Tỉnh thức để dạy con chuyển nghiệp thành nguyện
Đừng ngại mình thất học, đừng ngại mình không có thời gian, đừng ngại mình không có ngoại ngữ mà chỉ ngại rằng tâm mình chưa đủ bình yên. Hãy dạy con trong sự tỉnh thức, sáng suốt.
“Nếu tâm hồn mình đầy sự tức giận, tham lam và u minh thì cho dù có đọc hàng trăm cuốn sách dạy con thì những phụ huynh đó cũng chỉ đem lại cho con mình bất hạnh mà thôi” - Tiến sĩ Lê Nguyên Phương – tác giả cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” chia sẻ cùng bạn đọc:
“Chìa khóa” chung trong việc giáo dục con cái không phụ thuộc vào sự uyên bác của cha mẹ. Nó tùy thuộc vào sự tỉnh thức và thương yêu. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào sự từ bi và trí tuệ của cha mẹ.
Từ bi và trí tuệ không chỉ giúp trưởng thành mà còn dạy con người sống hạnh phúc. Muốn vậy phải "chuyển hóa chính mình".
Tại sao phải “chuyển hóa chính mình”? Là vì từ lúc sinh ra, chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau. Nếu không hóa giải những khổ đau đó, thì cả đời chúng ta sẽ bị những cảm xúc tiêu cực đeo bám. Sự sân si, thù hận, oán giận không chỉ như biển bùn nhấn chìm tâm hồn chúng ta mà còn biến con cái chúng ta thành nạn nhân. Không chỉ xây đê, đắp đập, mà chúng ta còn cần phải tháo cạn biển bùn ấy, hóa giải những khổ đau. Đừng để những cảm xúc tiêu cực truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Một người mẹ, người cha muốn dạy con sống hạnh phúc phải làm gì?
Câu trả lời rất đơn giản. Cha mẹ muốn con mình hạnh phúc thì trước tiên phải hiểu hạnh phúc là gì và sống hạnh phúc. Nhẹ nhàng xả đi những tham vọng, hóa giải những hận thù, chuyển hóa chính mình để từ đó dạy con hạnh phúc.
Mặt trái của “sự kỳ vọng”
Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều trẻ em có biểu hiện tâm thần, nguyên nhân một phần do áp lực học tập từ chính phụ huynh và nhà trường. Người lớn chúng ta đã đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên những đứa trẻ.
Phụ huynh luôn ao ước con cái thành công trên đường đời. Và những ước ao đó được đặt cho một mỹ từ đó là “sự kỳ vọng”. Các bậc làm cha mẹ hãy xét lại. Đó là ao ước của con mình hay đó chính là sự tham lam ích kỷ của cha mẹ? Nếu đó chỉ là sự tham lam muốn con đem lại cho mình niềm kiêu ngạo là gia đình mình “sản xuất” ra được những đứa con giàu có, giỏi giang thì hãy ngưng lại.
Với một động lực như vậy, phụ huynh đó chỉ có thể đẩy con tới sự hủy diệt. Và gián tiếp sẽ dẫn đến một xã hội hủy diệt mà thôi. Các em có thể thành công, thế nhưng theo tôi, chúng sẽ không có hạnh phúc. Các em sẽ không bao giờ cảm thấy là đủ. Cả cuộc đời các em sẽ không bao giờ biết đến hạnh phúc mà luôn luôn có một động lực rất tiêu cực. Thậm chí dẫn đến tàn ác và làm cho tâm hồn nó kiệt quệ.
Triết gia Lý Đông A đã nói: “Nuôi thân thì sinh nô tài. Nuôi trí thì sinh nhân tài. Nuôi tâm thì sinh thiên tài”. Chúng ta đã và đang nuôi con cái và dạy dỗ học sinh với những nghiệp quả tham sân si của chúng ta.
Như vậy, điều quan trọng là hãy dạy các em trong tỉnh thức. Nói theo Phật giáo là chúng ta hãy chuyển Nghiệp thành Nguyện.
Thay vì dạy con trong sân hận, chúng ta sẽ dạy con trong từ bi. Thay vì dạy con trong tham lam, chúng ta sẽ dạy con trong hỉ xả. Thay vì dạy con trong vô minh, chúng ta sẽ dạy con bằng trí tuệ.
Học làm cha làm mẹ là một nghệ thuật không dễ. Không phải ai cũng có một nền tảng học vấn tốt để có thể tìm cho con mình một phương pháp giáo dục đúng đắn?
Trường tốt nhất chưa phải là cách tốt nhất để giáo dục con
Trong một diễn đàn trao đổi với các nhà giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phật giáo đến từ Đại học Tự viện danh tiếng Tango (Bhutan), Đức Gyalwa Dokhampa – Bậc thầy giác ngộ khuyên rằng: “Cha mẹ cần chỉ dạy cho trẻ sự hiểu biết về giá trị của hạnh phúc đến từ rất nhiều nhân tố khác nhau trong đó có một nhân tố rất quan trọng đó là sự an bình của nội tâm”.
Hiện tại nhiều bậc phụ huynh vất vả cố gắng để cho con mình có được sự giáo dục tốt nhất, tìm cách xoay xở tìm cho con mình những trường học tốt nhất ở Mỹ, Anh, thế nhưng điều đó chưa đủ bởi chúng ta cho con mình rất nhiều điều kiện để phát triển nhưng chúng ta lại quên mất việc dành cho con cái thời gian để chúng ta chăm sóc, gần gũi. Chúng ta quên việc dành thời gian để bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm đến với con cái. Chúng ta cũng cần xem xét lại cách gửi con mình đi học những trường tốt nhất chưa phải là cách tốt nhất để đào luyện cho các cháu trở thành những người trưởng thành, có đạo đức.
Đối với giới trẻ hiện nay, chúng ta cũng nên dần dần nhắc nhở để các cháu biết rằng không phải cả 100 người đều trở thành triệu phú, không phải cả trăm nghìn người đều là ngôi sao điện ảnh. Chúng ta cần nhắc nhở để các cháu biết rằng hạnh phúc không chỉ đơn độc đến từ sự thành công, giàu có, địa vị, quyền lực mà đến từ rất nhiều nhân tố khác nhau trong đó có một nhân tố rất quan trọng đó là sự an bình của nội tâm.
Sự an bình của nội tâm trong đạo Phật được gọi là thực hành giáo pháp. Đó có thể là sự thực hành thông qua sự thực tập về thiền định, tụng niệm. Sự an bình đó đóng góp một phần quan trọng cho nền tảng của hạnh phúc.
Trên dãy Himalaya, trên đỉnh dãy núi tuyết sơn không phải chỉ những vị tăng ni, những vị xuất gia học về những kiến thức trên mà ngay cả những Phật tử, thanh thiếu niên tuy không xuất gia nhưng cũng được gửi vào các ngôi chùa, các học viện để học những môn như nghệ thuật, khoa học, vũ trụ học… Sự phát triển kiến thức như vậy trong các tu viện ở trên dãy Himalaya 30 – 40 năm nay đã và đang phát triển, hướng dẫn cho những vị xuất gia, những vị tu sĩ, hoặc thanh thiếu niên.
Về sự giáo dục, tại sao đạo Phật lại rất cởi mở trong việc đón nhận tất cả mọi kiến thức và phương pháp giáo dục? Bởi vì trong đạo Phật, giáo dục không chỉ là việc trao truyền kiến thức một cách thụ động mà là phương pháp giúp mỗi người trở thành những con người hoàn hảo, sống tốt để bản thân có cuộc sống tốt, có khả năng giúp đỡ, đem sự bình an đến tất cả mọi người.
(Phổ Hiền tổng hợp)
- 1143
Viết bình luận