Cách báo hiếu trọn vẹn với cha mẹ theo lời Phật dạy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cách báo hiếu trọn vẹn với cha mẹ theo lời Phật dạy

Một thời, Đức Thế Tôn trú tại Rajàgaha, trên núi Gijjhakùta. Rồi Ngài lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỳ kheo:

- Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này?

- Kính bạch Thế Tôn, cái nhiều hơn là quả đất này, còn ít hơn là đất trên đầu móng tay.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ít hơn là các chúng sinh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sinh không hiếu kính với mẹ, với cha.

(Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Bánh xe lược thuyết, phần Hiếu kính mẹ-Hiếu kính cha [trích], NXB Tôn Giáo 2002, tr.675)

Lời bàn:

Hiếu kính với cha mẹ là một lẽ đương nhiên, gần như bất cứ người con nào cũng biết niệm ân và hết lòng hiếu dưỡng song thân để đáp đền ân nghĩa sinh thành. Thế thì vì sao Đức Thế Tôn lại khẳng định “ít hơn là các chúng sinh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sinh không hiếu kính với mẹ, với cha?”.

Có thể nói từ trong tâm khảm, không ai mà không thương kính cha mẹ. Nhưng để thực hiện song hành tâm hiếu và hạnh hiếu một cách trọn vẹn thì không mấy ai làm được. Ở đây, chúng ta không bàn đến hạng người mang tội đại nghịch (giết cha, giết mẹ) hay những kẻ nghịch tử chỉ báo hại và làm khổ cha mẹ. Vấn đề đáng nói là đối với những người con tuy có hiếu, mong muốn được thể hiện đạo hiếu nhưng rồi cũng không làm được gì nhiều cho các đấng sinh thành.

Vì sao? Có đến 1001 lý do để biện giải cho điều ấy. Cho dù những lý do ấy có xác đáng đến mấy và dẫu cho cha mẹ hoàn toàn thông cảm, hy sinh thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng những gì mình đã làm cho cha mẹ thật sự quá ít so với thâm ân sinh dưỡng như biển trời. Sống ở đời, có lòng hiếu đã khó, thực hiện nó lại càng khó hơn bởi không phải ai cũng có đầy đủ phước duyên để phụng dưỡng và kính thờ cha mẹ như ý của mình.

Cuộc sống vốn phức tạp và đầy biến động, mãi lao theo những việc quan trọng, cấp thiết hơn nên niềm riêng về cha mẹ tạm thời gác lại. Điều này cũng dễ dàng cảm thông nhưng trớ trêu thay là không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi chuyện sẽ đến đã đến và chúng ta không kịp trở tay, chỉ còn ôm niềm ân hận là chưa làm được nhiều cho cha mẹ thì người đã đi rồi.

Báo hiếu như thế nào mới trọn vẹn?

Đức Phật dạy có rất nhiều cách báo hiếu, nhưng tựu chung thì có hai cách chính. Đó là hiếu thế gian và hiếu xuất thế gian.

Hiếu thế gian là cách thường tình ai cũng có thể làm được, đó là cung cấp cho cha mẹ cơm áo, thuốc thang, vật dụng, chăm sóc, thăm viếng, hầu cận… nhưng hơn hết là sự ân cần, thương yêu, kính trọng mẹ cha.

Cha mẹ cần nơi con cái không phải là những vật chất, thứ mà cha mẹ đã từng khổ cực tìm kiếm cho con. Cha mẹ cần ở nơi con sự trưởng thành và hạnh phúc, cần nơi con tình thương và quan tâm. Cho dù vậy, cách báo hiếu này cũng chỉ báo hiếu được phần nào công ơn của cha mẹ mà thôi, chưa thể gọi là tận hiếu.

Tận hiếu phải là hiếu xuất thế gian, tức là khuyên cha mẹ làm lành, giữ giới, ăn chay, niệm Phật. Kinh Tỳ ni mẫu, quyển 2, nói: “Nếu cha mẹ nghèo khổ bần hàn, thì trước hết phải khuyên cha mẹ thọ Tam quy, giữ Ngũ giới hay Thập thiện, rồi sau đó mới cung phụng vật thực, y áo; bởi vì chỉ có cách báo hiếu theo Phật pháp mới có thể giúp cho cha mẹ mãi mãi xa lìa khổ đau, thoát khỏi bần hàn, được vui an lạc”.

Tư duy và chiêm nghiệm về lời dạy của Đức Thế Tôn để thấy mình vẫn chưa tròn câu hiếu đạo. Người thực sự hiếu kính cha mẹ như đất trong móng tay so với đất trên địa cầu nhắc chúng ta phải làm ngay những việc cần làm cho cha mẹ, đừng hẹn ngày mai để khỏi hối hận về sau.

(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6481658
Số người trực tuyến: