Dạy con làm thiện hạnh - Khó khăn được đáp đền
Nếu trẻ có một trái tim nhân hậu và mỗi ngày chỉ cần làm một việc tốt thôi thì mọi khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống sẽ bị đẩy lùi. Những vất vả mà bạn đã trải qua để nuôi con khôn lớn chính là nhân lành để ngày hôm nay bạn có thể khởi tâm tùy hỷ với những công đức đó.
Mỗi khi nhìn thấy con bạn làm được việc tốt thì tất cả những khó khăn, vất vả mà bạn đã hy sinh cho con đều được đền đáp xứng đáng. Mẹ mang thai con chín tháng mười ngày, sẵn sàng đón nhận tất cả đau đớn, nặng nhọc mong con sinh ra đời. Sinh con ra, cha mẹ lại hi sinh thời gian, công sức, tiền của để nuôi dạy con nên người. Thậm chí, từ trước đó rất lâu, bạn đã phải tích lũy tri thức, từ khi nhỏ học mẫu giáo đến khi lớn lên học nghề hoặc vào đại học, rồi đi làm kiếm tiền để tích lũy cho cuộc sống gia đình. Bạn hi sinh tất cả để được thấy con mình trưởng thành. Tuy nuôi con có những lúc tưởng như kiệt sức, nhưng bao lo toan, vất vả dường như tan biến khi bạn thấy con mình biết giúp đỡ người khác.
Nếu bạn nuôi con vì danh tiếng của bản thân, bạn sẽ chỉ bám chấp vào đứa con của mình, cho rằng con phải thuộc sở hữu của mình mà không nhìn cuộc sống của bậc làm cha mẹ là con đường Đạo. Bạn sẽ luôn đòi hỏi con mình phải thỏa mãn những mong muốn của bạn, bạn sẽ không bằng lòng với những gì con bạn đã làm, bạn cảm thấy những khó khăn đã trải qua có quá nhiều cay đắng và khổ đau. Nếu bạn có tư tưởng sai lầm như vậy, chắc chắn cuộc sống gia đình của bạn sẽ có rất nhiều vấn đề. Bạn sẽ chỉ thấy những trải nghiệm khổ đau, dằn vặt cho đến khi từ giã cõi đời. Đó cũng chính là sự vận hành của cõi luân hồi.
Nuôi con là một trọng trách nặng nề, không hề dễ dàng. Bạn không chỉ có trách nhiệm đối với hạnh phúc của con mình trong đời này mà còn phải dạy con biết chuẩn bị hành trang đối mặt với cái chết, một thời khắc vô cùng quan trọng của kiếp người. Vì vậy, nếu chỉ nỗ lực mang lại cho con những tiện nghi về vật chất hay sự thỏa mãn về tinh thần vẫn là chưa đủ. Điều tối quan trọng là bạn hãy tư duy để nhận ra điều gì lợi lạc nhất cho con bạn trên hành trình cuộc đời, đặc biệt vào thời điểm cái chết xảy đến.
Ai cũng phải chết, điều này không ai có thể tránh được. Không ai có thể trường sinh bất lão. Chính Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra cho chúng ta thấy quy luật này cho dù Ngài đã đạt đến giác ngộ tối thượng, giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi sinh tử, đoạn trừ mọi nhân của khổ đau và nghiệp quả, dứt sạch mê lầm. Ngài đã dạy cho chúng ta về cái chết cho dù Ngài đã đoạn hoặc mọi nguyên nhân của khổ đau, tịnh trừ xúc tình tiêu cực bằng cách chỉ cho chúng ta phương pháp để diệt khổ, hay Đạo đế. Ngài đã cho chúng ta thấy chết là tất yếu cho dù Ngài đã tận trừ được những chướng ngại vi tế nhất bằng con đường Bồ tát đạo. Ngài đã chỉ cho chúng ta quy luật vô thường và cái chết cho dù Ngài đã thành tựu Pháp thân và Sắc thân, viên mãn công đức của Từ bi và Trí tuệ. Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về Vạn pháp vô thường, có sinh thì ắt có diệt. Sau khi Đức Phật thị hiện nhập Niết Bàn, các đại đệ tử của Ngài thực hiện lễ trà tỳ kim thân của Ngài tại Kushinagar, Ấn Độ. Các bậc giác ngộ khi thị hiện nhập tịch đều để lại xá lợi xuất phát từ tâm nguyện lợi ích cho chúng sinh khi có cơ duyên chiêm bái xá lợi.
Con bạn cũng không nằm ngoài quy luật sinh diệt ấy. Tùy thuộc vào nghiệp đã tích lũy mà người con thân yêu của bạn sẽ được tái sinh vào các cõi thấp (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh) hay các cảnh giới tốt đẹp hơn. Bạn cũng có thể chiêm nghiệm trong một ngày, bạn đã tạo ra nhiều nghiệp thiện hay nhiều bất thiện nghiệp hơn. Thông thường, các hành động bất thiện được tạo tác theo một chu trình trọn vẹn hơn và có năng lực tàn phá vô cùng mạnh mẽ. Trong khi đó, một hành động được gọi là thiện nhưng thật ra năng lực “thiện” vô cùng yếu ớt bởi thông thường hành động của chúng ta không xuất phát từ động cơ Bồ đề tâm, khi làm xong hành động, chúng ta lại quên không hồi hướng công đức. Vì vậy, những thiện hạnh đó thường không trọn vẹn.
Ngoài ra, để thực hiện và duy trì các thiện hạnh, chúng ta thường gặp rất nhiều chướng ngại khiến cho năng lực của thiện hạnh đó suy giảm. Khi chúng ta làm một thiện hạnh nhưng không hồi hướng vì sự giải thoát của tất cả chúng sinh thì công đức đó có thể bị thiêu rụi trong một khẩy móng tay bởi một đốm lửa sân giận. Và thậm chí ngay cả khi chúng ta có hồi hướng công đức vì lợi ích của tất cả chúng sinh nhưng vẫn chấp vào năng sở - ta người, không nhận ra hết thảy sự vật hiện tượng là nhân duyên giả hợp, không có thực thể, bản chất của vạn pháp là Tính không, thì công đức đó sẽ lụi tàn bởi tâm phân biệt nhị nguyên tốt xấu, hay dở, hay tâm đố kỵ, kiêu căng, sân giận. Bạn hãy luôn ghi nhớ điều này và thận trọng trong từng lời nói, cử chỉ, suy nghĩ trong cuộc sống thường nhật, để những công đức tích lũy được dù rất nhỏ cũng không dễ dàng mất đi.
Tóm lại, chúng ta cần hiểu rằng để có được một thiện hạnh mang trọn vẹn công đức là vô cùng khó khăn. Thậm chí, nếu đó là một thiện hạnh thật sự, thì cũng sẽ có rất nhiều chướng ngại khiến cho công đức ấy không đi theo chúng ta mãi mãi và phát huy hết năng lực chuyển hóa nghiệp. Chính vì những lý do đó, ngay từ khi còn nhỏ, bạn hãy dạy con mình luôn nỗ lực tạo ra các thiện hạnh và hồi hướng những công đức ấy vì lợi ích của tất cả mọi người, mọi loài. Chặng đường tuy gian nan nhưng bạn hãy bắt đầu từ việc dạy con làm những thiện hạnh dù là nhỏ nhất!
- 445
Viết bình luận