Người nghệ sĩ Mật thừa và sứ mệnh kết nối chúng sinh với tâm giác ngộ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Người nghệ sĩ Mật thừa và sứ mệnh kết nối chúng sinh với tâm giác ngộ

Người nghệ sỹ thông thường của thế gian không có mục tiêu tối thượng là dẫn đến giác ngộ. Một cách chung nhất, họ chỉ cảm thụ được những thăng trầm cảm xúc đang diễn ra trong tâm hồn mình. Quá trình sáng tác của người nghệ sỹ thông thường dựa vào sự thăng hoa cảm xúc trong thế giới của vọng tưởng nhị nguyên được người nghệ sỹ diễn đạt ra bên ngoài thông qua tài năng nghệ thuật. Tuy nhiên, người nghệ sỹ thế gian mới chỉ đạt đến việc cảm nhận được cảm xúc mà chưa trải nghiệm thực sự được toàn bộ bản thể của cảm xúc (đó là Tự tính Tâm). Trong khi đó, người nghệ sỹ Mật thừa kết nối với chúng sinh thông qua lòng từ bi và trí tuệ thanh tịnh bên trong, và biểu lộ phẩm tính và năng lượng thanh tịnh của tâm giác ngộ bên trong ra bên ngoài thông qua các tác phẩm. Giống như người bắn cung thiện xảo cần hợp nhất cả con mắt ngắm, mũi tên và mục tiêu, người nghệ sĩ Mật thừa phải hợp nhất trọn vẹn trí tuệ diệu quan sát, phương pháp thù thắng tu tập cùng phương tiện thiện xảo lợi ich chúng sinh và mục đích tối thượng giác ngộ chúng sinh trong quá trình sáng tác.      


Người nghệ sỹ thế gian mới chỉ đạt đến việc cảm nhận được cảm xúc mà chưa trải nghiệm thực sự được toàn bộ bản thể của cảm xúc (đó là Tự tính Tâm)

Vì cảm thấy bị cô lập nên nên người nghệ sĩ thế gian muốn kết nối với thế giới bên ngoài thông qua nghệ thuật vì lợi ích cho riêng của mình. Khi không được nối kết với một nguồn mạch vượt lên khỏi trí năng hay truyền thống của riêng mình, họ không thể giải thích một cách sâu sa với những người khác về công việc của họ là gì. Họ chỉ làm nghệ thuật để trở thành bậc thầy trong việc kiểm soát, làm chủ chúng. Nếu họ không thể hiện, bộc lộ bản thân mình với một quan điểm trí tuệ thì kết cục sẽ luôn luôn là sự vô thường và suy giảm năng lượng - điều dẫn đến sự đau khổ.

Những người nghệ sĩ Mật thừa thể hiện phẩm chất năng lượng thanh tịnh của các nguyên tố bên trong ra bên ngoài bằng các hình ảnh và tượng pháp đại diện cho Thân giác ngộ; bằng những Giáo lý, Thi ca, Tán tụng, Âm nhạc và Chân ngôn đại diện cho Khẩu giác ngộ; bằng các Vũ điệu Kim Cương Thừa đại diện cho Ý giác ngộ.

Vì được kết nối với nguồn gốc của các nguyên tố nên họ có thể luôn luôn giải thích được một cách sâu xa cho những người khác về những gì họ làm, và họ luôn là bậc thầy trong việc làm chủ nghệ thuật của mình. Nhờ những ý niệm của các bậc nghệ sĩ Mật thừa mà các nguyên tố thô bất tịnh bên ngoài được tịnh hóa vào các nguyên tố vi tế bên trong, và chúng được tái lập lại sự nối kết với các hiện tượng trí tuệ bên trong. Một cách tương đối và tạm thời thì điều này mang lại sự thỏa mãn, thì người thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đó nhận ra được những phẩm chất nội tại thông qua sự thể hiện bên ngoài của nghệ thuật. Một cách tối hậu và tận cùng thì điều này hàm nghĩa sự giải thoát.

Ý nghĩa của màu sắc trong nghệ thuật Phật giáo

Tự tính tâm không thể nhìn thấy được trừ khi chúng ta có tuệ nhãn. Chúng sinh phàm tình không thể nhìn thấy được những màu sắc cơ bản tự nhiên bởi chúng ẩn tàng tỏa khắp không gian và luôn luôn chuyển động. Nhờ sự chuyển động này mà các nguyên tố khác nhau được nối kết và trở thành sắc tướng hữu hình cùng màu sắc. Những màu gốc là xanh dương, trắng, đỏ, vàng và xanh lục. Cũng giống như mỗi nguyên tố lại dung chứa tất cả những nguyên tố khác, thì màu sắc cũng vậy, mỗi màu sắc lại dung chứa tất cả những màu sắc khác.

Vì vậy, mỗi một màu sắc gốc lại có 5 nhánh màu tùy thuộc vào sự thay đổi, biến thiên của các hoàn cảnh cùng sự nối kết bổ sung, phụ trợ của các nguyên tố. Khi nối kết và thay đổi, chúng tạo ra vô số những nhánh màu sắc mới thanh tịnh, cho tới khi chúng trở thành vi tế đến mức khó để có thể nhận ra được. Mắt thường không thể nhìn thấy ánh sáng tự nhiên, vì thế theo quan điểm thông thường thì những màu sắc thuần khiết vốn sẵn có này dường như là cũ kỹ, nhạt nhòa. Khi những người nghệ sĩ thế gian ý thức tất cả những sắc màu này đang dần dần trở nên ngày càng nhạt nhòa hơn cho tới khi chúng xuất hiện như là bị cạn kiệt, thì trí tưởng tượng cùng khả năng sáng tạo của họ cũng trở nên cạn kiệt. Vì không tin vào bản chất, tinh túy vô hình bên trong của sắc tướng và màu sắc nên họ cần phải quay trở lại các hiện tượng thô bên ngoài để có thể nhìn thấy nguồn ý tưởng cho mình. Nhưng vì chỉ dựa vào sắc tướng và hình ảnh nguyên tố thô bất di bất dịch, thiếu sự nhu nhuyễn, linh động nên tâm thức của họ cũng trở nên chai cứng và bị giới hạn. Những ý niệm của họ bị mơ hồ nên họ không thể tạo ra không gian bao la, mênh mông trong nghệ thuật của mình và nó trở nên thiếu sinh động, chật hẹp và bế tắc.

Những bậc nghệ sĩ Mật thừa thì lại khác, vì họ đã chứng ngộ, nhận ra bản chất, tinh túy thanh tịnh vô hình của các nguyên tố nên họ hiểu rằng màu sắc gốc tự nhiên không hề bị suy giảm, và họ có thể làm cho sắc tướng và màu sắc được sinh động, tươi mới từ cái vô hình lặp đi lặp lại nhiều lần trong nghệ thuật của họ. Nhờ tuệ nhãn nhận ra những màu sắc gốc khởi nguyên tự nhiên, họ hiểu cách làm thế nào để tạo ra không gian bao la, mênh mông trong nghệ thuật của  mình, và họ có thể tạo ra bất kỳ hiện tượng nào.

Theo cách như vậy, nếu những người nghệ sĩ nhận ra, chứng ngộ được nguồn gốc của những ý niệm, thì khi họ thể hiện, biểu lộ chúng, sự nối kết giữa ý niệm và nguồn gốc của nó sẽ không bị gián đoạn, và như vậy nó sẽ chói sáng, nhẹ nhàng, tươi mới và thuần khiết. Vì dòng truyền thừa của các nghệ sĩ Mật thừa dựa vào ý niệm, mà ý niệm lại dựa vào các nguyên tố, nên nhờ việc thấu hiểu nguồn gốc của ý niệm mà những người nghệ sĩ có thể hiểu được bản chất của màu sắc. Ví dụ, nếu các nghệ sĩ hiểu được ý niệm của sân giận thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là hỏa đại và nó có thể được thể hiện thông qua màu đỏ.

Nếu họ hiểu được tham dục, ham muốn, đam mê hay sự căng thẳng, bồn chồn thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là thủy đại hoặc phong đại, và chúng có thể được thể hiện thông qua sự chuyển động. Nếu sự chuyển động này là thất vọng hay buồn chán thì màu sắc thích hợp của nó là xanh dương hay xanh lục; còn nếu sự chuyển động này là hưng phấn, hân hoan thì màu sắc của nó là trong sáng và rõ ràng.

Nếu họ hiểu được tâm lãnh đạm hay thờ ơ, mù mịt thì họ biết rằng nguồn gốc của nó là địa đại, và nó có thể biểu thị những phẩm chất điềm tĩnh, vô tri vô giác hay độn căn hoặc nặng nề trong một người thông qua màu vàng nhạt.


Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

Trong truyền thống Phật giáo, nghệ thuật có thể được thể hiện để diễn tả cái xấu cũng như cái đẹp, sự tĩnh tại cũng như sự náo động. Người nghệ sĩ Mật thừa nhận ra được mong cầu của các chúng sinh, từ đó, họ có thể kết hợp các nguyên tố náo động hay tĩnh tại để đạt tới một kết quả thích hợp, ứng hợp với từng căn cơ, hoàn cảnh khác nhau.

(Lược trích ấn phẩm: “Vũ Điệu Huyền Diệu - Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini”

Nguyên tác: “Magic dance – The display of the self-nature of the five wisdom Dakinis”) Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6422541
Số người trực tuyến: