Ý niệm về vẻ đẹp trong Phật giáo Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý niệm về vẻ đẹp trong Phật giáo Kim Cương thừa

Bất kỳ nền văn hóa nào cũng đề cao ý niệm về cái đẹp. Trong lịch sử phát triển của loài người, vẻ đẹp qua các giai đoạn đều có nhiều điểm tương đồng. Tháng 9 vừa qua, tôi có phúc duyên được tham gia sự kiện trưng bày các Kiệt tác nghệ thuật của vùng Himalaya tại Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, một trong những viện bảo tàng lớn nhất Hoa Kỳ được đặt tại trung tâm thành phố New York. Sau đó tôi cũng được tham gia một khóa học về thiền tại Trung tâm Phật giáo Rigpa ở Luân-đôn. Câu hỏi về vẻ đẹp trong nghệ thuật Phật giáo cứ gợi mở trong tâm trí tôi. Tại sao những con người sáng tạo và đam mê nghệ thuật Phật giáo lại có thể miệt mài, không chút ngần ngại dành trọn vẹn thời gian tạo ra những tác phẩm với vẻ đẹp lôi cuốn đến như vậy?


Trong một thế giới mà khái niệm về cái đẹp tách rời hoàn toàn khỏi những chuẩn mực về luân lý và đạo đức, vẻ đẹp bị xuống cấp đến mức chỉ được coi là hàng hóa vật chất, thì truyền thống Phật giáo nói chung và Kim Cương thừa nói riêng vẫn giữ được sự kết nối và hợp nhất với bản chất chân thật của cái đẹp, coi đó là nền tảng quan trọng và giá trị cho việc thực hành trưởng dưỡng tâm linh.

Trong truyền thống Kim Cương thừa, sự trải nghiệm cái đẹp có mục đích thâm sâu hơn là đơn thuần ngắm nhìn một biểu tượng nghệ thuật nào đó. Đó chính là sự thể nhập vẻ đẹp tâm linh, siêu việt định nghĩa về cái đẹp thế tục thường được cảm nhận qua các giác quan. Bởi không ngôn từ nào có thể diễn tả được, vẻ đẹp hình tướng của các vị Phật Bản tôn phá bỏ những chấp trước của chúng ta, nhường chỗ cho tự tính phi vật chất bản nguyên. Vẻ đẹp thế tục của những tập khí mà chúng ta tích lũy khuấy lên những nhiễm ô trong nhận thức về cuộc sống hữu tình, gây chướng ngại cho sự kết nối giữa thế giới con người hữu hạn với thế giới linh thiêng vô hạn của chư Phật. Ý niệm về không gian thánh hóa được thể hiện rất rõ nét trong Phật giáo Kim Cương thừa. Không gian và cấu trúc trong nghệ thuật Kim Cương thừa tuy do con người sáng tạo ra nhưng là cầu nối giữa thế giới của chúng sinh với thế giới thanh tịnh của chư Phật, giúp chúng ta hiểu biết hơn về bản chất chân thật của vạn pháp siêu việt cõi luân hồi.

Tôn tượng Đức Liên Hoa Sinh, tự viện Hemis (Ladakh)

Bức họa Đức Liên Hoa Sinh trên đá (Thimpu, Bhutan)
Theo quan kiến của Phật giáo Kim Cương thừa, sự kết nối với thế giới Sa bà thông qua trải nghiệm về vẻ đẹp bản lai sẽ hợp nhất chúng ta với vũ trụ, đồng thời xây dựng định hướng đúng đắn cho chúng ta trên con đường đạt tới giác ngộ giải thoát. Chứng ngộ vẻ đẹp bản lai sẽ giúp chúng ta thể nhập Phật tính linh thiêng vốn sẵn đủ nơi mỗi người. Điều này có thể được so sánh với trải nghiệm trong khoảnh khắc về sự giác ngộ, khi mà những mối bận tâm thế tục được gỡ bỏ khiến chúng ta thấy mình hợp nhất với thế giới và vũ trụ. Tương tự như vậy đối với những trải nghiệm về nghệ thuật và tâm linh. Chúng ta không cần phải hiểu hay chấp nhận những luận thuyết giáo điều về tôn giáo khi trải nghiệm về vẻ đẹp, bởi thế bản thân vẻ đẹp trong nghệ thuật Kim Cương thừa đã âm vang năng lượng gia trì linh thiêng trong cuộc sống thế tục này, giúp chúng ta quay trở về với bản tâm thanh tịnh một cách nhậm vận tự nhiên mà không cần phải học hỏi giáo lý nào.
Bức Thangka Đức Phật A Di Đà lớn nhất vùng Himalaya

Vẻ đẹp mà chúng ta trải nghiệm khi chiêm bái các biểu tượng giác ngộ linh thiêng không mang ý nghĩa tín ngưỡng mà tạo nên giá trị cho cuộc sống của chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng về bản chất, chúng ta không chỉ là một giống động vật chỉ biết đi tìm thức ăn và trách cứ lẫn nhau. Khoảnh khắc không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ trong cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành những khoảnh khắc vô cùng linh thiêng nếu chúng ta biết trải nghiệm vẻ đẹp bản lai, bởi vẻ đẹp đó chứa đựng bản chất của vạn pháp mà nhận thức nhị nguyên của không nhận ra được.


Thiết kế tầng vòm Đại bảo tháp Naropa (Ladakh)

Truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa hợp nhất trải nghiệm về xúc tình tiêu cực như ái dục với trải nghiệm về tự tính thanh tịnh của tâm, theo đó cuộc sống của đối tượng được yêu thương theo tình yêu thế tục được chiêm nghiệm ở cấp độ tâm thức cao hơn. Nhờ những hiểu biết về vẻ đẹp bản lai, chúng ta sẽ nhìn nhận những người mình yêu thương không phải là những con người bằng xương bằng thịt, mà đó là hiện thân của Phật tính.

Chúng ta cũng hiểu rằng giá trị của những biểu tượng Phật giáo nằm chính trong tự tính giác ngộ không hình tướng của biểu tượng linh thiêng đó. Vì vậy, lòng tri ân, trân trọng sâu sắc trước vẻ đẹp của các biểu tượng giác ngộ linh thiêng giúp chúng ta nhận ra được bản chất của tình yêu vô ngã hay Bồ đề tâm.

Những ai đang trải qua cảm xúc bất an, trầm cảm hoặc đang gặp rắc rối có thể có đạt được trạng thái tâm trong sáng, bất nhị, hợp nhất với với chư Phật Bản tôn nhờ thực hành quán tưởng. Pháp thực hành này cũng nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều có chung một bản thể, đó chính là Phật tính. Dù chỉ với những hình ảnh quán tưởng không rõ ràng, bạn cũng có thể quay trở về với tự tính tâm thanh tịnh đối nghịch với những xúc tình tiêu cực mà chúng ta đang phóng chiếu hàng ngày. Vì vậy, vẻ đẹp trong nghệ thuật Kim Cương thừa là phương tiện thiện xảo giúp khơi dậy tâm giác ngộ tối thượng nơi mỗi chúng ta.

(Nguồn: Tinley Fynn

Buddhist Door)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757228
Số người trực tuyến: