Kinh Nhật tụng – TKN Hải Triều Âm: KINH CAHYNA
KINH CAHYNA
Khi ấy Phật ở Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc tại Thắng Lâm.
Tôn giả A Na Luật Đà cũng ở Xá Vệ trong ngọn núi Ta La La, sáng sớm vào thành khất thực gặp tôn giả Anan liền bảo : “Hiền giả Anan nên biết ba y vải thô của tôi đã rách hết. Hiền giả nên thỉnh các Tỳ-kheo vì tôi may y”.
Tôn giả Anan lặng thinh nhận lời. Tôn giả Anan khất thực rồi, thọ thực xong đã quá ngọ, xếp dọn y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên tay, tay cầm chìa khóa đi khắp các phòng, thấy các thầy Tỳ-kheo bèn thỉnh :
“Chư tôn! Nên đến núi Ta La La vì tôn giả A Na Luật Đà may y”.
Thế Tôn bảo : “Anan! Sao ông không thỉnh Như Lai vì Tỳ-kheo A Na Luật Đà may y”.
Tôn giả Anan chắp tay bạch Phật : “Cúi mong Thế Tôn đến núi Ta La La vì tôn giả A Na Luật Đà may y”.
Thế Tôn lặng thinh nhận lời.
Khi ấy ở núi Ta La La có 800 Tỳ-kheo và Thế Tôn chung họp vì tôn giả A Na Luật Đà may y”.
Tôn giả Mục Kiền Liên đứng dậy bày vai áo chắp tay hướng Phật bạch : “Cúi mong Thế Tôn vì hiền giả A Na Luật Đà trải vải ra cắt từng mảnh các Tỳ-kheo cũng trải vải ra cắt từng mảnh rồi may kết lại”.
Thế Tôn và các Tỳ-kheo chỉ trong một ngày, vì tôn giả A Na Luật Đà may xong ba lá y.
Thế Tôn bảo : “A Na Luật Đà! Ông vì chúng Tỳ-kheo nói pháp Cahyna tôi nay đau lưng muốn nghỉ một chút”.
Thế Tôn xếp y Uất-đa-la-tăng trải trên sàn, cuốn y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông mặt, hai chân chồng lên nhau, khởi tưởng quang minh, lập chánh niệm chánh trí.
Tôn giả A Na Luật Đà bảo các Tỳ-kheo :
Chư hiền! Tôi khi xưa chán sanh già bệnh chết, khóc than buồn thảm. Muốn đoạn nhóm khổ lớn này. Tôi xét nghĩ : Tại gia chật hẹp là chỗ trần lao. Xuất gia học đạo mở mang rộng lớn. Ta ở nhà bị xiềng xích, lại không được trọn đời tu hạnh thanh bạch. Ta nên bỏ tài vật ít và tài vật nhiều, bỏ thân thuộc nhỏ và gia tộc lớn, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín bỏ nhà, không nhà học đạo.
– I –
Chư hiền! Tôi bỏ dòng quý tộc, xuất gia, thọ giới Tỳ-kheo, gìn giữ giới luật, nhiếp phục uy nghi. Thấy tội nhỏ bằng mảy lông cũng ôm lòng lo sợ.
Chư hiền! Tôi lìa sát sanh, đoạn sát sanh, dẹp bỏ dao gậy. Tôi hổ thẹn, tu tâm từ bi làm lợi ích tất cả cho đến loài côn trùng. Tôi đối với sát sanh đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa trộm cắp, dứt trộm cắp. Người ta cho sau mới lấy, ưa người ta cho mới lấy. Thường bố thí, vui vẻ không lẫn tiếc, không mong người đền đáp. Tôi đối với trộm cắp đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa hạnh nhơ nhớp, siêng tu diệu hạnh lìa dục. Tôi đối với dâm dục đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nói dối, dứt nói dối, nói lời chân thật, ưa chân thật, ở chỗ chân thật, không dời đổi, không lừa thế gia. Tôi đối với nói dối đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nói hai lưỡi, dứt nói hai lưỡi. Không phá hoại người, không nghe kia nói đây, không nghe đây nói kia. Người ly muốn cho hợp, người hợp thì vui mừng. Không kết bè đảng, không ưa bè đảng, không khen bè đảng. Tôi đối với hai lưỡi đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nói thô ác, dứt nói thô ác. Lời lẽ thô bạo tiếng nghe trái tai, người không vui, người không ưa, khiến người khổ não, khiến không được định. Tôi lìa lối nói như thế. Chỉ nói lời hòa nhã, mềm mỏng. Tôi đối với nói thô ác đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nói thêu dệt, dứt nói thêu dệt, nói đúng thời, đúng sự thật, hợp pháp, có nghĩa. Tôi đối với nói thêu dệt đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa kinh doanh, dứt kinh doanh, bỏ cân lường pha đấu, không tính toán đo lường. Tôi đối với kinh doanh đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nhận quả phụ gái trẻ, dứt nhận quả phụ gái trẻ. Tôi đối với nhận quả phụ gái trẻ đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nuôi tôi tớ, dứt nuôi tôi tớ. Tôi đối với nuôi tôi tớ đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nuôi heo gà, dứt nuôi heo gà. Tôi đối với nuôi heo gà đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nuôi voi ngựa trâu dê, dứt nuôi voi ngựa trâu dê. Tôi đối với sự nuôi voi ngựa trâu dê đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa làm ruộng mua bán, dứt làm ruộng mua bán. Tôi đối với làm ruộng mua bán đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa trồng rẫy đậu bắp, dứt trồng rẫy đậu bắp. Tôi đối với sự trồng rẫy đậu bắp đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa uống rượu, dứt uống rượu. Tôi đối với uống rượu đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa giường cao rộng lớn, dứt giường cao rộng lớn. Tôi đối với giường cao rộng lớn đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa trang điểm, dứt trang điểm. Tôi đối với trang điểm đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa ca múa hát xướng và đi xem nghe, dứt ca múa hát xướng và đi xem nge. Tôi đối với ca múa hát xướng và đi xem nghe đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa nhận tiền bạc của báu, dứt nhận tiền bạc của báu. Tôi đối với sự nhận tiền bạc của báu đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi lìa ăn quá ngọ, dứt ăn quá ngọ, ăn một bữa, không ăn tối, học ăn đúng giờ. Tôi đối với ăn quá ngọ đã dẹp sạch tâm ấy.
– II –
Chư hiền! Tôi đã thành tựu nhóm giới này, học tri túc, mặc chỉ đủ che thân, ăn chỉ đủ nuôi sống. Tùy đi đến đâu chỉ mang theo y bát. Không quyến luyến ngoại vật như chim nhạn với cặp cánh bay thẳng trong không.
– III –
Chư hiền! Tôi lại học gìn giữ sáu căn, hằng khởi chánh trí. Mắt thấy sắc không nhận tướng nên không thưởng thức. Vì lìa giận hờn đấu tranh nên gìn giữ mắt. Trong tâm không sanh pháp ác tham lam lo buồn. Gìn giữ tai mũi lưỡi thân cũng thế.
Nếu ý biết pháp không nhận tướng nên cũng không biết vị của pháp. Vì lìa sân hận tranh đấu, nên gìn giữ ý căn. Trong tâm không sanh pháp ác tham lam lo buồn.
– IV –
Chư hiền! Tôi đã thành tựu nhóm thánh giới và tri túc, gìn giữ các căn, lại học chánh tri. Ra vào khéo quán phân biệt. Co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chậm rãi. Khéo mặc y Tăng-già-lê và cầm y bát, đi đứng nằm ngồi, ngủ thức nói nín đều chánh trí.
– V –
Chư hiền! Tôi ở chỗ vắng vẻ hoặc dưới gốc cây trải tọa cụ ngồi kiết già, thân ngay thẳng, xoay niệm không hướng ngoại, dứt trừ tâm tranh đấu, thấy tài vật của người không khởi tâm tham muốn mình được. Tôi đối với tham lam, sân giận, si mê, tán loạn, nghi hối đã dẹp sạch tâm ấy.
Chư hiền! Tôi đã dứt ngũ cái vì ngũ cái làm tăng ô uế khiến tuệ kém yếu. Tôi lìa dục, lìa pháp ác. Đến đệ tứ thiền thành tựu tự tại.
Chư hiền! Tôi đã được tâm định như thế, thanh tịnh không ô uế, không nóng bức, mềm mại, khéo trụ bất động, học chứng như ý túc trí thông, phân một thân làm nhiều thân, nhiều thân hợp thành một thân, thân tự tại không bị vách đá làm ngăn ngại như đi trong hư không, chui xuống đất như lặn xuống nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi kiết già thăng lên hư không như chim bay, mặt trời mặt trăng có oai thần lớn mà tôi lấy tay rờ nắm được. Thân tôi có thể cao đến Phạm Thiên.
Chư hiền! Tôi đã được định tâm như thế, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt mềm mại, khéo trụ bất động, học chứng thiên nhĩ trí thông, nghe tiếng người và phi nhân, gần xa diệu hay chẳng diệu.
Chư hiền! Tôi đã được định tâm như thế thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, mềm mại, khéo trụ bất động, học chứng tha tâm trí thông. Chúng sanh có dục không dục, giận hờn, không giận hờn, si mê không si mê, ô uế, không ô uế, hợp tan, cao thấp, nhỏ lớn, tu không tu, định không định, giải thoát, không giải thoát, tôi đều biết như thật.
Chư hiền! Tôi đã được định tâm như thế, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, mềm mại, khéo trụ bất động học chứng túc mạng trí thông. Nghĩa là nhớ một đời, hai đời, trăm đời ngàn đời, kiếp thành kiếp hoại, vô lượng kiếp thành hoại. Ta từng sanh nơi kia, họ như thế, chết kia sanh đây, chết đây sanh kia, thọ khổ vui như thế, thọ mạng hết như thế.
Chư hiền! Tôi đã được định tâm như thế, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, mềm mại, khéo trụ bất động, học chứng sanh tử trí thông. Thấy chúng sanh này thân hành ác, khẩu ý hành ác, chê bai thánh nhân tà kiến. Mạng chung ắt đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Thấy chúng sanh kia, thân hành thiện, khẩu ý hành thiện, chánh kiến. Mạng chung ắt đến chỗ lành, sanh về cõi trời.
Chư hiền! Tôi đã được định tâm như thế, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, mềm mại, khéo trụ bất động, học chứng lậu tận trí thông. Biết khổ tập diệt đạo. Tôi biết cái lậu này như thật, biết lậu tập, biết lậu diệt, biết lậu diệt đạo như thật. Thấy biết như thế tâm được giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi tự biết giải thoát. Việc làm đã xong, không còn thọ sanh đời sau, thấy biết như thật.
Chư hiền! Ví như ấp Thâu Lô Tra, có nhà lầu cao đẹp, trong đó có để cây thang hoặc 1 nấc, 2 nấc, 10 nấc, 20 nấc. Lên lầu, nếu không bước nấc thang thứ nhất thứ hai mà muốn lên ngay nấc thứ ba thứ tư trọn không thể được.
Chư hiền! Nếu có Tỳ-kheo phạm giới, phá giới, giới thiếu, giới lủng, giới nhơ nhớp, giới đen tối, không dùng giới làm cây thang mà muốn lên nhà vô thượng huệ ở lầu chánh pháp trọn không thể được.
Chư hiền! Tỳ-kheo nương nơi giới, đứng nơi giới, dùng giới làm cây thang lên nhà vô thượng huệ ở lầu chánh pháp ắt phải được.
Chư hiền! Tôi nương nơi giới, đứng nơi giới, dùng giới làm cây thang lên nhà vô thượng huệ, ở lầu chánh pháp. Chỉ dùng ít phương tiện là xem được cả ngàn thế giới.
Chư hiền! Ví như người mắt sáng đứng trên lầu cao, chỉ dùng ít phương tiện nhìn xuống dưới đường là thấy cả ngàn gò ao.
Chư hiền! Voi lớn nhà vua chở bảy báu, dùng lá đa la che đậy. Tôi che đậy lục thông cũng như thế.
Chư hiền! Nếu đối với lục thông của tôi đã chứng, có chỗ nào nghi ngờ nên hỏi, tôi sẽ đáp cho.
Tôn giả Anan bạch : Nay tại núi Ta La La, Thế Tôn và 800 Tỳ-kheo nhóm họp vì tôn giả A Na Luật Đà may y. Nếu đối với lục trí thông của tôn giả A Na Luật Đà đã chứng có ai nghi ngờ nên hỏi. Tôn giả A Na Luật Đà sẽ đáp cho.
Nhưng trong một thời gian dài chúng tôi đã dùng tâm biết được tâm của tôn giả A Na Luật Đà. Đúng như tôn giả A Na Luật Đà đã nói. Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước lực, có đại oai thần.
Khi ấy, đức Thế Tôn chỗ đau đã dứt và được an ổn, ngồi kiết già khen ngợi tôn giả A Na Luật Đà :
Lành thay! Lành thay! A Na Luật Đà! Ông đã nói pháp Cahyna cho các Tỳ-kheo nghe. Này A Na Luật Đà! Ông lại nói pháp Cahyna cho các Tỳ-kheo nghe. Này A Na Luật Đà! Ông thường thường nói pháp Cahyna cho các Tỳ-kheo nghe.
Rồi đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo : Các ông hãy vâng thọ Cahyna pháp. Tu tập Cahyna pháp, khéo giữ gìn Cahyna pháp vì sao ? Vì Cahyna pháp là căn bản phạm hạnh đưa đến thông, đưa đến giác, đưa đến Niết-bàn.
Đức Phật thuyết giảng như vậy. Tôn giả A Na Luật Đà và các Tỳ-kheo nghe xong hoan hỷ phụng hành.
- 420
Viết bình luận