Hiếu dưỡng cha mẹ
Hiếu dưỡng cha mẹ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dầu tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỷ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi dưỡng chúng khôn lớn, giới thiệu chúng vào đời này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.119)
Lời bàn:
Hiếu dưỡng cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của những người con Phật. Học theo hạnh Phật, trước hết phải là kiện toàn công hạnh của những người con chí hiếu. Nếu chưa tròn câu hiếu đạo thì không đủ tư cách làm người và dự phần vào hàng Phật tử chân chính.
Biết ơn và đền ơn các đấng sanh thành là điều người con Phật hằng tâm niệm. Tuy vậy, công ơn sinh thành dưỡng dục vốn cao như núi, rộng như biển nên thật khó đáp đền. Phụng dưỡng và hiếu kính cha mẹ trọn vẹn về phương diện vật chất trong hiện đời đã là việc khó làm. Nhưng dẫu có làm được, theo tuệ giác của Thế Tôn vẫn chưa gọi là đủ. Người con Phật chí hiếu nhận thức rõ về tác dụng của nghiệp trong dòng luân chuyển của sanh tử luân hồi, đồng thời phải định hướng cho cha mẹ tác tạo thiện nghiệp ngõ hầu thăng hoa đời sống trong tương lai.
Mỗi người có một nghiệp riêng, do đó chiêu cảm quả báo khác nhau. Trong phương diện biệt nghiệp thì phước ai làm thì người ấy hưởng và tội ai làm thì người ấy chịu. Khi nghiệp chín muồi và trổ quả thì dẫu chí thân hay trọn tình đến mấy vẫn không ai có thể chịu thay. Do vậy, song hành với hiếu dưỡng, chu toàn cho cha mẹ hiện đời, người con Phật hiếu thảo còn hướng thiện cho cha mẹ để song thân được an lạc trong nhiều đời.
Vì thế, những người con Phật chân chính ngoài việc tu tập chuyển hóa tự thân, chu toàn hiếu dưỡng, cần phải nỗ lực trợ duyên, khuyến hóa song thân tịnh tín Tam bảo, an trú thiện giới, siêng năng tu bố thí, hoan hỷ với hạnh cúng dường và nhất là thành tựu chánh kiến. Chính tuệ giác của Chánh kiến sẽ soi sáng cho tất cả những pháp lành trên con đường thực hành Bát chánh đạo. Nhờ đó mà những bậc cha mẹ hội đủ duyên lành tác tạo nên nhiều thiện nghiệp, xa lìa ác đạo trong những đời sau.
Đây chính là nét đặc thù của tinh thần hiếu đạo Phật giáo, đồng thời cũng là phương pháp báo hiếu đầy đủ và trọn vẹn nhất.
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)
- 506
Viết bình luận