6 cách giúp trẻ tích lũy công đức
(Đức Phật Trí Tuệ Văn Thù)
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ rằng họ cần tích cóp thật nhiều tiền của và tài sản cho con cái để giúp con có một tương lai chắc chắn. Nhưng liệu yếu tố đầy đủ về vật chất có phải là nhân tố quyết định cho tương lai của trẻ hay không? Theo quan điểm Phật giáo, hành trang tốt nhất cha mẹ có thể trang bị cho con chính là dạy trẻ biết cách tích lũy công đức từ những việc làm tưởng chừng rất đơn giản hàng ngày. Những hành động ấy có thể ươm hạt giống thiện lành vào tâm hồn ngây thơ trong sáng của trẻ, định hướng giúp trẻ hướng tới một cuộc sống ý nghĩa.
1. Thực hành đỉnh lễ Phật
Các Phật tử Drukpa Việt Nam đang hướng dẫn các em nhỏ cách lễ Phật
Các gia đình ở vùng Himalaya từ xưa đến nay vẫn duy trì được truyền thống đỉnh lễ Đức Phật vào mỗi sáng sớm. Sau khi vệ sinh cá nhân và mặc quần áo để đến trường, cả gia đình sẽ tới phòng thờ - nơi được bày biện rất trang nghiêm và cùng nhau đỉnh lễ ba lần trước tượng Phật. Các bậc Thầy giác ngộ từng dạy rằng thực hành lễ lạy dù chỉ một lần trước tôn tượng Phật cũng mang lại vô lượng vô biên công đức, giúp gieo nhân tái sinh thành một vị Chuyển luân Thánh vương trong nhiều đời, tương ứng với số lượng hạt bụi đất mà bạn đã chạm vào.
Đối với trường hợp của các em nhỏ ở miền núi tuyết xa xôi, khi các bé lễ lạy 3 lần trước rất nhiều tượng Phật trên ban thờ như vậy, bạn thử tưởng tượng xem công đức mà các bé tích lũy sẽ lớn biết bao.
Hơn nữa Đức Phật đã dậy, công đức lễ lạy sẽ được nhân lên tương ứng tùy thuộc vào số lượng tôn tượng Phật. Vì vậy, nếu con trẻ có cơ duyên được đỉnh lễ trước hàng nghìn tôn tượng Phật dù chỉ một lần thôi, nhân giác ngộ cũng sẽ nhân lên gấp hàng nghìn lần. Hãy mang lại cho con niềm tin sâu sắc rằng chúng đang gieo trồng hạt giống tốt lành cho cuộc sống tương lai hạnh phúc không chỉ trong đời này, đời sau mà còn cả trên con đường giải thoát giác ngộ. Phương pháp này nếu được thực hành từ nhỏ sẽ giúp trẻ tạo thói quen tốt, biết trau dồi đức tính khiêm cung và tự thức tỉnh “ông Phật” trong lòng mình.
2. Cúng dàng lên chư Phật
Bạn cũng có thể dạy cho con những pháp thực hành lợi lạc khác. Ví dụ, hãy treo các bức tranh Thangka Phật giáo, hoặc đặt một tôn tượng Phật trong nhà. Đặc biệt, hãy để bọn trẻ có một tôn tượng của Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara hoặc Đức Phật Quán Thế Âm cho riêng mình. Hàng ngày, dậy các bé cúng dường lên chư Phật theo cách sau: Trước khi ăn, con đặt một chiếc bánh quy nhỏ hoặc bát cơm của mình trước tôn tượng hay trước bức tranh Phật trong nhà. Sau đó, con hãy trì tụng chân ngôn “OM AH HUNG” để tịnh hóa các vật phẩm cúng dường (là chiếc bánh, bát cơm) và quán tưởng (tưởng tượng) vật phẩm cúng dường chuyển thành biển nước cam lồ dâng lên chư Phật và Bồ Tát mười phương.
Bạn cũng có thể cùng con trẻ trì tụng thêm:
Con xin được hồi hướng công đức này đến tất cả chúng sinh, nguyện cho con sẽ không bao giờ làm hại các chúng sinh, nguyện con sẽ mang lại hạnh phúc trong từng giây từng phút cho tất cả chúng sinh và giúp họ đạt được hạnh phúc giác ngộ càng sớm càng tốt.
Hoặc:
Con xin được hồi hướng những công đức này đến vô lượng chúng sinh, nguyện con giống như chư Phật và Bồ Tát giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân và đưa họ đến bến bờ giác ngộ càng sớm càng tốt.
Việc hồi hướng sau mỗi lần cúng dường như vậy không chỉ giúp con trẻ tích lũy được vô lượng công đức mà còn tạo nguồn năng lượng tốt lành khiến cuộc sống của trẻ an bình, vui vẻ, trẻ sẽ bớt đi thói ích kỷ và bám chấp.
Nếu con bạn không biết gieo những nhân lành như: bố thí, không nói lời hai lưỡi, không hại vật, không trộm cắp…, bạn không thể kỳ vọng trẻ có được một cuộc sống hạnh phúc sau này. Hạnh phúc và thành công của mỗi người bắt nguồn từ những thiện nghiệp do chính người đó tạo ra. Con bạn có thể có một tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu, nhưng nó không đảm bảo rằng trẻ sẽ tìm được một công việc tốt và sống một cuộc đời hạnh phúc. Rất nhiều người có cuộc sống hạnh phúc với những trải nghiệm nội tâm an lạc nhưng lại chưa từng sở hữu tấm bằng đại học nào. Vì thế, hãy nhìn nhận lại định hướng nuôi dạy con bằng cách chú trọng sử dụng các phương tiện giúp trẻ sớm tự mình tích lũy công đức. Bởi sớm hay muộn, những công đức ấy sẽ giúp trẻ có được cuộc đời suôn sẻ, ít các chướng ngại hơn.
3. Cầu nguyện mỗi ngày
Là những bậc cha mẹ có thiện duyên biết đến Phật pháp, bạn có thể làm được nhiều điều lợi ích hơn cho con mình. Ngoài việc dạy con biết thực hành lễ lạy, bạn cũng có thể hàng ngày cầu nguyện cho con bởi năng lực của lời cầu nguyện sẽ vô cùng mạnh mẽ khi có sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, hãy hướng trẻ tham gia các hoạt động thiện hạnh như giúp đỡ người khuyết tật, người già, tham gia công tác xã hội như nhặt rác hay lao động công ích để bảo vệ thành phố xanh sạch đẹp, hoặc cứu giúp các loài động vật, côn trùng nhỏ bé, v.v…
Nói cha mẹ cầu nguyện cho con cái không có nghĩa là bạn cầu nguyện để con mình học hành đỗ đạt. Đó là lời cầu nguyện xuất phát từ động cơ nhỏ hẹp, không tạo nhân tốt lành để trẻ có cuộc sống hạnh phúc đích thực trong tương lai. Tất nhiên, bạn có thể cầu nguyện cho con mình mạnh khỏe, bình an, cho mọi tâm nguyện đúng Pháp của con đều thành hiện thực, tất cả hành động của bé đều là thiện nghiệp và không gây tổn hại chính mình cũng như người khác. Bạn có thể cầu nguyện như sau:
Nguyện cầu bé luôn được ánh sáng của trí tuệ và phẩm hạnh từ bi soi rọi, dẫn đường giống như Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara (hay đức Phật Quan Âm , Đức Phật Trí Tuệ Văn Thù, Đức Phật Dược Sư…) và viên mãn mọi thiện hạnh vì lợi ích của tất cả chúng sinh trong biển khổ luân hồi, giải thoát và dẫn dắt họ đến giác ngộ toàn mãn càng sớm càng tốt.
Có một bài cầu nguyện khác rất phù hợp với trẻ em, đó là là bài cầu nguyện Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara:
(Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara)
Quy y và phát Bồ đề tâm
Đệ tử xin phát nguyện,
Quy y Phật, Pháp, Tăng,
Đến khi thành chính giác,
Công đức lợi quần sinh.
Trước ba ngôi Tam Bảo,
Phật đạo nguyện tu thành.
(3 lần)
***
Tứ vô lượng tâm
Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc,
Sống yên vui từng chớp sát na.
Nguyện chúng sinh muôn khổ lìa xa,
Thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian.
Nguyện chúng sinh dứt khổ hân hoan,
Vô lượng hỷ lạc, từ quang sáng ngời.
Nguyện chúng sinh an trụ không rời,
Trong bình đẳng xả muôn đời vô ưu.
(3 lần)
***
Cúng dàng Mandala
Tịnh thủy hương hoa khắp mọi miền
Tu Di, Nhật Nguyệt, Tứ châu biên
Cõi này quán tưởng thành Tịnh Độ
Chúng sinh an lạc Cứu Kính Thiên.
GURU IHDAM RATNA MANDALA KAMNIR YATA YAMI.
Chân ngôn
OM TARE TUTTARE TURE SOHA
(108 lần)
***
Hồi hướng công đức
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
4. Trì tụng chân ngôn
Các bậc Thầy giác ngộ thường khuyên các bậc cha mẹ nên dạy con trì tụng câu chân ngôn đơn giản như chân ngôn OM AH HUNG. Câu chân ngôn này có tác dụng tịnh hóa nghiệp bất thiện ví dụ như tái sinh vào những cõi thấp và chịu đựng nỗi thống khổ cùng cực nhất trong vô số kiếp.
Bạn cũng có thể trì tụng chân ngôn của Đức Phật Quán Thế Âm: OM MANI PADME HUNG theo cách mà bạn vẫn hành trì hàng ngày cùng với con trẻ. Đây chỉ là một số gợi ý nhỏ, hãy linh hoạt vận dụng tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình. Có rất nhiều cách giúp bạn dạy con mình hiểu sự may mắn khi được sinh trưởng trong một gia đình có tín tâm với Phật pháp.
5. Chăm sóc vật nuôi trong nhà
Đối với các vật nuôi trong nhà như chó mèo, hãy cùng con mang lại cho chúng một đời sống “đặc biệt”. “Đặc biệt” ở đây không chỉ là chu cấp cho chúng thức ăn ngon và chỗ ngủ ấm áp mà ý nghĩa hơn là bạn và con trẻ cùng trì tụng chân ngôn có sức mạnh tịnh hóa bất thiện nghiệp, để vật nuôi trong nhà không bao giờ bị tái sinh vào các cõi thấp và đạt được giác ngộ ngay trong kiếp súc sinh. Bạn nên trì tụng các chân ngôn thành tiếng để con vật có thể nghe thấy hàng ngày.
Nếu có cơ duyên được thực hành nhiễu tháp, hãy dắt chúng cùng nhiễu tháp với bạn. Bạn có thể kê một chiếc bàn cao ở trong nhà, trên đó an vị các biểu tượng giác ngộ linh thiêng như Bảo tháp, tôn tượng Phật hay các ngôi tháp nhỏ (tsa-tsa). Hãy khuyến khích con dắt vật nuôi đi nhiễu xung quanh chiếc bàn đó bất cứ lúc nào trẻ muốn. Chỉ bằng cách thực hành đơn giản như vậy, con trẻ đã trợ duyên cho vật nuôi tịnh hóa nghiệp bất thiện đã tích lũy từ vô thủy kiếp đến nay. Chỉ cần một lần nhiễu tháp hoặc nhiễu xung quanh tôn tượng được yểm bốn chân ngôn xá lợi Pháp thân Phật cũng sẽ mang lại vô lượng công đức cho bất kỳ chúng sinh nào, giúp họ tịnh hóa ác nghiệp phải tái sinh trong tám tầng địa ngục nóng. Khi trẻ dắt vật nuôi đi nhiễu tháp như vậy, công đức ấy sẽ giúp con vật tịnh hóa được quả khổ do bất thiện nghiệp tạo ra từ vô số kiếp sống, đồng thời gieo nhân lành giác ngộ trong tương lai.
Khuyên trẻ vừa đi nhiễu tháp vừa trì tụng các câu chân ngôn mà con yêu thích. Ngay cả khi loài vật không hiểu ý nghĩa, nhưng chỉ cần được nghe âm thanh trì tụng chân ngôn và được đi nhiễu xung quanh các biểu tượng giác ngộ linh thiêng, bất thiện nghiệp khiến loài vật phải tiếp tục đọa xuống làm súc sinh sẽ được tịnh hóa và chúng có thể được tái sinh lên các cõi tốt đẹp hơn, gieo nhân giải thoát và giác ngộ gấp nhiều lần.
(Đức Phật cảm hóa voi say Nalagiri)
Sẽ là thiện duyên vô cùng đặc biệt nếu một con vật được nuôi dưỡng trong gia đình Phật tử. Bản thân trẻ sẽ nhận thấy rằng, với tâm từ bi của mọi thành viên trong gia đình, vật nuôi có cơ hội được hạnh ngộ giáo pháp, được yêu thương trong vòng tay của những người bạn tốt, và trên hết là có cơ hội được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử và giác ngộ hoàn toàn.
6. Biết tạo dựng cuộc sống ý nghĩa
Có nhiều cách giúp bạn dạy con tạo cho mình một cuộc sống có ý nghĩa. Điều tối thiểu nhất là dạy trẻ hiểu rằng trẻ không nên làm tổn hại chính mình, và nếu có thể, hãy cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc và lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình. Cha mẹ là Phật tử có thể làm được nhiều hơn cho con mình bởi bạn có thể dạy trẻ niềm tin vào cuộc sống dựa trên giáo lý nhân quả của đạo Phật, tự tìm thấy ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.
Các em nhỏ làm tranh cát Mandala
Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ thành công trong việc trợ duyên cho con mình đạt được giác ngộ bởi điều đó còn tùy thuộc vào nghiệp của con đã tích lũy từ nhiều đời. Có một số trẻ có thể chuyển hóa được nghiệp, sống có kỷ luật, trách nhiệm, biết trải lòng từ bi đến mọi người và tri ân, trân trọng những gì mình đang có. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trẻ do bị ảnh hưởng xấu từ môi trường xung quanh và bạn bè, dần xa rời giáo pháp và cuộc sống đạo hạnh mà cha mẹ mong muốn con hướng tới. Tuy nhiên, cho dù bạn có phải là Phật tử hay không thì với tư cách cha mẹ, bạn phải có trách nhiệm đem lại những điều lợi lạc nhất cho con mình.
Khi con bạn còn nhỏ, đừng bỏ lỡ cơ hội gieo trồng hạt giống thiện lành cho con như: nói lời chân thật, trải lòng từ bi đến người có hoàn cảnh kém may mắn, biết quan tâm và chăm sóc mọi người xung quanh. Tất nhiên, bạn không nên ép buộc con phải sống theo cách sống của cha mẹ. Điều quan trọng là bạn hãy nỗ lực trợ duyên cho con tạo ra nhân hạnh phúc không chỉ trong hiện đời mà trong vô lượng kiếp vị lai, để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử và đạt được giác ngộ tối thượng. Nếu từ nhỏ con trẻ được thực hành Phật Pháp, trì tụng chân ngôn, nhiễu tháp hay bất kỳ pháp thực hành nào thì khi lớn lên, dù trẻ không còn giữ thói quen ấy, tất cả công đức trẻ đã tích lũy được lúc còn nhỏ sẽ gieo mầm Phật pháp, tạo ra cơ hội hy hữu giúp con được hạnh ngộ và thực hành Phật Pháp trong những kiếp vị lai, được hân hưởng cuộc sống hạnh phúc trong nhiều đời. Đến độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ có xu hướng làm ngược lại những gì cha mẹ nói và không nghe theo lời bạn. Chính vì vậy, bạn hãy bắt đầu từ khi trẻ càng nhỏ càng tốt!
Nhóm ĐBT biên soạn
Bạn hãy cùng bé trì tụng chân ngôn Đức Phật của Lòng Bi Mẫn! (Giọng trẻ em)
- Viết bình luận
- 7060
Viết bình luận