Khám phá "Bản ngã"
Bản ngã, danh từ,
1. a. sự tự tôn b. sự tự tôn thái quá.
2. Một trong ba nhánh của tâm theo thuyết phân tâm học, là phần được tổ chức chặt chẽ đóng vai trò nhận thức trung gian giữa cá nhân và thực tại.
3. Cái tôi, đặc biệt được dùng đối lập với cái tôi khác và thế giới bên ngoài.
(Từ Điển Tiếng Anh Penguin)
Ngày nay, khi nói về “bản ngã”, người ta thường ám chỉ thái độ thô lỗ, ngạo mạn, hợm hĩnh và nóng nảy. Một người được cho là “đầy bản ngã” khi chỉ luôn nghĩ đến bản thân, không chịu lắng nghe, luôn muốn đạt vị trí đứng đầu và luôn coi ý kiến của mình là số một. Phần lớn chúng ta đều cho rằng mình không “đầy bản ngã”, hoặc nếu có chút xu hướng này thì cũng chỉ để tỏ ra tự tin và khẳng định mình hơn một chút với bên ngoài.
Nhưng nếu quan sát sâu hơn ý niệm về sự tự tôn trong các định nghĩa khác về bản ngã nói trên, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền triết học phương Đông và phương Tây. Theo định nghĩa được dẫn chiếu, bản ngã còn có thể được xem như “phần được tổ chức chặt chẽ đóng vai trò nhận thức trung gian giữa cá nhân và thực tại” và “cái tôi, đặc biệt được dùng đối lập với cái tôi khác”. Quả thật bản ngã có sự tổ chức rất chặt chẽ, luôn gán nhãn mác cho mọi người và đóng khung mọi sự vật hiện tượng. Chính qua lăng kính của bản ngã mà chúng ta phóng chiếu nên mọi thứ mình thấy, chạm, nghe, nếm và cảm nhận. Đó là lớp trung gian được hình thành theo thời gian, càng ngày càng tích lũy thêm nhiều trải nghiệm cá nhân, để rồi những nhãn mác do cha mẹ và người xung quanh gắn cho ta dần trở thành nhãn mác của chính bản ngã chúng ta. Đến lượt mình, những nhãn mác đó trở thành những thói quen và tập khí: cách chúng ta làm mọi việc, cách chúng ta sống, cách chúng ta suy nghĩ.
Theo triết học Phật giáo, niềm tin và cách nhìn nhận thế giới của chúng ta thể hiện các phương diện khác nhau của “bản ngã”, nằm ở bề mặt của tâm, trong khi “tự tính tâm” của chúng ta tồn tại siêu việt mọi khái niệm, nhãn mác và sự so sánh phân biệt. Chúng ta rất dễ nhận lầm bản ngã là tự tính tâm chân thực của mình bởi tiếng nói của bản ngã vốn luôn ồn ào và lấn át sự tĩnh lặng, sâu sắc bên trong của tự tính tâm. Chính bản ngã tạo nên sự bất an, nhưng do lười biếng nên nó thích chúng ta phải cứng nhắc, giữ nguyên quan điểm về bản thân và thế giới thay vì ứng biến linh hoạt và hướng tâm rộng mở ra bên ngoài. Tâm chấp ngã muốn có mọi câu trả lời mà chẳng cần phải đặt một câu hỏi nào về bản thân chúng ta; chúng ta tồn tại theo cách vốn có, và mọi người, kể cả bản thân chúng ta, phải chấp nhận điều đó.
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
(Trích ấn phẩm "Tâm An lạc")
- 373
Viết bình luận