Lòng chí hiếu cảm động tới trời | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Lòng chí hiếu cảm động tới trời

Lòng chí hiếu cảm động tới trời
 
Tôn Cẩn là người con chí hiếu ở vào đời Nguyên triều, phụng dưỡng cha và kế mẫu hết lòng, nên người đương thời không ngớt lời ca tụng. Sau khi cha chết, quan tài quàng lại trong nhà bốn năm. Tôn Cẩn vô vàn thương tiếc, sầu khổ khôn nguôi qua nhiều ngày quần áo chẳng thay. Đoạn tuyệt chẳng thịt cá, chí thành tụng kinh niệm Phật cầu nguyện vong hồn cha siêu sinh Cực lạc quốc.
 
Lúc đưa đám tang, phải thuê thuyền chở quan tài qua sông, thình lình một trận cuồng phong nổi lên, sóng gió dữ dội. Nhưng lúc cỗ quan tài vừa đưa lên thuyền chuẩn bị ra đi thì sóng lặn gió êm.
 
Mọi người thuận buồm xuôi gió trên đường đi tới đất liền một mạch, nên ai nấy đều hết lời tán thán lòng hiếu thảo của Tôn Cẩn cảm động tới trời.
 
Tôn Cẩn hầu hạ kế mẫu là Đường Thị chu đáo nhỏ nhẹ cũng như chính mẹ ruột. Một năm kia nơi ngực kế mẫu nổi lên một mụt nhọt lớn máu mủ cứ tươm nước, bà rên rỉ trên giường và đau nhức vô cùng. Hành xử theo dòng hiếu kính, Cẩn không kể máu mủ dơ uế, hôi tanh, kê miệng hút mủ nơi mụt nhọt của kế mẫu, dùng lưỡi liếm sạch máu dính trên da thịt bà. Vài hôm sau, mụt nhọt dần dần lành lặn hẳn. Nhưng sau bà lại mắc phải chứng đau mắt. Đầu tiên hai mắt bà đục mờ trông không thấy rõ. Thầy thuốc trị bịnh cho toa, chứng bịnh vẫn không giảm nhẹ. Trái lại ngày này qua ngày khác bịnh càng trầm trọng hơn. Cuối cùng cả hai mắt đều hết thấy đường. Tôn Cẩn thấy kế mẫu không còn nhìn thấy mọi vật chung quanh nữa nên lấy làm thương xót vô cùng. Ông nghĩ rằng trước đây bịnh nhọt của kế mẫu ông dùng lưỡi kiếm mà hết bịnh. Nếu bây giờ dùng lại cách ấy không biết có hy vọng làm cho mắt mẹ sáng ra không? Do đó, ông một lần nữa không sợ dơ uế, cũng chẳng phiền hà, mỗi ngày dùng lưỡi liếm vào hai mắt kế mẫu. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua đều thấy không hiệu quả. Nhưng ông cương quyết không nãn lòng, mỗi ngày tiếp tục dùng lưỡi liếm vào đôi mắt kế mẫu. Ông nghĩ làm như thế ít ra cũng an ủi về mặt tinh thần bà rất nhiều, nên cứ duy trì như vậy suốt trong hai tháng thì đôi mắt bà từ từ sáng lại và nhìn thấy được ánh sáng mặt trời. Hai mẹ con mừng rỡ không thể diễn tả hết được ra lời.
 
Về sau kế mẫu già bệnh mà chết. Lúc sắp đưa đám tang thì trời mỗi lúc càng mưa lớn dầm dề. Do đó đám tang phải dời lại ngày khác. Ban đêm ông ngẩng mặt lên trời kêu khóc cầu xin ông trời tạnh nắng. Qua sáng sớm hôm sau quả nhiên trời quang mây tạnh, bầu trời trong sáng, đám tang được cử hành dễ dàng. Sau khi chôn cất xong trời lại đổ mưa qua nhiều ngày không dứt. Trời chỉ tạnh ráo một ngày đúng là để cho đám tang của mẹ người con hiếu thảo được cử hành thuận lợi.
 
Từ sự tích hiếu thảo của Tôn Cẩn cảm kích tới trời, chứng tỏ cho ta thấy rằng, tâm trí hiếu thành khẩn thì mọi việc sở cầu đều như nguyện. Hễ không có cảm thì cũng chẳng không hay cũng không ứng, thật là điều khó có thể nghĩ bàn.
 
(Theo Lịch sử cảm ứng thống kỷ)
 
****
Mỗi một việc làm, mỗi một thái độ báo hiếu của người con mang một sắc thái cá biệt, song mục đích cũng vẫn giống nhau: đền đáp ân đức sinh thành vô cùng cao cả của cha mẹ. Cái tác dụng hiếu hạnh người xưa muôn đời bất diệt được hậu thế mãi truyền tụng tán dương không ngừng.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6429591
Số người trực tuyến: