Sữa mẹ nuôi con lưu chuyển trong luân hồi nhiều hơn nước bốn biển | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Sữa mẹ nuôi con lưu chuyển trong luân hồi nhiều hơn nước bốn biển

Khi thấy Singàla (Thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đỉnh lễ sáu phương (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ IV, 188B), đúng theo lời dặn của người cha để lại, đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư trưởng, phương Tây chỉ cho vợ chồng, phương Bắc chỉ cho bạn bè, phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, và cha mẹ đối con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam, v.v...

Hiếu không phải những gì nói suông bằng miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước. Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể, và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha.

Hình ảnh sau đây gợi ý cho chúng ta thấy công ơn trời biển của cha mẹ rộng như biển cả ngàn trùng, khi đức Phật tuyên bố trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 208, rằng sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều hơn bể cả:

"Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi di chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?"

"Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ chúng con đã uống, trong khi chúng con lưu chuyển liên hồi trong một thời gian dài, chứ không phải nước trong bốn biển".

"Lành thay, lành thay này các Tỳ-kheo; lành thay này các Tỳ-kheo, các ngươi đã hiểu như vậy, pháp do Ta dạy".

"Cái này là nhiều hơn, cái này các Tỳ-kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển".

"Vì cớ sao? Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ-kheo! Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ-kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, là vừa đủ để các ngươi giải thoát, đối với tất cả các hành".

Trong Kinh Tăng Chi tập I, trang 74, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người.

"Thế nào là lửa đáng cung kính?"

"Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao?"

"Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sinh ra (ato yamàhùto sambhùto). Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, đem lại chính lạc".

Sữa mẹ dùng để nuôi con được xem là nhiều hơn biển cả, cha mẹ lại được ví như ngọn lửa đem lại nguồn sống cho con, thời công ơn của cha mẹ đối với con, thật là vô cùng vô tận, và vì vậy, đức Phật nói đến hai hạng người không thể trả ơn được, tức là mẹ và cha, như đã được ghi trong Kinh Tăng Chi.

(Trích ấn phẩm: “Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người”

HT. Thích Minh Châu)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6318437
Số người trực tuyến: