Tiền thân Đức Phật - Người con đại hiếu cắt thịt nuôi cha mẹ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tiền thân Đức Phật - Người con đại hiếu cắt thịt nuôi cha mẹ

Đạo Phật là đạo giải thoát, giác ngộ. Ở phương diện hiếu hạnh, đạo Phật còn được gọi là đạo hiếu, và chính Đức Phật Thích Ca là biểu tượng cao đẹp nhất cho tinh thần chí hiếu. Đức Phật lại hy sinh trọn vẹn cuộc đời mình cho chúng sinh. Tuy chỉ dành một phần thời gian rất nhỏ cho cha mẹ và những người thân trong gia đình, dòng tộc, Ngài lại làm được điều rất kỳ diệu là trợ duyên cho thân tộc tu học giải thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Trong vô số kiếp về trước, Đức Phật đã vì tất cả chúng sinh mà làm những hạnh khổ khó làm, hiếu dưỡng Cha Mẹ đến nỗi không màng hy sinh thân mạng. Tấm lòng hiếu thuận ấy, sự báo đáp thâm ân cha mẹ cao cả ấy của Đức Thế Tôn thật không thể nghĩ bàn!

Sau khi thành Phật, Đức Thế Tôn về lại hoàng cung hóa độ cha là vua Tịnh Phạn. Vì sợ vua cha không tin vào Phật pháp, nên Đức Phật dạy tôn giả Ưu Ba Ly đi đến hoàng cung, nhún thân bay vọt lên hư không, hiển bày ra vô số thần thông; Thiên long bát bộ dùng vô số phẩm vật trang nghiêm đến cúng dàng Tôn giả. Đức Phật mượn phương tiện này để bẻ gãy lòng kiêu mạn của vua cha về sự giàu sang phú quý của mình, đồng thời khích lệ vua cha an lòng quy y Tam bảo. Ngài lại dùng trí tuệ siêu việt của mình thuyết về chân lý Khổ, Không, Vô thường cho vua cha nghe. Sau thời pháp này, vua Tịnh Phạn chứng đắc Thánh quả A la hán, giải thoát hoàn toàn sinh tử luân hồi.

Trước khi nhập Niết Bàn, vì báo ân công đức sinh thành, Đức Phật đã diễn nói “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện” tại pháp hội ở cung trời Đao Lợi cho thánh mẫu Ma Da. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sinh thành. Khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa, Đức Phật đã lập pháp hội tại cung trời này để độ thoát cho thân mẫu. Toàn bộ Kinh có 13 phẩm, nói tường tận về nhân quả ba đời, nỗi khổ không trong sáu đường, thuyết minh về lòng hiếu hạnh, lòng đại từ đại bi của Bồ tát Địa Tạng từ xưa đến nay và mãi đến ngày sau, luôn cứu độ cùng khắp chúng sinh, nhiếp hóa muôn loài không hề bỏ rơi một ai. Đức Phật dạy các đệ tử lấy kinh này làm kinh báo đáp công ơn Cha Mẹ.

Đức Phật từng là người con đại hiếu trong vô số kiếp quá khứ

Đức Phật báo đáp được ân đức của Cha Mẹ hiện đời, có thể nói là đã “chăm sóc phụng dưỡng được phần đại thể cho Cha Mẹ”, đó là hiếu theo nghĩa rốt ráo. Nhưng nhóm các ngoại đạo, Phạm chí ở Ấn Độ thời bấy giờ nhìn thấy Tôn giả A Nan ôm bát khất thực, bèn sinh lòng đố kỵ, họ tìm cớ chế giễu Tôn giả một cách không kiêng nể: “Cù Đàm thầy ngươi thật là kẻ tệ ác. Nếu không phải thì tại sao mới hạ sinh ông ấy được bảy ngày thì người Mẹ đã chết? Đã vậy, ông ta lại còn tìm cách trốn khỏi hoàng cung, khiến cho vua cha đau khổ đến nỗi mê man ngất xỉu xuống đất, phải lấy nước dội vào mặt đến bảy ngày sau mới có thể tỉnh lại. Vừa tỉnh dậy, vua cha liền hỏi: “Con ta đâu rồi?”, rồi nước mắt giàn giụa mà than rằng: “Đất nước này là của con, phụ hoàng chỉ có mình con, tại sao con lại nỡ bỏ phụ hoàng tìm vào tận chốn rừng sâu chứ?”. Cù Đàm thầy ngươi không màng gì đến thâm ân, nhẫn tâm tiến thẳng về phía trước, thật là một kẻ đại bất hiếu.”

Ngài A Nan nghe vậy, trong lòng cảm thấy buồn khổ. Khất thực trở về, Ngài đi đến chỗ Phật, chắp tay bạch Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn, trong Phật pháp có điều nào nói về công hạnh hiếu dưỡng Cha Mẹ không?”. Đức Thế Tôn đoán biết được có việc trọng đại xảy ra trong tâm người đệ tử, Ngài vui vẻ mỉm cười, từ giữa trán phóng ra một luồng hào quang ngũ sắc chiếu khắp cả mười phương thế giới. Các vị Bồ tát nương theo ánh sáng ấy cùng nhau đi đến núi Kỳ Xà Quật trong thành Vương Xá, cầu thỉnh Đức Thế Tôn rộng nói “Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân”.

Đại ý Kinh đó như sau: Trong vô số kiếp về quá khứ, có một vị vua Ba La Áo bị gian thần La Hầu giết hại, đồng thời kẻ bạo tàn giết còn luôn hai người con trai của vua, đày người con thứ ba ra biên thùy, định bụng sẽ bức tử trên đường đi. Vị hoàng tử này dẫn theo vợ và đứa con trai nhỏ Tu Xà Đề vội vàng tìm cách trốn sang nước láng giềng, nhưng không may họ bị lạc đường, hết sạch lương thực, không thể đi tiếp. Quan binh truy sát sau lưng, người chồng quyết định giết vợ để hai cha con lót dạ đi tiếp về phía trước. Thái tử đau xót cầu thỉnh cha đừng giết mẹ mà hãy cắt lấy thịt của mình. Cứ thế, mỗi ngày cắt một ít, khi gần đến nước láng giềng thì thịt trên thân thái tử cũng đã hết. Thái tử dũng cảm bảo cha hãy moi tìm trong xương của mình may ra còn chút thịt để đỡ lòng. Khi không còn chút thịt nào trên người, Thái tử kiệt sức ngã xuống.

Người Cha đến được nước láng giềng, quốc vương nghe chuyện về lòng hiếu thảo của Thái tử đã vô cùng cảm động, lập tức phái bốn bộ binh phò vua về phục nước. Khi đến chỗ Thái tử nằm lại trước kia thì lạ thay … đã thấy Thái tử phục hồi lại nguyên hình như trước, lại còn trở nên đoan chính bội phần. Lúc này mọi người mới biết lòng chí hiếu của Thái tử đã cảm động đến trời, nên được Đế Thích ngầm theo bảo hộ. Sau khi lấy lại đất nước, trị tội kẻ nghịch thần, vua liền truyền ngôi lại cho thái tử Tu Xà Đề. Phật bảo A Nan: “Người Cha lúc đó, nay là phụ vương Tịnh Phạn; người Mẹ là mẫu hậu Ma Da; còn thái tử Tu Xà Đề nay là ta đây.”

Tham khảo thêm

Kinh Phương tiện Phật báo ân

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6318417
Số người trực tuyến: