng có trong ngành Nhân chủng học của Thạc sĩ người Canada, ông Genevieve von Petzinger, về các ký hiệu hình học thời cổ đại, trong khoảng 30.000 năm, loài người chỉ sử dụng 32 ký hiệu trên toàn bộ lục địa châu Âu, kéo dài sang cả châu Á và châu Úc. Đây là một con số rất khiêm tốn nếu so với khoảng thời gian tiến hóa và phạm vi sinh sống trên trái đất của loài người. Chúng ta cũng biết rằng ngôn ngữ của con người mới có từ cách đây 5.000 năm dựa vào những phát hiện từ di tích khảo cổ về các hình tượng phác họa mang tính vô thức của con người thời cổ đại. Đó chính là ngôn ngữ tượng hình mà ngày nay chúng ta vẫn có thể nhận ra từ trong tiềm thức của mình.
Nghệ thuật tâm linh
Trong nghệ thuật tâm linh truyền thống, có rất nhiều trường phái tượng hình đã được truyền dạy và học hỏi qua nhiều thế hệ. Xét về mặt lịch sử, bộ môn nghệ thuật này thường được truyền dạy hạn chế cho một số đối tượng, sau đó, từ các phiên bản này mới được phổ biến cho nhiều người.
Ngày nay, càng có nhiều người có cơ hội được tiếp cận với các giáo pháp trí tuệ của Đức Phật và nghệ thuật Phật giáo linh thiêng. Họ đã chia sẻ cho nhau những hiểu biết và giá trị tôn quý của nghệ thuật Phật giáo thông qua biểu tượng giác ngộ với toàn thế giới. Họ đã nhận ra được những hình tượng ẩn sâu trong tiềm thức của con người trong nhiều thiên niên kỷ.
Khi mắt chúng ta nhìn vào một hình ảnh, ánh sáng đi vào trong mắt sẽ xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc. Võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng theo không gian hai chiều thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích tại vỏ não. Quá trình phân tích này sẽ xử lý hình ảnh ba chiều theo hiểu biết về tính nhị nguyên của sự vật. Màu sắc kỳ diệu ở chỗ thậm chí chúng ta không cần nhìn thì bản thân màu sắc cũng có tác dụng trị liệu. Chính vì vậy, liệu pháp màu sắc thường được áp dụng đối với những người khiếm thị. Con người chúng ta thụ nhận tác động từ màu sắc dưới cả góc độ vật lý và tâm lý. Rất đơn giản, màu sắc chính là một dạng sóng năng lượng. Và cơ thể chúng ta cũng phát ra năng lượng. Theo khoa học giải phẫu sinh lý, màu sắc có liên quan đến việc sản sinh ra hormone tuyến tùng (melatonin), và hormone tạo cảm giác hạnh phúc (serotonin). Trong cuộc sống, chúng ta trải nghiệm phổ quang của tất cả các màu sắc vào ban ngày. Việc đào thải các hóa chất tự nhiên độc hại từ tuyến tùng sẽ có tác dụng tích cực đến từng tế bào trong cơ thể. Bởi tuyến tùng nằm ở chính vị trí của con mắt trí tuệ thứ ba, chủ về trực giác. Đây chính là cánh cửa giữa trải nghiệm vật lý thông thường và trí tuệ bản lai của con người.
Khi quan sát tập trung các bức Thangka, ví dụ khi thiền định về các vị Phật Bản tôn, tiềm thức của chúng ta dần nhận ra được các hình tượng được huân tập và các hình tượng thanh tịnh trong tâm thức. Chúng ta thay đổi cấu trúc tế bào thần kinh của bộ não bằng cách triệu thỉnh và thỉnh cầu chư Phật Bản tôn an trụ, hòa nhập tâm giác ngộ của các Ngài vào tâm bản lai thanh tịnh của chúng ta, giúp chúng ta phá bỏ những chiếc cầu tập khí, nhiễm ô về tinh thần trong tâm mình. Khi thông tin được mã hóa dưới dạng hình ảnh, chúng ta sẽ có xu hướng nhớ lâu hơn. Theo thống kê, khả năng ghi nhớ của con người được cải thiện 65% nếu thông tin được mã hóa dưới dạng hình ảnh. Đây cũng chính là phương tiện thực hành giúp chúng ta “điều phục tâm”.
(Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara)
Đức Phật đã từng chỉ dạy rằng bản chất tối thượng của vạn pháp không đòi hỏi chúng ta phải “suy ngẫm” để “tri kiến lập tri”. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không cần thiết phải mất thời gian suy nghĩ xem cơ chế hoạt động của một con người làm việc như thế nào. Chúng ta nên hướng tới việc trưởng dưỡng lòng tri ân và trí tuệ hiểu biết để giữ thân tâm thanh tịnh. Chúng ta nên hướng vào nội tâm mình. Khi hiểu rõ về cơ chế hoạt động của tâm, chúng ta sẽ tinh tấn thực hành các pháp tu tập.
Là một Phật tử, chúng ta nên ghi nhớ lời dạy của Đức Phật về tư duy biện chứng. Nhiều bậc Thầy giác ngộ đã có rất nhiều cống hiến cho các nghiên cứu khoa học. Trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu về bộ não con người, tâm thức, thiền định và sáng tạo trong nghệ thuật. Các nghiên cứu về giải phẫu sinh lý đã chứng minh có sự liên hệ giữa tâm lý và nghệ thuật; tâm lý của chúng ta sẽ được cải thiện sau khi thưởng thức và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, giải tỏa căng thẳng và sản sinh hormone tạo cảm giác hạnh phúc. Khi tiếp nhận các thông tin mới, não bộ sẽ tự động khoanh lại các vùng thông tin này giống như cách chúng ta xây các cây cầu mới. Tác giả nổi tiếng Malcolm Gladwell từng công bố nghiên cứu của ông về việc hình thành các thói quen trong hệ thần kinh, theo đó trung bình mỗi người phải mất 10.000 giờ luyện tập để trở thành một chuyên gia. Nếu chúng ta thực hành càng nhiều thì sẽ càng giỏi về chuyên môn đó. Lý do là bởi chất béo màu trắng myelin phát triển bao xung quanh các sợi trục thần kinh xung điện, giúp tăng tốc độ truyền thông tin vào não bộ, từ đó chuyển thông tin về một hành động được thực hành nhiều lần thành một hành động được thực hiện dễ dàng. Việc lặp lại các hành động sẽ khiến não tạo ra một khái niệm gọi là “bản năng” trong tâm thức. Chính vì não không phân biệt được đâu là một hoạt động vật lý hay tâm lý, ngay cả khi chúng ta đang tưởng tượng thì não bộ vẫn cho rằng đó là thật. Chúng ta có được trải nghiệm bằng thân vật chất xuất phát từ nhận thức tâm lý bên trong, nhưng thực tế duy nhất mà bộ não nhận biết chỉ là nhận thức tâm lý. Chính vì vậy, thế giới bên ngoài mà chúng ta đang trải nghiệm chẳng qua là sự phóng chiếu của các tế bào thần kinh.
(Chất myelin bao xung quanh các sợi trục thần kinh)
Đức Phật từng dạy: “Khi con nghĩ điều gì, con sẽ trở thành như vậy. Khi con tưởng điều gì, con sẽ tạo tác ra như vậy”.
Một hành động được lặp lại dù vô tình hay cố tình, dù tưởng tượng hay thực tế, đều được não lưu ký lại, đặc biệt khi hành động đó đi kèm với một trạng thái xúc tình. Điều này có thể được lý giải từ những hành vi tiêu cực hay những nhiễm ô về tinh thần, nhưng cũng có thể được hiểu từ góc độ khoa học, đó là “làm giả nhiều lần sẽ trở thành làm thật”, thậm chí ngay cả khi chúng ta chỉ thực hành trong tâm. Chính vì vậy, khi triệu thỉnh đức Phật Bản tôn thông qua thực hành thiền định bằng cả hình ảnh hỗ trợ trực quan và quán tưởng giúp chúng ta cân bằng cấu trúc của hệ thần kinh. Chúng ta đang tạo ra các dấu vết, các rãnh trên lớp chất xám của đại não với các hình ảnh Phật Bản tôn thanh tịnh. Dần dần với sự thực hành lâu bền, tâm chúng ta sẽ trở về thanh tịnh như chư Phật và Bồ Tát.
Nghệ thuật trong Phật giáo đóng vai trò quan trọng đối với hành giả trên con đường tu tập giác ngộ
Thangka là bức họa hay một bức tranh thêu tâm linh chứa đựng các thông tin mang tính hình tượng. Các hình ảnh trong bức vẽ Thangka rất dễ ghi nhớ và có thể kết nối trực tiếp với tâm thức mà không cần phải phân tích, lý giải bằng trí tuệ thế gian, đồng thời hỗ trợ hành giả quán tưởng tốt hơn
Nghệ thuật Mật thừa là cánh cửa trở về tự tính tâm, được bắt nguồn từ trí tuệ Bản lai. Các bức họa này diễn tả sự nội chứng tâm linh sâu kín nhất của con người xét trên bình diện cá nhân và xã hội. Đây không phải là một hành động được lặp đi lặp lại mà xuất phát từ linh kiến giải thoát, phản chiếu tiềm năng sâu kín nhất nơi mỗi người. Đó chính là sự giải thoát giác ngộ. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, tâm chúng ta nương đậu nơi vùng lưu trữ về màu sắc và hình ảnh của não bộ, sau đó chỉ huy hành động về thân để thực hiện công việc sáng tác. Bức tranh tuy là kết quả bên ngoài nhưng phản ánh rõ ràng những chuyển biến nội tâm bên trong. Hiểu biết về màu sắc và ngôn ngữ hình tượng về tiềm thức rút ngắn khoảng cách từ vô thức đến tỉnh thức, mang lại cho chúng ta cơ hội được hiểu biết hơn về bản thân và giải quyết các vấn đề về tâm.
(Mandala cát Mahakala)
Các nghệ sĩ xuất chúng, thần đồng âm nhạc và nhà bác học thường tạo ra các tác phẩm mang tính cộng đồng và đó không thể là kết quả lao động sáng tạo của một kiếp người. Đó là kết quả từ tiềm thức được lưu ký từ nhiều đời trong quá khứ, hoặc từ các thông tin được tiếp nhận vượt ra khỏi giới hạn của tâm thức. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà 96% là “vô hình”, chúng ta không có đủ khả năng để nhìn thấy và không đủ trí tuệ để thống hiểu hết thảy sự vật, hiện tượng. Trong Phật giáo quan niệm rằng vạn pháp đều không có thực thể, không thể tồn tại độc lập nhưng cùng chung một bản chất là xuất phát từ tự tính Phật thanh tịnh hay chính là “Tính không”. Khoa học hiện đại của phương Tây đang chứng minh về “Tính không”, giáo lý mà các bậc Thầy Phật giáo giác ngộ từ xa xưa đã thấu suốt. Bộ não của chúng ta chỉ có 4% là các tế bào chắc thật, còn lại 96% thuộc về Tính không. Phần còn lại này tạo ra nguồn năng lượng mà về bản chất cũng là Tính không, giúp bộ não tự thân điều chỉnh các khu lưu thông tin để thu nhận nguồn thông tin tổng hợp về cảm xúc/tâm lý. Thông tin thu thập dưới dạng sóng năng lượng tràn ngập trong tâm của chúng ta, nhờ đó mang đến sinh lực cho những tác phẩm mà người nghệ sỹ đang sáng tác. Tuy nhiên, quá trình sáng tác của người nghệ sỹ thông thường dựa vào sự thăng hoa cảm xúc trong thế giới của vọng tưởng nhị nguyên được người nghệ sỹ diễn đạt ra bên ngoài thông qua tài năng nghệ thuật. Người nghệ sỹ thế gian mới chỉ đạt đến việc cảm nhận được cảm xúc mà chưa trải nghiệm thực sự được toàn bộ bản thể của cảm xúc (đó là Tự tính Tâm). Điều đáng nói là những động cơ đó và những cảm xúc yêu, ghét, mừng, giận hoặc bất kỳ loại cảm xúc nào khác đều có bản chất vô thường sinh diệt. Khi tâm hết thăng hoa, người nghệ sỹ thế gian lại thường rơi vào những bế tắc vì không tìm thấy cảm xúc sáng tạo. Do không kết nối được với sức mạnh sáng tạo, với suối nguồn từ bi trí tuệ và Phật tính bên trong, nên người nghệ sỹ thế gian không những chưa sử dụng được hết tiềm năng sáng tạo vô hạn của mình, mà còn thường cảm thấy hạn chế trong việc biểu hiện cảm xúc của bản thân và cô lập với thế giới bên ngoài.
Nghệ thuật Phật giáo Kim cương thừa bắt nguồn từ trí tuệ tự tính tâm, đó là sự chuyển hóa giác ngộ của thế giới bên trong và bên ngoài. Bên trong là những đức hạnh từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha cho đến khi từ bỏ thân ngũ uẩn, vượt qua trạng thái trung ấm, hóa thân chuyển thế và tiếp tục công hạnh vì lợi ích chúng sinh. Bên ngoài là kho tàng nghệ thuật cao siêu thâm diệu chứa đựng toàn bộ tinh túy ý nghĩa của kinh điển thông qua hệ thống các tranh tượng, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, và các đồ thờ. Nghệ sỹ Mật thừa kết nối với chúng sinh thông qua lòng từ bi và trí tuệ thanh tịnh bên trong, và biểu lộ phẩm tính và năng lượng thanh tịnh của tâm giác ngộ bên trong ra bên ngoài thông qua các tác phẩm. Giống như người bắn cung thiện xảo cần hợp nhất cả con mắt ngắm, mũi tên và mục tiêu, người nghệ sĩ Mật giáo phải hợp nhất trọn vẹn trí tuệ diệu quan sát, phương pháp thù thắng tu tập cùng phương tiện thiện xảo lợi ích chúng sinh và mục đích tối thượng giác ngộ chúng sinh trong quá trình sáng tác.
Bác sĩ Tâm thần học Carl Jung từng nói: “Nghệ thuật là định hướng tinh thần của thời đại. Tất cả các bộ môn nghệ thuật đều thấu hiểu theo trực giác những thay đổi sắp đến gần từ trong vô thức” (Jung 1971, 82).
Theo truyền thống Kim Cương thừa, việc kiến tạo ra một bức Thangka là một nghệ thuật hình ảnh thường bao gồm các nghi lễ và thực hành thiền định. Quá trình tạo nên này có thể mất nhiều năm. Những bức Thangka là hàng loạt sự sáng tạo của tinh thần, của mắt, của tay, và của niềm cảm hứng vô ngã vị tha đến từ những thiện hạnh giác ngộ. Di sản Thangka không những chỉ tạo niềm hỷ lạc cho người xem mà còn tạo niềm cảm hứng tâm linh giác ngộ và sự gia trì linh thiêng từ những hành giả đang trải nghiệm sự nội chứng tâm linh, đánh dấu trí tuệ nghệ thuật Mật thừa, mở ra những hình ảnh và sự chuyển hóa vô hạn của đời sống.
(Nhóm ĐBT biên soạn
Nguồn: http://buddhistdoor.net)
- 518
Viết bình luận