Bài học khó nói nhất với con trẻ
Chúng tôi sống ở thành phố New York, ngợp trong sự phồn hoa của phố thị và trong áp lực về cơm áo gạo tiền. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từ nhỏ tôi đã quen với việc bơi chung với cá mập ở vùng biển đầy cạnh tranh dữ dội. Khó khăn bắt đầu làm vợ chồng tôi phiền muộn và chúng tôi lo lắng cho tương lai của cậu con trai mới tròn 3 tuổi.
Sau vài đêm nói chuyện đến khuya, chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng điều chúng tôi cần là xác định lập trường về cuộc sống, về cách mọi người sống trên thế giới này, về những gì chúng tôi thực sự cần để cảm thấy hạnh phúc.
Với hi vọng tìm được liều thuốc tinh thần, chúng tôi đã cùng nhau du lịch đến Bhutan, một đất nước Phật giáo nhỏ bé bên cạnh dãy Himalaya, nằm giữa hai quốc gia lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu những người phương Tây đã từng nghe nói về Bhutan, chắc hẳn họ sẽ biết đến đất nước này như là “nơi hạnh phúc nhất trên trái đất”. Thực tế, Bhutan đánh giá sự thành công của nhà nước thông qua chỉ số hạnh phúc của quốc gia (GNH), chứ không phải bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hướng dẫn viên của chúng tôi là Kunzang, một người lúc nào cũng tươi cười và tràn đầy nhiệt huyết, đã dạy chúng tôi hát thật to bài hát truyền thống dành cho trẻ em ở Bhutan trong những chuyến đi dài.
Tuy nhiên ở mảnh đất hạnh phúc này, nơi mà mọi người lúc nào cũng vui vẻ và hài lòng với cuộc sống, ngay từ nhỏ, họ đã phải học cách đối diện với những vấn đề nặng nề về sự sống và cái chết. Bởi thế mới nói học cách sống hạnh phúc phức tạp hơn nhiều so với chúng tôi nghĩ.
Chủ đề về cái chết dường như không hề xa lạ với bất cứ ai ở đất nước Phật giáo này. Con người ở đây tiếp xúc với đất đai và các loài động vật hàng ngày. Họ tin vào tầm quan trọng của chu kỳ của đời sống; và họ bình thản chấp nhận cái chết tự nhiên.
Ở Bhutan, đâu đâu người ta cũng treo những cột cờ cầu nguyện – mỗi cái cao từ 4,5 mét đến 9 mét – làm từ những cây dài mảnh và lá cờ làm bằng vải trắng bay phấp phới trong gió nhẹ. Đó chính là lời nhắc nhở về cái chết. Kunzang giải thích rằng những chiếc lá cờ trắng đó được gia đình, bạn bè làm rất công phu để dành cho một người thân yêu đã khuất của họ; những chiếc cờ ấy được cắm thành từng cụm 108 chiếc, và để mặc cho sương gió dần chôn vùi chúng vào đất mẹ. Và trên một đoạn đường núi bấp bênh, cậu con trai của tôi Harper đột nhiên hỏi “Cái chết là gì hả mẹ?”.
Tôi là một người bất khả trị, tôi không theo một tôn giáo nào để có thể được an ủi và xóa đi nỗi sợ hãi về sự chia li và mất mát; và tôi luôn có nhiều gánh nặng trên vai khi sống với tâm thái của một người hiện đại nhìn nhận cái chết. Với tư tưởng giống tôi, chồng tôi rất muốn thảo luận về chủ đề này, anh ấy tin rằng chính ác cảm của mọi người khi đối diện với cái chết là nguyên nhân cốt lõi của nỗi sợ hãi và buồn bã của chúng ta.
Mặc dù tôi không thể nhớ được chính xác chúng tôi đã trả lời Harper như thế nào, nhưng đại ý là: "Ai cũng sẽ chết. Con người và mọi vật vào một ngày nào đó sẽ ngừng cuộc sống lại; và chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến sau đó nữa. Mọi thứ bây giờ đang tồn tại rồi sẽ có ngày quay trở về mặt đất và trở thành một phần của những thứ khác, vì thế, mọi người, mọi vật đều kết nối với nhau".
Và chúng tôi chờ đợi ….tiếng nổ của quả bong bóng chứa đựng sự ngây thơ trong sáng của con trai – đó là điều một khi đã mất đi là không lấy lại được và hoàn toàn là do lỗi của chúng tôi.
Phản ứng đầu tiên của Harper là không tin, sau đó là sợ hãi: “Con không muốn chết. Con không muốn ba mẹ phải chết!” - Nó quả quyết.
Có phải chúng tôi đã gây ra một sai lầm khủng khiếp?
“Không ai muốn chết cả”, tôi tiếp tục, “và chúng ta sẽ không chết rất lâu, rất lâu nữa” (điều mà tôi nghĩ bạn phải nói với con, dù bạn chẳng nghĩ ra được gì khác) và rằng “Con sẽ sống lâu hơn nữa! Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là nghĩ về chính cuộc sống hiện tại của chúng ta và cách tốt nhất để chúng ta có thể sống hạnh phúc mỗi ngày”.
Tôi nói rằng đó là mục tiêu hàng ngày và điều này đáng để chúng ta nỗ lực. Thay vì đợi điều tốt đẹp ở kiếp sau, hoặc sống trong nỗi sợ liên miên, phủ nhận sự hiển nhiên của cái chết, chúng ta hãy hi vọng rằng việc ghim vào đầu con suy nghĩ tích cực về cái chết sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con. Quan trọng là “đó là điều mà ta có thể làm đối với việc mà ta không thể thay đổi được”. Bạn có thể cố gắng gom góp thời gian sống của mình, từng khoảnh khắc bạn còn nhịp thở.
Vài ngày sau đó, Harper thỉnh thoảng buồn bã vì suy nghĩ đến một ngày nào đó nó sẽ mất chúng tôi …nhưng rồi nó cũng có vẻ chấp nhận sự thật này một cách nhẹ nhàng. Nó đôi lần vẫn nhắc tới cái chết, ví dụ như “Con đã nhìn thấy một con chim bị chết hôm nay” hoặc “Khi mẹ và ba chết đi, rất lâu lâu nữa” nhưng trong giọng nói của con không còn sự sợ hãi nữa. Cái chết dường như trở thành một mảnh ghép trong trò xếp hình khổng lồ bức tranh cuộc đời mà thằng bé đang xếp lại với nhau.
Vào một ngày đẹp trời, chúng tôi tình cờ gặp một trung đội lính đang cắm cờ cầu nguyện. Hai người lính gom những cây sậy cao từ cánh rừng xung quanh. Mỗi cây được đặt một đầu tiếp với mặt đất, đầu kia đặt trên một tấm ván lớn và người ta dùng dao phay để bỏ lớp vỏ trên thân. Những người lính khác cẩn thận buộc những chiếc cờ tránh vào đầu cây dọc theo chiều dài của sợi dây. Những chiếc cờ đã buộc xong được đưa đến một điểm trong khu rừng và cắm cạnh những cây cờ khác. Mọi việc diễn ra trong im lặng.
Nhờ sự khích lệ của Kunzang, chúng tôi lặng lẽ quan sát cảnh này một cách tinh tế.
Sau khi nói chuyện với người phụ trách, Kunzang báo cáo lại: “Đó là mẹ của một trong những người lính. Bà ấy đã chết hôm qua. Họ đã tập hợp ở đây để giúp đỡ anh ta và tri ân mẹ của anh ấy”.
Tôi quay đầu nhìn lại trong sự kinh ngạc trước hành động tử tế này và trước mắt tôi là người phụ trách. Anh ta nhỏ bé nhưng có kinh nghiệm và tiềm ẩn một sức mạnh lớn. Trên má anh ta có một vết sẹo dài và sâu.
Tôi đang ôm Harper. “Đến đây nào!” - Anh ta ra hiệu cho chúng tôi. Đầu tôi quay cuồng, cố gắng xác định xem chúng tôi có mắc sai lầm khủng khiếp hay không nếu chúng tôi dừng lại. Tôi sắp trở thành người mẹ tồi tệ nhất của thế giới khi khuyến khích đứa con 3 tuổi của mình đi theo một người lính mà điều duy nhất tôi biết là anh ấy khá giống một đao phủ? Hay tôi hành động như một người mẹ nhút nhát, nấp vào trong chiếc xe, thở gấp và ôm chặt con tôi vào lòng?
Vì tin tưởng cảm giác về hạnh phúc bất ngờ trong tôi, chồng tôi và cả Harper, chúng tôi đã đi theo anh chàng mới quen đó vào trong bụi cờ nơi mà người đàn ông này với vết sẹo dài trên mặt, quỳ sụp xuống cùng với Harper chôn 108 cây cờ cạnh nhau.
Chỉ với vài câu nói: “Tốt rồi bé yêu! Cháu giỏi lắm” – Harper đã mỉm cười tự hào. Nó biết rằng nó vừa được mời làm một việc rất đặc biệt. Nó đã giúp tôn vinh một người lạ - người đã ra đi tới một nơi nào đó trong lòng đất mẹ. Một người phụ nữ đã nuôi dưỡng con trai của bà thành một người con biết yêu thương mẹ. Trên một đỉnh núi xa xôi ở một đất nước xa xôi, anh ta trở thành một phần của thứ gì đó lớn lao hơn bản thân mình.
Mọi người sẽ nói với bạn rằng mang theo con nhỏ đi du lịch giống như tự chuốc lấy một sự phiền phức không đáng có. Tôi không đồng ý. Có rất nhiều buổi sáng ở New York, Harper nói rằng: “Mẹ ơi, bây giờ là tối ở Bhutan và mọi người sắp đi ngủ”. Nó biết rằng ở nửa bên kia trái đất có một quốc gia có nhiều dãy núi cao chạm trời hơn là những tòa nhà chọc trời; và con người ở đó sống khác với chúng ta.
Trong 2 tuần ở Bhutan, chúng tôi đã được đối đãi rất tử tế bởi những người dân có ít của cải hơn chúng tôi; vì thế sự ấm áp và kết nối dường như lớn dần trong chúng tôi. Để sống hạnh phúc, với tôi, điều đó phải đến từ tình yêu đối với cả những người xa lạ; từ lòng tin vào mọi điều đúng đắn; từ việc xác định lập trường sống ý nghĩa cùng với tất thảy những người tôi yêu quý.
(Theo Ali Smith
https://www.huffingtonpost.com)
- 473
Viết bình luận