Nghệ thuật Mật thừa - Thế giới của sự chuyển hoá
Nghệ thuật Mật thừa – một truyền thống tiêu biểu của nghệ thuật Phật giáo - là một nghệ thuật siêu việt bởi đó là nghệ thuật của các thứ lớp chứng ngộ và hướng đến sự giác ngộ. Khi nói đến nghệ thuật Mật thừa, xin quý độc giả đừng hiểu quá đơn giản rằng nghệ thuật này chỉ nhằm mô tả những biểu tượng hay giáo lý Đạo Phật như vòng luân hồi, cảnh giới Niết Bàn hay tiểu sử cuộc đời Đức Phật và chư Bồ Tát. Nghệ thuật Mật giáo thực sự là thế giới của sự chuyển hóa bên trong và bên ngoài. Do Phật giáo là một triết lý vũ trụ nên ngoài sự miêu tả CÁI ĐẸP bằng các hình thái biểu hiện nghệ thuật khác nhau, nghệ thuật Mật giáo còn thể hiện nhân sinh quan, triết lý sâu sắc, các pháp tu tập và các phương tiện độ thế của Đạo Phật. Điều đó mang tới những điểm khác biệt đầy ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này so với các loại hình nghệ thuật thế gian. Đây cũng là điều mà người viết, với thiển kiến của mình, xin mạo muội chia sẻ qua đôi lời dẫn nhập, với hy vọng tạo cảm hứng giúp quý vị độc giả bước vào tìm hiểu thế giới thiêng liêng, huyền ảo, sâu sắc và tràn đầy đạo vị giác ngộ của truyền thống nghệ thuật này.
Có rất nhiều trường phái nghệ thuật thế gian, tuy nhiên người nghệ sỹ thông thường của thế gian không có mục tiêu tối thượng là dẫn đến giác ngộ. Một cách chung nhất, họ chỉ cảm thụ được những thăng trầm cảm xúc đang diễn ra trong tâm hồn mình. Quá trình sáng tác của người nghệ sỹ thông thường dựa vào sự thăng hoa cảm xúc trong thế giới của vọng tưởng nhị nguyên được người nghệ sỹ diễn đạt ra bên ngoài thông qua tài năng nghệ thuật. Tuy nhiên, người nghệ sỹ thế gian mới chỉ đạt đến việc cảm nhận được cảm xúc mà chưa trải nghiệm thực sự được toàn bộ bản thể của cảm xúc (đó là Tự tính Tâm). Họ cũng không có những phương pháp rốt ráo để chuyển hóa cảm xúc. Những động cơ sáng tác thế gian cũng rất đa dạng: “vị nhân sinh” hay “vị nghệ thuật”, vì một lý tưởng cao đẹp hay chỉ thỏa mãn cái Tôi, vì các mục đích thế gian như tiền tài, danh tiếng, giao thiệp, quyền lực hoặc thậm chí sáng tác một cách vô định. Điều đáng nói là những động cơ đó và những cảm xúc yêu, ghét, mừng, giận hoặc bất kỳ loại cảm xúc nào khác đều có bản chất vô thường sinh diệt. Khi tâm hết thăng hoa, người nghệ sỹ thế gian lại thường rơi vào những bế tắc vì không tìm thấy cảm xúc sáng tạo. Do không kết nối được với sức mạnh sáng tạo, với suối nguồn từ bi trí tuệ và Phật tính bên trong, nên người nghệ sỹ thế gian không những chưa sử dụng được hết tiềm năng sáng tạo vô hạn của mình, mà còn thường cảm thấy hạn chế trong việc biểu hiện cảm xúc của bản thân và cô lập với thế giới bên ngoài.
Nghệ thuật Mật giáo bắt nguồn từ trí tuệ tự tính tâm, đó là sự chuyển hóa giác ngộ của thế giới bên trong và bên ngoài. Bên trong là những đức hạnh từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha cho đến khi từ bỏ thân ngũ uẩn, vượt qua trạng thái trung ấm, hóa thân chuyển thế và tiếp tục công hạnh vì lợi ích chúng sinh. Bên ngoài là kho tàng nghệ thuật cao siêu thâm diệu chứa đựng toàn bộ tinh túy ý nghĩa của kinh điển thông qua hệ thống các tranh tượng, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, và các đồ thờ. Nghệ sỹ Mật giáo kết nối với chúng sinh thông qua lòng từ bi và trí tuệ thanh tịnh bên trong, và biểu lộ phẩm tính và năng lượng thanh tịnh của tâm giác ngộ bên trong ra bên ngoài thông qua các tác phẩm. Giống như người bắn cung thiện xảo cần hợp nhất cả con mắt ngắm, mũi tên và mục tiêu, người nghệ sĩ Mật giáo phải hợp nhất trọn vẹn trí tuệ diệu quan sát, phương pháp thù thắng tu tập cùng phương tiện thiện xảo lợi ich chúng sinh và mục đích tối thượng giác ngộ chúng sinh trong quá trình sáng tác.
Nghệ thuật Mật giáo là nghệ thuật bắt nguồn từ tâm nguyện từ bi. Các phương tiện hành trì của Mật thừa là những mối tương quan giữa các nguyên lý tâm thức, các thứ lớp trí tuệ, hình vẽ, cử chỉ mật ấn, màu sắc biểu tượng và các vị trí không gian hòa hợp trên 4 chiều của thực tại có đủ sức tác động trên bốn bình diện vật chất, tâm lý, tình cảm, tinh thần, và cũng là sự song hành giữa Tiểu vũ trụ và Đại vũ trụ, giữa tâm thức và thiên nhiên, giữa nghi lễ và thực tế, giữa vật chất và tinh thần. Tất cả sự biểu đạt này đều không dựa trên suy nghĩ võ đoán hoặc cảm xúc ngẫu hứng vô thường mà là những trải nghiệm giác ngộ qua vô số thế hệ. Như vậy, các hành giả Mật thừa vẫn tiến mãi về mục đích sáng tạo mà không lạc trong sa mạc của ly tán và vọng tưởng.
Nghệ thuật Mật giáo được biểu hiện qua các phương tiện tượng trưng cho Thân, Ngữ, Ý giác ngộ như:
+ Thân: qua các hình ảnh và tượng Phật, Bản Tôn.
+ Ngữ: qua Giáo lý, Thi ca, Tán tụng, Âm nhạc và Chân ngôn
+ Ý: qua những Vũ điệu Kim Cương Thừa. Hành giả Mật giáo trong Vũ điệu Kim Cương Thừa tự thân hợp nhất với Bản tôn, tâm trụ trong tâm của Bản tôn, khẩu tương ứng với chân ngôn của Bản tôn. Đó là tam mật tương ứng. Với Tâm hài hòa thanh tịnh trí tuệ, nghệ sĩ kết nối với suối nguồn của tâm trí tuệ Bát Nhã nên nghệ thuật được họ thể hiện một cách tự nhiên trong đời sống để phụng sự chúng sinh.
Trí tuệ thế gian thông thường chưa thể giúp trải nghiệm đầy đủ nghệ thuật Mật giáo! Nhằm đạt được trải nghiệm chân thật về nghệ thuật Mật giáo, chúng ta cần hạnh ngộ bậc Thượng sư giác ngộ để trở thành nghệ sỹ làm chủ số phận chính mình, để dũng cảm chuyển hóa thế giới cảm xúc bên trong, vượt qua sợ hãi, khổ đau và tín ngưỡng, chuyển hóa thành sức mạnh của lòng bi mẫn, sự sáng tạo và tri kiến thanh tịnh. Chứng ngộ được toàn thể vũ trụ chính là sự phóng chiếu của mỗi chúng sinh và cũng là sự thấu hiểu rằng CHÚNG TA sáng tạo mọi hình ảnh và màu sắc của mọi hiện hữu. Những biểu tượng giải thích trong ấn phẩm này chỉ là minh họa cho hành trình giác ngộ của mỗi cá nhân. Nguyện rằng những giải thích bằng hình ảnh, biểu trưng này sẽ dẫn dắt tất cả mọi người nhìn thẳng vào chính nội tâm mình, nơi thực tại chân lý được dung chứa và biểu lộ trong tâm pháp giới bao la của mỗi chúng sinh!
Mạnh Xuân, Thăng Long - Hà Nội, Phật Lịch 2554
Cẩn Bút
(Trích phần "Dẫn nhập" tác phẩm "Nghệ thuật Mật thừa", Drukpa Việt Nam, Nhà Xuất bản Mỹ Thuật, Nhà sách Nhã Nam liên kết phát hành tháng 3 năm 2010. Các trích đoạn nội dung khác của cuốn sách này sẽ được lần lượt giới thiệu với Quý vị trong những bài viết sau)
- 662
Viết bình luận